Chủ nhật 13/10/2024

NỘI DUNG CHÍNH

LIỆT SĨ

                 Kim Xuân Bảo


Có lẽ ai cũng hiểu Liệt sĩ là những người đã hi sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên cho Nhân dân. Nhưng có ai nghĩ rằng sâu thẳm trong hai từ nhẹ nhàng, thanh thoát, giản dị ấy đã chứa đựng biết bao nhiêu tình yêu thương, công sức, những cung bậc cảm xúc từ hạnh phúc vô biên đến đau khổ tột cùng của kiếp nhân sinh.
Gần 1,2 triệu liệt sĩ trên dải đất hình chữ S này đã nói lên một tinh thần bất diệt “ Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “ ….Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”
Nhìn những nấm mộ vô tri, “Trơ gan cùng tuế nguyệt”, những dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ”, có lẽ ai cũng chạnh lòng vì để được vinh danh hai từ “Liệt sĩ” là một câu chuyện dài về một con người sinh ra từ lúc chào đời đã được cả gia đình, dòng tộc cưu mang, chăm sóc, dạy dỗ để trưởng thành. Trong đó đặc biệt là vai trò của người mẹ, người cha đã dày công nuôi dưỡng với niềm hạnh phúc vô biên khi đứa con chập chững bước đi, miệng bập bẹ những câu ngây ngô đầu đời… Mẹ, cha  luôn luôn dành tình thương bao la vô bờ bến. Mẹ chăm lo từng giọt sữa, miếng ăn, giấc ngủ; những tấm tã, những lúc trái gió trở trời, hắt hơi, chảy mũi… như câu tục ngữ: “Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”. Cha thì vất vả, bươn chải bất chấp thời gian để nuôi con khôn lớn. Tiếp theo là sự giáo dục của nhà trường mà trong đó vai trò của những thầy, cô kết hợp với truyền thống dân tộc đã góp phần hình thành nên nhân cách con người Việt Nam qua hơn bốn ngàn năm xây dựng và giữ nước cho dân tộc trường tồn, non sông liền một dải… Một yếu tố không kém phần quan trọng nữa là ý chí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù của những con người kiên trung, dám dấn thân lao vào nguy hiểm, không quản ngại đến sự hi sinh mất mát. Không phải họ đã coi nhẹ sự sống, coi nhẹ chữ hiếu đối với đấng sinh thành để rồi liều thân mà họ đặt Tổ quốc, vận mệnh dân tộc, sự tự do của nhân dân lên trên quyền lợi cá nhân. Họ hiểu rằng “Nước mất thì nhà tan”. “Không có gì quí hơn độc lập tự do” và quan trọng hơn là họ đã lường trước sự gian khổ mà nhà thơ Tố hữu đã khắc họa nên  “…Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa…”.
Tham gia vào quân ngũ để bảo vệ Tổ quốc, các anh phải ngậm ngùi từ bỏ quê hương, gia đình, gác lại bao ước mơ, mộng đẹp của tuổi đôi mươi…, chấp nhận cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật ở những nơi “Thâm sơn cùng cốc”… Đối mặt với những cơn mưa tầm tẫ, những trưa hè oi ả, những thú rừng, rắn rết, muỗi mòng, rắn, đỉa, những trận cuồng phong trên biển cả hay hải đảo xa xôi…, chấp nhận những gian khổ bò lăn, lê lết ở thao trường với mong muốn “Ở thao trường đổ mồ hôi thì ở chiến trường ít đổ máu” nhằm đạt được những kỹ năng tác chiến hoàn hảo hơn người. Khi ra chiến trường các anh cũng có cảm giác lo lắng, thậm chí sợ hãi khi phải chạm súng với đối phương, sợ hỏa lực mạnh từ tàu bay hay phi pháo… Nhưng cảm giác lo lắng đó sẽ sớm được trấn an bởi lòng yêu nước, thương nòi, căm ghét những kẻ bán nước cầu vinh, sự dã man của quân xâm lược… dù biết rằng khoảng cách giữa sống và chết chỉ trong gang tấc. Và trong thực tế sự hủy diệt, tàn phá của chiến tranh sau những trận công đồn hay chống càn đều để lại những nỗi đau thương chồng chất từ chiến trường máu đổ, thây phơi, những nấm mồ chôn vội trong cảnh hoang tàn do lửa đạn… khó có từ nào lột tả cho trọn vẹn.
Hi sinh, thương tật là hệ quả tất yếu của chiến tranh nhưng thảm thương không kém là khi sa vào tay giặc. Cảnh tù đày, tra khảo man rợ của kẻ thù ở các nhà tù tàn bạo như thời trung cổ mà ai có dịp đến Côn Đảo, Phú Quốc… những nơi mệnh danh là “Địa ngục trần gian” sẽ hiểu nỗi đau tận cùng của những chiến sĩ kiên cường trong cảnh lao tù đã vĩnh viên ra đi trong thầm lặng để giữ gìn khí tiết cách mạng, bảo toàn cho đồng chí, cho tổ chức đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm của nó về bao mất mát, đau thương dường như vẫn còn hằn sâu trong trái tim của mỗi người dân Việt.
Hoài niệm về một thời lịch sử để ghi tạc những công lao không gì so sánh nổi của các bậc tiền nhân, để cho chúng ta có nền độc lập, tự do, non sông liền một dải. Để đền đáp công ơn cao dày đó mỗi chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác trước những âm mưu kích động, chia rẽ nhằm làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy nếu là công dân bình thường thì phải thể hiện lòng yêu nước, biết ơn các anh hùng, liệt sĩ bằng cách phát huy trí tuệ, công sức lao động góp phần làm cho đất nước phồn vinh. Nếu là cán bộ, công chức thì phải ra sức rèn luyện tu dưỡng đạo cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân theo lời Bác Hồ căn dặn “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Có như vậy mới tạo được niềm tin và sức mạnh của Nhân dân để bảo vệ Tổ quốc vững mạnh, trường tồn. Có như vậy mới đền đáp  được công ơn những người đã xả thân cứu nước/.
 
 
 
 
 
 
 
 

X.K.B

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 21


Hôm nayHôm nay : 3893

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 67528

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10538574