Thứ tư 26/03/2025

NỘI DUNG CHÍNH

Tản mạn chuyện ba ngày Tết

         NGUYỄN TẤN QUỐC
          Đã có ý kiến là có nên bỏ tết Âm lịch, ăn tết Dương lịch. Từ mỗi góc nhìn riêng, ai cũng có cái lý của mình.
          Không như phương Tây, người ta dùng cụm từ đón tết Dương lịch, thì người Việt ta dùng cụm từ ăn Tết. Ăn Tết của ta rất phong phú ý nghĩa, không phải chỉ có nghĩa là ăn uống trong ba ngày Tết mà nội hàm của nó chứa đựng rất nhiều thứ, từ sinh lý con người đến nhân cách, tâm linh và xã hội tính, nói chung, rộng ra là rất nhiều biểu hiện của văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần được bộc lộ ra trong ba ngày Tết. Bởi sự vui chơi trong những ngày Tết không đơn thuần là sự hưởng thụ thuần túy như trong tư duy người phương Tây mà còn là đối nhân xử thế, bày tỏ niềm vui, tạ ân phước của trời đất, tưởng nhớ ông bà tổ tiên đã khuất, hiếu để cha mẹ thân nhân còn sống, và còn thể hiện lòng tin nơi các đấng linh thiêng khác. Ba ngày Tết không hẳn có tính chất số học, xác định cụ thể của những ngày Tết, mà đây cũng còn được hiểu là một sự vẽ phác bao quát một số ngày vui Tết tùy vào điều kiện thưởng Xuân vui Tết của từng người. Xưa, ba ngày Tết kéo dài “hết mùng thì tới mền”, nay, “co giãn” sao cho phù hợp với đời sống đương đại, văn minh, văn hóa và đảm bảo công việc, nhưng do lễ tục, tập quán và lòng thành chân thiện, có thể thấy vẫn có một “mẫu số chung” trong ứng xử,  cách sống của người Việt trong ba ngày Tết khác hẳn với ngày thường.
          Cuộc mưu sinh làm cho con người ta quần quật cả năm, có lúc như cái máy mà trở nên dè sẻn, thận trọng, thậm chí ích kỷ ..., nhưng trong ba ngày Tết thì tay bắt mặt mừng, luôn miệng chúc tụng may mắn với mọi người, tâm tình cởi mở, lòng dạ vị tha, rộng rãi tiền bạc...
          Ba ngày Tết với những dấu hiệu về không gian, thời gian khiến cho con người hơn bao giờ hết trong 365 ngày, luôn có sự vui tươi và niềm tin lớn trong cuộc sống với những hứa hẹn, hoài mong những thuận lợi cùng mơ tưởng nhiều hạnh phúc, nên ai ai trên cửa miệng cũng giòn giã những lời chúc tụng về sức khỏe, tài lộc, phú quí, cơ may, thành đạt trong năm mới…
          Ăn Tết còn là dịp để người ta thể hiện phận sự hiếu để, tưởng nhớ công ơn tổ tiên, chăm sóc lại mồ mả người đã khuất, bàn thờ gia tiên, nơi cúng giỗ, để người đi xa quay về nơi chôn nhau cắt rốn, cội nguồn dòng họ để sum họp thân nhân, thăm nom, phụng dưỡng người cao tuổi... Những người làm ăn khá giả, thành đạt, nhân ba ngày Tết giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh..., đồng thời họp mặt nhau không để chỉ ăn uống mà còn chấn chỉnh lại nền nếp gia phong, duy trì lễ giáo, sửa sang từ đường, cố kết dòng tộc... Ba ngày Tết còn là dịp để các nhà từ thiện, những tấm lòng nhân ái hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước hướng về cộng đồng với tấm lòng chia sẻ, làm sao để mọi người, nhất là gia đình chính sách, người nghèo… đều có Tết. Nói chung là dịp để nhân lên những giá trị đạo lý, nhân văn tốt đẹp.
          Những biểu hiện vui chơi và thụ hưởng, cống hiến và chia sẻ trong môi trường lễ giáo và có trách nhiệm trong cả hai bình diện gia đình và xã hội như vậy trong ba ngày Tết mới đích thực là ăn Tết theo kiểu truyền thống của người Việt Nam.
          Ở bình diện khác, ăn Tết, ba ngày Tết ở ta còn lắm điều thú vị, thật khó giải thích cho thỏa đáng. 
          Cuộc sống không phải ai cũng gặp thuận lợi suôn sẻ nên lắm người khổ sở vì Tết, bởi hết năm hết tháng mà vẫn phải chạy ngược chạy xuôi, vay chỗ này đắp chỗ nọ cốt chỉ để là đến giao thừa cho yên tâm mà lo ba ngày Tết. Nhiều người mất khả năng chi trả, phải liều trốn nợ không dám gặp mặt ai nhưng gì thì gì, đến đêm ba mươi cũng mò về nhà đóng cửa lại thu dọn, lo ba ngày Tết mà cảm thấy yên trí vô cùng kể từ đêm ba mươi, chí ít cũng trong ba ngày Tết, bởi không kiêng cử cho mình thì cũng cho người trong ba ngày Tết, người chủ nợ nếu không muốn mang tiếng ác cả năm.
          Cũng thật buồn cười và không kém phần thú vị là vừa mới chiều ba mươi người ta còn cự cãi, thậm chí mắng nhau như tát nước vào mặt, vậy mà sáng mồng Một bỏ qua mọi chuyện, chúc tụng nhau rôm rả. Tất nhiên, với anh em, bà con họ hàng, có bao nhiêu là giận hờn hay những chuyện không vừa lòng khác nhưng đến hết ngày ba mươi thì đều tạm bỏ qua hết. Tệ lắm thì những chuyện buộc phải giải quyết thỏa đáng chỉ có thể là sau ba ngày Tết, khi cuộc sống trở lại bình thường thì mới đặt lại vấn đề.
          Có những đứa con hư đi lang bạt quanh năm suốt tháng, làm chuyện bậy bạ ..., nhưng đến đêm ba mươi Tết thì cũng lò mò vác mặt về nhà; bình thường, gia đình buồn giận không muốn thấy mặt, nhưng trong ba ngày Tết thì có sự bao dung kỳ lạ: Thôi kệ, để nó ăn Tết, xong ba ngày Tết rồi thì tính gì thì tính (!).
          Một người sắp chết, hấp hối thêm một giờ nữa sau giờ giao thừa là tính thọ thêm một tuổi. Đứa trẻ ra đời trước giờ giao thừa là bắt đầu lên hai tuổi. Không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, người tài cao học rộng hay người chẳng biết một thứ gì, ai cũng cảm thấy mình như vứt bỏ một chuỗi ngày cũ kỹ đi để bắt đầu những chuỗi ngày mới với biết bao là hy vọng; nén bỏ đi những buồn phiền, để không làm buồn phiền ảnh hưởng đến người khác, giấu kín những đau khổ, không để gương mặt “đưa đám” làm mất niềm vui của người khác trong ba ngày Tết.
          Cảm giác như cả một guồng máy xã hội như ngừng cả lại cùng với bầu không khí ngưng đọng để chờ đón thời khắc giao thừa. Đình, chùa, miếu mạo cũng chỉ cúng một lần chót, lần tất niên rồi nghỉ qua năm mới. Nếu không phải là giặc giã, cháy nhà, cướp bóc, giết người hại của hoặc bất khả kháng, việc quan trọng mấy cũng tạm nghỉ, từ giao thiệp, làm ăn, học hành, kiện cáo..., thậm chí kiếm được nhiều tiền hơn, nhiều người cũng không bao giờ làm trong ba ngày Tết. Thậm chí đến cầm cây chỗi quét rác trong nhà, người ta cũng chẳng màng, mà có nhiều lý giải cho tập quán mang tính kiêng cữ này nhưng đa số vẫn cho là để cho cái ý niệm nghỉ ngơi trong ba ngày Tết thực sự là hoàn toàn nghỉ ngơi, cho tâm hồn và thể xác hòa với sắc Xuân.
          Rõ ràng, không có ngày nào giờ nào khác trong năm lại có năng lực ghê gớm khiến mọi người phải như vậy. Phải chăng có sự ảnh hưởng của kiêng cử ? Hỏi tại sao thì chẳng ai biết rõ và cũng không ai cần biết rõ mà chỉ biết rằng thế mới là ăn Tết, bởi Tết rất thiêng liêng và như thế mới là ứng xử đúng trong ba ngày Tết.
          Đã có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cổ kim mất công lý giải, tranh luận có nên chuyển sang ăn tết Tây, chí ít như một số quốc gia Châu Á có văn hóa tương đồng như chúng ta với quan điểm theo xu thế hội nhập…, nhưng người Việt Nam đã ăn Tết, vẫn ăn Tết và có lẽ sẽ còn ăn Tết. Phải chăng, vì đó không chỉ là một cái thú mà Trời Đất đã dành riêng cho con người biết thưởng thức cái giờ phút đẹp nhất của vũ trụ trong một năm, mà còn là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Biểu hiện văn hóa hay di sản văn hóa chỉ có thể tồn tại khi nó khoác lên mình chiếc áo thời đại mà nó đang sống. Từ góc tiếp cận di sản văn hóa, cũng như bao tập tục, tập quán truyền thống khác, vấn đề là “Ba ngày Tết” cần phải luôn được “gạn đục khơi trong”, loại bỏ những gì không còn phù hợp với cuộc sống đương đại, phát huy những giá trị nhân văn tốt đẹp để ngày tết cổ truyền của chúng ta trường tồn, văn hóa, văn minh./.
                               
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 16

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 15


Hôm nayHôm nay : 1511

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 616380

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12015274