Thứ bảy - 31/05/2025 10:31
THÁNG 4/1975 TRONG KÝ ỨC MỘT CỰU CHIẾN BINH
Quân giải phóng vượt cầu Tân An tiến vào giải phóng TX Tân An.
50 năm đã qua kể từ ngày cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975 giành toàn thắng. Thời gian không làm phai nhạt, mà chỉ càng làm rõ nét hơn chiến công vĩ đại của quân và dân ta. Trong ký ức không bao giờ phai mờ của một thời chinh chiến xông pha trận mạc góp phần giải phóng quê hương Long An của Đại tá Bùi Đức Trần - Nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 5, Trung Đoàn 2, Sư đoàn 5 - Đơn vị trực tiếp tham gia giải phóng thị xã Tân An (nay là Tp.Tân An), hình ảnh ngày 30/4/1975 thật hào hùng.
Được nhân dân huyện Thủ Thừa hỗ trợ phương tiện vượt sông, 21 giờ ngày 26/4/1975, Trung đoàn 2 bí mật hành quân chiếm lĩnh vị trí triển khai chiến đấu sau khi được LLVT địa phương dẫn đường vượt qua các chốt, đồn bót địch vào đúng địa điểm, đảm bảo thời gian quy định của cấp trên.
Trước đó, dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ, cấp trên đã thông báo tình hình để các đơn vị tham gia chiến dịch nắm: “Với ý đồ giữ thông tuyến đường huyết mạnh để quân từ đồng bằng sông Cửu Long về ứng cứu Sài Gòn khi cần thiết, hoặc rút chạy về cố thủ ở đồng bằng sông Cửu Long khi tình huống xảy ra. Địch đã bố trí lực lượng từ ngã ba Nhị Bình đến thị xã Tân An một lượng lực lượng rất lớn gồm Trung Đoàn 42 và 1 Tiểu đoàn Bảo An với quân số gần 3.000 tên, được hỏa lực pháo binh và không quân chi viện. Chúng tổ chức phòng ngự thành hai tuyến: tuyến ngoài cách lộ 4 (quốc lộ 1 ngày nay) từ 1 đến 2 km là các đồn bảo an xây dựng kiên cố, có từ 3 đến 5 lớp hàng rào thép gai. Tuyến trong là các đơn vị của Trung đoàn 42 tổ chức các chốt cơ động dã ngoại, được tăng cường xe tăng, thiết giáp đóng chốt chủ yếu ở giao lộ tỉnh lộ 2 và quốc lộ 4, phía bắc cầu Voi và cầu Tân An.
5 giờ 15 phút ngày 27 Tiểu đoàn 4 triển khai xong trên hướng chủ yếu khu vực đông rạch Cầu Ngang (Tây lộ 4). Tiểu đoàn 5 (do ông Trần làm Chính trị viên) vượt qua Đông lộ 4, triển khai xong trận địa lúc 4 giờ 45 phút. Đại đội 7 của Tiểu đoàn 5 đã xây dựng xong trận địa chốt chặn ở Gò Kho… Riêng Tiểu đoàn 6 do quá trình chiếm lĩnh gặp địch nống ra tại Tây Bắc thị xã Tân An nên phải lui lại 1.000m.
4 giờ 55 phút ngày 27/4, Đại đội phá binh của Trung đoàn khai hỏa pháo phản lực H12 (còn gọi là hoả tiễn H.12 do Liên Xô viện trợ) vào chốt địch ở bắc cầu Voi phát lệnh co toàn Trung đoàn đồng loạt nổ súng tấn công. Xung kích của Tiểu đoàn 4 đánh vận động vận động ra chiếm lĩnh lộ 4 (Quốc lộ 1 ngày nay), sau đó đánh chiếm và cắm chốt khu vực phía Nam Cầu Voi (xã Nhị Thành, Thủ Thừa).
Trước nguy cơ bị chia cắt Sài gòn với vùng 4 chiến thuật (Đồng bằng sông Cửu Long ), ngay lập tức địch điều động bộ binh và xe tăng từ thị xã Tân An đánh lên và lực lượng Trung đoàn 42 từ Bắc cầu Voi đánh xuống nhằm giải tỏa lộ 4. Trước lực lượng và hỏa lực của địch áp đảo, cán bộ chiến sỹ Đại dội 1 Tiểu đoàn 4 và Đại đội 7 Tiểu đoàn 5 chốt giữ cầu Voi và Gò Kho cùng các đại đội trong Tiểu đoàn kiên cường đánh lui nhiều đợt phản kích của địch sang hướng Tây ngã tư tỉnh lộ 2 và lộ 4, diệt 30 tên địch.
Sau một ngày chiến đấu ác liệt với địch, toàn Trung đoàn như được tiếp thêm sức mạnh khi Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Dương quý Mão ra lời kêu gọi “Chiến dịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu, nhiệm vụ của các đồng chí là chốt chặn cắt đứt Lộ 4, nếu có thời cơ thì phối hợp với địa phương đánh chiếm và giải phóng thị xã Tân An”.
Căn cứ vào tình hình địch, ta, Ban chỉ huy Trung đoàn kịp thời điều chỉnh phương án chiến đấu mới cho phù hợp với diễn biến trên chiến trường: Trung đoàn sẽ sử dụng Tiểu đoàn 4 đánh chiếm cầu Voi, một đại đội của Tiểu đoàn 5 đánh phía đông Cầu Voi, tập trung toàn bộ lực lượng của Tiểu đoàn 6 tiến công đánh chiếm dứt điểm Đồn Rạch Ngang (rạch Ngang chảy qua địa bàn 2 xã Bình Thạnh và Nhị Thành, huyện Thủ Thừa), tạo thế đứng chân vững chắc cho Trung đoàn thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm và chốt chặn lộ 4. Cùng thời gian, Trung đoàn 3 của Sư đoàn 5, tiến công chi khu Thủ Thừa, Trung đoàn 1 bao vây thị trấn Tân Hiệp (Tiền Giang) và tiến công đánh chiếm cầu Tân Hương. Kết quả sau một đêm chiến đấu gay go, ác liệt (đêm 27/4), Trung đoàn đã đánh chiếm lại cầu Voi, củng cố chốt Gò Kho, cơ bản cắt đứt lộ 4, mặc dù tổn thất khá lớn.
Sáng ngày 28/4, địch tập trung lực lượng mạnh phản kích rất quyết liệt hòng giải toả lộ 4, quân ta dũng cảm chiến đấu nhưng trước hỏa lực rất mạnh của địch nên phải lui về phía tây cầu 800 m, 8 giờ ngày 28/4 địch chiếm lại cầu Voi. Trong khi đó, đại đội 7 Tiểu đoàn 3 vẫn trụ vững tại Gò kho, hiệp đồng cùng Đại đội 6 vận động đánh vào bên sườn địch, buộc địch lùi về phía ngã để tư củng cố lực lượng.
Đêm 28/4, Tiểu đoàn 4 tổ chức đánh chiếm lại cầu Voi nhưng không dứt điểm. Trên hướng Tiểu đoàn 5 (đông lộ 4), Đại đội 5 đánh chiếm được một cụm địch ở đông cầu Voi lúc 5 giờ sáng, sau đó Tiểu đoàn 5 cùng Đại đội công binh củng cố chốt và lập thêm các chướng ngại vật trên lộ 4 cản bước tiến công của quân địch.
Ngày 29/4, địch tiếp tục dùng bộ binh, xe tăng từ hai đầu đánh vào phía bắc cầu Tân An và nam cầu Voi, đưa lực lượng chốt ngay trên lộ 4 (ở nam cầu Voi, đoạn giữa chốt của Đại đội 3 và Đại đội 7). Trong đêm Trung đoàn tổ chức một số trận tập kích đánh vào đội hình địch với hiệu suất khá cao.
Sáng ngày 30/4, sau khi hoả lực Trung đoàn bắn vào 3 vị trí địch chốt từ cầu Voi đến ngã tư lộ 2, theo kế hoạch Tiểu đoàn 4 nổ súng tiến công cụm chốt của địch ở nam cầu Voi, Tiểu đoàn 5 đánh địch vòng ngoài, tiến công các chốt dã ngoại. 5 giờ 10 phút, Tiểu đoàn 4 đánh chiếm được cầu Bình Mỹ, làm chủ lộ 4. Đại đội 5 và Đại đội 7 về vị trí chốt củng cố lại trận địa, sẵn sàng đánh địch phản kích.
9 giờ sáng ngày 30/4, Tiểu đoàn 5 bắt liên lạc với đội biệt động Thị xã và nổ súng đánh chiếm cầu Tân An. Địch dùng Tiểu đoàn 303 cùng với tàn quân Sư đoàn 22 quyết tâm “tử thủ” xe tăng địch dàn hàng ngang bên cầu, dùng pháo 105mm bắn thẳng vào đội hình chiến đấu của ta, 12 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh ngay đầu cầu. Trước tình huống đó, Tiểu đoàn dùng các loại hỏa lực bắn chế áp địch, bắn cháy 1 xe tăng ngay tại chân cầu. Trong khi trận chiến đấu đang giằng co quyết liệt, thì ta phát hiện ở phía cầu Sắt (cầu cũ) lực lượng phòng ngự của địch tương đối yếu, nên đã lợi dụng địa hình, bí mật tiếp cận và bất ngờ tấn công qua cầu. Bị bất ngờ quân địch phòng thủ cầu Tân An rối loạn và rút chạy.
Thừa thắng xông lên, các chiến sỹ Tiểu đoàn 5 nhanh chóng truy kích địch, một ổ đề kháng cuối cùng ngay ngã 3 bưu chính viễn thông vẫn còn ngoan cố chống cự, chúng bất ngờ nổ súng vào đội hình đại đội 7, 2 chiến sỹ của ta tiếp tục ngã xuống, tuy nhiên ổ đề kháng này nhanh chóng bị quân ta đè bẹp.
Cửa vào thị xã đã mở toang. Đại đội 6 nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm căn cứ 33 (sân vận động hiện nay). Đại đội 7 phát triển vào đánh chiếm dinh tỉnh trưởng (UBND tỉnh hiện nay). Đội hình của Đại đội 7 tiến quân qua khu vực chợ vẫn tiếp tục gặp phải sự chống trả của tàn quân địch. Chiến sỹ Nguyễn Văn An quê ở Hải Phòng đã ngã xuống ngay chân cầu đúc vì một viên đạn bắn lén từ dãy nhà lầu bên đường vào lúc 11giờ 30 phút.
12 giờ trưa ngày 30/04/1975 thị xã Tân An hoàn toàn giải phóng, người dân thị xã xuống đường hò reo, chào đón đoàn quân giải phóng.
Trung Dũng (Thực hiện)
Ảnh: Đại tá Bùi Đức Trần (quân phục trắng) - Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 5, Trung Đoàn 2, Sư đoàn 5 - Tham gia tọa đàm “Ký ức tháng tư” tại Tp Tân An tháng 4/2005.
Ảnh 2: Tiểu đoàn 5, Trung Đoàn 2, Sư đoàn 5, vượt cầu Tân An tiến vào giải phóng thị xã Tân An.
Trung Dũng