Thứ ba - 02/07/2024 21:51
CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC CÓ GIÁ TRỊ- NHỮNG GIÁ TRỊ CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM VÀ LƯU GIỮ.
Kiến trúc là sản phẩm của lịch sử, phản ánh cuộc sống, văn hoá, điều kiện tự nhiên, sinh hoạt của con người, kiến trúc còn kế thừa kiến trúc truyền thống qua các thời kỳ. Hiện trong tỉnh đang có sự chuyển mình mạnh mẽ của các đô thị để thay đổi diện mạo, đáp ứng các nhu cầu tốt hơn của thời đại mới. Không ít công trình kiến trúc có giá trị từ thời kỳ trước đã bị tháo dỡ, phá bỏ để thay thế bằng các công trình xây mới, hoặc bị cải tạo làm mất đi các giá trị có ý nghĩ lịch sử, nhân văn đáng quý ấy.
Chùa Phước Lâm (huyện Cần Giuộc)
Vẫn biết để phát triển thì phải có thay đổi, tuy nhiên nếu không kịp thời có các giải pháp để bảo vệ giá trị của những công trình này thì chúng ta đang để mất đi một tài sản quý giá mà thế hệ trước đã để lại, đúng theo như KTS Ngô Viết Nam Sơn đã nói: “Càng đô thị hoá mạnh mẽ, càng cần phải xác định việc bảo tồn di sản là mục tiêu quan trọng của phát triển bền vững”.
Mỗi vùng miền, địa phương đều có lịch sử phát triển qua các thời kỳ, dấu ấn để lại không gì khác hơn là các công trình kiến trúc. Vùng đất Long An của chúng ta cũng vậy. Đã từng là một trong những nơi ông cha ta đặt chân sớm nhất nhất để khai phá vùng đất phương Nam, không từng là một đô thị sầm uất mà từng là chiến sự ác liệt “Thiên la địa võng”, thế nhưng vẫn còn sót lại trên vùng đất anh hùng những công trình đặc trưng cho từng thời kỳ phát triển, mặc dù quy mô không quá lớn, quá vĩ đại nhưng vẫn thật quý vì đó chính là những công trình kiến trúc có giá trị của các thế hệ trước để lại, chúng cần được quan tâm giữ gìn và đó cũng chính là trách nhiệm, là nghĩa vụ và chúng ta không được phép lơ là.
Vậy công trình kiến trúc có giá trị là gì: Theo Luật Kiến trúc thì “Là công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt” và Luật Kiến trúc cũng quy định “các công trình kiến trúc có giá trị đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa được quản lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Các công trình kiến trúc có giá trị không thuộc quy định nói trên được UBND cấp tỉnh rà soát, đánh giá hằng năm, lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị để tổ chức quản lý”.
+ Hiện tỉnh Long An có 125 di tích lịch sử - văn hoá, trong đó 21 di tích cấp Quốc gia và 104 di tích cấp tỉnh bao gồm các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật. Các công trình này hiện được quản lý, bảo tồn và phát huy khá tốt theo Luật Di sản Văn hoá, điển hình có các công trình kiến trúc sau:
Tuy nhiên các công trình nằm trong danh sách di tích này hiện đang được UBND tỉnh và ngành Văn hoá quản lý rất tốt theo Luật di sản, vậy các công trình kiến trúc có giá trị cần được quan tâm, gìn giữ bảo tồn hiện nay là:
* Các công trình ngoài danh sách các di tích đã được công nhận.
* Là các công trình đạt theo tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị
của Nghị Định 85/2020/NĐ-CP gồm:
1. Tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan, gồm các yếu tố sau:
a) Tiêu biểu cho một loại hình kiến trúc, phong cách kiến trúc;
b) Giá trị nghệ thuật kiến trúc của bản thân công trình và tổng thể không gian trong phạm vi khuôn viên công trình;
c) Giá trị gắn liền với cảnh quan, đóng góp vào cảnh quan chung đô thị, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên;
d) Giá trị về kỹ thuật, công nghệ xây dựng, sử dụng vật liệu xây dựng.
2. Tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa, gồm các yếu tố sau:
a) Tiêu biểu cho giai đoạn lịch sử;
b) Gắn với đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa của địa phương;
c) Niên đại xây dựng, tuổi thọ công trình...."
Điển hình tại TP.Tân An, theo dòng chảy lịch sử, Hội KTS Long An đã có đề tài nghiên cứu hiện vẫn còn tồn tại một số công trình trong quá hình thành và phát triển như sau:
+ Khu vực làng Khánh Hậu, đây là ngôi làng đã hình thành từ cuối thế kỷ XVII, hình thành thôn làng đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mô hình làng đã được hình thành từ khi chúa Nguyễn chưa đặt bộ máy hành chính cai trị, có những đặc thù sau:
* Xuất hiện sớm ở Nam bộ.
* Gồm cư dân vùng ngũ Quảng và Minh Hương.
* Vẫn giữ được dáng dấp của “Làng nông nghiệp”.
* Nhiều cụm nhà ở theo họ tộc, nhiều thế hệ.
* Nhiều lễ hội đặc sắc
Hiện trong khu vực này vẫn còn lại một số công trình và ngôi nhà có niên đại 100-200 năm trong đó các công trình công cộng như đình chùa như chùa Diêu Quang, đình Tường Khánh, đình Nhơn hậu… và một số nhà dân cũng niên đại hơn 100 năm và đã xuống cấp nghiêm trọng những vẫn lưu giữ đầy đủ những đặc trưng phong cách kiến trúc, vật liệu, đặc thù sinh hoạt văn hoá giai đoạn này.
+ Đặc trưng kiến trúc thời kỳ pháp thuộc: Là các công trình đã được xây dựng từ đầu thế kỷ XX như Bảo tang tỉnh Long An, trụ sở Hội đồng Nhân dân tỉnh…
+ Hoặc những công trình có nét kiến trúc và vật liệu đặc trưng của thời kỳ trước 1975.
Ngoài ra, giai đoạn khó khăn của thời kỳ bao cấp cũng cần được quan tâm, xác định và đưa vào danh sách các công trình cần bảo tồn này do thời kỳ này có các loại vật liệu xây dựng do tại địa phương sản xuất mà đã từ rất lâu không còn tồn tại trên thị trường như gạch bông ( gạch hoa xi măng), xi măng Con gà … Do Long An sản xuất. Ghi dấu một thời kỳ khó khăn nhưng cũng rất tự hào của ngành xây dựng.
Vì công trình có giá trị lịch sử kiến trúc trong đô thị bị mất đi cũng có nghĩa đô thị đã bị mất đi một phần bản sắc văn hóa, vậy nên công cuộc xác định, bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị này cần có sự quan tâm của cả chính quyền các cấp, giới chuyên ngành và cả từ tầng lớp nhân dân. Mong sao các công trình này sẽ sớm được quan tâm theo như Luật Kiến trúc đã ban hành.
Thúy Hà