Thứ tư - 12/02/2025 09:26
PHÁT HUY TÀI NĂNG VĂN NGHỆ SĨ TRẺ
Võ Thanh Nghị
Trong thời đại, bối cảnh phát triển và hội nhập văn hóa toàn cầu, đặc biệt văn học nghệ thuật (VHNT) có một vai trò hết sức quan trọng, trong đó có tài năng trẻ văn hóa, nghệ thuật. Lực lượng này không chỉ là người kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, mà họ còn giữ vai trò xung kích, tiên phong trong việc tiếp thu, đánh giá, sáng tạo các xu hướng, các giá trị VHNT mới.
Theo các nhà nghiên cứu cho rằng, tài năng trẻ VHNT không chỉ là những người phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn là lực lượng sáng tạo chính trong việc xây dựng và làm mới các ngành công nghiệp văn hóa. Những tài năng trẻ đóng góp không chỉ bằng tài năng nghệ thuật mà còn qua khả năng đổi mới, sáng tạo và khả năng thích ứng với xu thế mới. Ở khía cạnh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ nhân và nghệ sĩ trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Họ giúp duy trì những hình thức nghệ thuật cổ truyền như tuồng, chèo, cải lương, đờn ca tài tử và các nghệ thuật truyền thống khác, đồng thời đưa chúng vào đời sống đương đại. Qua nhiều giai đoạn phát triển, có thể thấy, đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ chính là thế hệ kế cận, có khả năng pháy huy vị thế xung kích, vai trò tiên phong, nêu gương và lan tỏa các giá trị VHNT, cuối cùng vẫn là để xây dựng nền tảng, góp phần phát triển con người Việt Nam. Cụ thể những điều tưởng như đơn giản như văn hóa xếp hàng, tham gia giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường cộng đồng… mới góp phần tạo nên con người Việt Nam văn minh, hiện đại, hội nhập.
Qua đó, cho thấy và khẳng định rằng lực lượng VHNT nói chung, tài năng trẻ VHNT nói riêng vốn là vốn quý của với mỗi quốc gia, dân tộc. Nếu được ươm trong một môi trường tốt, được Nhà nước quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho đội ngũ VHNT, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ thì đội ngũ trí thức này sẽ thăng hoa, tỏa sáng. Trái lại, nếu không được quan tâm, chế độ, chính sách thỏa đáng, những đội ngũ này sẽ khó có điều kiện phát triển và trong đó không ít trường hợp sẽ bị thui chột, phai nhạt.
Nguyên nhân đầu tiên của thực trạng trên trong nhiều năm qua trên phạm vi cả nước, trong đó có lĩnh vực VHNT tỉnh Long An là do thiếu nguồn lực tài chính; cơ chế và chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, văn nghệ sĩ - trong đó có đội ngũ VHNT trẻ- trên phạm vi cả nước còn nhiều bất cập, chồng chéo; quy định chế độ phụ cấp còn ở mức thấp, chưa đầy đủ; chính sách tuổi nghỉ hưu, nhất là đối với viên chức trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa phù hợp…Và một điều rất đáng quan tâm vì nó mang tính chiến lược, đó là vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng VHNT nói chung, VHNT trẻ nói riêng trong nhiều năm qua cho đến nay còn nhiều khó khăn.
Để phát huy và khắc phục những vấn đề nêu trên, theo tôi, điều đầu tiên là cần có cơ chế, chính sách đồng bộ, liên tục cho lực lượng VHNT trong cả nước và ở tỉnh nhà, đặc biệt chú ý, quan tâm đến VHNT trẻ ( chính sách tài chính, đào tạo, hợp tác quốc tế, chính sách khuyến khích sáng tạo và phát triển nghề nghiệp….). Song song đó cần nâng cao vai trò của xã hội, của các tổ chức, đoàn thể và chính quyền các cấp… trong phát triển VHNT và tài năng trẻ nước nhà, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy VHNT cần đặc biệt quan tâm các nghệ nhân lớn tuổi, giàu kinh nghiệm, vốn sống về lĩnh vực VHNT được ví như” báu vật sống “ mà thế hệ trẻ VHNT phải học tập, noi theo, qua đó, sẽ tạo nên sứ mệnh lịch sử đang đặt ra cho lượng VHNT Việt Nam. Được như vậy chắc chắn sẽ tạo nên chất lượng, chiều sâu và vị thế cao của nền VHNT nước nhà, trong đó có nền VHNT tỉnh Long An.