Thứ bảy 27/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Tượng “Nữ thần Tự do” ở Cần Đước

Từng có tượng "Nữ thần Tự do" ở Cần Đước.

Từng có tượng "Nữ thần Tự do" ở Cần Đước.

     P.T.T
       
     Khoảng 7 – 8 năm trở lại đây, trên mạng internet xuất hiện một số tấm ảnh chụp cảnh Cần Đước xưa, vào khoảng thập niên 1960. Tác giả những tấm ảnh được cho là của một ký giả (hoặc khách du lịch) người Pháp. Trong số những bức ảnh ấy, tôi đặc biệt thú vị bức chụp tượng “Nữ thần Tự do” ở trung tâm thị trấn Cần Đước, trên quảng trường nhỏ trước chợ Cần Đước lúc ấy.
        
            
       Đã từng có tượng “Nữ thần Tự do”
       Sinh ra và lớn lên ở Cần Đước, từng học Trường Trung học Cần Đước ở gần chợ Cần Đước, nhưng tôi chưa từng biết ở quê mình từng có tượng “Nữ thần Tự do”, cho tới khi nhìn thấy bức ảnh nói trên. Bán tín bán nghi, tôi đem bức ảnh hỏi những người lớn tuổi ở thị trấn Cần Đước, thì được xác nhận là có thật. Thầy Ba Nhàn, một bậc cao niên ở thị trấn Cần Đước, cho biết: Phiên bản tượng “Nữ thần Tự do” được dựng lên trước chợ Cần Đước khoảng giữa thập niên 1960 và bị tháo dỡ sau đó khoảng 4 – 5 năm.
        
        Cô Chín Kế bên tượng "Nữ thần Tự do" cách đây 60 năm
        Tượng Nữ thần Tự do nguyên bản bằng đồng cao 46m, đặt trên Đảo Liberty thuộc thành phố New York, Hoa Kỳ, được khánh thành vào ngày 28/10/1886. Đây là tặng vật của nhân dân Pháp gửi tặng nước Mỹ. Một năm sau ngày tượng Nữ thần Tự do ở dựng lên ở New York, vào năm 1887, một bản sao tượng Nữ thần Tự do cao gần 3m được chính quyền thuộc địa cho dựng lên ở Hà Nội. Đầu tiên, tượng được triển lãm ở Hội chợ Đấu Xảo tại Hà Nội. Kết thúc triển lãm, tượng được dựng ở vườn hoa trước Ngân hàng Đông Dương, tức vườn hoa Chí Linh sau này và được người dân nơi đây gọi là tượng “Bà Đầm xòe”. Sau đó, tượng có thời gian được đặt ở Tháp Rùa giữa hồ Gươm, rồi chuyển đến vườn hoa Cửa Nam trước khi bị tháo dỡ vào năm 1945.
      Tượng “Nữ thần Tự do ở Cần Đước làm bằng bê tông, cao khoảng 4m, đặt trên bệ xi măng cao khoảng 2m, lớn hơn bức tượng “Bà Đầm Xòe” ở Hà Nội. Bức tượng được đặt giữa quảng trường trước chợ Cần Đước. Tượng màu trắng, được đặt trên bệ bê tông có đề chữ “Đài kỷ niệm”, dưới chân tượng là một bồn bông tròn nhỏ. Theo các bậc cao niên ở thị trấn Cần Đước, phiên bản tượng Nữ thần Tự do này là tác phẩm của một nghệ nhân ở Cần Đước là ông Tám Phủ ở tại thị trấn Cần Đước, nay ông đã mất. Không biết vì lý do gì mà phiên bản tượng Nữ thần Tự do trước chợ Cần Đước đã bị tháo dỡ sau khoảng 4 – 5 năm tồn tại. Ngay vị trí đó nay là Nhà bia Liệt sĩ thị trấn Cần Đước.
        Đi tìm người trong ảnh
       Trong bức ảnh tượng “Nữ thần Tự do” trước chợ Cần Đước, có một chi tiết làm tôi thích thú và tò mò, đó là hình ảnh một thiếu nữ mặc áo dài, che dù đang đi dưới chân bức tượng. Một lần tình cờ ngồi trò chuyện về bức ảnh với các anh chị từng học ở Trường Trung học Cần Đước giai đoạn cuối thập niên 1960, có người cho rằng cô gái mặc áo dài trong bức ảnh tuy không nhìn rõ mặt, nhưng hình dáng rất giống với một cô giáo tên Kế từng dạy môn Nữ công ở Trường Trung học Cần Đước vào thập niên 1960. Tôi đã bỏ ra mấy ngày để tìm hiểu, hỏi thăm và thật may mắn khi biết được cô “Chín Kế” hiện vẫn còn và đang sống ngay tại thị trấn Cần Đước.
        Tôi tìm đến nhà cô, một căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Trãi, một cụ già tóc bạc phơ chống gậy bước ra mở cổng rào. Cô cho biêt, cô tên là Bùi Thị Kế, sinh năm 1940. Sau khi học xong chương trình sư phạm ở Sài Gòn, cô về dạy môn Nữ công ở Trường Tiểu học Long Hựu (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước ngày nay), rồi về Trường Trung học Cần Đước vào đầu năm học 1964 – 1965, cũng dạy môn Nữ công. Nhà cô ở thị trấn Cần Đước, bên kia cầu Sắt Cần Đước, chỉ cách Trường Trung học Cần Đước vài trăm mét. Hàng ngày cô đi bộ qua cầu để đến trường, buổi trưa đi bộ về nhà ăn cơm với gia đình, rồi trở lại trường làm việc buổi chiều.
        Cô Chín Kế nhớ lại, khi cô vào dạy ở Trường Trung học Cần Đước, là lúc tượng “Nữ thần Tự do” mới dựng xong trước chợ Cần Đước. Hàng ngày, dù muốn dù không, cô đều mấy lượt đi ngang dưới chân bức tượng trên đoạn đường giữa trường học và nhà của cô. Thật lòng cô Chín cũng thích bức tượng vì nó đẹp, dưới chân tượng lại trồng nhiều hoa. Vì vậy mà thỉnh thoảng cô cũng dừng lại ngắm tượng, ngắm hoa. Một lần, vào khoảng tháng 9/1964 (vào năm học mới được vài tháng), sau khi về nhà dùng cơm trưa với gia đình, đầu giờ chiều cô đi bộ trở lại trường. Khi đi ngang tượng “Nữ thần Tự do”, cô thấy có vài “ông Tây” đang chụp hình phong cảnh trước chợ Cần Đước. Họ cũng chỉa ống kính về phía tượng “Nữ thần Tự do” lúc cô đi ngang qua, nhưng cô không bận tâm. Cô Chín dạy ở Trường Trung học Cần Đước đến đầu thập niên 1970 thì được chuyển về dạy ở Trường Tiểu học Tân Lân (xã Tân Lân). Một thời gian sau cô được chuyển về công tác ở Phòng Giáo dục huyện Cần Đước. Rồi cô lại được chuyển về dạy ở Trường Tiểu học Tân Ân (xã Tân Ân). Đến năm 1990 cô xin nghỉ hưu non vì lúc ấy mẹ cô bệnh nặng cần có cô bên cạnh chăm sóc. Thời trẻ cô Chín Kế đẹp có tiếng ở thị trấn Cần Đước. Vừa đẹp, vừa học cao (vào thời đó), nhưng cô lại sống độc thân suốt cả cuộc đời. Gia đình cô có 8 anh chị em, tất cả đều đã mất, chỉ còn mình cô. Bây giờ ở tuổi U-90, cô sống một mình trong ngôi nhà xưa của cha mẹ để lại. Cô đi lại khó khăn do chứng thấp khớp kéo dài đã nhiều năm.
       Cô Chín Kế cho biêt, cô gần như đã quên chuyện mấy “ông Tây” chụp hình trước tượng “Nữ thần Tự do” trước chợ Cần Đước. Cho đến hơn nửa thế kỷ sau, một lần đi chợ Cần Đước, cô được mấy chị em bạn khoe: “Tao thấy hình mày trên mạng”. Rồi họ mở điện thoại đưa cô xem tấm hình cô thiếu nữ mặc áo dài, che dù đi ngang trước tượng “Nữ thần Tự do” ngày nào. Đã hơn nửa thế kỷ mà cô Chín vẫn nhận ra ngay mình trong ảnh, từ vóc dáng, mái tóc “đuôi gà”, cho tới chiếc áo dài bông mẹ mới may cho cô vào đầu năm học; rồi cây dù màu vàng cô cầm che nắng... Cô Chín nhớ lại, sau đó khoảng 4 – 5 năm, vào một buổi sáng, bức tượng bị bị kéo đỗ sập đè lên bồn hoa!
     
      Cô Chín Kế ngày nay
      Nhắc về những năm tháng dạy học dưới mái trường Cần Đước, cô Chín Kế cho biết lúc cô mới về dạy, trường còn nghèo lắm, trường lớp xập xệ, thiếu thốn mọi bề, chỉ có nước ngọt là dồi dào nhờ cái hồ nước lớn có sẵn từ trước. Nhưng giáo viên rất yêu nghề, mẫu mực trong cuộc sống và yêu thương học trò. Cô Chín vui mừng khi thấy ngôi trường cô dạy năm xưa giờ là Trường THCS Cần Đước được xây dựng lại cao to, xinh đẹp; thấy Trường Trung học Phổ thông Cần Đước được xây mới khang trang, rộng rãi ở gần đó; thấy học sinh Cần Đước ngày càng học giỏi, truyền thống hiếu học của người Cần Đước ngày càng được phát huy. Cô Chín chia sẻ, đã gần 1 thế kỷ sống ở Cần Đước, chưa khi nào cô thấy quê hương mình thay đổi, phát triển nhanh như những năm gần đây. Thị trấn nhỏ hẹp, nghèo nàn nằm bên bến sông ngày nào giờ đã là đô thị khang trang, văn minh, hiện đại. Huyện Cần Đước đang vững bước đi lên phồn vinh, hạnh phúc!
     
   
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 49


Hôm nayHôm nay : 7132

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 271446

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8729547