Thứ sáu 17/01/2025

NỘI DUNG CHÍNH

Người kiến trúc sư nặng tình yêu âm nhạc


         Khi vừa lớn lên, anh đã “trót yêu” âm nhạc, tình yêu âm nhạc ngày càng lớn trong anh. Nhưng “đời không như là mơ”, khi trưởng thành, anh lại “kết hôn” với nghề kiến trúc sư (KTS) và sống hạnh phúc với sự lựa chọn của mình, cho ra đời những “đứa con” xinh xắn – những tác phẩm kiến trúc của anh. Nhưng anh vẫn không thể quên “mối tình đầu” âm nhạc, vẫn đến với “nàng” mỗi khi chiều về, say sưa tận hưởng niềm đam mê...
       
                     Kiến trúc sư Quốc Dũng
        
         Khi kiến trúc sư chơi nhạc
          Tôi quen biết KTS Lưu Đình Khẩn (Chủ tịch Hội KTS tỉnh Long An) đã lâu, từ khi anh còn là Giám đốc Sở Xây dựng Long An, nhưng chưa bao giờ tôi được nghe anh hát. Cho đến lần đi dự họp mặt tổng kết năm 2023 Hội KTS tỉnh Long An đầu năm 2024 vưa qua, tôi thật sự bất ngờ khi được nghe anh hát, mà là hát nhạc sống chứ không phải karaoke, không phải 1 mà đến 3 bài, trong đó tôi thích nhất nhạc phẩm “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn, anh hát đầy cảm xúc, nhập tâm, phảng phất nét chuyên nghiệp...
         Thấy tôi có vẻ bất ngờ pha lẫn thú vị, người bạn ngồi cạnh bên tôi, cũng là khách mời dự hội nghị tổng kết, nhưng có vẻ rành về Hội KTS Long An, nêu nhận xét: Phần nhiều anh em KTS ở Long An đều có tâm hồn nghệ sĩ, mà kiến trúc cũng là một ngành nghệ thuật, bản thân KTS vì vậy đã là nghệ sĩ. Rồi anh bạn chỉ cho tôi người nhạc công đang chơi ghi ta một cánh điêu luyện trên sân khấu, nói: “Anh đó cũng là KTS, tên là Quốc Dũng, có nhiều công trình kiến trúc đẹp, nhưng cũng rất yêu âm nhạc”. Một lúc sau, tôi lại một phen trố mắt, khi thấy KTS Quốc Dũng buông cây ghi ta cho người khác chơi, còn mình thổi saxophone một cách chuyên nghiệp. Người bạn ngồi bên nói tiếp: “Anh ấy còn chơi được nhiều nhạc cụ khác, như trống, organ, piano,..., món nào cũng “đỉnh””.
        “Mối tình đầu” âm nhạc
        Đến phần tiệc, tình cờ mà KTS Quốc Dũng đến ngồi cùng bàn, bên  cạnh tôi. Anh tên đầy đủ là Nguyễn Quang Quốc Dũng, năm nay 53 tuổi, quê quán TP.Tân An, hiện làm việc tại Cty Tư vấn thiết kế xây dựng Quang Trọng (TP.Tân An). Anh từng học Đại học Kiến trúc TP.HCM, sau khi ra trường có 7 năm làm công tác quản lý ở Sở Xây dựng tỉnh Long An. Vì máu mê kiến trúc, muốn trực tiếp sáng tạo những công trình làm đẹp cho đời, anh đã xin nghỉ làm công tác quản lý ở Sở Xây dựng để thành lập công ty chuyên về thiết kế xây dựng. Chuyện này thì tôi dễ dàng hiểu và đồng cảm với anh, vì tôi cũng có thời gian bị “bắt” về Tòa soạn báo làm công tác quản lý một tờ báo (làm biên tập, thư ký tòa soạn), nhưng chẳng bao lâu tôi đã kiên quyết xin trở lại làm phóng viên để được thỏa sức viết, tha hồ sáng tạo, đi đó đi đây...
          Về cơ duyên đến với nghề KTS, Quốc Dũng cho biết, do có cha là họa sĩ nên từ nhỏ anh đã gần gũi và ham mê môn vẽ. Mà từ yêu thích vẽ đến yêu thích ngành kiến trúc chỉ là một bước ngắn. Vài chục năm trong nghề, hàng chục công trình kiến trúc đã ra đời từ bàn tay của anh. Có nhiều công trình ở TP.Tân An tôi rất thích và thường ngắm nghía, nhưng tới giờ mới biết đó là các tác phẩm của KTS Quốc Dũng, như: Công viên Phường 2 đang trở thành điểm nhấn của thành phố; Trung tâm Văn hóa Thể thao TP.Tân An (Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Thông); Trường Mẫu giáo Sao Mai (phường 1 TP.Tân An, công Trình đoạt giải B Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và được Bằng khen của Bộ VH-TT&DL); Trung tâm Tin học Ngoại ngữ TP.Tân An;...
         Về duyên cớ đến với âm nhạc, KTS Quốc Dũng cho biết, những năm còn học phổ thông anh đã thích ca hát và bắt đầu học đàn ghi ta. Âm nhạc với anh như là “mối tình đầu” trong nghệ thuật. Học xong THPT, do “trào lưu” lúc ấy và một phần theo ý gia đình, anh không đi theo con đường âm nhạc mà thi vào Đại học Kiến trúc. Cuộc “hôn nhân” với nghề KTS đã và đang mang lại cho anh hạnh phúc và thành công, kể cả những “đứa con” xinh đẹp – các công trình kiến trúc của anh. Nhưng tình yêu với âm nhạc thì anh vẫn luôn đeo mang, anh thường xuyên học và trau giồi khả năng chơi nhạc. Anh học chơi nhiều loại nhạc cụ vì mỗi nhạc cụ có cái hay riêng, phù hợp với riêng từng thể loại nhạc, không gian, hoàn cảnh... Anh được giới chơi nhạc TP.Tân An gọi là “người đa năng” vì khi dàn nhạc “bí” ở vị trí nhạc cụ nào, chỉ cần gọi anh, và anh luôn nhiệt tình với “hội”. “Bí quyết nào giúp anh chơi được nhiều loại nhạc cụ?”. “Nhờ đam mê và tự học”, anh trả lời. Anh cho biết, nhờ có internet, người ta có thể tự học nhiều thứ, chỉ cần có đam mê và biết cách học. Như với kèn saxophone, anh chỉ theo học thầy Đỗ Hùng (Trung tâm Văn hòa TP.Tân An) có vài buổi, sau đó tự học. Một thời gian sau gặp lại thầy Đỗ Hùng, anh chơi saxophone cho thầy nghe, được thầy khen: “Mày chơi hay hơn thầy rồi đó!”.
            Trong kiến trúc có âm nhạc
            Khi được hỏi tình yêu âm nhạc có giúp ích gì cho các tác phẩm kiến trúc không, Quốc Dũng trả lời ngay: “Có chứ, nhiều nữa là khác. Tác phẩm âm nhạc và tác phẩm kiến trúc có nhiều điểm tương đồng, như đều cần có chủ đề hay bố cục đẹp, có điểm nhấn nhá, sự cân bằng, tương phản, nhịp điệu, tiết tấu, cao trào. Cả hai đều cần lựa chọn trường phái truyền thống bản sắc dân tộc hay hiện đại , Đông hay Tây…”. Người sáng tác nhạc nhiều khi thao thức với tác phẩm của mình, nửa đêm chợt lóe lên giai điệu hay, bật dậy viết ngay câu hát. KTS cũng vậy, nhiều khi đang đêm bật dậy để vẽ lên ý tưởng mới đến trong đầu cho tác phẩm kiến trúc đang thai nghén...
         
         Công trình Công viên Phường 2 có đường đi dạo bao quanh mang hình dáng khóa sol trong âm nhạc.
         
         Công trình Công viên phường 2 thể hiện khá độc đáo sự hòa quyện giữa kiến trúc và âm nhạc nơi KTS Quốc Dũng. Công trình có bố cục hài hòa với 2 bên được tôn lên bởi 2 hình vuông và tròn, tượng trưng cho trời tròn đất vuông. Đường đi dạo bao quanh được thiết kế mềm mại tôn lên điểm nhấn chính của công viên mang hình dáng khóa sol trong âm nhạc.
          Còn ở công trình Trường Mẫu giáo Sao Mai thuộc xã Bình Tâm, cách trung tâm TP.Tân An khoảng 3 Km, ngôi trường của các em nhỏ được thiết kế như một bông hoa nở, chung quanh là thảm xanh của đồng ruộng hòa quyện và gắn kết với nhau tạo thành một không gian sinh động. Với kinh phí không nhiều, công trình sử dụng vật liệu đơn giản, các học trò nhỏ đã có một ngôi trường với đầy đủ các công năng: học, ăn, nghỉ và vui chơi (thân thiện với môi trường chung quanh và tiết kiệm).
         Về thực trạng kiến trúc ở TP.Tân An nói riêng và tỉnh Long An nói chung, KTS Quốc Dũng chia sẻ: Hiện TP.Tân An và các đô thị trong tỉnh đang phát triển khá mạnh mẽ, nhiều công trình có quy mô lớn, nhà ở gia đình cũng khang trang hơn trước rất nhiều, góp phần lớn vào phát triển bộ mặt đô thị, tuy nhiên các công trình vẫn rất cần được quan tâm hơn nữa về hình thức kiến trúc, mang nét đặc trưng của công trình và của đô thị đó. Đây là trăn trở và trách nhiệm của các kiến trúc sư, tuy nhiên cũng rất cần sự quan tâm, đồng hành của các chủ đầu tư và chính quyền các cấp. Đây cũng là mong muốn của bản thân trong quá trình làm nghề.          Về dự định cho tương lai, KTS Quốc Dũng cho biết, như bao KTS khác, anh cũng mong muốn có được tác phẩm “để đời” cho cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của mình, vừa góp phần làm đẹp TP.Tân An và tỉnh Long An.

SÔNG VÀM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 15

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 14


Hôm nayHôm nay : 3638

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 130089

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 11035285