Hoàng Việt, một nhạc sĩ (NS) – chiến sĩ tài năng và dũng cảm trong một giai đoạn bi tráng của đất nước, đã từng có chuyến công tác tại tỉnh Long An ngay trước khi ông hi sinh tại quê nhà huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang vào ngày cuối cùng của năm 1967. Trong chuyến công tác ấy, NS Hoàng Việt có chụp bức ảnh chung với các văn nghệ sĩ tỉnh Long An. Bức ảnh ấy bi rơi vào tay đối phương, mãi nửa thế kỷ sau những người trong ảnh mới phát hiện ra nó.
Nhạc sĩ Hoàng Việt (tên thật là Lê Chí Trực) sinh ngày 28/2/1928. Quê cha của ông ở tỉnh
Bà Rịa – Vũng Tàu, còn quê mẹ ở xã
An Hữu, huyện
Cái Bè, tỉnh
Tiền Giang, nơi ông đã lớn lên và trưởng thành. Ngay từ nhỏ, Hoàng Việt đã có niềm đam mê âm nhạc, ông học và chơi tốt nhiều loại nhạc cụ như
mandolin,
vĩ cầm, ghi-ta,
accordeon. Những năm học trung học ở Sài Gòn, Hoàng Việt đã viết những ca khúc đầu tiên như "Chí cả", "Biệt đô thành" và đặc biệt là a khúc
"Tiếng còi trong sương đêm" với bút danh Lê Trực gây tiếng vang trong giới âm nhạc và người yêu nhạc. Năm 17 tuổi, Hoàng Việt tham gia kháng chiến chống
thực dân Pháp xâm lược. Từ Sài Gòn, ông về quê mẹ tham gia Tổ Quân nhạc Khu 8, tiếp tục cho ra đời nhiều ca khúc, trong đó có bài hát nổi tiếng "
Lá xanh".
Năm 1951, Hoàng Việt được điều lên chiến khu Miền
Đông Nam Bộ, tham gia Đoàn Văn công Phân Liên khu miền Đông. Tại đây, bài hát nổi tiếng "
Lên ngàn" được Hoàng Việt sáng tác sau trận lũ lụt. Năm 1954, Hoàng Việt tập kết ra Bắc, để lại người vợ và 3 đứa con nhỏ ở miền Nam. Trên đất Bắc, trong nỗi nhớ thương da diết quê hương và gia đình, Hoàng Việt đã sáng tác bài hát "Tình ca" bất hủ. Ông được Nhạc viện Việt Nam cử đi học nước ngoài tại Nhạc viện Bulgaria (Nước Cộng hòa Nhân dân Bulgaria). Ông tốt nghiệp loại ưu với bản giao hưởng “Quê hương” - bản giao hưởng đầu tiên của âm nhạc Việt Nam. Trở về nước, NS Hoàng Việt tình nguyện vượt Trường Sơn, trở về miền Nam đang còn trong khói lửa chiến tranh. Và ông đã ngã xuống oanh liệt trong tư thế của người nhạc sĩ – chiến sĩ.
Sống cuộc đời tuy ngắn ngủi, nhưng Hoàng Việt đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị, sống mãi với thời gian, những ca khúc thấm đẫm tình cảm về quê hương, đất nước, về cách mạng, giải phóng. Với những cống hiến lớn lao, năm 1985, tên của ông đã được chọn đặt tên một con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1996, nhạc sĩ Hoàng Việt được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật và năm 2011, nhạc sĩ Hoàng Việt được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo ông Nguyễn Dũng – nguyên Trưởng đoàn Văn công Long An, ngay trước khi về công tác ở quê nhà Cái Bè và hi sinh tại đó vào ngày 31/12/1967, NS Hoàng Việt đã công tác nhiều ngày tại tỉnh Long An. Tại đây (khu vực Tà Nu - Tân Lèo vùng biên giới Việt Nam – Campuchia) ông đứng lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, diễn viên của Đoàn Văn công các tỉnh thuộc Khu 8, trong đó có Đoàn Văn công Long An. Kết thúc khóa tập huấn, NS Hoàng Việt có chụp tấm ản lưu niệm với tất cả học viên. Sau đó ông lên đường về công tác Tiền Giang và hi sinh ngay tại quê nhà huyện Cái Bè.
Cũng theo ông Nguyễn Dũng, khoảng 20 năm trở lại đây, hàng năm các cựu văn nghệ sĩ từng công tác tai Đoàn Văn công Long An và Đoàn Ca múa Long An đều họp mặt truyền thống vào dịp lễ 30/4 – 1/5, luân phiên ở nhà một thành viên nào đó. Năm 2017, cuộc họp mặt truyền thống được tổ chức tai nhà ông Tư Bao (Lâm Anh Tùng) ở huyện Bình Chánh TP.HCM. Tình cờ, ông Nguyễn Dũng và các văn nghệ sĩ phát hiện trong thùng tư liệu của ông Tư Bao có bức ảnh NS Hoàng Việt chụp chung các học viên các đoàn Văn công thuộc Khu 8 cuối năm 1967 trong lớp tập huấn tại vùng biên giới tỉnh Long An. Ông Tư Bao cho biết, sau ngày 30/4/1975, ông về công tác TP.HCM, trong một lần tình cờ đến thăm một người bạn đang tiếp quản cơ quan chiến tranh tấm lý của chính quyền Sài Gòn ở huyện Bình Chánh, ông thấy tấm ảnh nằm lăn lóc, trong ấy có hình nhiều đồng đội của ông ở Đoàn Văn công Long An, nên cất giữ làm kĩ niệm, rồi ông cũng quên mất chuyên ấy, cho tới khi các đồng đội cũ ở Đoàn Văn công Long An đến nhà ông họp mặt .
Cuộc họp mặt năm 2017 của các cựu văn nghệ sĩ tỉnh Long An bỗng trở nên xúc động và ý nghĩa hơn khi mọi người cùng bàn tán về tấm ảnh, cùng nhắc về những kỷ niệm với NS Hoàng Việt tại lớp tập huấn cuối năm 1967 ở Long An; nhất là những bồi hồi, đau xót khi sau đó không lâu các văn nghệ sĩ nghe tin “thầy” Hoàng Việt hi sinh ở quê nhà Cái Bè tỉnh Tiền Giang. Trong bức ảnh nói trên, ngoài NS Hoàng Việt hi sinh ngay sau đó, Đoàn Văn Công Long An cũng có nhiều văn nghệ sĩ đã lần lượt ngã xuống trước khi nhìn thấy ngày chiến thắng 30/4/1975. Đó là các liệt sĩ: Nguyễn Thị Vân, Trần Thanh Hiền, Nguyễn Văn Ơn, Lê Việt và Nguyễn Văn Hồng.
Ảnh 1: Tấm ảnh lịch sử NS Hoàng Việt chụp chung với các văn nghệ sĩ ở Long An cuối năm 1967, trước khi ông hi sinh. NS Hoàng Việt ngồi hàng đầu, thứ 4 từ phải qua.
Ảnh 2: Ảnh NS Hoàng Việt được phóng lớn (do NSNA Phạm Kiệt thực hiện).