Trong hệ thống can chi của người Việt, Ất Tỵ tương ứng với con Rắn. Sự kết hợp giữa can "Ất" thuộc hành Mộc, tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển và địa chi "Tỵ" thuộc hành Hỏa, đại diện cho sự nhiệt tình, năng động tạo nên một năm đầy năng lượng và đổi mới. Năm Ất Tỵ hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cơ hội mới với con người, nhưng cũng đòi hỏi sự linh hoạt và thích ứng. Con Rắn, biểu tượng của năm Ất Tỵ, là một loài vật tượng trưng cho sự khôn ngoan, linh hoạt và kiên trì. Trong văn hóa phương Đông, Rắn còn là biểu tượng của sự tái sinh và sự đổi mới.
Tuổi Rắn - Ất Tỵ Trong 12 con giáp, Rắn tượng trưng cho trí tuệ, bí ẩn, kiên cường và giàu có, những phẩm chất khiến năm Rắn trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Theo cách tính lịch can chi truyền thống, năm Ất Tỵ chỉ xuất hiện một lần sau 60 năm. Đây là một quy luật chu kỳ nghiêm ngặt của người xưa sử dụng để tính năm. Họ kết hợp Thiên can (Canh, Tân, Nhâm, Quý…) với Địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão…) tạo thành hệ thống lịch can chi độc đáo.
Theo thuyết ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ - năm yếu tố đại diện cho những thuộc tính và phẩm chất khác nhau. Năm Ất Tỵ 2025 được quy cho thuộc tính “Mộc” trong ngũ hành. Theo ngũ hành, năm 2025 thuộc Mộc tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Mệnh Mộc tuổi Rắn, tượng trưng cho sự sống và phát triển, là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và tinh thần vươn lên không ngừng. Có lẽ vì vậy, người ta tin rằng những đứa trẻ sinh ra trong năm này sẽ mang nhiều phúc khí và may mắn, niềm hi vọng cho gia đình và xã hội. Những ai tuổi Tỵ hay Ất Tỵ càng phấn chấn và tự tin hơn khi biết được những thông tin về can – chi của mình trong năm 2025.
- Một số quốc gia quan niệm về Rắn
Tín ngưỡng thờ Rắn Ai Cập được ghi nhận là cổ xưa nhất, những con Rắn đã nhập vào các tôn giáo Ai Cập như một biểu tượng của thánh thần, của sự mê hoặc, đôi khi nó được tin như một lời sấm, lời tiên tri, thậm chí là một đấng tối cao ví dụ như Atum là một vị thần nguyên thủy đã được biểu trưng dưới hình thức người Rắn...
Người Fon ở Dahomey cho rằng Rắn đã có từ rất lâu đời, trước cả khi đất được tạo ra. Dưới dạng Rắn thần Aido Hwedo, Rắn đã phục vụ cho vị thần sáng tạo Mawu. Rắn ngậm đuôi tạo nên vòng tròn kín biểu tượng cho sự vĩnh cửu của người châu Phi. Nhiều nền văn hóa ở châu Phi cũng xem Rắn là thủy tổ của mình…
Hy Lạp, Rắn luôn được xem là một biểu tượng thiêng liêng. Rắn không chỉ tượng trưng cho sự khôn ngoan mà còn là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực về khả năng sinh sản. Ngoài ra nhân vật Lamia chính là người Rắn, sau này John Keats có sáng tác một câu chuyện vào năm 1819 kể về một phụ nữ do Rắn biến thành sau đó cùng thanh niên Menippus Lycius kết làm vợ chồng, trong đêm cưới De Vita Apollonius khám phá ra Lamia chính là con Rắn.
Ở Trung Quốc tồn tại từ lâu hình tượng thần Phục Hy đầu người đuôi Rắn, thần Nữ Oa đầu người mình Rắn. Nước này còn có truyền thuyết Bạch Xà truyện, còn có tên là Hứa Tiên và Bạch Nương Tử là một trong bốn truyền thuyết dân gian lớn của Trung Quốc.
Ở Việt Nam Tục thờ Rắn là một tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ với 2 ý nghĩa chính là tục thờ thủy thần. Tục thờ này mang ý niệm về sông nước của cư dân làm nông nghiệp. Trong văn hoá dân gian Việt Nam, Rắn không được xem là biểu tượng gắn với tôn giáo, trừ trường hợp Phật giáo của người Khmer sống ở Nam Bộ và người Champa cổ. Do mê tín dị đoan nên người dân Việt Nam cũng tôn Rắn thần xuất hiện ở nhiều nơi. Khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam như Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, An Giang đều xuất hiện "Rắn thần" hay "linh xà", thần Rắn, thần xà. Người dân thấy một con Rắn lạ ở đâu là tôn ngay thành thần thánh rồi mang lễ vật tới cúng bái. Khó thống kê hết những địa phương có "Rắn thần" xuất hiện.
-
Tác hại của Rắn Thông thường Rắn không tấn công con người, trừ khi nó bị giật mình hay bị thương. Nói chung phần lớn các loài Rắn cố gắng tránh tiếp xúc khi đối mặt với con người. Ngoại trừ các loài trăn lớn, các loài Rắn không có nọc độc không phải là mối đe dọa đối với người.
Ở Việt Nam là quê hương của nhiều loài Rắn độc, từ Rắn cạp nia, Rắn hổ mang, Rắn bạch hổ, Rắn lục bình phương, cho đến Rắn mối. Mỗi loài rắn đều có những đặc điểm và cách tấn công riêng. Nọc độc của Rắn có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với cơ thể con người. Nó có thể gây ra sự phá hủy tế bào, gây ra viêm nhiễm, và thậm chí là gây ra tình trạng huyết áp thấp đột ngột. Trong một số trường hợp, nọc độc cũng có thể gây ra tình trạng co giật, mất ý thức, và thậm chí là tử vong. Để tránh bị Rắn độc cắn, con người cần phải hiểu rõ về hành vi và môi trường sống của chúng.
Trước tiên, nọc Rắn thu thập được dùng để sản xuất huyết thanh kháng nọc Rắn cũng như phục vụ cho nghiên cứu y sinh học và sản xuất các dược phẩm khác. Kế đến, ở xương Rắn, cao Rắn hổ mang còn có nhiều Saponozit, Protit, một loạt các loại vitamin thiết yếu cho cơ thể như: A, D, vitamin nhóm B (như B1, B2, B6…), Folic axit, Canxi... Đây đều là những chất vô cùng cần thiết và tốt cho hệ thống dây chằng của cơ thể.
Rắn không độc là những “người bảo vệ” đắc lực cho nông nghiệp. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát số lượng sâu bệnh hại mùa màng. Ngoài ra, Rắn không độc còn là nguồn cảm hứng cho nhiều nghiên cứu y học. Một số thành phần trong cơ thể Rắn được cho là có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm, mở ra triển vọng ứng dụng trong điều trị các bệnh lý ở người. Trong y học cổ truyền, một số loài Rắn không độc được sử dụng làm thuốc để điều trị các bệnh như đau nhức xương khớp, thấp khớp.
Đặc biệt, rượu Rắn là loại rượu ngâm nguyên cả con Rắn trong các loại rượu sản xuất từ gạo hay ngũ cốc (Việt Nam gọi là rượu đế). Việc uống rượu Rắn tại Trung Quốc lần đầu tiên được ghi chép lại có từ thời Tây Chu và được coi là có tác dụng chữa bệnh và làm cường tráng cơ thể theo y học cổ truyền Trung Hoa.
+ Rắn nướng trui. Đây là món ăn nguyên thuỷ. Rắn không cần làm kỳ công. Đi ruộng, đắp bờ, dọn vườn bắt được Rắn nước, Rắn trun, hổ hành… người ta dung cây đập chết, rồi lấy trúc cặp gắp đem nướng bằng rơm, rạ, lá tranh khô… Tàn một, hai lượt rơm đem Rắn ra cạo sạch tro, dùng tay xé, chấm ngay với muối ớt để ăn. Món này chủ yếu dùng để ăn chơi hoặc làm miếng mồi “dã chiến” để lai rai vài ba xị đế.
+ Rắn hầm sả. Rắn làm sạch chặt thành từng khúc, sả ớt băm nhuyễn, một số lá sả cuộn tròn, gia vị, bắc nồi lên bếp cho nóng, phi ít mỡ heo với sả ớt đã băm nhuyễn cho thơm. Đổ thịt Rắn vào đảo đều cho săn, để ít đu đu mỏ vịt hoặc măng tre. Đổ nước săm sấp rồi bỏ lá sả, cọng sả xắt khúc vào, đậy nắp cho kín, chụm lửa cháy đều, vừa, cho nước hầm sôi đều đến khi thịt Rắn mềm, là ăn được.
+ Rắn nấu cháo. Hai loại Rắn dùng chuyên cho nấu cháo là hổ hành và hổ đất. Độc chiêu là Rắn hổ xé phay với cháo đậu xanh ăn rất mát, ngon hết ý. Rắn làm sạch, chặt ra làm hai hay làm ba bốn khúc nấu cháo với đậu xanh cà. Khi thịt Rắn thật chín, người ta lấy Rắn ra để nguội, dùng tay xé tách thịt để vào một cái dĩa to hoặc trong cái thố lớn, hành củ thái mỏng ngâm giấm có thêm một ít đường cát, để một lát cho thấm giấm, đem trộn với thịt Rắn, rau răm xắt nhỏ rải lên cùng với đậu phọng rang đâm nhuyễn, rắc nhiều tiêu và hành, ngò rí.
+ Rắn xào sả ớt. Loại Rắn xào sả ớt thường là Rắn trun, hổ hành, bông súng, ri cá… thịt bầm nhuyễn, ướp với sả ớt nhuyễn, chút đường và bột ngọt rồi xào cho chín. Món này thường ăn với bánh tráng mè nướng, nếu có lá điều già sút thì càng ngon. Mùi thơm của thịt Rắn xào sả ớt hòa quyện hương thơm rượu đế, vị ngọt của Rắn, men nồng của đế như phản phất mãi…
Với những quan niệm về Rắn, những người tuổi Tỵ như một sự sắp đặt của quy luật tiến hóa… Ngày nay, với sự tiến bộ và văn minh của thời đại, khi nhìn nhận về Rắn từ góc độ khoa học, sinh vật học và mối quan hệ giữa Rắn trong đời sống của con người, thì nên cân bằng trong trạng thái môi trường sống…