Thứ năm - 19/09/2024 20:58
KÝ ỨC THỜI CHIẾN: ĐÊM BIỂU DIỄN KHÔNG NHÌN THẦY KHÁN GIẢ
Từng là diễn viên, rồi Trưởng đoàn Ca Múa của tỉnh Long An, tôi cùng tập thể của đơn vị từng có những đêm biểu diễn mang dấu ấn kỷ niệm khó phai trong đời. Một trong những kỷ niệm ấy là, “Đêm diễn không không nhìn thấy khán giả” .
Vào đầu mùa mưa năm 1965 Đoàn Văn công Giải phóng Long An được giao nhiệm vụ rời cứ hành quân đến một địa điểm bí mật để biểu diễn “phục vụ hội nghị do Tỉnh ủy tổ chức” vào ngày N. Trong đêm, từ Giồng Nhỏ, Mỹ Thạnh Đông, đơn vị hành quân tới Giồng Cây Xoài, Bình Thành, Đức Huệ, Long An. Sau khi nhanh chóng tiến hành đào hầm hào trú ẩn bom pháo xong, chúng tôi tính toán bố trí sân khấu, khán đài. Địa điểm tổ chức phục vụ là một vuông tre rậm rạp, xa đường cái và biệt lập nhà cửa của dân. Khoảng 16 giờ chiều hôm sau, bộ phận hậu đài của đoàn bắt đầu làm công việc thiết kế cho đêm biểu diễn. Sân khấu là một nền nhà hoang được dọn dẹp sạch sẽ, sau đó dựng phông, màn, và bố trí những thứ cần thiết khác.
Nhưng có điều lạ là, lãnh đạo ra lệnh không được phát thông báo mời nhân dân đến xem biểu diễn văn nghệ như thông lệ. Tuy nhiên, vấn đề này anh chị em trong đoàn không quan tâm, vì chúng tôi nghĩ rằng, biểu diễn cho lãnh đạo xem nên cần phải giữ bí mật, còn việc thông báo, bảo vệ vòng ngoài là do địa phương đảm trách.
Công việc chuẩn bị khẩn trương, từ chạy chương trình cho tới phân công diễn viên đều hoàn tất. Mọi người háo hức chờ tới giờ mở màn, vì lâu quá không có dịp biểu diễn cho lãnh đạo tỉnh xem trưc tiếp.
Gần tới giờ biểu diễn, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì không thấy một vị đại biểu nào phía trước sân khấu. Mấy hàng ghế của khán giả được sắp xếp ngay ngắn trước sân tuyệt nhiên không một bóng người. Bất ngờ anh Hà Mạnh Đức, Trưởng tiểu ban Văn nghệ, đến kiểm tra công tác chuẩn bị, ra lệnh tập họp các thành viên trong đoàn phổ biến: “Đêm nay anh chị em chúng ta biểu diễn cho đoàn chuyên gia nước ngoài xem, nhân dịp họ đến Long An công tác. Để đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối, nên những khán giả đặc biệt này không đến trước khán đài, mà sẽ ngồi xem từ xa. Tất nhiên diễn viên và hậu đài cũng không nhìn thấy khán giả. Đây là nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nên yêu cầu anh chị em từ khâu giới thiệu, dẫn chương trình và biểu diễn phải thật chu đáo như không có gì xảy ra. Dứt khoát không được để một sơ sót nào!”.
Tập thể đơn vị chúng tôi đồng thanh “ồ” lên một tiếng, giải tỏa nỗi thắc mắc từ chiều đến giờ nhưng đồng thời cũng tăng thêm nỗi lo. Cái lo của chúng tôi nhân đôi so với lúc ban đầu khi nhận nhiệm vụ. Vì có khán giả là người nước ngoài xem nên khâu thiết kế chương trình yêu cầu phải thay đổi đôi chút, đó là bớt đi những tiết mục ca, tăng thêm tiết mục múa. Bởi loại hình nghệ thuật múa dùng cử chỉ, hành động thay cho lời nói, người ngoại quốc họ xem vẫn hiểu được nội dung cốt chuyện, còn lời ca, tiếng hát thì họ khó hiểu vì ngôn ngữ bất đồng.
Vậy nhưng chúng tôi vẫn không hết lo. Diễn cho lãnh đạo xem đã hồi hộp rồi, lại có đại biểu là người nước ngoài xem nữa mới thật là lo. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên đơn vị biểu diễn cho khách nước ngoài xem, lại ngồi xem ở đâu mình không thấy.
Như chúng ta đã biết, mỗi đêm diễn thì khán giả là niềm cổ vũ tinh thần rất lớn, tạo hưng phấn cho người dẫn chương trình cũng như diễn viên. Dứt một màn ca diễn, xuống một câu vọng cổ, những tràng pháo tay của khán giả làm rung động trái tim người nghệ sĩ, diễn viên cũng dâng trào cảm xúc theo họ mà hưng phấn lên, từ đó kích thích ca, diễn hay hơn. Còn ở trường hợp này, không nhìn thấy khán giả mà từ khâu giới thiệu đến tuồng tích, diễn xuất, làm y như họ đang ngồi xem trước mặt mình mới thật là khó. Đối với Đoàn Văn công Giải phóng cấp tỉnh, thực hiện việc này thú thật là… ngoài sức tưởng tượng!
Nhưng rồi đêm phục vụ văn nghệ vẫn diễn ra trong nỗi hồi hợp từ lãnh đạo đoàn đến diễn viên và hậu đài. Từ lời nói, cung cách chào mừng khán giả đến lời tạm biệt khi kết thúc đêm diễn đều thực hiện đúng như kịch bản. Sau khi kết thúc đêm diễn, anh Hà Minh Đức đến bắt tay từng người và có lời khen Đoàn Văn công đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi vui vẻ đón nhận lời khen ấy nhưng trong lòng vẫn thấy áy náy. Bởi đêm diễn tuy đạt mục đích, yêu cầu đề ra, nhưng thật lòng mà nói, chưa thật sự hay như những đêm diễn khác. Anh đảm trách khâu dẫn chương trình nói với tôi: “Tao cố tưởng tượng mấy vị lãnh đạo và khách nước ngoài đang ngồi trước mặt mình, nhưng…vẫn thấy sao sao ấy, hơi mất tự nhiên, nó có cảm giác không thực”. Còn các diễn viên thì có chung tâm trạng là, trên sân khấu nhìn xuống không thấy ánh mắt của khán giả nhìn mình đã hẫng hụt, rồi khi kết thúc màn diễn, xuống những câu vọng cổ không có tiếng vỗ tay, nghe nó thiếu thiếu cái gì đó, làm cho mình hơi sượng sượng.
Nhiều năm sau, hồi tưởng lại đêm diễn ấy, tôi không lý giải được là tại sao thời điểm năm 1965 tình hình cách mạng miền Nam rất gay go ác liệt, vùng đất xã Bình Thành, Đức Huệ, địa hình chủ yếu là bưng biền, khó ẩn nấp bom đạn, nếu xảy ra rủi ro địch càn quét thì việc sơ tán cũng khó khăn. Vậy mà khách nước ngoài lại trực tiếp xuống đấy công tác và hứng thú ngồi xem biểu diễn nghệ thuật!? Đoàn khách ngoại quốc này là người nước nào?... Hai anh Hà Minh Đức, Trưởng Tiểu Ban Văn nghệ và anh Nguyễn Hữu Nghĩa, Trưởng đoàn Văn công lúc bấy giờ có lẽ sẽ giải đáp được thắc mắc này của tôi, nhưng tôi chưa kịp nêu thắc mắc thì các anh đã hi sinh rồi.
Hồng Vĩnh ghi theo lời kể của Nguyễn Dũng - Nguyên Trưởng đoàn Ca Múa tỉnh Long An