Thứ bảy - 31/05/2025 10:22
NGƯỜI CẮM CỜ GIẢI PHÓNG TRÊN NÓC DINH TỈNH TRƯỞNG LONG AN NGÀY 30/4/1975
N.P.Đ
Một lần vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi tình cờ xem đài truyền hình VTV1 thấy có người cựu chiến binh quê tỉnh Thái Bình phát biểu rằng ông đã cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh tỉnh trưởng Long An trưa ngày 30/4/75. Chúng tôi đã thử lần theo dấu vết để tìm người cắm cờ...
Lần theo dấu vết
Công việc đầu tiên của chúng tôi là tìm gặp các nhà cách mạng lão thành từng có mặt ở Tân An vào buổi trưa tháng Tư năm ấy. Nhiều ý kiến lấy làm tiếc vì ông Phạm Nga, lúc đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản, người trực tiếp vào tiếp quản Dinh tỉnh trưởng Long An, đã mất. Không gặp được ông Phạm Nga, chúng tôi tìm gặp người cần vụ của ông lúc ấy, anh Phạm Quang Triều. Anh Triều cho biết, ông Phạm Nga và các chiến sĩ bảo vệ (trong đó có anh) được xe hon đa đưa từ Rạch Chanh (trên Quốc lộ 62 hiện nay) về thẳng Dinh tỉnh trưởng vào khoảng 14 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Lúc ấy trong khu vực Dinh tỉnh trưởng không có ai, súng ống và quân trang quân dụng vứt rải rác ngoài sân, bên trong dinh có dấu hiệu các tủ kiếng bị đập phá. Anh Triều cho biết, lúc ấy trên nóc Dinh tỉnh trưởng đang tung bay lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam xanh đỏ, sao vàng. Theo yêu cầu của thủ trưởng, anh Triều mang lá cờ Tổ quốc (cờ đỏ sao vàng) lên nóc nhà thay thế lá cờ Mặt trận. Như vậy là đã rõ, anh Triều là người thay lá cờ Tổ quốc, còn người cắm lá cờ Mặt trận trước đó thì anh không rõ.
Chúng tôi dò hỏi một số cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bộ đội chủ lực đã đánh vào thị xã Tân An lúc ấy, các anh cho biết các đơn vị chủ lực vào thị xã muộn hơn các đơn vị địa phương, vì còn phải giằng co với Sư đoàn 22 quân đội Sài Gòn ở bên kia cầu Tân An. Với kinh nghiệm công tác, một cựu chiến binh Sư đoàn 5 khuyên chúng tôi nên tìm gặp những người trong cấp ủy thị xã lúc ấy, vì trong trường hợp tương tự, cấp ủy địa phương bao giờ cũng lãnh đạo sâu sát. Không khó khăn lắm để chúng tôi biết được lúc giải phóng thị xã Tân An, ông Nguyễn Thành Long (Út Long) là Bí thư Thị xã ủy.
Và chúng tôi đã không uổng công kiếm tìm ông Út Long. Ông Long cho biết, Thị xã ủy lúc ấy đã phân công Đại đội biệt động thị xã vào chiếm Dinh tỉnh trưởng và cắm cờ. Ông cũng cho biết đích danh người có vinh dự làm việc ấy - Trung đội phó biệt động Lê Bửu Kha, người quê tỉnh Thái Bình. Sau ngày giải phóng, ông Út Long có động viên Lê Bửu Kha chuyển ngành tiếp tục công tác ở Long An, nhưng người chiến sĩ ấy đã xin phục viên trở về quê Thái Bình. Theo chỉ dẫn của ông Út Long, chúng tôi trở về xã Bình Quới (huyện Châu Thành) tìm gặp người Đại đội trưởng biệt động thị xã năm 1975, người “suýt trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang” (lời ông Út Long).
Một thời bi tráng
Tiếp chúng tôi là người đàn ông thương binh loại 1. Khi nghe nhắc về chuyện đội biệt động năm xưa, ông Bùi Văn Kiềng (Ba Kiềng) hào hứng hẳn lên. Ông Kiềng cho biết, Đại đội biệt động của các ông sau Tết Mậu Thân 1968 đến năm 1972 bị tổn thất nặng, chỉ còn hơn 10 người. Thị xã ủy xin cấp trên bổ sung lực lượng. Chính ông Ba Kiềng, vào năm 1973, đã đi Ba Thu để nhận 20 chiến sĩ của Trung đoàn 1, Sư đoàn 320 về Tân An bổ sung vào Đại đội biệt động. Trong số ấy có anh sinh viên trẻ quê tỉnh Thái Bình vừa rời giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội, vượt Trường Sơn vào Nam, tên Lê Bửu Kha. Từ đó cho tới ngày miền Nam giải phóng, 20 chiến sĩ năm nào phần lớn hi sinh, chỉ còn lại được 3 người, trong đó có Lê Bửu Kha. Bản thân Đại đội trưởng Ba Kiềng cũng suýt chết trong một trận đụng độ cuối năm 1973, từ đó ông trở thành thương binh loại 1.
Ông Kiềng nhớ lại, sáng ngày 30/4/1975, một cánh của Đại đội biệt động do Ba Kiềng chỉ huy rời khỏi ấp Bình Nam tiến về thị xã. Các ông vào chiếm Chi khu thành (cư xá phường 3 ngày nay), xong tiến thẳng về Dinh tỉnh trưởng. Khi những chiến sĩ biệt động áp sát Dinh, cũng là lúc bóng dáng cuối cùng nhưng người lính đối phương vừa tháo chạy. Ông Ba Kiềng cho biết, lúc đó chỉ hơn 10 giờ sáng, tướng Dương Văn Minh chưa tuyên bố đầu hàng trên radio. Chính ông Ba Kiềng đã lệnh cho trung sĩ - Trung đội phó Lê Bửu Kha lên lầu hạ cờ chính quyền Sài Gòn xuống và treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam lên. Lá cờ có kích thước khoảng 2m x 1,3m do các chị, các mẹ ấp Bình Nam may chuẩn bị sẵn trước đó. Ông Kiềng cũng cho biết, cuối năm 1975 Lê Bửu Kha ra quân trở về quê với nguyện vọng sẽ tiếp tục học đại học. Từ đó về sau các ông không một lần gặp lại hay liên lạc với nhau. Ông Ba Kiềng sau chuyển về Công an thị xã, rồi Thanh tra thị xã, trước khi về nghỉ mất sức năm 1989. Chúng tôi gợi hỏi chuyện “suýt là anh hùng” như lời ông Út Long. Ông Kiềng kể rằng, lúc ấy ông đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Miền, đang hoàn chỉnh thủ tục phong danh hiệu anh hùng, thì rủi thay… miền Nam giải phóng. Số lính mới bổ sung của ông trong đội biệt động đã cao hứng nổ súng mừng chiến thắng vang trời làm bà con hoang mang. Vậy là ông bị phê bình, ảnh hưởng thành tích.
Về đâu người biệt động cắm cờ?
Chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại với Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình để mong tìm ra tung tích người chiến sĩ cắm cờ Dinh tỉnh trưởng Long An. Các đồng chí Thái Bình rất nhiệt tình, nhưng vì Thái Bình có đến hơn 100 ngàn cựu chiến binh, mà chúng tôi lại không biết gì thêm về người chiến sĩ ấy ngoài cái tên và thời gian xuất ngũ, nên hi vọng thật mong manh. Các anh cũng cho biết, các cựu binh Thái Bình đã từng cắm nhiều lá cờ trong ngày 30/4/75 lịch sử, như Dinh Độc lập (TP.HCM), Phú Văn Lâu (Huế)…, nhưng cắm cờ Dinh tỉnh trưởng Long An thì các anh chưa nghe. Có thể người chiến sĩ biệt động năm nào hiện đang sống đâu đó tại quê hương Thái Bình của anh. Cũng có thể sau khi xuất ngũ anh học tiếp đại học, rồi ra trường nhận công tác ở một địa phương nào khác. Chúng tôi hi vọng anh Lê Bửu Kha tình cờ đọc được bài báo này mà liên lạc với chúng tôi.