Thứ năm 12/09/2024

NỘI DUNG CHÍNH

NÉT XƯA TRONG LÒNG ĐÔ THỊ

Di tích Nhà Tổng Thận. Ảnh: TL

Di tích Nhà Tổng Thận. Ảnh: TL


 
               Hồ Phan Mộng Tuyền

          Là một trong 15 đơn vị hành chính của tỉnh Long An, TP.Tân An là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật của tỉnh. Vốn là vùng đất được khai phá sớm nên Tân An có truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú và đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Tên gọi Tân An bắt đầu xuất hiện từ năm 1832, mang ý nghĩa thể hiện niềm mong ước “an cư lạc nghiệp” ở một địa bàn hành chính vừa mới được thành lập. Trải qua nhiều biến đổi, Tân An vẫn giữ được những nét độc đáo riêng có. Để hiểu hơn về vùng đất này, xin mời du khách dạo quanh một vòng thăm các công trình văn hóa, các di tích lịch sử để tìm lại những nét xưa trong lòng một đô thị hiện đại.
          Đầu tiên, tọa lạc tại cửa ngõ TP.Tân An, ngay khu vực vòng xoay phường 5, Công viên tượng đài Long An trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc mở rộng cửa chào đón du khách. Đây là công trình văn hóa tiêu biểu của tỉnh Long An với diện tích 6 hecta. Công trình có 2 phần chính là tượng đài và công viên, bao gồm các hạng mục điêu khắc: nhóm tượng người mẹ và chiến sĩ; quần thể tượng Trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc cùng với 8 trụ rồng và 2 tranh hoành tráng. Bên cạnh đó, công trình còn có hồ phun nước nghệ thuật và nhà trưng bày sự kiện lịch sử.
          Đây không chỉ là là điểm vui chơi, giải trí mà còn là nơi tham quan thú vị để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của Long An. Ngoài phòng trưng bày với các sưu tập hiện vật, hình ảnh, tài liệu khoa học… nêu bật sự sáng tạo, tinh thần kiên cường dũng cảm của quân và dân Long An thì khu công viên tượng đài này còn có một hệ thống tầng hầm được trưng bày rất độc đáo. Với 8 mô hình: Nhân dân dùng xuồng đưa bộ đội vượt sông đánh giặc; Ba lần đánh đồn Đức Lập (từ 28 rạng 9/1965 - 20/11/1965); Làng chiến đấu ở vùng hạ Long An; Sản xuất vũ khí tại Công binh xưởng; Dân công hỏa tuyến Long An làm “cầu người” vận chuyển thương binh; Trạm quân y tại căn cứ Đám lá Tối trời; Cán bộ, chiến sĩ  và nhân dân sống, chiến đấu trong mùa nước lũ; Trận Hiệp Hòa (đêm 22 rạng 23/11/1963) đã góp phần tái hiện lại hoàn cảnh sống và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Long An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Có thể nói, các mô hình sống động, độc đáo và chân thực này chính là điểm nhấn tại công trình văn hóa này.
          Rời công viên tượng đài, di chuyển một đoạn đường không xa du khách sẽ đến thăm nơi được chọn làm trụ sở công khai đầu tiên của Tỉnh ủy Tân An sau Cách mạng Tháng Tám 1945 - di tích lịch sử Nhà Tổng Thận. Di tích tọa lạc tại số 4 Ngô Quyền, phường 1, TP.Tân An bên cạnh dòng kinh Bảo Định. Lịch sử của ngôi nhà cũng trải qua nhiều biến đổi, vốn là tư gia của Cai tổng Trần Khắc Thận được xây dựng khoảng năm 1892 – 1893, ngôi nhà sau đó thuộc sở hữu của chính quyền thuộc Pháp tỉnh Tân An, đến năm 1941 là trụ sở Bộ chỉ huy quân đội Thiên Hoàng của phát xít Nhật. Cách mạng Tháng Tám ở Tân An thành công (ngày 22/8/1945), Tỉnh ủy Tân An đã chọn nhà Tổng Thận làm trụ sở  hoạt động công khai. Chính tại đây đã diễn ra nhiều cuộc họp, hội nghị quan trọng như phân nhiệm nhân sự Đảng và chính quyền; củng cố bảo vệ chính quyền và chuẩn bị kháng chiến chống Pháp lâu dài…
         Tại đây, du khách sẽ được giới thiệu những nét độc đáo về phong cách kiến trúc nhà ở dân dụng của tầng lớp trung lưu Nam bộ nửa cuối TK19;  về Tân An xưa đặc biệt là những hiện vật, mô hình và hình ảnh tái hiện lại cuộc họp lần thứ 3 của Tỉnh ủy Tân An. Ngoài ra, di tích còn tái hiện phòng tra tấn và phòng giam các chiến sĩ cách mạng mà phát xít Nhật xây dựng ở đây trong thời gian chúng chiếm đóng từ 1941-1945. Một điểm di tích không thể bỏ qua!
         Nằm cặp tuyến Quốc lộ 1A có một công trình kiến trúc Pháp cổ kính, nơi lưu giữ và trưng bày những hiện vật, tư liệu, hình ảnh về lịch sử đất và người Long An, là niềm tự hào của người dân nơi đây, đó chính là Bảo tàng Long An. Được thành lập từ năm 1985, Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 20.000 hiện vật, trong đó có 2 bảo vật quốc gia. Nơi đây có phòng trưng bày về nền văn hóa Óc Eo (thế kỷ I - thế kỷ VII) với nhiều hiện vật quý hiếm và độc đáo. Các phòng trưng bày về lịch sử Long An trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, phòng trưng bày mỹ nghệ, mỹ thuật với nhiều hiện vật đặc sắc sẽ giúp du khách có cơ hội tìm hiểu, khám phá về vùng đất cửa ngỏ miền Tây thân yêu.
        Tiếp tục theo Quốc lộ 1A về hướng Tiền Giang, đến khu vực phường Khánh Hậu, cặp lộ có chiếc cổng lớn dẫn vào di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức. Đây là một tổng thể gồm 5 công trình kiến trúc: 3 cổng, đền thờ và lăng mộ với diện tích 1.280 m2. Di tích là nơi thờ tự và lưu giữ lăng mộ Đức tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức (1784-1819) một bậc khai quốc công thần của triều Nguyễn. Được xây dựng từ năm 1817, di tích là một công trình kiến trúc cổ của Long An còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Với chất liệu đá ong và vữa tam hợp, di tích chịu ảnh hưởng bởi phong cách, kiểu dáng kiến trúc thời Nguyễn nhưng vẫn mang bản sắc địa phương và đã trở thành điển hình cho lối kiến trúc lăng mộ của tầng lớp quan lại đầu thế kỷ XIX. Cổng và đền thờ được xây dựng sau nhưng vẫn mang phong cách kiến trúc cổ truyền, có sự kết hợp hài hòa giữa tính hiện đại và truyền thống trong chất liệu cũng như nghệ thuật. Các chiếu, chỉ, sắc phong và cổ vật quý hiếm trong di tích là những tư liệu vô giá phục vụ khách tham quan và các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa thời cận đại. Hàng năm lễ Chu niên Quận công Nguyễn Huỳnh Đức diễn ra trong ba ngày vào mùng 7, 8, 9/9 âm lịch.
          Từ Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức theo con đường hình vòng cung dẫn ra quốc lộ khoảng 500m ta bắt gặp một ngôi đình cổ -  Đình Khánh Hậu. Đây là ngôi đình làng thờ Thành hoàng bổn cảnh, xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Hiện nay, đình còn lưu 6 sắc phong thần của vua Thiệu Trị và Tự Đức phong tặng vào các năm 1845, 1850. Sắc được viết trên giấy kim tiền, màu vàng có hình rồng, mây (long - vân), đây là hiện vật quý có niên đại nữa đầu thế kỷ XIX. Đình có các lễ cúng như Chạp miễu ức (cúng chiến sĩ), Kỳ yên, Hạ điền và Thượng điền. Ngoài ra, đây còn là địa điểm hoạt động của lực lượng Thanh niên Tiền phong ở Tân An trong cuộc khai phá giành chính quyền tháng 8/1945 ở Tân An. Một ngôi đình cổ chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và văn hóa quý báu đang chờ bạn khám phá.
          Và cách ngôi đình ấy không xa có một cây cổ thụ 400-500 tuổi. Đó là cây Trôm Khánh Hậu, vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Quốc gia. Cây Trôm  tọa lạc tại cổng chùa Diêu Quang trên đường Lương Văn Chấn, phường Khánh Hậu. Đây là chứng tích sống của rừng nguyên sinh lâu đời ở vùng đất này…
         Sau khi dạo quanh một vòng các di tích lịch sử - văn hóa ở TP.Tân An hẳn du khách có những trải nghiệm thú vị, hiểu rõ hơn về đất và người nơi đây, thêm yêu và quý mảnh đất trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc. Bởi trong lòng một đô thị hiện đại vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo, truyền thống lịch sử lâu đời và những nét xưa thật dung dị. Đó chính là nét gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp mỗi người, dù lạ hay quen đều thêm yêu vùng đất này…. Và trước khi kết thúc hành trình khám phá TP.Tân An, mời du khách dành thêm chút thời gian thưởng thức những món ngon mang đậm hương vị Long An, nhâm nhi ly rượu nếp Gò Đen, mua thêm hủ mắm chua cá lia thia hay vài trái thơm ngọt lịm của vùng Lương Hòa - Bến Lức mang về làm quà… để lưu giữ thêm nhiều hương vị của TP.Tân An./.
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 35


Hôm nayHôm nay : 2709

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 108850

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10332936