Thứ năm 19/09/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Bữa tiệc ngày xuân

Tác giả Bửu Ngọc

Tác giả Bửu Ngọc


        Truyện ngắn – Bửu Ngọc

       Cuối cùng, bằng nhiều nỗ lực kết nối của ông Long, cũng có đúng năm người bạn “đồng niên” ở Xóm Chòi ngày nào đến dự tiệc mừng ông về thăm quê sau nhiều năm xa cách. Trong số họ chỉ có hai người còn ở lại xóm quê này, ba người kia đi làm ăn ở xa, được tin ông Long từ nước ngoài về quê ăn Tết, họ về chơi thăm bạn. Nơi họ tổ chức tiệc mừng là quán ăn mang tên Hương Quê nằm trên bờ sông Rạch Lóc, ở ngay Xóm Chòi ngày nào của họ.
        Rời xa quê nhà đi định cư nước ngoài hơn ba mươi năm trước, ông Long đã có hai lần về thăm nhà, mỗi lần cách nhau đúng mười năm. Lần đầu ông về thăm nhà, vùng quê này còn nghèo khổ. Hay tin ông Long về và mở tiệc mừng, bạn “đồng niên” của ông ở Xóm Chòi và các bạn học chung lớp cũ khắp cả huyện đến dự rất đông, có lẽ vì sự hấp dẫn của hai tiếng “Việt kiều”, ngồi đầy bốn năm bàn. Lần ấy ông Long đãi bia lon, loại sản xuất trong nước, bạn bè ông uống “quên thôi”, như thể để bù cho những năm tháng uống rượu đế. Lúc ấy cả cái huyện nghèo này chưa có nổi một quán nhậu, nên sau hơn nửa tháng thăm quê nhà và đi chơi đó đây, ông Long lại làm tiệc chia tay ở tại nhà cha mẹ, trên bờ sông Rạch Lóc. Lần thứ hai về thăm quê hương, ông Long cũng mời bạn bè đến nhà dự tiệc, nhưng số người đến đã giảm hơn một nửa, nghe nói họ bận việc làm ăn người xa kẻ gần và cũng không còn khao khát tiệc tùng như trước. Ngày ấy, Xóm Chòi dù đã bớt nghèo, nhưng đi lại vẫn khó khăn, xe ta xi chở ông Long từ Sài Gòn về phải đậu ngoài lộ, ông được người thân chở xe gắn máy vào nhà. Lúc ấy ở thị trấn đã có quán ăn nhậu mang tên Thủy Tạ, tuy chưa tươm tất nhưng cũng có thể làm nơi tiếp đãi khách phương xa, là nơi ông Long làm tiệc chia tay bạn trước khi trở ra nước ngoài. Lần ấy, sự hấp dẫn của hai tiếng “Việt kiều” đã không còn như lần đầu, trong khi nhiều bạn “đồng niên” của ông Long ở quê nhà đã giàu lên, nên tiệc nhậu chia tay ở quán Thủy Tạ họ giành phần trả tiền. Thật lòng, sau vài tuần về thăm quê nhà, quà cáp cho mọi người, rồi đi đó đi đây..., đến trước khi trở ra nước ngoài, “lực” đã cạn, nên chi phí cho bữa tiệc chia tay dù chỉ tương đương ba trăm đô la, nhưng với ông Long là số tiền không phải nhỏ, nên ông miễn cưỡng để bạn thanh toán. Từ thời khắc đó, ông Long nhận ra rằng, đã qua rồi cái thời huy hoàng của của những “Việt kiều” như ông khi về thăm quê hương!
        Lần này lại về thăm quê nhà sau đúng mười năm, ông Long càng cảm nhận rõ hơn thân phận của mình. Ngoại trừ những người thân trong gia đình, hầu như không còn ai ở Xóm Chòi quan tâm đến sự trở về từ nước ngoài của một “hàng xóm” là ông Long. Những món quà trị giá vài ba chục đô la nếu như trước đây từng làm nhiều người trố mắt thích thú, thì nay họ đón nhận từ ông Long một cách miễn cưỡng, cho có lệ, dường như với họ chẳng mấy giá trị. Ngay cả bữa tiệc mừng ở quán Hương Quê cũng không phải do ông Long thiết kế, vì sau mười năm xa quê hương ông đâu thể biết rằng đã có con đường “tránh thị trấn” chạy ngang xóm Chòi của ông, bên con đường mọc lên quán ăn uống mang tên Hương Quê rất hoành tráng. Khi được các bạn đưa vào quán, ông Long đã trố mắt kinh ngạc hồi lâu khi ở cái xóm “nghèo nhất thế giới” ngày nào (ông Long đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy đâu nghèo bằng xóm Chòi của ông thời thập niên 1980) giờ có quán ăn tươm tất, sang trọng không thua kém bất cứ quán ăn nào ông từng trải nghiệm trong đời. Suốt mấy chục năm sống ở quận Cam (bang California) bên Mỹ, thỉnh thoảng ông và gia đình cũng có đi ăn nhà hàng, loại bình dân. Những nhà hàng ấy, nếu đặt đứng cạnh quán Hương Quê ở “xóm nghèo” quê ông, chỉ như đứa bé đứng cạnh người khổng lồ. Có thể ở quận Cam có nhiều nhà hàng sang trọng hơn, nhưng thu nhập của một lao động phổ thông không cho phép ông đến những nơi ấy. Những nhà hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh ông Long có dịp đến trong mấy lần về nước, tuy mức độ sang trọng cao hơn, nhưng không thể so sánh được với quán “nhà quê” này về sự rộng rãi, thoáng mát, sạch đẹp, bàn ăn thơ mộng đặt bên cạnh hồ cá rộng mênh mông trồng đầy sen, súng. Trên bờ hồ, cạnh mỗi “tum” đều có nhiều loại hoa đẹp, cạnh các loại nông cụ truyền thống, được sưu tập rất công phu. Quần thể khu ăn uống rộng hàng hecta nên người phục vụ phải trượt patin để tiếp thức ăn cho khách, làm ông Long cứ nơm nớp lo sợ họ bị té ngã.
  • Mời nâng ly! Mừng bạn về thăm quê hương!
       Ông Long trở về với thực tại khi một người bạn tên Minh mời nâng cốc khai tiệc. Một người bạn khác gắp cho ông Long miếng cá, rồi hỏi: “Đây là món cá đặc sản quê mình, Long xa quê lâu có còn nhớ cá gì không?”. Ông Long ngắm nghía miếng cá hồi lâu rồi lắc đầu, không phải cá ngác, cũng không phải cá gúng, những loại cá đặc sản quê nhà ông đã từng ăn. “Cá chìa vôi đó bạn, loài cá chỉ có trên sông Bao Ngược...”, người bạn ngồi bên nói. Cá chìa vôi! Thuở nhỏ ông Long đã từng nghe nói tới loài cá quý này, nhưng những gia đình nghèo ở Xóm Chòi làm sao dám mơ được thưởng thức loài cá “tiến Vua” ấy. Vậy mà giờ đây, khi đã bước sang tuổi “lục thập”, ông Long đã được thưởng thức món đặc sản tiêu biểu quê mình. Càng bất ngờ hơn khi nhìn vào thực đơn, ông Long thấy cá chìa vôi có giá gần ba triệu đồng một ký, mà phải đặt trước mới có. Chỉ riêng món cá chìa vôi thôi (làm hai món lẩu và chiên sốt cà) cũng phải đến bốn năm triệu đồng. Thật lòng, nếu là người tổ chức tiệc, ông Long không nghĩ là mình dám gọi món ăn cao cấp ấy!
        -Long có hình dung nơi mình đang ngồi nhậu, trước đây là đâu không? Người bạn tên Minh lại hỏi sau khi cạn ly. Tất nhiên là ông Long không nhớ vì cảnh vật đã thay đổi hoàn toàn sau mấy chục năm. “Đây là đám ruộng của bà Hai Màng, tụi mình thường đá banh vào mùa khô đó!”, người bạn nhắc lại chuyện xưa. Ông Long vẫn không thể nào hình dung ra nơi đây từng là đám ruộng xấu “cỏ nhiều hơn lúa”, đến nổi nhiều năm chủ ruộng bỏ hoang, không buồn cấy lúa. Vào mùa khô, ông Long và đám bạn nhỏ mỗi chiều ra đây đá bóng, có khi trái bóng chỉ là rơm khô được cuộn tròn rồi buộc lại. Thuở nhỏ, ông Long nghe bà kể, do dân trong xóm quá nghèo, nhà ở chỉ là những “chòi” nhỏ, nên mọi người gọi là “Xóm Chòi” thành quen. Ông Hai Màng đã mất do bom đạn chiến tranh, bỏ lại vợ cùng bốn đứa con nhỏ. Vì vậy mà gia đình bà Hai Màng thuộc loại nghèo nhất trong cái xóm nghèo. Không có cơm ăn, mấy đứa con lớn của bà Hai Màng phải nghỉ học giữa chừng, dắt díu nhau chèo xuồng đi tận miệt Cà Mau, Bạc Liêu để làm mướn kiếm sống. Chỉ đứa con nhỏ là được ở nhà với mẹ đi học. “Bà Hai Màng trước khi mất đã chia đám ruộng này cho các con, mỗi đứa được ba bốn công. Cách đây mấy năm, khi đường “tránh thị trấn” mở, đứa con trai út của bà Hai Màng (học đến đại học, làm ngành du lịch ở thành phố) về rủ anh em trong nhà hùn mở quán. Đất đai mẹ cho, chúng gom lại, bán đi một ít để xây dựng quán và làm vốn kinh doanh, xong đặt tên quán là Hương Quê. Tui đố ông Long giá đất này bao nhiêu một công?”, người ngồi bên ngừng kể và hỏi ông Long. Không đợi ông Long trả lời, người bạn nói tiếp: “Mỗi công một tỉ hai, con bà Hai Màng giờ người nào cũng tỉ phú. Hồi họ mới mở quán, ai cũng lo vì sợ ế, quán sang quá ai dám vô. Nhưng nhờ làm ăn bài bản, quán luôn đông khách, cả khách tại chỗ và khách đường xa đi ngang”. Ông Long thầm so sánh, vậy là những đứa trẻ nghèo khổ ngày nào con bà Hai Màng giờ đều giàu có hơn mình, một “Việt kiều” hơn ba mươi năm cày ải nơi đất khách.
        -Giờ nghỉ hưu rồi, chắc về thăm nhà thường hả Long? Một người bạn khác hỏi ông Long. Có thể người bạn chưa hiểu hoàn cảnh ông Long nên hỏi vậy. Mấy mươi năm qua, mười năm ông Long mới về thăm nhà một lần, không phải do “bận làm ăn” như nhiều người viện cớ, mà chủ yếu do kinh tế, mỗi lần về thăm nhà phải rất đắn đo, cân nhắc, dành dụm hàng năm trời mới thực hiện được chuyến đi. Bây giờ đã nghỉ hưu, kinh tế eo hẹp hơn, cơ hội về thăm nhà càng ít hơn. Mà càng về già, những người như ông lại càng muốn về với quê hương. Vì vậy mà ông đã nhen nhóm trong đầu ý định hồi hương trở về quê nhà để sống quảng đời còn lại. “Long có còn nhớ anh Ba Tân không? Giờ là lão nông tỉ phú vùng Đồng Tháp Mười”, người bạn tên Minh lại hỏi. Làm sao ông Long quên được, Ba Tân và ông Long nhà gần nhau, cùng lớn lên trong nghèo khó. Thuở ấy, hưởng ứng chương trình lấp kín vùng Đồng Tháp Mười, chính quyền địa phương đã đưa dân đi khai hoang lập nghiệp ở “cánh đồng hoang”. Xóm Chòi có mấy hộ tình nguyện đi khai hoang, trong đó có vợ chồng ông Long và gia đình Ba Tân. Nhưng ông Long đã không “trụ” lại được, bỏ về quê cũ, sau đó được gia đình bên vợ bảo lãnh đi định cư nước ngoài.
        -Đây, gặp anh Ba nè Long! Người bạn tên Minh vừa nói vừa đưa điện thoại đã mở sẵn video call, trên màn hình là ngươi đàn ông ra vẻ nông dân đang tươi cười. “Việt kiều về nước quên mất tui rồi nghen! Sao, chừng nào trở qua bển?”. Trò chuyên một lúc, chợt ông Long nảy ra ý hay nên hỏi vào máy điện thoại: “Em lên thăm anh có được không? Đường dễ đi không anh?”. “Nói thiệt hay chơi đó chú? Đừng thấy tui nông dân mà gạt nghen!”. Ý tưởng của ông Long đi Đồng Tháp Mười thăm Ba Tân được thêm hai người trong buổi tiệc ủng hộ. Nói là làm, sáng hôm sau ba người họ trực chỉ hướng Đồng Tháp Mười.
        Ngồi trên xe, ký ức ùa về trong đầu ông Long. Ngày ấy ông mới lập gia đình, nhà nghèo, lại có chút máu phiêu lưu, vợ chồng ông đã đăng ký đi “khai hoang”. Chuyến xe sáng hôm ấy chở gần hai mươi gia đình đi khai hoang, trong đó có vợ chồng ông Long và vợ chồng Ba Tân với đứa con nhỏ. Bây giờ trở lại Đồng Tháp Mười sau hơn ba mươi năm, ông Long không còn nhận ra cảnh vật ngày nào. “Cánh đồng hoang” bạt ngàn rừng tràm ngày nào giờ hai bên đường chỉ còn thưa thớt những vạt tràm nhỏ, thay vào đó là đồng lúa “thẳng cánh cò bay”. Những kỷ niệm với Ba Tân cứ ùa về. Hai người nhà gần nhau, dù Ba Tân lớn hơn ông Long hai tuổi, nhưng lại học chung lớp từ “lớp Năm” cho tới “Đệ ngũ” thì cả hai cùng thôi học, ở nhà làm ruộng. Nhà nghèo như nhau, hai ngươi đã biết ra đồng phụ cha mẹ từ khi lên năm, lên bảy. Người lớn cuốc đất, những đứa trẻ nhổ cỏ; mẹ cấy lúa, chúng bỏ mạ; cha gặt lúa, chúng phơi lúa… Ba Tân “lực điền” hơn Long, mới mười lăm tuổi đã cao to như thanh niên. Vì vậy mà một lần vào đầu mùa vụ, lúc trâu cày đang hút, gia đình anh phải “cày người” thay trâu, Ba Tân là một trong bốn người kéo cày. Dòng hồi tưởng trong ông Long chưa dứt thì chiếc xe hơi đã rẽ khỏi đường cái và đỗ xịch trên sân một ngôi nhà khang trang, trong sân nhà có máy cày, máy gặt đập liên hợp cùng nhiều máy nông nghiệp khác bày la liệt.
         Ba Tân đứng đợi sẵn trước nhà. Sau một thoáng ngỡ ngàng, hai người từng là anh em kết nghĩa ôm chầm lấy nhau sau mấy chục năm xa cách. Bước vào nhà, ông Long để ý thấy trong nhà nội thất khá sang trọng, không thua gì căn nhà thuê của gia đình ông bên Mỹ. Kỷ niệm những ngày đầu đến khai hoang vùng đất này lại ùa về, Ba Tân hào hứng nhắc chuyện khai hoang, còn ông Long cứ nhớ mãi những khó khăn ngày ấy... Lúc họ đến đây, vùng này còn là “cánh đồng hoang” đầy cỏ dại, có cả cây “lúa ma” vào mùa nước nổi. Được Nhà nước giúp vốn đắp nền, làm nhà, cùng lúa giống và phân bón, các hộ “kinh tế mới” bắt tay vào khai phá đất hoang, rồi gieo cấy lúa. Nhưng cây lúa trên vùng đất mới đã phụ lòng người, cứ ngậm đòng mà không chịu trỗ bông, Nhà nước phải cứu đói. Rồi mùa lũ đầu tiên ập đến, bốn bề nước trắng xóa. Bàn ghế, giường chiếu trong nhà phải kê lên cao theo mực nước lũ, cao đến gần chạm mái nhà... Nhưng cũng mùa lũ ấy, lần đầu tiên trong đời Ba Tân thấy cá tôm nhiều như vậy, chúng từ thượng nguồn theo nước lũ đổ về nhiều không thể tưởng, chỉ cần ngồi trên giường thả câu cũng dư ăn. Được chính quyền cấp cho tay lưới bén, vợ chồng Ba Tân thay nhau giăng lưới, cá dính lưới không đủ chỗ chứa. Vợ Ba Tân vừa làm mắm để ăn quanh năm, vừa chèo xuồng ra chợ bán rẻ như cho, đổi lấy ít gạo về nấu cháo. Cũng lần ấy, lần đầu tiên Ba Tân ăn thịt chuột, rùa, rắn đến phát ngán. Nước lũ dâng cao, chúng không còn chỗ trú ẩn, kéo nhau đeo bám ngọn tràm, Ba Tân chỉ cần chèo xuồng đến bắt về nấu cháo ăn thay cơm. Nhiều hộ không chịu nổi khó khăn, phải bán rẻ ruộng đất đã khai khẩn để trở về quê cũ. Vợ chồng ông Ba Tân không có ruộng đất ở quê cũ nên quyết tâm bám trụ lại vùng Đồng Tháp Mười, vừa khai khẩn đất, vừa tận dụng các nguồn lợi tại chỗ như rắn, rùa, cá, chuột… để sống, vừa sinh lần lượt thêm hai đứa con. Nhiều người đi khai hoang ở gần bỏ về quê bán lại ruộng giá rẻ, Ba Tân thấy tiếc nên mượn tiền mua “để dành”. Bằng cách đó vợ chồng ông đã tậu cho mình được hơn mười hecta ruộng.
        Ba Tân kể: “Sau khi vợ chồng chú Long trở về quê, nhờ Nhà nước đào kênh mương xả phèn, đất đai nơi đây dần được cải tạo, cây lúa dần thích nghi với ruộng đất, đã chịu trổ bông. Lúc đó tui cứ tiếc cho chú Long, cực khổ chú chịu nhiều, đến khi hết khổ chú không có mặt. Giờ ruộng ở đây canh tác mỗi năm hai ba vụ, chuyện mần ruộng cũng bớt cực hơn trước nhờ áp dụng  khoa học kỹ thuật, nhờ máy móc. Hai đứa con nhỏ của tui, đứa đi học rồi có chồng ở thành phố, đứa đi học xong về đây làm Nhà nước. Chỉ có tui và thằng lớn tiếp tục bám ruộng. Giờ già rồi, cũng muốn ngơi nghỉ, tính bán bớt ruộng cho đỡ cực, nhưng đất ở đây rẻ quá chứ không như ở Xóm Chòi quê mình, chỉ hơn một tỉ một hecta, sau này giá cao lên chắc tui sẽ bán bớt”.
            Một mâm rượu được bày trước sân nhà, trên bàn đủ các món đặc sản vùng Đồng Tháp Mười như chuột, lươn, rùa, rắn... được chế biến khéo léo, bốc mùi thơm phức. Sau vài tuần rượu, Ba Tân nhắc chuyện cũ: “Bữa tối cuối cùng tui với chú Long ngồi uống rượu chia tay cũng tại góc sân này. Tui chèo xuồng ra tận kênh Nguyễn Văn Tiếp cũng chỉ kiếm được nửa lít rượu để uống chia tay chú, nên uống không đã chút nào. Thời đó khổ quá, tui cũng muốn bỏ về theo chú Long, nhưng nghĩ lại ở quê nhà tui không có miếng đất chọi chim, về lấy gì mà sống. Thôi, cạn ly mừng chú Long về thăm!”.
        Càng uống, ông Long càng trầm ngâm, ông đưa ly rượu vào miệng, chậm rải nhấp từng ngụm, như để cảm nhận chất men ngấm dần vào cơ thể. Ông yên lặng uống rượu, đăm chiêu nghe người anh kết nghĩa nhắc lại những kỷ niệm vui buồn ba mươi năm về trước cũng như những thay đổi trên vùng đất một thời là “cánh đồng hoang”. Cuối cùng ông Long cũng lên tiếng: “Em cảm ơn anh Ba đã tiếp em bữa tiệc thịnh soạn này. Thật lòng, bên Mỹ em có nằm mơ cũng không dám thấy một bữa nhậu với nhiều món ngon như vầy, mà xem ra là chuyện quá bình thường với anh nơi đây. Thật lòng, ngày ấy khi ra đi bỏ anh lại, em rất áy náy, từ quê nhà lên đây lập nghiệp có hai anh em, mà em lại... Số trời đưa đẩy em trôi dạt trời xa, tưởng sướng, nhưng thật ra khổ nhiều hơn”.
        Gần cuối bữa tiệc, sau khi chủ động mời cả bàn uống cạn ly rượu, ông Long bất ngờ quay sang Ba Tân, giọng đầy cảm xúc: “Giờ em đã nghỉ hưu, không còn bị ràng buộc nhiều bên ấy. Em đã quyết định, năm sau em sẽ hồi hương, mà về sống cùng anh tại nơi thiên nhiên trong lành và nhiều kỷ niệm này. Em chỉ đủ khả năng mua chừng một hecta ruộng, trên ấy em trồng lúa, đào ao thả cá, trên bờ trồng cây ăn trái. Hàng ngày em sẽ đi săn chuột, câu cá… Cuối tuần nhậu với anh Ba hoặc đi thăm bạn bè, người thân đâu đó. Nói thật, chỉ những người giàu ở Mỹ mới có được cuộc sống an nhàn, thảnh thơi như vậy”. Không khí tiệc nhậu như chùng xuống sau những lời tự đáy lòng của ông Long. Bất ngờ, chủ nhà nâng ly, nói lớn: “Mời cạn ly chúc mừng quyết định của chú Long!”. Rồi mọi người rôm rả vẽ ra viễn cảnh cuộc sống thú vị của ông Long ở Đồng Tháp Mười. Trước nhà, trên đám ruộng lúa đang thì con gái, từng đàn én chao nghiêng, báo hiệu mùa xuân đang đến!
       
 
 
 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 18


Hôm nayHôm nay : 2383

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 178836

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10402922