Thứ ba 19/03/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Cọp giấy

Cọp giấy

Cọp giấy

Út Điệu lắc lắc cặp mông trước tấm kiếng, xoay một vòng rồi bước đi như người mẫu. Đâu đó truyền hình hàng xóm vọng qua một bài của sân khấu cải lương, Út Điệu đi theo tiếng đờn, hình như là bài Tứ đại oán. Điệu đờn buồn hiu mà Út Điệu đi nhún nhún thỉnh thoảng lại nhoẻn miệng cười tình.

Tên họ của Út Điệu theo giấy khai sanh là Trần Thị Thanh Tao nhưng là con út lại quá “điệu” nên cái biệt danh út điệu có từ năm Trần Thị Thanh Tao bước vào tuổi mười bốn.

Năm nay Út Điệu đã gần bốn chục, cái tuổi của phụ nữ vượt quá xa cái thuở lỡ thì. Vào tuổi này phụ nữ thường phát tướng, cũng may là Út Điệu  không phải vậy, Út Điệu hãnh diện vì cái tướng roi roi của mình. Út Điệu ăn diện hết cỡ, toàn là quần áo kiểu dành cho con gái tuổi teen. Bởi vậy Năm thi sĩ mới tặng cho câu thơ:

                          Liếc sơ cứ ngỡ tuổi teen
                          Nhìn lâu mới thấy teng beng tuổi già

Năm thi sĩ tên thật là Phạm Văn Đực, anh ta hay mần thơ nên trong xóm đặt biệt danh là Năm thi sĩ. Thật ra trước đây Phạm Văn Đực có làm thơ ca ngợi nhan sắc của Trần Thị Thanh Tao, trong đó có hai câu thơ như vầy:

                          Ơi em Trần Thị Thanh Tao
                          Em là hương vị ngọt ngào mùa xuân

Và những câu thơ nịnh đầm hết cỡ. Bài thơ nào Năm thi sĩ cũng được thằng Sáu bán vé số trao tận tay – Út Điệu coi qua rồi trề môi nói với lối xóm:

- Mấy thằng thi sĩ nghèo rớt mồng tơi, lấy nó có nước đi ăn mày.

Câu nói này tới tay Năm thi sĩ, nhà thơ đã biến yêu thương thành thù hận. Phạm Văn Đực lén chụp một tấm hình của Út Điệu đang mặc quần sọt áo thun, sau đó đem đi phóng lớn hết cỡ về treo ở nhà. Khuôn mặt của Út Điệu trong hình được cắt đi, thay vào đó là cái đầu của một con cọp. Bên dưới bức ảnh mình người đầu cọp là hai câu thơ viết theo lối thư pháp:

                          Chẳng thà ở vậy còn hơn
                          Lấy con cọp cái chờn vờn tinh ma.

Út Điệu biết Năm thi sĩ chơi xỏ mình nhưng biết làm sao bắt ông ta lột tấm hình xuống. Quần sọt áo thun đâu có phải là “đặc sản” của Út Điệu, đàn bà con gái trên thế gian này ai thích cứ ra shop mua về mà mặc.

Một hôm Út Điệu mặc áo cổ rộng đến nỗi thằng Sáu kẹo kéo cứ dòm lom lom. Út Điệu biết nó dòm nhưng giả bộ ngó lơ. Một lát sau thằng Sáu chồm tới nói nhỏ gì đó khiến Út Điệu ngớ người rồi hát sau hai con mắt sáng rỡ.

Vậy là sáng hôm sau Út Điệu tới nhà tổ trưởng dân phố. Út Điệu nói với Bác Bảy tổ trưởng:

- Chú phải bắt Năm thi sĩ lột tấm hình tui xuống!

Bác Bảy lắc đầu:

- Đâu phải hình cô, làm sao tui bắt nó được?

Út Điệu chỉ vào ngực mình, nói tỉnh bơ:

- Ngực tui có nút ruồi, ngực trong hình cũng có nút ruồi. Hỏng phải tui thì ai vô đây?!

Út Điệu vừa nói vừa chỉ vô ngực mình khiến bác Bảy tổ trưởng không dám dòm mà hai con mắt thiếu điều lé xẹ! Bác Bảy gái, vợ tổ trưởng nóng mặt nói chen vô:

- Nút ruồi ai cũng có, đâu phải mình cô! Tui cũng có vài chục cái nhưng đâu đến nỗi phải đem ra khoe!

Út Điệu trợn con mắt:

- Bác là tổ trưởng, bác không làm rõ vụ này, tui đi thưa công an khu vực!

Có lẽ sợ chuyện trở nên lùm xùm, bác Bảy tổ trưởng vội nói:

- Được rồi, để tui nói với thằng Năm. Bề nào nó cũng có ăn học chút đỉnh, chắc nó nghe!

Út Điệu ngoe nguẩy bỏ ra về. Một lát sau bác Bảy tới nhà Năm thi sĩ. Kêu là nhà cho nó oai, thật ra chỉ là mấy tấm tôn khiêm tốn ở đầu hẻm. Năm thi sĩ sống bằng nghề sửa xe đạp, vá ép bơm hơi.

Bác Bảy nói:

- Ở xóm này ai cũng biết mầy treo hình con Út Điệu, mầy cắt bỏ cái mặt rồi dán vô cái đầu con cọp. Theo tao thì giỡn chơi vậy đủ rồi, mầy nên gỡ xuống đi.

Năm thi sĩ cười tủm tỉm:

- Đâu phải hình cổ!

- Nó nói ngực trong hình có nút ruồi, trên ngực nó cũng có y chang!

Năm thi sĩ vẫn cười mỉm chi, trả lời như có dự định từ trước:

- Nốt ruồi đâu phải là… đặc quyền của Út Điệu!

Vậy là bác Bảy chịu thua. Vậy là Út Điệu đi thưa lên công an khu vực. Mười năm vô ngành công an, hết chín năm làm công an khu vực, chưa bao giờ Hai Thành xử cái vụ oái oăm như vầy.Hai Thành nói với Út Điệu:

- Nói theo Bao Thanh Thiên, muốn xử vụ gì cũng phải có nhân chứng vật chứng, nhân chứng hỏng có, vật chứng thì hơi… mơ hồ! Tuy nhiên tôi sẽ cố gắng nói với anh Năm Đực.

Không hiểu Hai Thành, công an khu vực nói cái gì nhưng thân hình Út Điệu được gỡ xuống rồi cái đầu con cọp vẫn còn treo trên vách, dưới đầu con cọp có hai câu thơ cũng viết theo lối thư pháp:

                          Thất thân còn lại cái đầu
                          Cái đầu còn cái mai sau hỏng còn.

Hỏng ai hiểu nổi hai câu thơ này, duy chỉ có mình bác Bảy tổ trưởng là hiểu nhưng bác chỉ hiểu phân nửa. Thất thân theo nghĩa đen là mất cái thân mình, còn nghĩa bóng là ám chỉ Út Điệu không còn “ô li din”. Còn cái “mai sau” thì bác Bảy chịu thua, hỏng hiểu Năm thi sĩ nói gì trong đó.

Vậy là Út Điệu chiến thắng được… phân nửa, cũng như bác Bảy chỉ hiểu được phân nửa. Hiểu phân nửa nhưng bác Bảy không nói cho ai nghe, bác chỉ lẩm bẩm và mỉm cười một mình.

Chuyện rồi cũng đi qua. Xóm chuồng heo trở lại công việc hằng ngày. Sáng nào Út Điệu cũng ra chợ bán gà vịt. Ngày nào Năm thi sĩ cũng sửa xe đạp, vá ép bơm hơi. Thắm thoát rồi cũng tới những ngày giáp Tết.

Chiều hai mươi lăm tháng chạp, Út Điệu có chuyện đi gấp ra chợ, có lẽ là đi đòi nợ cuối năm. Chạy xe tới gần tiệm của Năm thi sĩ Út Điệu chợt thấy bánh xe sau của mình xẹp lép. Thường ngày có chết Út Điệu cũng không ghé vô, nhưng hôm nay gấp quá, Út Điệu đành phải dắt xe vô tiệm của Năm thi sĩ. Có lẽ Năm thi sĩ đi đâu đó nên không có nhà, cái tiệm vắng hoe. Út Điệu ngồi xuống cái ghế nhỏ xíu nóng ruột chờ.

Chờ hoài hỏng thấy ai, Út Điệu cau mày đứng dậy định dắt xe đi, nhưng bất chợt nghe tiếng thở, tiếng thở ằng ặc như bị bóp cổ. Út Điệu lắng nghe và phát giác tiếng thở lạ lùng phát ra ở sau tấm “ri đô”, nơi làm giường ngủ của Năm thi sĩ. Hơi sợ nhưng lại tò mò, Út Điệu bước lại gần ngóng cổ nhìn vô. Út Điệu thiếu điều muốn ngã ngửa. Trên chiếc ghế bố, Năm thi sĩ nằm nửa trên nửa dưới, hai con mắt trợn trừng, miệng trào đờm trắng nhởn.

Út Điệu quay người định bỏ chạy nhưng không hiểu sao cô vẫn đứng yên tại chỗ. Một lát, cô bước tới chụp vai Năm thi sĩ lắc lắc:

- Anh Năm à, anh Năm, có sao hôn anh Năm?

Năm thi sĩ không trả lời, miệng phát ra tiếng khò khè. Không lẽ thằng cha Năm uống thuốc độc tự vận? Út Điệu nghĩ như vậy mà cảm thấy nổi da gà. Út Điệu định bước ra ngoài la cầu cứu thì thời may thằng Tám vé số đi qua. Út Điệu vội vã nói:

- Tám à! Mầy lại coi anh Năm ở trỏng kìa! Ảnh bị cái gì kỳ cục lắm!

Thằng Tám sửng người rồi vội chạy lại vạch tấm màn, nó la lên:

- Chở ảnh đi nhà thương! Ảnh tự tử rồi! Chị đứng đây coi chừng, tui đi kêu xe.

Một chiếc xe ba gác gắn máy chạy trờ tới, thằng Tám đưa tay ngoắc đại, nó nói:

- Anh này tự tử, mau chở ảnh vô nhà thương.

Tài xế xe ba gác cũng là người trong xóm, vội vã cùng với thằng Tám khiêng Năm thi sĩ bỏ lên xe. Thằng Tám nói khi thấy Út Điệu đứng lóng ngóng:

- Làm ơn làm ơn cho trót! Chị phụ với tôi ôm ảnh tới nhà thương.

Út Điệu bước lên xe. Thằng Tám đỡ phần trên Năm thi sĩ ngóc dậy rồi bỏ xuống ngực Út Điệu. Út Điệu nhắm mắt ôm cứng lấy Năm thi sĩ bởi xe đã chạy, đường đá sỏi ngả ngiêng.

Tới bệnh viện, xe vọt luôn vô phòng cấp cứu. Tám vé số với Út Điệu đi tới đi lui khi Năm thi sĩ đã được xe đẩy vô phòng. Một lát, thằng Tám nói:

- Ảnh với chị có hơi xung khắc, nhưng tui biết ảnh để ý và thương chị lắm. Cái đầu của chị cắt ra từ tấm hình, ảnh không xé bỏ mà cất kỹ vô va ly. Thỉnh thoảng tới chơi tôi bắt gặp ảnh lấy hình chị ra ngắm nghía, tôi còn thấy ảnh hun vô tấm hình –thằng Tám thở dài –tội nghiệp, chắc ảnh tự tử vì thất tình.

Út Điệu nghe thằng Tám nói mà cảm thấy trời đất xà quần, trời đất ơi! Làm gì quá đáng vậy anh Năm? Anh đem tui bêu rếu, tui giận nhưng tui đâu có xúi anh tự tử?! có gì anh cứ nói, tại sao lại… trời đất ơi!

Út Điệu kêu trời trong bụng bởi không dám nói ra. Anh Năm ơi, nếu cứu sống được anh, anh cứ tới tui mà… Út Điệu chưa kịp nghĩ tiếp thì cô y tá mở cửa bước ra. Năm thi sĩ đã được cứu sống kịp thời. Anh ta không tự tử, không uống thuốc rầy mà bị ngất đi vì ngộ độc thực phẩm.

Nghe như vậy, tự dưng Út Điệu cảm thấy buồn hiu. Cô cảm thấy có cái gì đó mất mát đang xảy ra ở trong cô. Sự mất mát còn lớn hơn cô bị bạn hàng giựt nợ.

Lát sau nữa, thằng Tám từ trong chạy ra, nó cười toe toét:

- Ảnh tỉnh rồi, ảnh nói ảnh ăn thịt cóc làm không kỹ nên bị ngộ độc!

Đến lúc này thì Út Điệu không chịu đựng nổi nữa, cô quày quả bỏ đi.

***

Rằm tháng giêng, khi Út Điệu sửa soạn đi lễ chùa thì Năm thi sĩ bước vô nhà, trên tay anh ta cầm một cuộn giấy lớn. Ngập ngừng một lát, Năm thi sĩ nói:

- Tui tới để cám ơn cô cứu sống tui. Tôi xin lỗi cô vì tấm hình này. Giờ tui gởi lại cô và mong cô đừng giận.

Nói dứt, Năm thi sĩ mở cuộn giấy báo để lộ ra một tấm hình lớn, tấm hình đã được dán kỹ lại cái đầu.

Út Điệu không trả lời. Cả hai nhìn nhau. Cả hai không còn nhìn nhau bằng bốn mắt của hai con cọp gầm gừ. Cái nhìn của cả hai tuy còn một chút hoang dã nhưng đã lộ nét yêu thương.

Chàng Năm thi sĩ và cô Út Điệu đã biến thành hai con cọp giấy. Ai đó nhạy thơ Năm thi sĩ, viết hai câu thơ lén dán trước tiệm sửa xe:

                          Rất may còn lại cái đầu
                          Cái đầu còn cái mai sau đang còn!

Mặc Tuyền

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 65

Máy chủ tìm kiếm : 36

Khách viếng thăm : 29


Hôm nayHôm nay : 5400

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 170888

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8317298