Chiều nào tôi cũng trèo lên cây mận bên hông nhà ngó qua sân phía bên kia rồi nuốt nước miếng thở dài. Suốt nhiều năm, nhiều tháng trong những giấc mơ, tôi luôn thấy khuôn mặt người đàn ông ấy, thân thiết sống động và mơ hồ trong trẻo tiếng cười tôi âm vang.
Mười sáu tuổi tôi khát thèm có một người đàn ông trong nhà. Đóng một cây đinh, khiêng một cái cối hoặc tôi hoặc ngoại phải chạy qua hàng xóm mượn nhờ. Ngoại già quá. Gánh hàng rong trên vai ngoại trĩu oằn khiến lưng ngoại đã còng lại còng thêm. Bán đất bán nhà ở dưới quê lên con hẻm nhỏ trong lòng thị xã cho tôi tiện việc học hành, ngoại đâu biết đã vô tình thay đổi khuôn mặt đàn ông trong những giấc mơ tôi. Người đàn ông phía bên kia con hẻm có khuôn mặt của Chúa Giê xu trên thập tự giá. Sáng đẩy xe bánh bao đi bán, trưa về nấu cơm, chiều nhồi bột chiên bánh tiêu, giò cháo quẩy để tối đi bán tiếp, người đàn ông là trụ cột của mái nhà xiêu vẹo, có người mẹ mù lòa, người vợ tâm thần và hai đứa con còn tuổi đi học. Nụ cười hiếm hoi của người đàn ông lúc tôi đưa giúp người vợ tâm thần đi lạc về đến ngõ khiến tôi rưng rưng, bồi hồi:
-Mình đừng đi đâu mà không có tôi. Đi lạc là người ta bắt đó nghe mình”
Đôi mắt người đàn bà trong tích tắc mất đi vẻ lạc thần khi nghe giọng nói ngọt như có đường. Đêm ấy tôi nằm mơ thấy mình là người đàn bà tâm thần đi lạc lúc ban trưa.
***
Ngoại mất lúc tôi mang bầu ba tháng. Đứa con tôi nếu được chào đời chắc cũng có mái tóc đen bù xù, râu quai nón xanh mướt phủ quanh mép tai cho đến tận cằm như ba của nó – một phiên bản mà tôi tìm thấy nơi giảng đường đại học. Có điều phiên bản không bế tôi đặt ngồi kên đùi, trìu mến vuốt tóc tôi, hôn lên chóp mũi đẹp như mũi Cleopat của tôi mà ôm siết tôi từ phía trước, hôn như điên dại lên môi, xục xạo vò nắn hai bầu ngực căng tròn rồi lần tay xuống thấp.
-“Anh yêu em. Anh dành cả cuộc đời để yêu thương chăm sóc em”.
Tôi mụ mẫm trong vòng tay mê đắm. Tôi tưởng như mình đang nghe: “Con gái cưng của ba”. Tôi muốn cười khúc khích nhưng không thể.
-“Xin lỗi. Anh không biết em là con gái nguyên”.
Tôi khóc. Trong mắt lệ mờ, khuôn mặt trong những giấc mơ thuở bé nhập nhoạng với phiên bản hiện đại thời @.
***
“Ngoại bệnh nặng. Về ngay”
Tôi đưa phiên bản về con hẻm nhỏ để chỉ kịp nhìn ngoại trút hơi tàn. Mở mắt ra tôi ngơ ngác, hụt hẩng không nhìn thấy phiên bản bên cạnh.
-“Cậu ấy đi rồi. Đi lúc cô ôm đôi quanh gánh của bà ngất đi”.
Tôi đọc những dòng chữ viết vội vàng mà nghe cay đắng tận đáy hồn. “Xin lỗi em về tất cả. Tôi không muốn dối lừa em thêm nữa. Ba mẹ đã chọn người đính hôn cho tôi. Em hãy tự lo cho chính mình”.
Tiếng khóc của tôi trong ngôi nhà lá tồi tàn chắc là thê lương lắm. Vì ngoại thì ít mà giấc mơ rách nát thì nhiều. Cũng may là ngoại đã ra đi trước lúc biết được khuôn mặt người đàn ông tôi mong ước suốt thời thơ ấu.
Tường trắng, áo trắng, trần nhà trắng. Tiếng kim khí va loảng xoảng nghe như vọng từ cõi nào xa lắc. Trong mơ màng của cơn mê, tôi nghe những tiếng thầm thì xa lạ, rời rạc:”Cái thai lớn quá”, “cắt bỏ tử cung”, “vô sinh”.
Năm đó tôi hai mươi tuổi. Hai mươi bốn tuổi tôi bắt đầu từ những mảnh vụn góp nhặt sau cơn bão số hai. Cơn bão số một quẳng tôi cút côi cho ngoại già nua. Giọt máu hình trái tim mà sao ai nỡ đoạn đành. Tôi khóc cười ngây ngô mặc sóng to gió cả, không biết không hay ngoại tím ruột bầm gan. Sao tôi nỡ đoạn đành… Tôi rớt nước mắt, cười điên dại, bầm gan tím ruột thương đứa con chưa trọn vẹn hình hài.
Giám đốc công ty nơi tôi làm việc có gương mặt hao hao giống người đàn ông có vợ bị bệnh tâm thần. Nụ cười đắc thắng, mãn nguyện của giám đốc lúc gục đầu trên ngực tôi khiến tôi hoang mang lẫn lộn giữa thực và mơ.
-“Anh không hề yêu cô ấy. Anh không nỡ ly dị vì thương con gái anh. nhưng có em rồi anh phải hạ quyết tâm. Ráng chờ anh…”
Tôi chờ anh. Chờ mỗi sáng anh đến công ty thật sớm để kịp tốc váy tôi, đè sấp xuống mặt bàn. Chờ anh ở phòng trọ mỗi chiều, để anh buông vội cây vợt tennis lao vào tôi nhấm nháp, ngốn ngấu.
Một năm. Hai năm. Đứa con trai cô ấy đẻ giống anh như tạc. Nụ cười hạnh phúc của gia đình giám đốc trong album mừng ngày sinh nhật quý tử chuyền tay từ nhân viên phòng này đến nhân viên phòng khác. Tôi chết lặng trong lòng, không phải vì ánh mắt giễu cợt, nụ cười bí hiểm của các đồng nghiệp trong công ty.
Giờ thì không còn khuôn mặt người đàn ông nào chập chờn trong chiêm bao tôi khi đêm về. Chỉ có những khuôn mặt trắng bách, đen sì, vàng ệch, đỏ ké… tròn, dài… rất thật, rất ham hố, ngấu nghiến, chà xát khắp thân thể nõn nà tôi. Chuyện cổ tích ngàn lẻ một đêm với đoạn kết không có hậu. Tôi chợt thèm có được một khuôn mặt đàn ông trong những giấc mơ hiếm hoi vì đêm còn quá ngắn. Khuôn mặt một người đàn ông không dục vọng vò xé tận hưởng thân thể tôi, mà dịu dàng nâng niu ôm lấy trái tim tôi, tâm hồn tôi từ lúc bé thơ đến khi trưởng thành. Tôi vẫn khát thèm được nhìn thấy khuôn mặt người đàn ông ấy, dẫu chỉ là trong giấc mơ.Nguyễn Thị Tuyết Mai
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 37
Hôm nay : 1448
Tháng hiện tại : 33043
Tổng lượt truy cập : 10504089