Thứ sáu - 27/09/2024 13:53
Truyện ngắn: Trăng khuyết
Tác giả Bửu Ngọc
Trăng non thượng tuần đã treo trên ngọn cây lộc vừng ở góc cuối quán nước cũng mang tên Lộc Vừng. Ngà diện bộ quần jean và áo thun bó sát người, bộ đồ mà Long rất thích nàng mặc mỗi khi gặp nhau. Ngà tự tin một mình bước vào quán, đi thẳng ra cuối quán, mặc cho nhiều cặp mắt tò mò, lạ lẫm nhìn theo cô gái trẻ đẹp vào quán nước một mình. Ngà ngồi đúng vào chiếc bàn đã định, may mà chưa có ai chiếm nó trước Ngà. Vầng trăng khuyết tỏa ánh sáng mờ, cùng với bóng đèn “cà na” của quán, như làm cho hình ảnh cô gái trẻ ngồi một mình nơi cuối quán thêm huyền ảo, lạ lẫm. Không để ý tất cả những gì xung quanh, Ngà tựa người ra ghế, ngắm vầng trăng khuyết trên ngọn cây. Cách đây đúng một tháng, cũng tại chiếc bàn này, cũng vầng trăng khuyết kia, Ngà và Long đã lần đầu tiên hẹn gặp nhau. Trước đó ba tháng nữa, gia đình Ngà có chuyện phiền muộn khi thửa ruộng trồng lúa mùa (lúa dài ngày, gạo thơm) của gia đình không chịu ngậm đòng, không trổ bông, vụ mùa bị mất trắng, dù trước đó cây lúa phát triển tốt bình thường. Không chỉ gia đình Ngà, nhiều đám ruộng xung quanh của bà con trong xóm cũng bị thiệt hại tương tự. Mọi người nghi thủ phạm chính là con đường cao tốc vừa mới hoàn thành đưa vào sử dụng chạy ngang các ruộng lúa. Các gia đình đã phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết vì không có cơ sở nào cho thấy các thửa ruộng mất mùa là do đường cao tốc.
Đứa em của Ngà tìm thấy đâu đó trên mạng câu chuyện một kỹ sư nông nghiệp nghiên cứu đề tài ánh sáng đèn cao áp làm cho lúa không thể trổ bông. Chị em Ngà liên hệ với chuyện ruộng lúa bị mất trắng của gia đình, đúng là thửa ruộng nằm cạnh đường cao tốc ban đêm có đèn cao áp chiếu sáng. Lại viết đơn gửi chính quyền, người ta trả lời nếu đúng vậy thì tất cả ruộng lúa hai bên đường cao tốc dài mấy chục cây số phải bị sự cố hết, chứ sao chỉ có những đám ruộng trong xóm của Ngà bị thiệt hại. Không thể trả lời, quá ấm ức, chị em Ngà đã nắn nót viết tờ đơn kêu cứu gửi đến địa chỉ người kỹ sư nông nghiệp chưa quen biết kia. Không phải đợi lâu, chỉ mấy hôm sau người kỹ sư tên Long đã tìm đến gặp ba mẹ Ngà và nhiều bà con trong xóm để tìm hiểu vụ việc, trong lúc Ngà đi làm vắng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ chuẩn xác, gặp cho bằng được những người có trách nhiệm ở địa phương, rồi một bài báo đăng nêu những viện dẫn khoa học cho thấy chính con đường cao tốc với ánh sáng đèn cao áp đã gây ra hậu quả mất mùa người dân phải gánh chịu. Không phải tất cả, chỉ loại lúa mùa dài ngày mới chịu ảnh hưởng ánh sáng đèn cao áp về đêm, khi mà lúa không thể “ngủ” – điều kiện cần để lúa mùa ngậm đòng, trổ bông, trong khoa học gọi là hiện tượng “quang kỳ”. Những đám ruộng không bị hậu quả tương tự là do cấy lúa ngắn ngày, không chịu tác động bởi hiện tượng “quang kỳ”. Người kỹ sư và bài báo đã buộc những người có trách nhiệm phải xem xét nghiêm túc vụ việc, xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm thuộc về ai. Để rồi buộc nhà đầu tư tuyến đường cao tốc phải khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, trả lại sự công bằng cho gia đình Ngà và bà con xung quanh, kèm theo điều kiện: Những năm sau các gia đình phải canh tác lúa ngắn ngày để không còn xảy ra chuyện tương tự. Gia đình Ngà và bà con trong xóm đành phải từ bỏ tập quán cấy lúa thơm dài ngày để nhường cho tuyến đường cao tốc hiện đại, cho sự phát triển của đồng bằng.
Dù không gặp mặt, chỉ nghe cha mẹ kể lại đó là một kỹ sư nông nghiệp đã đứng tuổi, làm việc với tất cả tinh thần trách nhiệm, từ chối nhận của gia đình Ngà và bà con xung quanh dù chỉ một lời cảm ơn, Ngà thấy có cảm tình. Cô gái mạnh dạn nhắn tin cảm ơn người kỹ sư và xin được gặp để gọi là trả ơn. Đáp lại chỉ là lời từ chối khéo. Tuần lễ sau, Ngà lại nhắn tin mời người kỹ sư “cà phê” để trực tiếp nói lời cảm ơn. Người Ngà cần gặp lại từ chối theo cái cách “không thèm đếm xỉa” gì đến thiện ý của cô. “Bất quá tam”, Ngà lại hẹn, chàng kỹ sư lại từ chối… “Người đâu mà khô khan, vô cảm, chẳng cần gặp, không thèm để người ta trả ơn!”. Ngà tự nói với mình và cố quên đi chuyện ơn nghĩa chưa có dịp đáp đền.
Khoảng một tháng sau, khi Ngà sắp quên cái chuyện “người kỹ sư vô cảm”, thì bất ngờ người ấy gọi đến và chủ động mời Ngà đi uống nước, ở cái quán có cây lộc vừng nơi cuối quán, vào lúc vầng trăng khuyết thượng tuần vừa lên tới ngọn cây. Chưa giải thích sự “xoay ngược tình thế” bất ngờ từ kẻ được mời thành người chủ động mời gặp, Long – tên của chàng kỹ sư – vừa nhấp ngụm cà phê sữa nóng vừa ngước mặt nhìn vầng trăng khuyết, rồi quay sang hỏi Ngà: “Ngà thích trăng tròn hay trăng khuyết?”. “Tất nhiên là trăng tròn, vừa sáng, vừa đẹp…”, Ngà trả lời. Rít hơi thuốc, ngước cắp mắt xa xăm nhìn trăng, Long nói với người đối diện mà như nói với chính mình: “Đúng là trăng tròn rất sáng và đẹp, tượng trưng cho sự viên mãn, hoàn hảo. Nhưng trăng khuyết cũng có nét đẹp riêng của nó. Trăng khuyết mới đồng cảm, chia sẻ sự bất hạnh, nỗi đau của con người. Trăng khuyết như chiếc thuyền chở giúp những nỗi niềm cô quạnh; như chiếc lá rơi nghiêng an ủi những số phận không may. Khác với Ngà, tôi thích trăng khuyết”. Không chịu thua, Ngà tranh luận lại, đại ý chỉ có trăng tròn mới làm nên thơ ca, nhạc họa, bao nhiêu thơ nhạc đã ra đời dưới ánh trăng tròn, chứ có ai viết ca ngợi trăng khuyết đâu! Cuối cùng, Long chịu thua một cách khéo léo: “Ở đây không có đúng sai, chỉ là ý thích của từng người, giống như tôi thích hoa hồng, còn Ngà thích… hoa gì nhỉ?”. “Cái đó thì chúng ta giống nhau, em cũng thích hoa hồng”, Ngà nói thật chứ không phải để an ủi kẻ thua trận!
Ngà thấy hay hay với cách “lý sự” của chàng kỹ sư lớn hơn mình cả con giáp. Nhưng điều Ngà quan tâm là lý do gì mà năm lần bảy lượt từ chối lời mời cảm ơn của cô, giờ Long lại chủ động mời gặp, mà lại rất khẩn thiết. Chưa vội giải thích sự thắc mắc của Ngà, Long chậm rãi lấy trong túi áo ra mấy trang giấy in đầy chữ và nói Ngà hãy tranh thủ đọc qua. “Truyện ngắn “Hơi ấm của gió” - tác giả Hoài Phong”. Tò mò, Ngà đọc vội ba trang truyện ngắn. Ngà thoáng xúc động trước câu chuyện rất thật, người viết khó mà hư cấu được như vậy. “Đây là câu chuyện thật đời anh, do một người bạn là nhà văn viết cách đây hai mươi năm”, Long giải thích. Nội dung câu chuyện: Chàng trai vừa nói lời yêu cô gái mối tình đầu thì đã đi du học xa, hơn năm năm sau mới trở về. Họ chung thủy sắt son, dù chỉ gặp nhau qua thư từ. Ngày trở về, chàng trai vội vã đến nhà cô gái để tính chuyện trăm năm, nhưng cô gái vừa cất bước theo chồng vì một lý do làm nhói đau mọi con tim: Vì thành phần gia đình không phù hợp, cô gái tự “giải thoát” để không ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp của chàng trai! “Cách đây một năm cô ấy bị bạo bệnh và qua đời. Anh đã đến lúc cô ấy hấp hối, cầm tay anh cô ấy nói lời xin lỗi anh và mong sẽ gặp lại ở kiếp sau”, Long nói mà như nghẹn!
Xúc động trước câu chuyện của người đối diện, nhưng Ngà vẫn quan tâm muốn biết vì duyên cớ gì mà chàng kỹ sư lại đòi gặp nàng dù trước đó “không thèm đến xỉa”? Không để Ngà phải đợi lâu hơn, Long nói rõ lý do: “Người con gái trong truyện thời trẻ rất giống Ngà. Vì vậy mà anh muốn gặp Ngà!”. Ngà thật sự bất ngờ, phải chăng đây là một dạng “đòn tấn công tình cảm” mà Ngà không ít lần gặp trong đời. Không phải, vì Long đã nhiều lần từ chối gặp Ngà kia mà! Rồi Long giải thích: Ban đầu anh không nhận lời mời gặp của Ngà vì không muốn chuyện ơn nghĩa lê thê, giúp được ai chuyện gì đó là món quà quý nhất đối với anh rồi. Đến một hôm, chợt vui tay click lời mời kết bạn zalo của Ngà và Long đã sững sờ trước hình ảnh đại diện rất giống với người con gái trong câu chuyện tình đẫm lệ năm nào. Nhưng gặp để làm gì? Long nói rõ: Hôm đến gặp gia đình Ngà để tìm hiểu chuyện cây lúa không trổ bông, tình cờ Long biết Ngà (cô gái gửi thư báo vụ việc cho anh) đã gặp bất hạnh trong hạnh phúc gia đình, hiện về sống cùng cha mẹ ruột, nuôi con nhỏ… Về phần Long, hoàn cảnh cũng “gần giống với Ngà”. Rồi chàng kỹ sư đứng tuổi đã thổ lộ tình cảm không thể táo bạo hơn: Muốn làm quen với Ngà, nếu thấy hợp nhau và điều kiện cho phép thì đi đến tình yêu! “Người gì đầu mà sỗ sàng, mới lần đầu gặp đã nói chuyện yêu đương”, Ngà thầm nghĩ.
Long làm việc nơi xa, phải vượt cả trăm cây số để đến gặp Ngà hàng tuần. Nhìn chàng trai phong trần một mình trên chiếc xe hơi cũng phong trần như chủ của nó, mỗi chiều cuối tuần đến gặp Ngà nơi góc quán vài tiếng đồng hồ rồi lại ra đi, trái tim Ngà đã phần nào rung động. Kiến thức, sự hiểu biết về cây lúa và vùng đất đồng bằng, trách nhiệm với cuộc sống, lòng yêu thương con người… của Long thể hiện qua những câu chuyện rất gần gũi, mộc mạc càng làm cho Ngà thêm quý trọng. Nhiều điều trong cuộc sống mà cô cán bộ kỹ thuật trong nhà máy thấy còn ngờ ngợ, qua “lăng kính” của Long mọi việc trở nên vô cùng dễ hiểu, sáng tỏ. Và tình cảm đến như là sự tất yếu. Nhưng, còn quá sớm để chấp nhận tình yêu, Ngà sợ chuyện “bạo phát, bạo tàn”! Đôi lần Long bày tỏ lời yêu, Ngà từ chối khéo: “Có vội quá không anh? Mình còn biết nhau quá ít!”. Mà đúng thật, Ngà biết quá ít về Long sau bốn lần gặp mặt, kể cả hoàn cảnh gia đình riêng của anh.
Cho đến chiều nay, vừa tròn một tháng ngày Ngà và Long lần đầu gặp nhau, cũng là buổi chiều cuối tuần họ hẹn gặp nhau như thường lệ. Cách đây mấy ngày, Ngà đã nhờ người bạn thân làm “thám tử” tìm hiểu về đời tư của Long. Nhờ đó mà Ngà biết rằng cuộc đời của Long từng trải qua những khổ đau, mất mát còn lớn hơn mình. Anh từng có vợ và hai con, một mình anh đi làm để vợ ở nhà chăm sóc các con nhỏ. Khi tuyến đường cao tốc đầu tiên về đồng bằng được thi công chạy ngang mái ấm của anh, có một đội kỹ thuật đến cất lều ở tạm để thi công tuyến đường. Long đi làm xa, mỗi tuần về nhà một lần, có thể vì vậy mà người vợ còn trẻ thiếu thốn tình cảm, đã sa vào lưới tình của một kỹ sư công trình. Vụ việc tình cờ bị phát hiện, Long dù rất đau đớn, nhưng vì hai đứa con nhỏ, đã chấp nhận bỏ qua mọi chuyện. Nhưng người vợ thì không, có thể vì sĩ diện, mà cũng có thể vì “lụy tình”, đã kiên quyết ly hôn, hai đứa con nhỏ phải rời xa nhau, đứa theo mẹ, đứa ở với cha. Sau đó chừng một năm, người mẹ bất cẩn đã để đứa con nhỏ bị đuối nước. Kể từ ấy Long như lạnh nhạt với mọi phụ nữ, dành hết tình yêu thương và thời gian rảnh cho đứa con còn lại.
Chưa khi nào Ngà nôn nao chờ đợi gặp Long chiều cuối tuần như lần này. Gặp để làm gì cô cũng chưa biết, nhưng có lẽ vui hơn, thú vị hơn những lần trước, ít nhất là cô cũng chia sẻ được phần nào những nỗi đau của anh. Cũng giống như mọi lần, hai người liên tục nhắn tin cho nhau khi Long trên đường đến điểm hẹn. “Anh đang trên đường đến, chỉ còn ba mươi cây số”. “Dạ, em chờ anh!”. Ngà nhắn tin trả lời tự nhiên, khi click rồi mới thấy “bạo”, vì trước đây nàng chỉ dám trả lời “Anh đi đường cẩn thận!”. “Anh đã lên cao tốc, hai mươi phút nữa gặp nhau”. “Dạ, anh chạy xe cẩn thận!”… Đã qua hai mươi phút mà Long vẫn chưa tới, Ngà sốt ruột nhắn tin: “Anh đến đâu rồi, em chờ!”. Không thấy tin phản hồi. Ngà càng sốt ruột, nhấn điện thoại gọi Long. Tín hiệu điện thoại cho biết đầu dây bên kia tắt máy hoặc ngoài vùng phủ sóng. Một thoáng hoang mang, Ngà tự trấn an rằng điện thoại của Long hết pin… Bất ngờ, điện thoại Ngà dồn dập reo chuông, số điện thoại lạ. Linh cảm báo chuyện chẳng lành, Ngà run rẩy nghe máy: “Có phải cô là người thân của chủ nhân số điện thoại… Anh ấy vừa bị tai nạn trên đường cao tốc, đang được đưa tới bệnh viện…”.
Ngà chỉ dám lẵng lặng đứng nép ở góc hành lang để theo dõi người ta hối hả đẩy chiếc băng ca trắng toát đưa Long từ phòng cấp cứu vào phòng mổ khẩn cấp. Theo sau chiếc băng ca là nhiều người thân của Long, có cả đứa con gái nhỏ của anh. Ngà lân la tìm hiểu qua ê kip trực cấp cứu bệnh viện, người ta cho biết Long bị chẩn thương sọ não, tiên lượng xấu. Theo camera hành trình trên xe còn lưu lại thì Long đã không kịp tránh chiếc xe tải bị sự cố đậu trên đường cao tốc mà không làm tín hiệu báo nguy hiểm. Ca mổ dự kiến sẽ kéo dài nhiều giờ, người thân của Long tập trung đầy trước phòng mổ, nhiều người khóc sụt sùi. Ngà rời khỏi hành lang phòng mổ, bước ra khuôn viên bệnh viện, cô cố kềm nén mà nước mắt cứ tuôn trào. Vầng trăng thượng tuần đã chếch bóng, nghiêng về phía trời Tây, vầng trăng khuyết như chiếc thuyền bị nạn nằm sóng soài trên ngọn cây dầu trong khuôn viên bệnh viện. Bất giác, Ngà ngước khuôn mặt đẫm nước mắt về phía vầng trăng, thổn thức: “Em yêu anh! Em yêu vầng trăng khuyết!”.
Cuối cùng rồi ca mổ cũng kết thúc, điều tồi tệ nhất đã không xảy ra, nhưng Long vẫn còn mê man… Suốt mấy ngày, Ngà vừa đi làm, vừa tranh thủ ghé qua bệnh viện thăm Long, lần nào cũng hi vọng anh tỉnh lại, nhưng Long vẫn cố chấp hôn mê! Vài lần Ngà tiếp xúc với con của Long, cô bé thật lễ phép, dễ thương và luôn miệng “Cảm ơn cô Ngà” đã quan tâm đến cha của bé. Dù không cố ý, Ngà vẫn nghe mọi người chung quanh kể suốt mấy ngày Long nằm mê man, “người ấy” có ghé thăm một lần rồi vội vã ra đi vì “quá bận”. Ngà thấy chạnh lòng với hoàn cảnh của “chàng” vì vậy mà tối hôm thứ tư sau ngay Long bị nạn, Ngà gửi con nhỏ cho mẹ để vào bệnh viện “trực” thay cho đứa con gái của Long. Hàng giờ ngồi bên cạnh ngắm nhìn Long vẫn chìm sâu trong hôn mê, nhìn từng giọt dịch truyền vẫn kiên trì chảy vào huyết quản của Long, Ngà chợt ao ước nếu “chàng” bất ngờ tỉnh lại, “nàng” sẽ chẳng ngại ngần nói “Em yêu anh!”.
Đã quá nửa đêm, Ngà mệt mỏi thiếp đi lúc nào không hay, đầu tựa vào thành giường... Một lúc sau, Ngà cảm nhận có ai đó lay gọi mình. Mở mắt nhìn quanh, Ngà chẳng thấy ai. Bất giác, Ngà phát hiện bàn tay mình đang nằm trọn trong bàn tay của Long, đôi mắt Long đã mở nhưng như bất động nhìn lên trần nhà, có hai giọt nước mắt vừa lăn ra khỏi khóe mắt. Ngà rưng rưng nước mắt, không nói được ra lời như cô đã dự tính! Bên ngoài cửa sổ phòng bệnh vầng trăng khuyết đã chếch bóng, trăng như đầy đặn hơn, mặc dù vẫn là “trăng khuyết”!
B.N