Thứ bảy 27/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

VĂN HÓA TẾT VÀ ẨM THỰC NAM BỘ


TS. Đỗ Quốc Dũng

Đối với người Việt Nam, Tết cổ truyền của dân tộc hay còn gọi là Tết Nguyên Đán là quan trọng và giá trị về văn hóa nhất; nên dân gian có từ “Tết - Nhứt”, nghĩa là Tết còn quan trọng và giá trị hơn những cái “nhứt”. Tết là những ngày đầu năm khởi đầu cho cả năm đều tốt đẹp. Bởi vì, Tết đồng nghĩa với tốt đẹp: đất trời (thời tiết) tốt, mát mẻ, ấm áp, cây cối đâm chồi nẩy lộc ra hoa; nhà nhà đoàn tụ, người người cầu chúc cho nhau phước – tài - lộc, an bình, vui tươi, hạnh phúc, thành đạt…; hoặc con cháu thăm viếng ông bà, cha mẹ, học trò thăm thầy cô, bạn bè thăm nhau… Những vật chất như sửa chữa hay xây nhà mới, mua sắm đồ vật, quần áo mới, những món ăn thức uống ngon nhất… đều để dành cho Tết. Tết là dịp người Việt tụ hội, sum họp, cúng gia tiên, dâng lễ thánh thần, ăn uống và vui vẻ nên khái niệm Tết đồng nghĩa với những gì vui. Người Việt có câu thành ngữ “Vui như Tết” là vì vậy.
Về vật chất phục vụ Tết, từ thành thị đến nông thôn, nơi ăn chốn ở đều được tân trang chỉn chu khang trang, món ngon vật lạ cũng dồi dào hơn những ngày thường. Về văn hóa tinh thần cũng vậy, nhiều trò chơi dân gian, nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ liên tục trong những ngày trước – trong - sau Tết trên cả nước theo từng loại hình của vùng miền. Riêng Nam Bộ, tiêu biểu là loại hình ca nhạc truyền thống dân tộc xưa nay quen thuộc là Đờn ca Tài tử (ĐCTT). Nhiều thập niên qua, loại hình này lại phát triển mạnh mẽ hơn, không những ở những gia đình hay nhóm đội mà còn lan rộng hầu hết ở các điểm Du lịch sinh thái Tây Nam Bộ. Đây được xem là đặc trưng văn hóa nghệ thuật của vùng sông nước Tây Nam Bộ của cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Đặc biệt, từ khi loại hình ĐCTT được Tố chức UNESCO (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization = Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại thì được Đảng - Nhà nước và nhân dân càng tự hào, quan tâm hơn.

            Gói bánh tét ngày xuân. Ảnh: Công Toại.
Tết: Tác giả Trần Quốc Vượng (2006) trong “Cơ sở văn hóa Việt Nam”: “Tết là lễ hội truyền thống lâu đời nhất của người Việt” (tr. 98). Còn theo tác giả Phan Ngọc (1998) trong “Bản sắc văn hóa Việt Nam” thì: “Ngày Tết trước hết là ngày của gia đình. Người Việt ở bất cứ nơi đâu, làm nghề gì đều muốn về quê ăn Tết, làm cuộc hành hương về nơi chôn nhau cắt rốn… Người ta chuẩn bị Tết suốt cả tháng chạp. Nhưng không khí Tết bắt đầu 23 tháng chạp, ngày tiễn ông Táo về trời”. (tr. 390)
Tết Nguyên Đán còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay chỉ gọi đơn giản là Tết, là dịp lễ đầu năm Âm lịch quan trọng và có ý nghĩa bậc nhất ở Việt Nam, cùng với văn hóa Tết Âm lịch của các nước Đông Á. Trước ngày Tết, người Việt có các phong tục như "cúng Táo Quân" (23 tháng Chạp Âm lịch) và "cúng Tất Niên" (29 hoặc 30 tháng chạp Âm lịch). Còn Nguyên nghĩa của “Tết” chính là “tiết”, hai chữ “Nguyên Đán” có gốc chữ Hán, “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai còn “đán” là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”.
Vì Tết tính theo Âm lịch nên Tết Nguyên Đán của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch (hay Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà rơi vào giữa những ngày này.
Ngày xưa, Tết kéo dài tới bảy ngày, sau này rút ngắn lại còn ba ngày. Trong những ngày này, tất cả các hoạt động thuộc nghề nghiệp đều tạm ngừng để dành cho việc cúng kiếng tổ tiên, nghỉ ngơi, vui chơi, thăm viếng nhau bù lại sau một năm lao động mệt nhọc. Nhà nào cũng có hương đăng trà quả, bánh mứt, thịt cá, dưa giá… trong những ngày Tết. Ngoài tập tục người ta mừng thọ nhau, cầu tài - lộc - phúc được xem như phần lễ… Về phần hội là các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, từ các loại hình nghệ thuật dân gian như các trò chơi múa lân, múa rồng, đá gà, đánh bài, chơi lô tô, bầu cua, tài xỉu…, và đi đây đi đó trong dịp Tết. Ví dụ: đi hội chợ, ngày nay có nhiều điểm vui chơi, giải trí hơn như đi du lịch, đi hội hoa xuân, đi công viên văn hóa… Nghệ thuật chuyên nghiệp có điện ảnh, ca nhạc, cải lương... Ở nông thôn, khắp nơi, phổ biến nhất là sinh hoạt ĐCTT.
Ẩm thực Nam Bộ: Nam Bộ được mệnh danh là vựa lúa của đất nước ta. Với mạng lưới sông ngòi dày đặc cùng với những hệ thống sông lớn chảy qua và đường bờ biển dài, nơi đây có nguồn thủy hải sản phong phú. Nam Bộ chịu ảnh hưởng rõ rệt của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ quanh năm cao, có 2 mùa mưa, nắng, ít chịu ảnh hưởng của thiên tai. Tất cả những đặc điểm này của thiên nhiên đã góp phần tạo nên tính cách con người Nam Bộ phóng khoáng, hiếu khách, hào sảng… và mang đến cho Nam Bộ về đời sống văn hóa ẩm thực rất phong phú và đa dạng. Không những thế, mà theo trào lưu thời đại văn minh trong sinh hoạt văn hóa ẩm thực Nam Bộ ngày càng đa dạng về kiểu cách, phong phú về thực phẩm; đặc biệt, điều đó đã thu hút du khách trong ngoài nước quan tâm nhiều hơn.
Từ khá lâu, phương cách chế biến thức ăn nước uống và tập tục trong ăn uống của con người không còn bình thường như thường nhật xa xưa nữa, mà trong cách sinh hoạt ăn uống đã được nâng cao tính nghệ thuật thẩm mỹ và ý nghĩa tinh thần, được gọi đó là văn hóa ẩm thực. Nói khác đi, xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh thì nhu cầu ăn uống trong cuộc sống con người không còn là thuần túy “ăn no mặc ấm”, mà tiến đến văn hóa ẩm thực cho cả vật chất lẫn tinh thần “ăn ngon mặc đẹp”. Bởi lẽ, không chỉ trong nội bộ mỗi gia đình, văn hóa ẩm thực người Việt nói chung và Nam Bộ nói riêng, còn gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng như tiệc tùng, đình đám, lễ hội, nhất là Tết… Trong những năm gần đây, văn hóa ẩm thực được con người chú ý nhiều hơn và tập trung phát triển nó đi vào nề nếp văn minh và đậm sắc thái hơn, nhất là trong văn hóa du lịch. Điều này, ngoài mục đích kinh doanh sản phẩm du lịch, những người làm du lịch còn hướng đến giới thiệu với du khách ngoại quốc về đặc sản ẩm thực của đất nước con người Việt Nam. Cũng có thế nói, Long An là một trong những tỉnh mang đậm tính chất văn hóa ẩm thực của Tây Nam Bộ, nhất là những địa phương thuộc khu vực Đồng Tháp Mười.
Vài kiểu cách ẩm thực: Văn hóa ẩm thực là những tập quán và khẩu vị ăn uống của con người, những ứng xử của con người trong ăn uống; những tập tục kiêng kỵ trong ăn uống; những phương thức chế biến, bày biện món ăn thể hiện giá trị nghệ thuật thẩm mỹ trong các món ăn, cách thức thưởng thức món ăn. Văn hóa ẩm thực còn là nét văn hóa tự nhiên hình thành trong cuộc sống. Đối với người Việt nói chung và Nam Bộ nói riêng, ẩm thực không chỉ là nét văn hóa về vật chất mà còn là văn hóa về tinh thần. Qua ẩm thực người ta có thể hiểu được nét văn hóa thể hiện phẩm giá con người, trình độ văn hóa của dân tộc với những đạo lý, phép tắc, phong tục trong cách ăn uống “ăn coi nồi, ngồi coi hướng”.
Trong gia đình: Ăn chung mâm, ưu tiên thức ăn ngon cho người lớn tuổi, trẻ nhỏ “kính trên nhường dưới”, thể hiện sự kính trọng, tình cảm yêu thương. Bữa cơm hàng ngày được xem là cơ hội sum họp gia đình, mọi người quây quần bên nhau vui vầy sau một ngày làm việc.
Ngoài xã hội: Việc mời khách đến nhà thể hiện nét văn hóa giữa người với người trong xã hội. Khi có dịp tổ chức ăn uống, với tinh thần hiếu khách, gia chủ thường làm những món ăn thật ngon, nấu thật nhiều để đãi khách. Chủ nhà thường nhiệt tình mời khách, và có lời mời ăn thêm khi khách dừng bữa. Bữa cơm không chỉ đơn thuần là cuộc vui mà còn thể hiện tấm lòng hiếu khách đặc trưng của người Việt, rõ nét là người Nam Bộ.
Như vậy, quá trình cộng cư lâu dài giữa các dân tộc Việt, Hoa, Khmer, Chăm trên vùng đất Nam Bộ này đã khiến mọi mặt văn hóa hòa hợp và giao lưu lẫn nhau. Mỗi dân tộc, đều lưu giữ một nền văn hóa riêng của mình, đồng thời cũng đóng góp vào nền văn hóa chung của một vùng đất làm cho nền văn hóa Nam Bộ nói chung, văn hóa ẩm thực ở Nam Bộ nói riêng có sự phong phú, đa dạng và nhiều màu sắc… (Mời xem toàn bộ bài viết trên vannghelongan.vn)
Ảnh: Gói bánh tét ngày Tết. Ảnh: Công Toại
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 41

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 40


Hôm nayHôm nay : 6415

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 270729

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8728830