Chủ nhật 28/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Đi xa để thấy quê hương mình đẹp hơn

Đoàn công tác Chi hội ĐA-TH Long An bên tháp Nghinh Phong.

Đoàn công tác Chi hội ĐA-TH Long An bên tháp Nghinh Phong.

VÕ HUY

Đầu tháng 10, khi những cơn bão giữa mùa vẫn đang tiến vào biển Đông, các cơn mưa miệt đồng bằng vẫn đang nối nhau trút xuống,  những người làm truyền hình chúng tôi được Chi hội Điện Ảnh truyền hình (ĐA-TH) Long An tổ chức chuyến đi giao lưu, sáng tác tại khu vực miền Trung – Tây nguyên. Đây được xem là dịp để chúng tôi có thể thực sự trải nghiệm cuộc sống của mùa mưa bão miền Trung và “thấm” với cảm giác “ấm lạnh”: “Miền Trung mùa mưa, ai có về miền Trung mùa mưa/ Cơn mưa như chẳng tạnh bao giờ” trong ca khúc “Mưa miền Trung” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.
Nếu như trước đây muốn đến Phú Yên phải đi qua cung đường quanh co khúc khuỷu của ngọn Đèo Cả, thì hiện nay chúng tôi êm ái đi trên một công trình vừa hiện đại vừa bằng phẳng và chỉ dài chưa tới 4 cây số, đó là hầm Đèo Cả. Đường đi được rút ngắn, mặt đường thì êm ái, nhưng trong chúng tôi vẫn gợn lên hai nửa cảm xúc, khi một bên là phấn chấn vì được di chuyển trên con đường khang trang, hiện đại và một bên là tiếc nuối bởi qua đoạn đường này mà không còn cảm giác lãng mạn pha chút mạo hiểm khi vượt đỉnh Đèo Cả, và choáng ngợp trước cảnh sắc nên thơ của biển Đại Lãnh trong xanh.
Sau chỉ non một ngày, 10 thành viên của Chi Hội ĐA-TH Long An đã có mặt tại vùng đất được mệnh danh và “Đất Phú Trời Yên” với cơ man nào là những “đề tài”. Địa hình Phú Yên được bao quanh bởi 3 mặt là núi với phía Bắc giáp với Bình Định, phía Tây giáp với Dak Lak và Gia Lai, còn phía Nam giáp với Khánh Hòa tại Đèo Cả. Hướng Đông là Biển Đông, bờ biển dài 189 km với nhiều đầm, vịnh đẹp tự nhiên và hoang sơ, là lợi thế để phát triển tổng thể kinh tế biển. Vào mùa này, lúa ở Phú Yên đã qua thời kỳ thu hoạch nên không còn cái màu xanh đến mút tầm mắt đặc trưng của cánh đồng duyên hải miền Trung trù phú. Và biển Tuy Hòa cũng đã qua mùa gió yên sóng lặng, để cho du khách có thể đắm mình trong làn nước trong xanh. Bù lại, dù một cơn bão vẫn đang tiến vào, vùng đất Nam Bộ vẫn đang bị ảnh hưởng với những cơn mưa liên tiếp, thì rất lạ là ở vùng đất của mưa bão, bầu trời vẫn khô ráo, rực rỡ như một sự ưu ái cho những người làm truyền hình đến từ phương Nam.

                    Tác giả (bên phải) cùng nhà nghiên cứu Phan Thanh Bình.
Vì thời gian có hạn nên chúng tôi phải sắp xếp trong thời gian ngắn nhất có thể nhưng ghi chép, quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn,v.v..  được nhiều nhất. Dù tranh thủ là vậy, thế nhưng trong hệ thống các di tích văn hóa Chăm đồ sộ của Phú Yên chúng tôi chỉ đến được mỗi ngôi tháp Nhạn, một ngọn tháp tiêu biểu nằm bên Quốc lộ 1. Bởi nhiều điểm đến tại Phú Yên vẫn đang mời gọi mà điểm nào, danh thắng nào chúng tôi cũng không muốn bỏ qua, nhất là các di sản văn hóa cổ.
Trong một chiều vội vã chúng tôi đã đến danh thắng Gành Đá Dĩa, một biểu tượng di sản thiên nhiên của Tuy An nói riêng và Phú Yên nói chung. Gành Đá Đĩa nằm ven bờ biển Đông thuộc xã An Ninh Đông (trùng tên với một xã của huyện Đức Hòa), huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cách TP.Tuy Hòa 35 km. Vùng đất Tuy An này còn ẩn chứa nhiều trầm tích văn hóa cổ xưa khác mà trong phạm vi chuyến đi này chúng tôi không thể tìm hiểu hết. May mắn là cạnh Gành Đá Dĩa, nơi khu trưng bài cổ vật chúng tôi được thưởng thức các giai điệu vọng về từ ngàn xưa bởi phiên bản của chiếc đàn đá Tuy An nổi tiếng. Những âm thanh réo rắc phát ra từ những thanh đá vùng núi Tuy An đủ sức làm lay động những người bàng quan nhất, nên dễ hiểu vì sao những “tiếng vọng từ ngàn xưa” đó đã thuyết phục hoàn toàn những người “đi tìm cảm xúc” như chúng tôi. Bởi đàn đá như là thứ duy nhất mang được âm thanh cuộc sống của người tiền sử đến với chúng ta bây giờ.
Cách núi Nhạn, nơi tọa lạc của ngôi tháp Nhạn cổ xưa về mạn Bắc theo Quốc lộ 1 chừng 4 km, ở giữa đồng bằng xuất hiện ngọn núi có tên “Chóp Chài” có độ cao chừng 400 mét. Dưới chân núi Chóp Chài này, vào ngày 30/10/1961 đã diễn ra một sự kiện lịch sử, khi Tỉnh ủy Phú Yên đã tổ chức lực lượng để giải cứu thành công luật sư Nguyễn Hữu Thọ, khi ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm quản thúc 7 năm tại Phú Yên. Những kỷ niệm trong thời gian bị địch quản thúc, được người dân Phú Yên đùm bọc chở che và giúp nhà cách mạng quê Long An thoát khỏi tay quân thù, ngày nay đã trở thành tài sản vô giá trong mối quan hệ giữa hai tỉnh Long An và Phú Yên.
Trong số các đề tài sẽ thực hiện tại Phú yên trong chuyến đi này, chúng tôi tâm đắc nhất với câu chuyện luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Đảng bộ và nhân dân Phú Yên chở che, đùm bọc trong những năm chiến tranh. Vô số chất liệu quí giá về nhà cách mạng quê Long An được chia sẻ đầy đủ khi chúng tôi may mắn được gặp nhà nghiên cứu Phan Thanh Bình, nguyên Tổng thư ký Hội lịch sử tỉnh Phú Yên. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ không chỉ là nhân vật trong các công trình nghiên cứu của ông, mà người con của Long An này còn là nhân vật lịch sử mà ông Phan Thanh Bình rất ngưỡng mộ. Từ chổ ngưỡng mộ nhà cách mạng Nguyễn Hữu Thọ, ông Phan Thanh Bình trở thành người yêu mến quê hương Long An xinh đẹp với những tên đất, tên người mà ông xem như là quê hương, là ruột thịt.
Trong câu chuyện với các đồng nghiệp thuộc Chi hội ĐA-TH Phú Yên, chúng tôi thật tự hào là nếu như chúng tôi vẫn đang tiếc nuối với những di sản của Phú Yên chưa thu thập được, thì anh Phạm Xuân Luật, Giám đốc Đài PT&TH Phú yên lại say sưa nói về Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, của cụ Đồ Chiểu, về Vàm Cỏ Đông của Hoài Vũ, về “hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa” của Huỳnh Mẫn Đạt,v.v..; khi chúng tôi hào hứng khai thác về văn hóa, lịch sử, con người Phú Yên thì các đồng nghiệp tại đây lại say sưa nói về văn hóa Nam Bộ, lịch sử Đồng Tháp Mười với tất cả sự tâm đắc,v.v... Đối với các đồng nghiệp Phú Yên thì Long An, Đồng Tháp Mười như là vùng đất đong đầy nguồn cảm hứng qua văn chương, nghệ thuật. Ngược lại, với chúng tôi những gì trải nghiệm tại Phú Yên đã mang lại nhiều cảm xúc cho những tác phẩm truyền hình của mình sau này.
Sau chuyến trải nghiệm, sáng tác tại dãy đất miền Trung nhiều ấn tượng, các tác phẩm truyền hình được chúng tôi chuyển tải trên kênh LA34 cùng các nền tảng khác của Đài PT&TH Long An như: “Qua vùng đất Phú trời Yên”, “Tiếng vọng từ ngàn xưa” (ký sự), Cổ xưa Tháp Nhạn” (phóng sự), “Người con Long An ở Phú yên” (phim tài liệu),v.v... Một chuyến đi mang lại nhiều cảm xúc và qua đây, chúng tôi cũng hiểu được vì sao ở một nơi nhiều giá trị lịch sử văn hóa như Phú Yên, các đồng nghiệp của chúng tôi cũng luôn kể những câu chuyện thật xúc động, những con người ưu tú, những truyền thống hào hùng của quê hương Long An xinh đẹp của chúng ta, nơi họ từng đến. Thế mới biết khi đi xa, ngoài tìm thêm nguồn cảm hứng sáng tác thì khi đến xứ người, chúng ta còn có cơ hội để cảm nhận đầy đủ hơn cái đẹp của chính quê hương mình.
 
 
 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 67

Máy chủ tìm kiếm : 12

Khách viếng thăm : 55


Hôm nayHôm nay : 2092

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 277090

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8735191