Thứ ba 03/12/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Bút ký: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC


      Tác giả: Nguyễn Phấn Đấu

      
      Đường cau Tân Trụ - Con đường hạnh phúc. Ảnh: Duy Bằng.

    
      Tôi có người bạn thời học đại học, hiện sống ở TP.HCM. Một hôm người bạn điện thoại cho tôi nói: “Hôm qua, đứa con của tao biết ba nó có bạn ở Long An nên khuyên tao nên về Long An chơi và nhờ mày đưa đi thăm “đường cau vua” nào đó mà con tao và các bạn của nó rất thích”. Tất nhiên là tôi nhận lời ngay và mời bạn về Long An chơi và đi Tân Trụ đúng vào dịp Lễ kỷ niệm 156 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hi sinh.
      Con đường như mơ
      Bạn tôi từ TP.HCM đến TP.Tân An theo lời hẹn, do người con trai chở bằng xe hơi. Bạn có 2 người con, toàn trai, người đi cùng là con lớn, đã học ra trường, đi làm ở TP.HCM. Còn cậu trai nhỏ đang học đại học năm thứ 3, là người đã từng cùng bạn bè đến chơi “Đường cau vua Tân Trụ” và khuyên ba nên đến đó một lần cho biết. Uống cạn ly cà phê, chúng tôi lên đường đi Tân Trụ. Đi trên đường Vành đai TP.Tân An, rồi qua cầu Vàm Cỏ Tây, bạn tôi cứ tấm tắc khen “Tân An có cầu đường mới đẹp quá!”. Trên đường đi, tôi hỏi bạn đã từng đến thăm những danh lam thắng cảnh nào ở Long An chưa? Bạn trả lời, đã từng đến 2 nơi, đó là Chùa Tôn Thạnh ở Cần Giuộc và Nhà Trăm Cột ở Cần Đước. Tôi cũng hỏi người con lái xe của bạn cùng câu hỏi đó, cháu lắc đầu trả lời “Con chưa từng đến”. “Vậy cháu có nghe nói, có biết điểm tham quan nào ở Long An không?”, tôi hỏi tiếp. Cháu trả lời: “Cháu có nghe nói Đồng Tháp Mười và “Đường cau Tân Trụ””. Ngồi trên xe mà tôi cứ suy nghĩ, trăn trở, ở Long An có những khu du lịch đồ sộ đầu tư hàng trăm tỉ, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng, mà cha con bạn tôi không biết, trong khi họ lại biết và quyết đến thăm cho được “Đường cau Tân Trụ”.
      Đến thị trấn Tân Trụ, do đã từng trải nghiệm, tôi cho xe đậu ngoài đầu đường rồi đi bộ vào để khách cảm nhận hết vẽ đẹp của “Đường cau”. Vừa đi tôi vừa giới thiệu với bạn những gì tôi biết. Đây là tuyến đường giao thông nông thôn kết nối trung tâm thị trấn Tân Trụ với ấp văn hóa Thạnh Lợi, xã Đức Tân cùng thuộc huyện Tân Trụ. Tên đúng của tuyến đường là Ông Đồ Nghị, còn “Đường cau Tân Trụ” là do khách đến tham quan đặt cho. Đường có mặt bê tông rộng 3 mét, dài khoảng 2km, trồng tổng cộng trên 300 cây cau vua có tuổi trên 13 năm...
       Bạn tôi như bị “hớp hồn” khi đi trên con đường bê tông sạch đẹp giữa 2 hàng cau vua trồng thẳng tắp, đều đặn, đi xuyên qua cánh đồng lúa xanh mơn mởn, rồi đến ruộng thanh long, tất cả đều tràn đầy sức sống của một miền quê Tây Nam Bộ. Bạn tôi chia sẻ, do hàng ngày phải sống ngột ngạt ở thành phố không khí ngày càng ô nhiễm, nên khi bước chân vào “Đường cau vua Tân Trụ”, bạn cảm thấy dễ chịu lạ thường, một khung cảnh thơ mộng và bình dị đến lạ, đậm chất đồng bằng châu thổ. Do là người rất thích “chơi” mai, nên khi đến một vườn mai nằm bên đường, bạn tôi dừng lại ngắm nhìn rất lâu những hình thế độc lạ, chứng tỏ chủ nhân vườn mai rất kỳ công. Rồi chúng tôi ghé vào ngôi miếu cổ mang tên Bà Lễ nằm bên đường, mới được tu sửa lại khá khang trang với nhiều cây cổ quý hiếm.
       Ra khỏi miếu, trước mắt chúng tôi là hình ảnh con đường lung linh áo trắng tinh khôi của các em học sinh tan trường về nhà đi bộ trên đường hoặc trên những chiếc xe đạp xinh xắn. Trong khi 2 “bạn già” chúng tôi chỉ biết ngắm cảnh đẹp thì cậu con trai của bạn đi cùng liên tục “chek-in” không ngớt tay. Cháu hứng thú nói, chỉ cần đưa điện thoại lên là có ảnh đẹp, vì góc chụp nào cũng có hậu cảnh nên thơ. Tất nhiên là cháu cũng đạo diễn cho 2 người bạn già có những tấm hình đẹp trên đường cau. Tuổi trẻ có khác, nhìn những thân cau trang trí đèn màu, rồi những băng ghế hình dáng đẹp đặt cạnh các gốc cây, cậu trai cho rằng nơi đây ban ngày thì nên thơ, yên bình, lúc đêm đến chắc đường cau sẽ lung linh đa sắc màu với những ánh đèn đủ sắc, là nơi hẹn hò lý tưởng. Tình cờ thấy một người đàn ông thanh thản đạp xe trên đường cau, tôi ngăn lại hỏi thăm. Ông cho biết tên là Trần Văn Tài ở xã Bình Lãng gần đó, hầu như ngày nào ông cũng đạp xe trên con đường, ngoài tập thể dục, ông như được tách khỏi cuộc sống xô bồ bởi nó rất bình yên và không khí trong lành. Dù đang đạp xe ngoài đường rất mệt nhưng khi vừa rẽ vào con đường này ông luôn thấy mát mẻ, dễ chịu.
        Con đường hạnh phúc
       Ông Võ Văn Thành, nguyên Trưởng ấp Thạnh Lợi (nơi có con đường cau), kể: Từ khi có con đường cau luôn tỏa bóng mát, bà con làm đồng 2 bên đường có chỗ ngồi nghỉ trú nắng, nhất là vào buổi trưa, Con đường này còn là điểm hẹn hò của những đôi trai gái ở thôn quê, là nơi tạo dựng và chứng kiến bao mối tình. Rồi đến khi thành vợ thành chồng, các đôi uyên ương thường ra đây chụp ảnh lưu lại ngày quan trọng của đời mình.. Ông Thành có 3 người con, tất cả đã có gia đình, ngày cưới của các con ông, đoàn người đưa dâu (hoặc đón dâu) luôn đi bộ trên suốt con đường cau, ra đến đầu đường có xe hoa đón chờ. Nhờ đó mà các đám cưới luôn có album ảnh và phim quay rất đẹp, là kỷ niệm vô giá trên bước đường hạnh phúc của các con. Vì lẽ đó mà nhiều cặp đôi đến chụp ảnh cưới nơi đây đã đặt cho “Đường cau vua” một cái tên khác là "Con đường hạnh phúc".
        Nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Bằng, người có hiệu ảnh ngay tại đầu đường phía thị trấn Tân Trụ, cho biết: Trong cuộc đời nghệ sĩ nhiếp ảnh của mình, anh đã chụp không biết bao nhiêu bức ảnh nghệ thuật về đường cau. Trong đó có đến hàng chục đám cưới của các bạn trẻ nhờ anh đưa đi chụp ảnh “ngày hạnh phúc” trên con đường. Bây giờ tôi mới để ý thấy ở ngay đầu đường có một tấm bảng trang trí khá đẹp, treo ngang đường tựa 2 đầu lên thân 2 cây cau, trên ấy ghi dòng chữ đẹp, nổi bật “Con đường hạnh phúc”!
         Anh Võ Thành Ngoạn, SN 1989, một cư dân ở xã Đức Tân, có bộ ảnh cưới chụp trên “Con đường hạnh phúc” cách đây 8 năm. Thỉnh thoảng vợ chồng anh lại mở xem bộ ảnh cưới thật đẹp chụp trên đường cau, rồi cùng chở đứa con nhỏ đi dạo trên đường cau như là cách “hâm nóng” tình yêu, vun bồi hạnh phúc gia đình. Còn đối với chị Võ Thị Thúy, SN 1984, sinh ra và lớn lên bên đường cau, hiện theo chồng định cư bên Mỹ, bộ ảnh cưới và phim quay đám cưới trên đường cau trở thành hành trang vô giá trong cuộc sống nơi đất khách. Đó cũng là hình ảnh gần gũi, thiêng liêng giúp vợ chồng chị gắn bó với quê hương. Mỗi lần về thăm quê nhà, vợ chồng chị luôn dành nhiều thời gian đi dạo trên đường cau mà nghe hạnh phúc dâng tràn!
         Chị Nguyễn Thụy Thắm – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Long An, người đặc biệt yêu thích “Đường cau Tân Trụ” chia sẻ: Nhà chị ở huyện Cần Đước, mấy chục năm qua hàng ngày đi làm ở TP.Tân An bằng xe máy ngang qua thị trấn Tân Trụ, nên chị chứng kiến sự ra đời và từng ngày đẹp lên của con đường cau. Sáng đi làm sớm, ngang con đường cau còn mờ ảo trong sương, chị ghé vào check-in; chiều về ngang qua thấy con đường lung linh trong nắng chiều, chị lại ghé selfie; sau một ngày mệt nhọc với bao việc ở cơ quan, chiều về chị ghé vào đường cau ngồi nghỉ, mọi mệt nhọc như tan biến hết. Chị Thắm có vô số ảnh chụp con đường cau, từ lúc mới trồng, năm lên 1 - 2  tuổi, lúc cao ngang đầu, khi đã cao vút trời xanh... Trước đây chưa có băng chế, chị ngồi trên thảm cỏ mép đường, bên gốc cau. Gần đây địa phương đặt nhiều băng chế dài theo đường, rồi gắn đèn trang trí trên các thân cau, làm cho đường cau vua vê đêm trở nên lung linh với những ánh đèn đủ màu sắc, ai đi ngang cũng phải dừng lại ngắm nhìn. Chị Thắm có nhiều bạn bè trên khắp cả nước, nhiều người định cư nước ngoài, mỗi khi có người đến Long An chơi, chị luôn đưa họ đi “khoe” “Đường cau Tân Trụ” và họ luôn thích thú. Một lần đoàn khách của Văn phòng Chính phủ vào Long An làm việc (lúc chị Thắm còn làm ở Văn phòng UBND tỉnh), chị đưa đoàn khách xuống thăm đường cau, khi về Tân An gặp Bí thư Tỉnh ủy họ đã ca ngợi hết lời về con đường. Chị Thắm có cả bộ ảnh chụp một đứa bé từ ngày cháu được bà ngoại chở đi học lớp 2 bằng xe đạp trên đường cau, rồi cháu tự đi bộ đến trường, lớn thêm một chút tự đạp xe đến trường cũng trên đường cau, mới đây cháu rời quê nhà đi trên đường cau để vào đại hoc...
      Những người “mở đường”
      Trong một ngôi nhà ven “Đường cau Tân Trụ” cũng trồng nhiều cau vua và mai vàng, tiếp chúng tôi là người từng gắn bó với con đường ngay từ buổi đầu. Ông tên Võ Văn Thành, sinh năm 1965, từng làm Trưởng ấp Thạnh Lợi liên tục 4 nhiệm kỳ, từ năm 2007 đến năm 2017. Ông Thành kể, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, ông cưới vợ, được cha mẹ cho “ra riêng” nơi đây và ông đã gắn bó với con đường trên 30 năm. Ông Thành cho biết, thực hiện chủ trương kiên cố hóa đường giao thông nông thôn của huyện, vào năm 2008 tuyến đường được khởi công theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, là con đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đầu tiên ở Tân Trụ. Ban đầu tuyến đường đổ bê tông rộng 2,2 mét. Sau đó, mặt đường được bà con hiến đất mở rộng lên 3m và đặc biệt là trồng hơn 300 gốc cau vua ở hai bên đường nhằm tạo cảnh quan xanh mát cùng không khí trong lành, thuận tiện cho việc giao thông, đi lại. Những ngày làm đường, ông Thành suốt ngày “ôm” máy trộn hồ, vừa  góp công cùng bà con, vừa để giám sát chặt chẽ chất lượng thi công. Ông Thành cũng cho biết, ông không tham gia trực tiếp trồng 2 hàng cau vua bên đường, nhưng ông với vai trò “Trưởng ấp” đã vận động bà con 2 bên đường cùng bảo vệ, chăm sóc cau từ khi cây còn nhỏ xíu. Nhờ vậy mà trải qua bao mùa mưa nắng, bao phen “đốt đồng” theo thói quen của nông dân nơi đây, hai hàng cau vẫn nguyên vẹn, phát triển, khi có cây bị chết  được trồng thay thế ngay.
      Theo chỉ dẫn của ông Thành, chúng tôi tìm gặp người được cho là đã khởi xướng việc trồng con đường cau. Đó là anh Tô Phi Hùng, hiện là Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Trụ. Tiếp chúng tôi tại trụ sở cơ quan mới được xây dựng khang trang, anh Hùng kể: Lúc đó, năm 2011, anh đang làm Bì thư Huyện đoàn Tân Trụ. Nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6, Huyện đoàn hưởng ứng bằng cách chọn công trình làm sạch đẹp các tuyến đường giao thông nông thôn và trường học. Đường Ông Đồ Nghị và một số tuyến đường khác (đã được bê tông hóa) trong huyện được lựa chọn để trồng cau vua và hoa hoàng anh. Dự toán kinh phí thực hiện hơn 100 triệu đồng. Sau khi được lãnh đạo huyện ủng hộ và thông qua, Huyện đoàn đã phát động “tổng lực” trong đoàn viên thanh niên “ra quân” trồng cây, hoa đúng vào ngày 5/6/2011. Chỉ trong một ngày, các đoàn viên thanh niên đã trồng xong 2 con đường cau và một số con đường hoa hoàng anh. “Trồng cây thì dễ, nhưng bảo vệ cây mới khó”, anh Hùng chia sẻ. Sau khi trồng, các công trình được giao cho tổ chức Đoàn thanh niên tại chỗ bảo vệ, chăm sóc; tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền và người dân địa phương cùng bảo vệ. Nhưng chỉ có con đường cau Ông Đồ Nghị được bảo vệ nguyên vẹn, được tu bổ ngày càng đẹp hơn. Con đường cau còn lại (ở xã Đức Tân) đã phải phá bỏ một bên khi mở rộng con đường. Các con đường trồng hoa hoàng anh cũng không để lại nhiều dấu ấn như “Đường cau Tân Trụ”. Anh Hùng cũng không thể ngờ “đường cau” mà anh và các đoàn viên thanh niên thị trấn Tân Trụ trồng ngày ấy sau này lại được nhiều người biết đến, cùng với Vàm Nhựt Tảo, Miễu Ông Bần Quỳ... làm nên những điểm nhấn thú vị của quê hương Tân Trụ. 
      “Đường cau Tân Trụ” được nhiều người biết đến đang mở ra cơ hội làm du lịch cho người dân nơi đây và anh Lê Văn Nhân và đứa cháu Trần Thành Hiếu đang “đón đầu” cơ hội ấy. Nhiều năm trước anh Nhân đã chuyển hẳn 1,5ha trồng lúa của gia đình sang trồng mai vàng, nay đã có thể đón khách tham quan. Rồi anh đầu tư bảo tồn ngôi nhà cổ ông bà để lại. Anh và đứa cháu tên Hiếu dành gần 3.000m2 đất để mở rộng, rồi bỏ vốn trùng tu ngôi miếu cổ mang tên Bà Lễ cạnh nhà... Đã gần đủ các yếu tố để “Đường cau Tân Trụ” trở thành một địa chỉ du lịch thực thụ trong bản đồ du lịch của huyện Tân Trụ và cả tỉnh Long An.
      Ngày mai bắt đầu từ hôm nay
      Anh Tô Phi Hùng cho biết, hiện ở Văn phòng Quốc hội có treo bức ảnh nghệ thuật “Đường cau Tân Trụ” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Bằng. Chuyện là vào tháng 7/2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Long An đã về huyện Tân Trụ để kiểm tra thực tế công tác xây dựng đường giao thông nông thôn ở địa phương. Chủ tịch đã đi dạo trên đường Ông Đồ Nghị - tuyến đường thường được gọi là "Đường cau đẹp nhất miền Tây" hay còn gọi là “Đường cau Tân Trụ”. Lãnh đạo huyện Tân Trụ đã tặng Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân món quà ý nghĩa – bức ảnh nghệ thuật “Đường cau Tân Trụ” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Bằng. Bức ảnh nghệ thuật này cũng được lãnh đạo tỉnh Long An làm quà tặng khách mỗi khi họ đến làm việc ở tỉnh.
      “Đường cau Tân Trụ” đã là nguồn cảm hứng để lãnh đạo huyện đẩy nhanh hoàn thành bê tông hóa giao thông nông thôn trong toàn huyện, Tân Trụ trở thành huyện điểm trong toàn tỉnh thực hiện bê tông giao thông nông thôn, góp phần đưa huyện sớm đạt chuẩn “Nông thôn mới”. Trên các tuyến đường trong huyện, đâu đâu cũng thấy những con đường bê tông rộng từ 2,5m đến 5m, được bao bọc xung quanh những cánh đồng lúa, bên lề trồng hoa mười giờ, cỏ đậu; đặc biệt là có nhiều tuyến đường được trồng 2 hàng cau xanh mát.
       Chủ tich UBND huyện Tân Trụ - ông Trịnh Phước Trung – cho biết, để bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, ngày 24/9/2021, Huyện ủy Tân Trụ đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/HU về tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025, góp phần xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Hội nghị Huyện ủy lần thứ 7 năm 2021 thống nhất chọn công trình đường Đặng Văn Chúng (xã Bình Tịnh) làm công trình điểm thực hiện theo NQ số 22-NQ/HU của Huyện ủy. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2022. Sau khi hoàn thành công trình điểm để rút kinh nghiệm, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các xã, thị trấn còn lại tiến hành khảo sát, lấy ý kiến người dân và đăng ký thực hiện ít nhất 1 công trình/năm với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Đến nay, toàn huyện thực hiện 22 tuyến đường giao thông nông thôn, mặt đường rộng 5m trở lên, tổng chiều dài khoảng 21km, kinh phí hơn 117 tỉ đồng.
          Những “con đường số 22” - con đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025 của huyện Tân Trụ - được mở rộng, nâng cấp, bê tông hóa hoặc nhựa hóa với mặt đường rộng từ 5m trở lên được nối dài, tỏa rộng, bảo đảm vẻ mỹ quan, phục vụ tốt việc lưu thông hàng hóa, đi lại, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần thúc đẩy KT-XH của huyện phát triển nhanh, bền vững và xây dựng huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.
        Lưu luyến chia tay “Đường cau Tân Trụ”, chúng tôi đi tiếp trên một đường cau khác, rộng và dài hơn, cau vua mới được trồng thẳng tắp 2 bên đường, mặt đường tráng nhựa phẳng phiu, hứa hẹn một con “Đường cau Tân Trụ” khác không kém phần xinh đẹp, đó là đường Nguyễn Hoàng Anh. Rồi xe đưa chúng tôi đi tiếp trên những con đường nhựa có, bê tông có, hai bên trồng đầy hoa hoàng anh vàng rực, để đến khu di tích Miễu Ông Bần Quỳ ở xã Nhựt Ninh, nơi hợp lưu 2 con sông Vàm Cỏ cùng câu chuyện tuẩn tiết chống giặc đầy nghĩa khí của ông Mai Bá Hương cách đây hơn 300 năm. Xong chúng tôi về khu di tích Vàm Nhựt Tảo dự Lễ kỷ niệm 156 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hi sinh. Vốn là người có hiểu biết lịch sử, người bạn tôi đến từ TP.HCM trố mắt trước cảnh hàng chục ngàn người dân đi lễ ở khu di tích bề thế ngay tại nơi mà Anh hùng Nguyễn Trung Trực đã đốt lên ngọn “Hỏa hồng Nhựt Tảo”. Kết thúc chuyến đi, bạn tôi chỉ nói một câu “Quá thú vị, quá ý nghĩa” và cho biết sẽ rủ nhiều bạn bè ở TP.HCM quay trở lại thăm Tân Trụ trong một ngày không xa.
       Tân Trụ tháng 10/2024
 
 
 

N.P.Đ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 16


Hôm nayHôm nay : 1582

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 14856

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10760079