Thứ hai 14/10/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Tình yêu đất nước, quê hương trong thơ Trương Hòa Bình

Bìa tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” của Trương Hòa Bình.

Bìa tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” của Trương Hòa Bình.

      Với công việc bề bộn, nặng nề của một Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, ông Trương Hòa Bình đã chọn cho mình cách thư giãn, cân bằng trong cuộc sống bằng làm thơ để ghi lại những kỷ niệm, cảm xúc, trải nghiệm trên bước đường công tác của mình. Trên tất cả, thơ của ông thấm đẫm tình yêu đất nước, quê hương.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trong một chuyến công tác ở Long An.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trong một chuyến công tác ở Long An.

     
     
     “Thương nhớ đến vô cùng”
      “Thương nhớ đến vô cùng” là câu thơ rút trong tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” (Nhà xuất bản Thông Tin Và Truyền Thông – 2021). Thật hay và chính xác khi tác giả và Nhà xuất bản đã chọn tứ thơ “Thương nhớ đến vô cùng” để đặt tên cho tập thơ vì hầu hết các bài thơ, không trực tiếp thì cũng gián tiếp, tác giả đều gửi gắm vào tác phẩm tiếng lòng sâu nặng của mình đối với đất nước, quê hương – Đất nước Việt Nam anh hùng, xinh đẹp nhưng cũng đầy đau thương, mất mát; quê hương Long An với đôi dòng Vàm Cỏ thủy chung, son sắt.
      Yêu đất nước trong thơ Trương Hòa Bình là yêu những vùng đất cụ thể mà tác giả đặt chân đến trên bước đường công tác. Đó là hình ảnh yêu thương của một bản Mường vùng Tây Bắc:
      Mùi hương xôi nếp đầy phong vị
      Cá suối, cơm lam, tình chứa chan
      Ánh lửa rừng khuya miền biên giới
     Ché rượu liêu xiêu tim rộn ràng
     (Điện Biên mùa chớm thu)
       Đó là cảnh biển nước, trời mây, núi non đẹp như một bức tranh của vùng biển Miền Trung:
       Sóng biển dập duềnh tung bọt nước
      Xa xa thấp thoáng bóng con tàu
      Lừng lẫy Hải Vân quan xanh biếc
      Hòn Chỏ, Sơn Trà đá trắng phau
      (Đà Nẵng đêm pháo hoa).
      Đó là cảnh êm đềm, đồng lúa bao la ở vùng quê Nam Bộ:
      Trời xanh xanh thẳm khôn cùng
      Một lời xa cách vạn trùng vẫn nghe
       Ai ơi biển lúa hồn quê
       Đất trời trải rộng nhớ về Long An
       Một vùng Đồng Tháp minh mang
       Quê hương miền thượng gió ngàn nắng hanh
       (Láng Sen – Miền thượng)
       Yêu đất nước cũng là yêu những danh thắng, những danh nhân, những truyền thuyết đầy tính nhân văn trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Những bài thơ viết về Hòn Vọng Phu, Trương Chi, Thác Bản Giốc, Nguyễn Hữu Cảnh, Hoa Dã quỳ, Suối Cá thần…, ông đã thể hiện tình yêu thương, đồng cảm theo phong cách của riêng mình. Tiếng sáo của Trương Chi vọng tới lầu Tây của Mị Nương trong đêm thanh vắng trong thơ ông thật đẹp:
      Cấm cung nàng ở một mình
      Đêm khuya giấc mộng hương trinh ngọt ngào
       Bỗng nghe tiếng hát vút cao
       Hoà trong tiếng sáo đưa vào lầu Tây
       Cung sầu ai oán đường mây
       Cung thương trầm bổng gió lay lạnh lùng
       Lời ca đứt ruột não nùng
       Mơ ngày mai buổi tương phùng được chăng...
        Thanh thản một “Ngày về”
        Suốt cả cuộc đời làm việc phục vụ đất nước, nhân dân, sống xa quê hương, nhưng ông Trương Hòa Bình vẫn mang trong lòng niềm thương nỗi nhớ da diết về vùng đất Long An. Quê hương với những cánh đồng bao la, ngát thơm hương lúa chín; hai dòng sông sông Vàm Cỏ trĩu nặng phù sa; những con người chất phác, hiền lành; những cô gái duyên dáng trong chiếc áo bà ba… như đã ăn sâu vào tâm trí của ông để rồi bật ra thành thơ. Miền hạ quê ông (Trương Hòa Bình quê huyện Cần Giuộc) hiện lên trong thơ thật dung dị, mộc mạc với hình ảnh đồng lúa trổ đòng, dòng sông Vàm Cỏ,...
        Quê tôi đất mặn đồng chua
        Nước ròng nước lớn hai mùa nắng mưa
        Ngày xưa làm ruộng một mùa
        Cò bay thẳng cánh gió đùa lang thang
       (Vàm Cỏ - Phước Đông – Miền hạ Long An)
       Đó là vung Đồng Tháp Mười mỗi năm mấy tháng nước nổi, từng kiên trung trong đánh giặc, làm nên truyền thống Long An Trung dũng kiên cường, ngày nay “ngập ánh bình minh” trong xây dựng cuộc sống mới:
      Long An sông nước tuyệt vời
      Sắc hương miền thượng gọi mời chúng ta
     Về đây vùng trũng Ram Sa
     Người dân bình dị thiệt thà dễ thương
     Long An trung dũng kiên cường
    Toàn dân đánh giặc dặm đường đã qua
    Bây giờ kiến thiết nước nhà
    Láng Sen du lịch Ram Sa giữ gìn
    Quê hương ngập ánh bình minh
    Việt Nam ngời sáng quang vinh đất trời.
    (Láng Sen - Miền thượng)
    Tác giả Trương Hòa Bình rất yêu nền văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật đờn ca tài tử ở vùng đất phương Nam quê ông. Phải yêu thương, am hiểu lắm tác giả mới có thể đưa đờn ca tài tử vào thơ một cách tự nhiên, tài hoa:
     Đờn ca tài tử thâu đêm
     Tâm hồn phóng khoáng thay phiên hát chầu
     Hát ca ra bộ buổi đầu
     Đờn ca tài tử đậm màu dân gian...
     Cội cổ thụ mái sân đình
     Cải lương sân khấu hành trình phương Nam...
     (Vàm Cỏ - Phước Đông – Miền hạ Long An)
      Sau những năm dài làm việc với nhiều cương vị khác nhau, khi tuổi đã cao, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng nghỉ hưu theo qui định của Nhà nước. Với không ít người, nhất là những người có địa vị cao, khi về hưu dễ bị hụt hẫng. Nhưng với ông, khi đọc bài thơ “Ngày về” do ông sáng tác, tôi cảm nhận ở ông chỉ là sự thanh thản sau một cuộc đời cống hiến không mệt mỏi cho quê hương, đất nước.
        Là một chính khách, được đào tạo chính quy về khoa học kỹ thuật và luật học, Trương Hòa Bình xem làm thơ chỉ là thú vui tao nhã, nhưng đọc thơ ông, bên cạnh tình yêu quê hương đất nước sâu đậm, người đọc còn thấy thú vị với nhiều tứ thơ hay, hồn thơ bay bổng, lối viết sáng tạo, kiến thức văn học, nghệ thuật sâu sắc. Để rồi nhận ra rằng, đằng sau những công việc bề bộn hàng ngày của một Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ là thế giới tinh thần phong phú thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước và đầy tính nghệ thuật, nhân văn của ông.
         Bài thơ: Ngày về
         Trương Hòa Bình
      Bát ngát hồn quê tình sâu lắng
      Cánh đồng trải rộng nhớ miên man
      Người đi viễn xứ nay trở lại
      Nhìn lúa trổ đòng nắng chói chang
          Hương thơm vương vấn theo gió nhẹ
          Làng quê yên ả khúc giao mùa
          Hạt ngọc trời cho mùi sữa mẹ
          Vàng lên bông lúa nhẹ đung đưa
Tôi thả hồn mình theo cơn gió
Đồng quê thanh vắng chạy rong chơi
Bầy trẻ chăn trâu đang đùa giỡn
Thả diều bắt dế đứa đua bơi
      Kỷ niệm ngày xưa bừng sống lại
      Những ngày thơ ấu chốn quê nghèo
      Mẹ cha vất vả trên đồng ruộng
      Một đời lận đận mãi gieo neo
           Thương em ngày ấy hoa vừa chớm
            Một nụ tầm xuân gió lung lay
           Trách mình ngày ấy sao vụng dại
            Hoa kia chờ đợi một chàng trai
Tôi đi chinh chiến đời gian khó
Em ở quê nghèo trải gió sương
Mẹ cha già yếu ai chăm sóc
Thay tôi hôm sớm em lo toan
     Ngày ấy làng quê trong lửa đạn
     Mẹ cha lần lượt đã lên trời
     Bàn thờ hương khói em sắp đặt
     Chờ anh biền biệt bóng người xưa
          Vụng dại ngày xưa hoa chưa hái
          Lòng tôi vẫn giữ mối tình chung
          Em vẫn chờ tôi nơi bến cũ
          Con đò đợi đón khách qua sông
Hoàng hôn buông xuống nơi thôn dã
Nhà em mái lá khói lam chiều
Anh lại về đây tìm tổ ấm
Đò xưa bến cũ mãi thương yêu
     Dòng sông Vàm Cỏ nước trong xanh
     Ngày anh trở lại mối duyên lành
     Chắp cánh tình yêu thời trai trẻ
     Lúa vàng trĩu hạt dưới trời xanh.

SÔNG VÀM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 16


Hôm nayHôm nay : 2351

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 70675

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10541721