Thứ ba 03/12/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Bút ký: Nơi đôi con sông Vàm xuôi dòng ra biển lớn

Ngã ba sông Miễu Ông Bần Quỳ. Ảnh:Duy Bằng

Ngã ba sông Miễu Ông Bần Quỳ. Ảnh:Duy Bằng

        NGUYỄN PHẤN ĐẤU
     
       Thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Long An 2 “báu vật” vô giá – 2 con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, chảy dọc chiều dài của tỉnh, mang phù sa bồi đắp đôi bờ. Hai dòng sông cùng với người dân trên bờ từng kiên cường chống giắc ngoại xâm; nay  góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Hai dòng sông sau khi chảy qua gần hết chiều dài của tỉnh Long An, hợp lưu thành một dòng Vàm Cỏ duy nhất tại nơi có tên ngã ba Miễu Ông Bần Quỳ, từ đó đổ ra sông Soài Rạp, rồi ra biển lớn...
      
          Ngã ba sông Miễu Ông Bần Quỳ. Ảnh: Duy Bằng

        
           Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Miễu Ông Bần Quỳ. Ảnh: Duy Bằng.


       Linh thiêng ngã ba sông
       Trong tín ngưỡng dân gian Nam bộ, ngã ba sông (còn gọi là “vàm”) thường linh thiêng, vì vậy mà người dân hay lập miếu thờ nơi đây. Nhiều chiến công chống ngoại xâm trên đất Nam bộ diễn ra tại ngã ba sông, mà điển hình là trận “Hỏa hồng Nhựt Tảo” tại vàm Nhựt Tảo và trận Rạch Gầm – Xoài Mút tại nơi sông Rạch Gầm đổ ra sông Tiền. Ngã ba sông nơi 2 con sông lớn Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây hợp lưu cũng từng chứng kiến tinh thần bất khuất, nghĩa khí của người xưa, để đến ngày nay còn rạng danh di tích Miễu Ông Bần Quỳ  tại ấp Nhựt Long, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, được công nhận Di tích lịch sử năm 1993.
        Ba tôi (ở huyện Cần Đước) trước khi qua đời (ông mất năm 2012), đã đi chuyến “trối già” thăm lại các nơi, những người có quan hệ, gắn bó mật thiết với cuộc đời ông. Một trong những nơi ông tìm đến là khu vực Miễu Ông Bần Quỳ. Chuyện xảy ra vào năm 1957, sau khi Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, âm mưu chia cắt đất nước ta, ba tôi cũng như nhiều người kháng chiến cũ bị loại ra khỏi vòng pháp luật. Ông đã bị giặc bắt trong một trận càn ở xã Long Cang, huyện Cần Đước. Tàu theo sông Vàm Cỏ Đông chở ông về huyện lỵ Cần Đước. Ngồi trên bong tàu ông khéo léo tự cởi được dây trói khi tàu chạy ngang đoạn vàm Bao Ngược. Ông quyết định “nhảy tàu” để không rơi vào tay giặc. Để cho cú thoát hiểm khả dĩ thành công, ông đã ôm theo người lính gác khi nhảy xuống sông. Tàu giặc phải loay hoay cứu người lính, nhờ vậy mà ông đủ thời gian để bơi thoát vào bờ. Ông không tin có sức mạnh vô hình nào đó đã đứng vế phía mình, nhưng ông rất thú vị khi biết nơi đây đã từng có một tấm gương nghĩa khí chống giặc. Tôi đã đưa ông đi thăm “trối già” Miễu Ông Bần Quỳ lần ấy, đó duyên cớ giúp tôi sớm có tình cảm đặc biệt với với khu di tích thấm đẫm nghĩa khí người xưa này.
        Theo những người cao tuổi ở ấp Nhựt Long, tại khu vực Miễu Ông Bần Quỳ trước đây có dịa danh Mả Thằng Tây, là nơi từng có ngôi mộ một người lính Pháp bị chết đuối ở vàm Bao Ngược. Dân gian tin rằng hương hồn ông Mai Bá Hương đã hiển linh giết giặc cứu nước, người khác thì cho rằng do người lính Pháp chủ quan khi đi thuyền trên sông, gặp lúc sóng lớn, nước chảy xiết, dẫn đến lật thuyền chết đuối. Dù giải thích theo cách nào đi nữa thì sự thật vẫn là Vàm Bao Ngược đã không ít lần “dìm” thây giặc xâm lược! Khu vực này thường bị sạt lở, một lần sạt lở bờ sông đã kéo theo ngôi mộ người lính Pháp xuống sông, nhưng địa danh “Mả Thằng Tây” vẫn còn tồn tại thời gian dài.
       Nghĩa khí người xưa
         Theo các nguồn sử liệu, vào năm Ất Dậu 1705, nước Cao Miên có loạn. Vua Nặc Ông Yêm bị người em là Nặc Ông Thâm viện binh Xiêm La về đánh, phải chạy sang cầu cứu nước Đại Việt. Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Cai cơ Nguyễn Cửu Vân đem quân đi đánh Nặc Ông Thâm ở Rạch Gầm. Đại quân do Nguyễn Cửu Vân chi huy đi trước, đoàn thuyền vận chuyển quân lương theo sau. Chỉ huy đoàn thuyền vận chuyển quân lương ông Mai Bá Hương (còn có tên Mai Công Hương), người ở Trà Vinh, làm Xá lại thuộc Ty Xá sai ở dinh Phiên Trấn (nên tục gọi là Xá Hương). Đoàn thuyền chở quân lương khi đến vàm Bao Ngược, tức khoảng hợp lưu của 2 con sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây, bị giặc phục kích chặn đánh, bao vây. Vì là đoàn thuyền chở quân lương, không phải thuyền chiến đấu, lực lượng rất mỏng, lại đối đầu với quân giặc mạnh hơn gấp bội lại có chủ ý, chuẩn bị  trước, nên đoàn thuyền của Mai Bá Hương không có lối thoát. Liệu bề không chống giữ được, ông Xá Hương lệnh cho quân lính đục chìm cả đoàn thuyền để quân lương không rơi vào tay giặc. Ông cũng ra lệnh cho quân lính tự bơi vào bờ thoát hiểm, còn mình tuẫn tiết để giữ tròn khí tiết, không rơi vào tay giặc.
        Dẹp yên giặc, chúa Nguyễn truy phong ông Mai Bá Hương là “Vị quốc tử nghĩa thần” và cho lập đền thờ gọi là Xá Hương Từ, dân quen gọi là Miễu Xá Hương, quay mặt ra vàm Bao Ngược, ghi vào điển lệ. Đoạn sông trước miễu cũng được gọi là sông Xá Hương. Đến triều Minh Mạng, ông được truy tặng là “Thừa vụ lang, tước Tử”. Gian thờ Mai Công Hương được người dân dựng lên, ngày đêm hương khói, cúng tế hằng năm vào ngày 30/11 và 1/12 âm lịch.
       Chuyện trên bờ sông           
        Trong dân gian trong vùng có nhiều giai thoại được lưu truyền, mà nếu gạt bỏ yếu tố hoang đường, ta thấy hiển hiện lòng kính ngưỡng sâu sắc của nhân dân dành cho ông Xá Hương. Như sau khi ông tuẫn tiết, những cây bần ở khu vực này đều quỳ xuống như cảm kích trước tấm lòng trung nghĩa của ông. Điều này ngày nay ta dễ dàng giải thích được. Sông Vàm Cỏ vốn dày đặc cây bần mọc 2 bên bờ. Ở khu vực vàm Bao Ngược thường có những luồng nước xoáy và gió lớn làm cho bờ sông bị lở, bần bị trốc gốc, nghiêng ngã. Khi qua mùa sạt lở, ngọn bần “ngẩng” lên, khi nhìn dễ có cảm giác các cây bần đang “quỳ”. Dân gian còn truyền rằng, ngã ba sông Bần Quỳ thường có sóng lớn, gây khó khăn cho tàu thuyền khi qua đây. Một lần, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản khi đi thuyền ngang qua đây thấy sóng lớn và nghe câu chuyện về Miễu Ông Bần Quỳ, đã ghé vào miễu thắp hương và đề câu đối cúng. Sau đó không còn thấy sóng lớn xuất hiện nữa, dân gian cho rằng do văn chương chân thành mãnh liệt của Phan Thanh Giản đã xoa dịu nỗi căm hờn của bậc trung liệt năm xưa. Câu đối rằng: “Nghĩa báo Nam thiên cương thượng thường bồi cao tiết - Khí hiềm Tây tặc giang tiền do khởi nộ ba. Tạm dịch: Nghĩa báo trời Nam, trên nỗng, thường bồi tiết cả - Nỗi oán giặc Tây, trên sông còn nổi sóng giận.
       Tương truyền rằng, dòng họ Mai Bá ở đây là những người lính trong đoàn thuyền chở quân lương của ông Mai Bá Hương, sau khi thoát nạn họ đã ở lại lập làng, vì mến nghĩa ông mà lấy họ Mai Bá làm họ cho mình. Hoặc nhiều người dân nơi đây vì cảm kích, tôn thờ tấm gương hi sinh của ông mà đổi sang họ Mai Bá. Khó có thể xác minh những điều trên đúng đến đâu, nhưng có một thực tế là quanh khu vực Miễu Ông Bần Quỳ (ấp Nhựt Long), phần nhiều hộ dân đều mang họ Mai Bá, điều mà ở các nơi lân cận không có. Ông Mai Bá Đẫm, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp, Trưởng ban Quản lý Khu di tích Miễu Ông Bần Quỳ cho biết, có đến khoảng 60% trong tổng số 273 hộ ở ấp Nhựt Long mang họ Mai Bá. Đi rộng ra, các ấp khác ở xã Nhựt Ninh, họ Mai Bá rất ít, thậm chí không có. Phải chăng do giao lưu hôn nhân mà họ Mai Bá đã lan ra chung quanh, trong khi tại nơi bắt nguồn, họ Mai Bá vẫn còn khá “đậm đặc” sau mấy trăm năm!?
        Trò chuyện với chúng tôi ngay trên bờ sông, cạnh Miễu Ông Bần Quỳ, ông Võ Văn Cà (thành viên Ban quản lý Khu di tích Miễu Ông Bần Quỳ), vừa nhìn ra sông, rồi nhấp ly trà, vừa nhỏ nhẹ chia sẻ: Dù không mang họ Mai Bá, nhưng ông luôn tự hào và tìm hiểu kỹ về dòng họ này ở Nhựt Long. Qua đó ông biết bà nội ông cũng họ Mai Bá (bà Mai Bá Nguyệt), ông cố ông là Mai Bá Triết, ông sơ Mai Bá Kỳ... Và ông tự nguyện phục vụ vô điều kiện khu di tích với mong muốn giá trị nhân văn của Miễu Ông Bần Quỳ sẽ mãi lan tỏa, trở thành giá trị tinh thần cao quý của quê hương. Một ngày đầu tháng 10/2024, tôi và nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Bằng đến Miễu Ông Bần Quỳ, trong khi tôi đi theo bờ sông ngắm nhìn những cây bần mà liên tưởng chuyện xưa chuyện nay thì Duy Bằng soạn “đồ chơi” tác nghiệp, có cả “máy bay” (chụp ảnh flycam). Duy Bằng cho biết, không biết bao nhiêu lần anh đã chụp ảnh nơi đây, nhưng giờ cứ đến là anh lại muốn chụp. Duy Bằng nhớ lại, thời nhỏ hàng ngày anh hay cùng anh chị em trong gia đình “đi quán” có tên Cửa Xanh, chủ quán là ông Mai Bá Cảnh (từng là Trưởng ban Quý tế Khu di tích), ngang qua Miễu Ông Bần Quỳ, thường ghé vào đây chơi. Tình yêu quê hương, hào khí của người xưa đã thấm vào những đưa trẻ một cách tự nhiên, tạo thêm động lực cho anh chị em của anh (tổng cộng hơn 11 người) nỗ lực học tập, phấn đấu thành người và thành đạt.
       Dịp kỷ niệm 310 năm ngày Mai Bá Hương tuẫn tiết (năm 2015), Miễu Ông Bần Quỳ được xây dựng mới vì ngôi miễu cũ đã xuống cấp và có nguy cơ bị sụp lở do nước sông xói mòn. Là một trong những ngôi miễu cổ xưa nhất ở Long An và Nam bộ, trải qua bao thăng trầm lịch sử, qua bao lần trùng tu, xây dựng lại và di dời do dòng nước xâm thực, do chiến tranh..., ngôi miễu gắn với tấm gương trung liệt của ông Mai Bá Hương vẫn trường tồn theo thời gian. “Hỏi thử nhà ta giống Lạc Hồng - Gần đây ai chết được như ông - Chở lương bị giặc ngăn đường nước - Đục ván cho thuyền lặn đáy sông (Vịnh Mai Công Hương, 1872). Thật thú vị khi đôi dòng Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây oai hùng, oanh liệt sau khi chảy qua gần hết tỉnh Long An lại họp lưu tai ngã ba sông huyền thoại, sáng ngời nghĩa khí này, để rồi từ đó xuôi dòng ra biển lớn!
       
     
         
        
 
 
 
 
 
    
       
 
 
 
 

Nguyễn Phấn Đấu 10/2024

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 21


Hôm nayHôm nay : 1623

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 14897

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10760120