
Nếu như tỉnh Long An là cửa ngõ đồng bằng, án ngữ phía nam Sài Gòn về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thì Thủ Thừa và Tân An là cái nút thắt trên tuyến giao thông huyết mạch lộ 4 (Quốc lộ 1). Vị trí ấy đã làm cho địa bàn này trở thành một trong những trọng điểm trong nhiệm vụ chia cắt chiến lược lộ 4 của chiến dịch Hồ Chí Minh. Địch vì vậy bố trí lực lượng gồm 3 tiểu đoàn bảo an, địa phương quân, 22 trung đội dân vệ, nghĩa quân, lực lượng của sư đoàn 22 chốt đóng ở lộ 4, khu vực Cầu Voi, của sư 7, sư 9, thủy quân lục chiến, trung đoàn 6 thiết giáp, lực lượng tổng trù bị, lập tuyến phòng thủ dày đặc từ Thủ Thừa đến Tân Hương, Tân Hiệp.
Ngày 5/4/1975, hai trung đoàn 1 và 174, sư đoàn 5, chủ lực Miền chuẩn bị kế hoạch giải phóng thị xã Kiến Tường, theo chỉ đạo của Đoàn 232, đã chuyển hướng nhiệm vụ, hành quân về chiến trường Thủ Thừa-Tân An. Phía địa phương, ngoài việc kết hợp quân chủ lực giải phóng địa bàn mình theo chủ trương “
xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”, nhiệm vụ đặt ra cho quân dân Thủ Thừa lúc này là:
1. Đẩy mạnh hoạt động quân sự, chính trị, binh vận, mở và giữ hành lang, tạo đường tiến quân và địa bàn tấn công cho sư đoàn 5 chủ lực Miền; 2. Cùng lực lượng sư đoàn 5 giải phóng địa bàn huyện, cô lập thị xã Tân An; 3. Phối hợp với sư 5 cắt lộ 4 hình thành mũi chia cắt chiến lược từ Cầu Voi đến thị xã Tân An; 4. Đảm bảo hậu cần và giải quyết các mặt phục vụ cho các lực lượng chiến đấu trên địa bàn huyện. Huyện ủy Thủ Thừa lúc này có 11 đồng chí, được phân công xuống bám cơ sở để quán triệt, vận động các lực lượng và nhân dân các xã tăng cường các hoạt động du kích, binh vận, huy động dân công và phương tiện như ghe xuồng, phà, lương thực, thực phẩm … để phục vụ cho sư 5 giải phóng Thủ Thừa.
Ngày 7/4/1975, lực lượng của sư đoàn 5 về tập kết trên địa bàn huyện Thủ Thừa. Ngày 8/5, ta bắt đầu nổ súng tấn công. Chiến sự nổ ra ác liệt ở hướng bắc Thủ Thừa nhưng ta không tiến sâu được vì địch tập trung lực lượng quá đông. Ngày 9/4/1975, một mũi đột kích của ta vượt qua Cầu Dây và chạm súng quyết liệt với hải quân địch trên kênh Thủ Thừa. Địch tập trung lực lượng bao vây, ta rút vào rạp hát Nguyễn Văn Hợi cố thủ. Tại đây, suốt 3 ngày đêm, 10 chiến sĩ sư đoàn 5 đã kiên cường chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, quyết không sa vào tay giặc sau khi diệt được tên trung sĩ Lượng ác ôn và một số tên khác. Nhân dân khu vực chùa Bà, rạp hát Nguyễn Văn Hợi, thị trấn Thủ Thừa ngày nay vẫn còn nguyên ký ức về tinh thần chiến đấu ngoan cường của các chiến sĩ sự đoàn 5 trong những tháng năm lịch sử ấy.
Ở hướng Tân An, đêm 9/4, tiểu đoàn 3, sư đoàn 5 vượt rạch Cần Đốt đánh vào sân bay, diệt 3 trung đội địch, bắn cháy 9 xe quân sự, chiếm được một góc sân bay phía tây nam. Sáng 10/4, sư đoàn 7 ngụy phản công quyết liệt. Ta đánh thiệt hại 2 đại đội, bắn cháy 5 xe M113 và tổ chức rút lui về ấp Xuân Sanh (nay thuộc phường 6) sau đó về Bình Yên để củng cố lại vì lực lượng chênh lệch.
Từ ngày 11/4 đến 20/4, địch tung toàn bộ lực lượng phản kích quyết liệt bảo vệ tỉnh lỵ Tân An và quận lỵ Thủ Thừa. Đợt 1 tiến công vào thị xã không thành công nhưng trên địa bàn vùng ven, sư đoàn 5 cùng lực lượng nổi dậy ở địa phương đã tiêu diệt và bức rút 37 đồn bót, phân chi khu ở những xã ven xung quanh quận lỵ, giải phóng hoàn toàn 3 xã với gần 2 vạn dân, địch phải co về quận lỵ Thủ Thừa và tỉnh lỵ Tân An.
Tình hình mới đặt ra lúc này là phải tập trung binh lực mạnh giải phóng Thủ Thừa, tạo bàn đạp để đội hình lớn của sư đoàn 5 chia cắt lộ 4. Ngày 26/4, trung đoàn 3 vượt sông Thủ Thừa tấn công chi khu quân sự quận. Sáng 27/4, địch tăng cường thêm 4 tiểu đoàn chống trả quyết liệt để giải tỏa. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt ở ấp Rạch Đào. Bộ đội địa phương huyện dũng cảm mở vòng vây đưa bộ đội vượt sông.Ta không chiếm được chi khu nhưng đã thu hút địch, tạo điều kiện cho sư 5 áp sát thị xã Tân An.
Từ 22/4, đại đội pháo 105 ly của tiểu đoàn 10, trung đoàn 28, đại đội 1, tiểu đoàn 23 thiết giáp đã vượt địa hình sình lầy Đồng Tháp Mười, được hàng ngàn đồng bào Thủ Thừa trong đêm giữa đạn pháo, ngã cây lót đường, đưa tăng, pháo xuống phà vượt sông vào vị trí tập kết.
Đêm 27 rạng 28/4/1975, chiến dịch chia cắt lộ 4 trên địa bàn Long An bắt đầu. Trung đoàn 174 được cối 120 ly và ĐKZ của sư đoàn yểm trợ tiêu diệt 4 cụm địch đóng dã ngoại trên đường 4, tiến công đồn Rạch Chanh làm gián đoạn giao thông trên đường 4. Tiểu đoàn 8, trung đoàn 3 từ tây bắc Thủ Thừa tiêu diệt địch ở ấp Bình Yên, phát triển tiến công địch ở ngã ba Nhị Thành. Sáng ngày 28/4, địch tập trung lực lượng phản kích quyết liệt để giải tỏa đường 4. Đoạn đường từ Bến Lức - Thủ Thừa -Tân An trở thành mặt trận sôi động và ác liệt. Trung đoàn 42, sư đoàn 22 ngụy và 2 chi đoàn thiết giáp địch phản kích vào khu vực Cầu Voi và Rạch Chanh, trung đoàn 174, sư 5 đẩy lùi 4 đợt phản kích nhưng đến 8 giờ sáng, địch khôi phục được vị trí này. Trận địa pháo 105 ly, ĐKB, H12 ở Bình Phong Thạnh, Vàm Bắc Đông liên tục áp chế các trận địa pháo địch ở Thủ Thừa, Nhị Bình, thị xã Tân An, chi viện cho các lực lượng chống địch phản kích. Đến 14 giờ, đường 4 bị ta khống chế. Đêm 28/4, trung đoàn 174 đánh chiếm lại khu vực Cầu Voi, cùng lực lượng công binh lập chướng ngại vật, chôn mìn cắt đứt hoàn toàn lộ 4. Sáng ngày 29/4, từ 7 giờ đến 16 giờ, các lực lượng của sư 5 đánh bật 8 đợt phản kích của sư đoàn 22 và liên đoàn 6 biệt động ngụy ở Bến Lức và Tân An có máy bay và xe tăng yểm trợ. Ta bắn rơi một A 37 và một trực thăng C 130. Tiểu đoàn đặc công đưa 100 kg chất nổ áp sát các trụ cầu, sẵn sàng phá cầu Bến Lức, chặn đường rút của địch. Chiều cùng ngày, trung đoàn 3 áp sát chi khu Thủ Thừa, một số lính bảo an bỏ trốn. Khí thế quần chúng lên cao, nhân dân chủ động mang gạo, thực phẩm... tiếp tế cho bộ đội, sẵn sàng nổi dậy giành chính quyền.
Tình hình phát triển thuận lợi, chiều tối ngày 29/4, các đơn vị đồng loạt tiến công các mục tiêu. 18 giờ, các trận địa pháo sư đoàn 5 bắn phá sở chỉ huy sư đoàn 22 ngụy và các cụm pháo địch từ Bến Lức đến Tân An, ta cắt đứt hoàn toàn lộ 4. 3 giờ sáng ngày 30-4, địch ở chi khu Thủ Thừa vô cùng hoang mang đã phải tháo chạy. Lực lượng vũ trang và hàng ngàn quần chúng nổi dậy làm chủ quận lỵ. Cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh quận và khắp nơi trong quận lỵ. Thủ Thừa hoàn toàn giải phóng.Thị xã Tân An lúc này hoàn toàn bị cô lập.
Cùng thời gian với các cánh quân lớn của ta từ 5 hướng tiến công vào nội ô Sài Gòn, 11 giờ 30 phút, các đơn vị của sư đoàn 5 từ 3 hướng ở Thủ Thừa và lộ 4 tiến công vào thị xã Tân An. Cùng thời gian này, sau tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, lực lượng vũ trang thị xã phá trại giam giải thoát tù chính trị. 11 giờ 45 phút, dinh tỉnh trưởng và khu hành chánh bị bao vây chặt. Đại tá tỉnh trưởng Hồ Ngọc Quyến đã bỏ chạy từ đêm 29/4. 12 giờ 15 phút, 2 tiểu đoàn biệt động ngụy và cảnh sát bảo vệ trong thị xã kéo cờ trắng đầu hàng. 13 giờ 30 phút, toàn bộ cán bộ và chiến sĩ của thị xã Tân An từ các hướng đều có mặt tại tỉnh lỵ, cùng với lực lượng của sư 5 giành quyền làm chủ. 14 giờ 30 ngày 30/4/1975, hai lá cờ xanh đỏ sao vàng khổ lớn tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng và tòa Hành chánh đánh dấu kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở địa phương.
Đòn chia cắt lộ 4, giải phóng Thủ Thừa và thị xã Tân An là bước phát triển cao của sự kết hợp phát động nổi dậy của quần chúng với binh đoàn chủ lực trên địa bàn Long An trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.