Chủ nhật 28/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

XUÂN VỀ BIÊN GIỚI MIỀN TÂY

Tác giả Nguyễn Hội

Tác giả Nguyễn Hội

 Nguyễn Hội
Những ngày cuối năm, biên giới miền Tây Nam Bộ đang ở vào thời kỳ cao điểm của mùa khô. Cánh đồng vừa gặt. Thi thoảng, một cơn mưa trái mùa tạt ngang hay những giọt sương long lanh trên cành lá, mỗi sớm mai càng trở nên hiếm hoi và quý giá vô ngần. Mặt đất khô hạn, cỏ cây úa màu nên ngọn gió ban ngày khô khốc và nóng rát. Quyện trong hương gió mỗi buổi chiều tà, những ngọn khói đốt đồng mờ xanh, xa ngái. Nhưng khi ánh hoàng hôn màu nâu đỏ từ từ buông xuống, ngọn gió bỗng mát lành, dịu ngọt. Cho tới gần sáng, không khí dần trở nên se lạnh, gợi một chút mùa Đông man mác đang về. 
 
Tết này đến nữa, tôi đã có gần hai mươi năm công tác ở biên giới miền Tây. Nhiều người vẫn hay nói rằng cảnh sắc thiên nhiên nơi đây không thật rõ ràng cho thời khắc giao mùa như phương Bắc. Nhưng nếu thật tinh tế vẫn cảm nhận được thời điểm mà trời đất, muôn loài và con người phương Nam đang chuẩn bị chào đón một mùa Xuân mới. 
 
1. Giữa màu nắng vàng tươi, lộng lẫy và trong vắt như mật ong rừng tràm. Những cây mai vàng sum suê cành lá đang đung đưa mình trong gió, chuẩn bị cho một mùa khoe sắc. Nhành lá của mai căng đầy nhựa sống. Lá mai dày ken vào nhau, mỗi ngày càng se sắt lại. Dường như chúng đang trút những tinh lực cuối cùng cho cây, trước khi hoàn thành thiên sứ mệnh của mình. 
 
Từ rằm tháng Mười trở đi, những chiếc lá nhè nhẹ ngả dần từ màu xanh sẫm chuyển sang màu vàng nhạt. Để rồi theo thời gian, ở mỗi mắt lá he hé những nụ mai hình búp măng bé xíu xinh xinh. Cho đến rằm tháng Chạp, những chiếc lá già nua được đồng loạt tuốt bỏ. Từ hôm ấy, nụ hoa vụt bỗng phổng phao hẳn lên theo từng ngày. Tới hăm ba tháng Chạp, nụ hoa cái xuất hiện một lớp vỏ lụa óng mượt, trong đó chứa nhiều nụ hoa con. Lúc này mọi việc chăm sóc, điều chỉnh độ ẩm cho gốc mai dừng hẳn lại. Cứ để y nguyên như thế, đúng chiều ba mươi Tết, những nụ hoa đồng loạt bung nở vàng tươi rực rỡ, tỏa hương thơm ngào ngạt cả khắp khu vườn, chào đón thời khắc giao thừa đang tới gần. 
 
Ở miền Tây có nhiều giống mai, nhưng thông thường và cổ xưa nhất vẫn là giống mai vàng năm cánh. Năm cánh mai ngày Tết tượng trưng cho “ngũ phúc lâm môn” nên ông bà xưa và cả thế hệ hôm nay vẫn thường ưa chuộng. Mặt khác, cây mai vàng năm cánh có sức sống mãnh liệt, dù được chăm sóc kỹ càng hay mọc hoang ngoài vườn, ngoài bờ bụi, chỉ cần lặt lá già đúng ngày hoa mai vẫn cứ đồng loạt bung nở. Kỹ thuật chơi hoa mai dễ hơn chơi hoa đào, nên chẳng kể sang hèn, cứ đến Tết, sân vườn nhà ai cũng vàng rực sắc mai. Người có điều kiện thì chơi mai thế, mai cổ thụ, bứng cây vào trong chậu. Người đơn giản hơn cứ để nguyên cây “mai chà” ngoài vườn, ngoài hàng rào rồi tuốt lá, để mặc cho bông nở theo tự nhiên. 
 
Nhiều năm trở lại đây, người dân biên giới miền Tây đã biết ghép gốc mai năm cánh với giống mai miền Trung từ mười hai đến mười tám cánh. Nhưng dù là giống mai gì thì khi nở, những cánh hoa mai cũng đều phủ kín thân cây, tạo thành một khối hoa vàng rực rỡ. 
 
2. Xuân về, cũng là dịp để những người dân trên địa bàn và những người lính Biên phòng chúng tôi quây quần bên nhau, sẻ chia tấm lòng, nghĩa tình biên giới. Chẳng biết có phải từ thời những người đầu tiên “mang gươm đi mở cõi”, hay từ ngày bộ đội chủ lực tiếp quản miền Nam, thành lập các đồn, trạm Biên phòng. Nhưng đến thế hệ chúng tôi, mỗi độ Tết đến Xuân về, tình nghĩa ấy càng thêm keo sơn, bền chặt. 
 
Công việc của người lính Biên phòng, những ngày cuối năm, ngoài việc tăng cường lực lượng bảo vệ địa bàn, biên giới trong thời gian cao điểm, còn là dịp để tri ân và quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của bà con vùng biên. Những cuốn lịch, sổ tay Biên phòng được trao đến từng hộ gia đình có nhiều đóng góp cho công cuộc tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh, trật tự xóm ấp biên giới và những gia đình có truyền thống cách mạng. 
 
Từ mấy tháng trước, kế hoạch thực hiện chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” đã được anh em trong đơn vị náo nức chuẩn bị. Để rồi, ngày hai mươi tháng Chạp hằng năm, mấy trăm hộ dân ở cặp đường biên giới và bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Biên phòng có dịp được đến chung vui cùng cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng Sông Trăng. Ở nơi “Điểm sáng văn hoá trên vùng biên giới”, họ được xem biểu diễn văn nghệ, được ôn lại những kỷ niệm ngày nào cùng Bộ đội Biên phòng vượt qua bao khó khăn, vất vả dựng đồn, lập trạm, bảo vệ cột mốc, đường biên. Những người già, những cựu chiến binh còn kể lại chuyện một thời hi sinh, gian khổ, mất mát đau thương trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Rồi những phần quà của các nhà hảo tâm và những tấm lòng của anh em bộ đội được trao tặng cho bà con, để ngày Tết thêm đủ đầy, ấm cúng. Tiếng hát, tiếng cười rộn ràng từ cổng đồn vang xa tới đường biên giới. Có cả những giọt nước mắt nghẹn ngào, xúc động, khi họ biết rằng anh em trong đồn không quên những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn hay xa xôi nhất trong ấp. Với họ, một phần quà trị giá năm trăm ngàn đồng mà anh em đã chắt chiu gom góp cũng phần nào giúp ba ngày Tết trong mái lá đơn sơ bớt đi phần hiu quạnh, tủi thân cho phận nghèo. Làm được điều đó, anh em trong đơn vị bỗng cảm thấy dâng lên niềm vui và tự hào biết mấy. 
 
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày tết Ông Táo, bà con xung quanh đơn vị lại hò nhau lên đồn gói bánh tét. Ba năm trở lại đây, từ ngày lập các chốt bảo vệ biên giới và phòng chống dịch COVID-19, chị em phụ nữ xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng , tỉnh Long An thành lập hẳn một đoàn lên biên giới gói bánh tặng bộ đội. Các bà, các mẹ, các dì và cả các chị, các em chuẩn bị đầy đủ từ nếp, lá, dây buộc đến nhân đậu xanh, nhân chuối, nhân thịt heo, đủ cả. Vừa gói họ vừa hát chuyền cùng nhau những bài ca quen thuộc và tập cho bộ đội làm theo. Cánh lính trẻ lần đầu được trải nghiệm gói bánh tét thì hào hứng; vui nhất là được giao lưu cùng với các nữ thanh niên chi đoàn địa phương, họ ca hát và pha trò với nhau, tiếng cười ngập tràn khắp đơn vị, xua tan đi nỗi nhớ quê nhà. 
 
3. Tết đến, dù khó khăn đến mấy, mỗi gia đình người dân biên giới cũng đều có một nồi thịt kho tàu, một nồi khổ qua nhồi thịt hầm, vài đòn bánh tét cùng mâm ngũ quả cúng tổ tiên, ông bà. Theo quan niệm dân gian, người miền Tây thường kiêng hoặc làm theo những từ nói trại. Đầu tiên phải kể đến cây mai, được chưng trước hiên nhà hay trên bàn thờ gia tiên. Ngoài vẻ đẹp rực rỡ, vàng son, phú quý trong những ngày đầu năm, nó còn có ý nghĩa là may mắn, hanh thông (chữ mai và may đọc giống như nhau). Món khổ qua hầm cũng mang ước muốn, mọi khổ cực, khó khăn của năm cũ sẽ qua đi, chào đón một năm mới gặp nhiều may mắn. Còn mâm ngũ quả, thay vì đầy đủ “ngũ hành” như phương Bắc, người miền Tây chưng năm loại quả, thể hiện ước nguyện của mình trước thềm năm mới. “Cầu, sung, vừa, đủ, xài”, có nghĩa là: Quả mãng cầu (quả na miền Bắc), quả dừa, quả đu đủ, quả xoài và quả sung. 
 
Hoa cũng vậy. Thứ nhất hoa mai, thứ nhì vạn thọ. Ngoài sắc vàng cam mang nhiều năng lượng tích cực, chữ “vạn thọ” được mọi người ưa thích bởi nó mang ý nghĩa trường tồn, vĩnh cửu. Ngoài hai loài hoa chủ đạo này, mùa Xuân trong những gia đình người miền Tây nói chung, người dân biên giới nói riêng còn chưng hoa mào gà, hoa hướng dương, hoa đồng tiền, hoa cát tường, hoa giấy… để cầu mong những điều may mắn như tên và sắc của các loài hoa. Nhiều gia đình còn chưng những chậu hoa lúa với ý nghĩa mong một năm được mùa, trúng giá, no ấm, đủ đầy và những chậu cây bắp (cây ngô) để những điều mình cầu mong đó sẽ trở thành hiện thực: “Chắc ăn như bắp”. 
 
4. Đêm giao thừa, Chỉ huy Đồn đi chúc Tết toàn thể cán bộ chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ trên các trạm, chốt và các hộ dân dọc biên giới. Anh em cán bộ chiến sĩ làm việc cùng nhau hằng ngày nhưng trong thời khắc giao thừa, cái bắt tay thật chặt, một lời chúc nhiệt thành giữa trời đêm biên giới sao mà rưng rưng niềm xúc động. Quên đi những mệt nhọc, lo âu, quên đi những muộn phiền, áp lực công việc trong tình hình mới, giữa những người lính Biên phòng chỉ còn nghĩa anh em, tình đồng chí. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ đều công tác xa nhà, nhiều người vợ con ngoài Bắc, nhiều năm liền ăn Tết xa gia đình, nhưng vì nhiệm vụ, mọi người đang sát cánh bên nhau, đoàn kết, yêu thương trong cùng một mái “nhà” Đồn Biên phòng và “quê hương” biên giới. 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 39

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 37


Hôm nayHôm nay : 9104

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 284102

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8742203