Ông Triều (áo đen) và ông Long dựng nêu ăn Tết.
Theo tập tục xưa, vào nửa cuối tháng Chạp hàng năm, nhà nhà dựng nêu ăn Tết. Cây nêu càng cao, ăn Tết càng lớn. Với ý nghĩa đó, năm nay ông Nguyễn Huỳnh Triều (Ủy viên BCH Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Long An, Chủ nhiệm CLB Thư pháp Hồn Chữ Việt) sẽ dựng nêu thật cao vì năm nay thật đáng để ông ăn Tết lớn!
Thỏa lòng mong ước Vào tháng cuối cùng của năm 2023, “già làng” Huỳnh Triều (năm nay 80 tuổi) đón nhận “niềm vui nho nhỏ”, đó là đoạt giải thưởng (Giải B) Cuộc thi sáng tác lời mới Bài ca tài tử Nam bộ tỉnh Long An lần I với tác phẩm “Tình mẫu tử” viết theo thể điệu Vọng cổ nhịp 16. Mấy tháng trước, ông Huỳnh Triều và người em ruột Nguyễn Huỳnh Long (78 tuổi) có một niềm vui, một thành công (cũng liên quan đến văn hóa – nghệ thuật) lớn hơn nhiều, đó là nghệ thuật viết thư pháp chữ Việt (TPCV) mà các ông kiên trì theo đuổi gần 20 năm trời, đã bắt đầu ra hoa, kết quả.
Ông Huỳnh Triều nhớ lại, cho tới năm 2005, tỉnh Long An hầu như chưa có người viết TPCV. Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh Long An lúc đó là ca sĩ Công Toại đã tập hợp một số anh em yêu thích TPCV, rồi mời thầy ở TP.HCM về dạy. Nhưng lớp học kéo dài chỉ được 4 – 5 buổi là ngưng vì khó khăn khách quan. Hai anh em Huỳnh Triều – Huỳnh Long (2 thành viên của lớp học) không đành bỏ học, đã “khăn gói” lên tận TP.HCM để “tìm thầy học đạo”, tiếp tục học viết thư pháp, chiều đi thành phố học, tối về lại Tân An. Bằng cách ấy, sau bao kiên trì, vất vả, các ông đã “đắc đạo”, trở thành 2 trong số những người đầu tiên viết TPCV ở Long An.
Vừa “hành nghề” viết TPCV (bằng cách “cho chữ” vào những dịp lễ hội), các ông vừa truyền dạy cho những người trẻ tuổi yêu thích nghệ thuật mới mẻ này. Lòng đam mê và sự khổ luyện của các ông đã sớm cho kết quả - vào các năm 2008 – 2009, ông Triều, ông Long đã đoạt giải cấp quốc gia viết câu đối TPCV. Nhưng, nếu như tài năng viết thư pháp của các ông đã sớm cho kết quả thì việc truyền dạy bộ môn nghệ thuật này gặp nhiều khó khăn. Nhưng khó cũng phải làm vì các ông tâm niệm rằng mình đã lớn tuổi, phải truyền dạy cho thế hệ trẻ thì bộ môn TPCV mới có tương lai trên quê hương.
Hai ông đã phối hợp với Nhà Thiếu nhi tỉnh Long An mở lớp dành cho đối tượng chủ yếu là giới trẻ, học sinh ..., kéo dài đã được 2 năm. Rồi phối hợp với sư trụ trì chùa Long Thạnh ở huyện Thủ Thừa mở lớp, kéo dài được 4 năm. Các ông phối hợp với địa phương thành lập CLB Thư pháp Hồn Chữ Việt và CLB Thư pháp Trung tâm Văn hóa Long An do các ông “đứng mũi chịu sào”. Dù vây, kết quả và tiếng vang “Thư pháp chữ Việt Long An” vẫn còn khiêm tốn.
Cho đến năm 2023 này, sau 2 khóa TPCV mà các ông phối họp với huyện Tân Trụ tổ chức (mỗi khóa 3 tháng), TPCV tỉnh long An đã gây tiếng vang ở Lễ Kỷ niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (tháng 10/2023) và đang tạo hiệu ứng lan truyền rất tốt. Tại lễ hội nói trên, hai ông và các học trò ở huyện Tân Trụ đã viết tặng hơn 1 ngàn câu đối (thư pháp) cho khách đi lễ. Đặc biệt, các ông đã viết 4 tác phẩm thư pháp được lộng khung rất đẹp để tặng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, người nhận rất thích. Sau lễ hội, một số địa phương trong tỉnh Long An đã liên hệ các ông để phối hợp mở lớp thư pháp, trước mắt sẽ là huyện Châu Thành. Mọi chuyện không dừng lại ở đó, thế hệ học trò “F1” của các ông ở huyện Tân Trụ đã có người đứng ra mở lớp thư pháp tiếp tục truyền dạy, làm lan tỏa TPCV ở địa phương. Ông Huỳnh Triều chia sẻ: “Mọi chuyện đang diễn ra đúng với mong ước của chúng tôi. Khi thế hệ trẻ đã đến với TPCV thì chắc chắn bộ môn nghệ thuật này sẽ có tương lai! Học thư pháp khó nhất là phải làm chủ được cây bút, nhấn nhá đậm, nhạt, giúp toát lên được cái hồn, thông điệp mà mình gửi gắm qua nét bút. Người học phải kiên nhẫn, chịu khó và nhất là phải có đam mê. Ngoài lớp căn bản, chúng tôi còn mở lớp nâng cao dành cho các học viên có niềm đam mê với thư pháp. Chúng tôi tin TPCV sẽ phát triển mạnh ở Long An thời gian tới”.
Tặng tác phẩm thư pháp của ông Triều, ông Long tại Lễ kỷ niệm Anh hùng Nguyễn Trung Trực. Dựng nêu ăn Tết Với ông Triều và ông Long, TPCV còn lớn hơn một niềm đam mê, trở nên thiêng liêng, nên các ông rất trân quý những gì liên quan đến TPCV. Hàng năm, vào ngày “đưa Ông Táo” (23 tháng Chạp), các ông đều làm lễ dâng lên Tiên Sư và khai bút mùa viết thư pháp năm mới. Ông và hàng chục môn sinh trong áo dài, khăn đống truyền thống thành tâm dâng lên Tổ nghiệp những kết quả và gửi gấm kỳ vọng cho TPCV. Đây cũng là ngày ông Huỳnh Triều dựng nêu ăn Tết theo tập tục cổ truyền của cha ông, một trong những cây nêu ngày Tết hiếm hoi còn tìm thấy ở tỉnh Long An.
Ông Triều cho biết, so với ông bà ngày trước, ông và gia đình đã giản lược một số phong tục không cần thiết trong ngày Tết để tránh rườm rà và tạo sự thuận tiện cho cháu con. Tuy nhiên, nhiều phong tục truyền thống, gia đình ông vẫn gìn giữ và tiếp tục trao truyền cho thế hệ sau, như: Tảo mộ, đưa đón Ông Táo, ông bà tổ tiên đã khuất, chưng mâm ngũ quả, cúng Giao thừa, thăm viếng chúc Tết thân tộc, họ hàng, … Và cả dựng cây nêu ngày Tết. Đối với ông Triều, Tết không chỉ là ngày đoàn viên của gia đình mà còn là dịp nhớ ơn tổ tiên và những tiền nhân có công khai hoang lập ấp. Dựng cây nêu là một trong những cách thể hiện lòng tri ân, báo cáo thành tích lao động của gia đình, dòng họ mình trong năm vừa qua với tiền nhân.
Tùy theo điều kiện mà ông Triều dựng cây nêu trong khoảng từ rằm tháng Chạp đến 29 tháng Chạp, nhưng thường nhất là vào ngày 23 tháng Chạp và hạ nêu vào ngày mùng 7 Tết. Nêu thường được làm bằng cây tre, trên cây nêu treo đèn lồng, lá phướn, vật phẩm (bánh tét, gạo, muối là những vật phẩm bắt buộc), dụng cụ tạo âm thanh, … Phía dưới cây nêu ông trang trí nhiều loại hoa có sẵn trong vườn và rải đậu xanh xung quanh. Theo quan niệm xưa, cây nêu càng cao, càng nhiều vật phẩm thì gia đình càng sung túc, làm ăn phát đạt trong năm cũ, ăn Tết càng lớn.
Tết năm rồi, đến chứng kiến cảnh ông Triều và gia đình dựng cây nêu ngày Tết, tôi mới thấy ông trân quý giá trị văn hóa truyền thống đến mức nào. Với tôi, hình ảnh ấn tượng nhất trên cây nêu là lá phướn dài hơn 5 mét có hàng chữ Mừng Xuân Quý Mão viết theo TPCV do ông Huỳnh Long đề bút. Trong giới thư pháp ở Long An, ai cũng công nhận ông Huỳnh Long viết TPCV có bố cục rất chuẩn mực và sáng tao, từ bố cục chữ cho tới bố cục câu, điều giúp ông đoạt nhiều giải thưởng về TPCV.
Dựng cây nêu phải đúng giờ Ngọ. Khi các vật cúng trên cây nêu được bày biện đầy đủ thì một hương án được bày ra. Ông Huỳnh Triều, ông Huỳnh Long và các môn sinh đến từ các CLB TPCV thắp hương, nguyện hương. Ông Huỳnh Triều đọc văn tế cáo khai bút với Tiên Sư, Tổ Sư, trong khi các môn sinh khởi thảo 2 bức thư pháp “Cung Thỉnh Tiên Sư” “Cung Thỉnh Tổ Sư”. Ông Huỳnh Triều đọc xong văn tế cáo thì 2 bức thư pháp cũng hoàn thành để ông Huỳnh Triều trình cáo và thượng dâng lên bàn thờ Tiên Sư. Sau lễ khai bút là lễ dựng nêu, một cây tre cổ cao trên 15m chuẩn bị từ trước đưa đến để gắn phướn và vật cúng. Ông Huỳnh Triều đọc tiếp bài văn tế cáo với đất trời. Sau đó cây nêu được dựng lên và đứng phất phới trong sân nhà ông Huỳnh Triều cho đến ngày mùng 7 Tết.