Quan điểm của Đảng ta về vai trò, vị trí của VH-NTNgay từ năm 1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam - Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng - đã khẳng định vai trò của văn hóa: “
Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa)…”; “
Không chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa”; “
Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng ta mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới hiệu quả”. Trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức vào ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nhiệm vụ phải xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với 3 tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Người khẳng định vị trí, ảnh hưởng của văn hóa, nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Từ giá trị cốt lõi về tính dân tộc, khoa học, đại chúng của nền văn hóa mới được chỉ rõ trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, Đảng ta đã kế thừa, vận dụng, tiếp thu và bổ sung, hoàn thiện quan điểm, chủ trương về văn hóa, thể hiện trong các văn kiện của Ðảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “
Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “
Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Có thể thấy rằng, trong suốt thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. VH-NT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người. Khoản 2, Điều 60 của Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 cũng nêu rõ: “
Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của Nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa nói chung, VH-NT nói riêng và là định hướng quan trọng để phát triển VH-NT của nước ta.
Tập huấn lý luận, phê bình VH-NT năm 2023 tại Buôn Ma ThuộtNhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch VH-NT là một trong những lĩnh vực mà các thế lực thù địch cùng những phần tử cơ hội thường xuyên lợi dụng để chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta. Những âm mưu, thủ đoạn đó có tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của một bộ phận nhân dân, trong đó có giới trẻ. Chúng sử dụng không gian mạng và nhiều hình thức khác để tuyên truyền các tác phẩm, các bài viết, thơ, bài phỏng vấn,… mang màu sắc chính trị đối lập, các quan điểm sai trái; in ấn, phát hành tài liệu ở các nhà xuất bản nước ngoài rồi gửi tài liệu vào Việt Nam.
Mục đích của hoạt động chống phá trên lĩnh vực VH-NT là tạo ra “mũi đột phá”, “thọc sâu” vào ý thức hệ của nhân dân, nhằm làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về tư tưởng, tạo ra “khoảng trống” để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào và tiến tới xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Sự chống phá được tiến hành rất tinh vi nên việc nhận diện chúng không hề dễ dàng, vì nó ẩn khuất trong những vỏ bọc “văn học”, “nghệ thuật” gây hoài nghi, mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ. Chúng còn đẩy mạnh tuyên truyền sai lệch về quan điểm, đường lối VH-NT của Đảng ta. Không ít cán bộ, trí thức, văn nghệ sĩ có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phát tán trên internet, các trang mạng xã hội bài bình luận về những vấn đề thời sự, chính trị của đất nước bằng ngôn ngữ của văn chương, nghệ thuật với cái nhìn một chiều, cực đoan, bày tỏ cảm xúc, quan điểm cá nhân trước một số vụ việc trong nước theo hướng phê phán, gieo rắc sự hoài nghi về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo cớ để các thế lực thù địch có cơ hội chống phá Đảng và chế độ ta.
Xây dựng nền VH-NT ngày càng phát triểnNgay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng nền VH-NT cách mạng, tạo động lực chính trị, tinh thần to lớn phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc. Hưởng ứng chủ trương đó, một thế hệ văn nghệ sĩ đã tích cực tham gia phục vụ sự nghiệp cách mạng chung của toàn dân tộc với tinh thần
: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Bằng trải nghiệm thực tiễn trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc trước đây và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, các văn nghệ sĩ đã sáng tạo nên kho tàng vô giá các tác phẩm văn học, âm nhạc, tranh cổ động, điện ảnh... có tính nghệ thuật cao và giá trị tư tưởng, chính trị, nhân văn sâu sắc. Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, những ca khúc cách mạng đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần để cổ vũ, động viên ý chí, quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc của quân và dân ta.
Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá vào hệ tư tưởng của Đảng ta với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, quyết liệt. VH-NT tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò là một bộ phận quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hóa, tiếp tục giữ vai trò truyền lửa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, mang đến cả thời cơ và thách thức cho đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên cả nước, nhiều văn nghệ sĩ đã và đang góp sức vào nhiều thành tựu chung của đất nước, đặc biệt là góp phần thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển ngành công nghiệp văn hóa, giúp đất nước ta chủ động trong hội nhập quốc tế, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nhiều tác phẩm VH-NT mang đậm hơi thở cuộc sống, giàu tính nhân văn, hướng đến các giá trị “chân - thiện - mỹ”. Nhiều văn nghệ sĩ đã dấn thân bằng nhiệt huyết, tài năng, bản lĩnh, thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình đối với xã hội, với đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển VH-NT, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực VH-NT.
Cùng với cả nước, VH-NT tỉnh Long An đã góp phần tích cực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, Long An có đời sống văn hóa khá đa dạng, phong phú với 126 di tích lịch sử - văn hóa (tính đến tháng 5/2024), trong đó có 21 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 3 công trình văn hóa có tính lịch sử; 2 bảo vật quốc gia; 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; trên 400 lễ hội với quy mô và tính chất khác nhau;... 1 giải thưởng VH-NT (Giải thưởng VH-NT Nguyễn Thông);… Với lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển về kinh tế và văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật ngày càng ngày phát triển.
Nhận thức được vai trò quan trọng của VH-NT trong tổng thể các hoạt động văn hóa, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã kịp thời cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương đối với hoạt động VH-NT; thành lập Đảng đoàn Hội Liên hiệp VH-NT nhằm phát huy vai trò, năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và đảng viên trên lĩnh vực VH-NT Trong công tác chỉ đạo trên lĩnh vực này, các cấp ủy đảng luôn tôn trọng, phát huy khả năng sáng tạo của văn nghệ sĩ, đồng thời chú trọng việc định hướng nhằm đảm bảo các hoạt động văn học, nghệ thuật phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng.
Thực hiện Kế hoạch số 390-KH/BTGTW ngày 15/11/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 164-KH/TU ngày 13/6/2024 về việc “
Tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025)” nhằm đánh giá sâu sắc, toàn diện nền VH-NT của tỉnh Long An 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; khẳng định thành tựu, chỉ rõ hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển VH-NT tỉnh Long An trong giai đoạn mới./.