Chủ nhật 13/10/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Linh khí Vĩnh Hưng

      Bút ký của Kỳ Quan


       Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia – Thơ Trần Thế Tuyển.
       Các anh đã chiến đấu và hi sinh vì độc lập, tự do của cả hai nước, vì hạnh phúc, ấm no của người dân sống cả hai bên đường biên. Chiến tranh đã đi qua, nhưng các anh vẫn nằm rải rác nơi biên cương, chưa được trở về đất mẹ. Một buổi chiều vùng biên, trong tiếng tụng kinh cầu siêu, có những người bùi ngùi tiễn đưa người ơn của mình, còn bên kia biên giới, những mẹ già chờ đón những đứa con…
       Trong cuộc đời làm báo, nhà báo nào cũng có những kỷ niệm đáng nhớ. Với tôi, kỷ niệm đáng nhớ nhất, xúc động nhất, thiêng liêng nhất trong đời làm báo là một lần đón hài cốt liệt sĩ do Đội K73 Long An quy tập được trên đất bạn đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng – Tân Hưng.
        Vượt gần 100 cây số từ TP.Tân An đến cửa khẩu Bình Hiệp, tôi đã có mặt lúc sáng sớm để đón các anh trong cảm giác trộn lẫn giữa nỗi đau và niềm hạnh phúc. Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp bình thường luôn nghiêm ngặt, ngày đón các anh về như cũng “mềm lòng” trong buổi lễ cầu siêu. Đối với người dân đất nước Chùa Tháp, tụng kinh cầu siêu là nghi thức không thể thiếu dành cho người quá cố, người chết càng được tôn kính thì nghi lễ càng trang trọng. Buổi lễ cầu siêu sáng hôm ấy thuộc loại trang trọng nhất trong vùng. Khoảng mười sư sãi trong cà sa màu vàng truyền thống đọc những lời cầu nguyện cho người quá cố, còn hàng trăm người dân thì thành kính vái lại theo từng hồi chuông. Ở chỗ trang trọng nhất nơi hành lễ, bên trong những lồng kính là những chiếc quách chứa hài cốt của những chiến sĩ được phủ cờ đỏ sao vàng. Các anh được Đội K73 tìm được trên địa bàn tỉnh SvâyRiêng – Vương quốc Campuchia trong đợt tìm kiếm mùa khô năm ấy. Trước khi hài cốt các chiến sĩ được trao về cho quê mẹ, một buổi lễ cầu siêu trang trọng được chính quyền và người dân địa phương SvâyRiêng tổ chức để tỏ lòng biết ơn những người đã vì sự yên bình cho hai nước mà ngã xuống.
       Những bộ áo Phật màu vàng, những vị sư đi chân không, tiếng tụng kinh khi bằng tiếng Phạn, lúc tiếng Khơ-me, tiếng mõ đều đều, tiếng khóc kềm nén, những chiếc khăn rằn màu đỏ truyền thống của đàn ông Khơ-me vén lên lau nước mắt… Dù không biết tiếng Campuchia, nhưng tôi cảm nhận được những gửi gấm trong lời kinh tiếng kệ của những vị sư sãi đến từ các phum, sóc trong vùng. Tiếng kinh cầu nơi đâu cũng lắng đọng và buồn man mác, tiếng kinh cầu nơi biên cương, bằng chính giọng ngân của các vị sư của nền văn hoá ĂngKo, như càng thấm thía hơn, len sâu vào trái tim của những người có mặt. Lẫn trong số những người dân địa phương đến dự lễ cầu siêu và tiễn đưa các liệt sĩ về nước, có một người phụ nữ trong trang phục truyền thống Khơ-me, đôi mắt đỏ hoe, thỉnh thoảng bà lại cất giọng tụng kinh hòa nhịp cùng các vị sư. Bà tên Kim Sari, ngụ xã Chanh Tia, huyện KôngPôngRồ. Bà có chồng và con trai bị chết trong giai đoạn 1975 – 1979 dưới chế độ diệt chủng PolPot – Ieng Sari. Bà và con gái nhỏ được Quân tình nguyện Việt Nam giải cứu khi đang sống thoi thóp trong trại lao động khổ sai. Bà đã nhiều lần cung cấp thông tin, giúp đỡ các chiến sĩ trong Đội K73 khi họ sang Campuchia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Bà cho biết, năm nào bà cũng đến đây đọc kinh cầu nguyện và tiễn đưa những người ơn về nước. Một cụ già râu tóc bạc phơ không tham gia tụng niệm, chỉ đứng tần ngần vuốt ve các lồng kính chứa hài cốt, miệng liên tục rít thuốc. Cụ tên Khiêu-Nhem, ngụ ấp Thơ Mây xã Xoài Chếch huyện Rùm Duol tỉnh SvâyRiêng. Cụ kể, trước đây nhà của cụ là trận địa phòng ngự của Quân tình nguyện Việt Nam. Năm 1970 trong một trận đánh bảo vệ dân, nhiều chiến sĩ Việt Nam đã hi sinh. Suốt mấy chục năm qua cụ Nhem đã chăm sóc, thờ cúng các phần mộ liệt sĩ, nay đã dẫn đường cho Đội K73 quy tập được sáu bộ hài cốt. Cụ Nhem cũng rưng rưng nước mắt khi đến giờ chia tay các liệt sĩ mà cụ đã gần gũi, thờ cúng suốt mấy chục năm…Vợ chồng bà Tra Dach (xã Thơ Mây, huyện KôngPôngRồ) cùng đứa con nhỏ thì lại đến dự lễ cầu siêu và tiễn đưa các liệt sĩ vì một lẽ khác. Năm rồi, khi Đội K73 đến tìm kiếm mộ liệt sĩ tại xã, họ đã tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân trong vùng. Đứa con nhỏ của bà Dach lúc đó đang bị bệnh nặng, không có tiền đưa đi bệnh viện, các thầy cúng đều đã bó tay…Được các chiến sĩ khám bệnh, cấp thuốc, đứa con nhỏ khỏe dần rồi hết bệnh, nay đã có thể theo bà đến chùa. Có mặt cùng vợ chồng bà Dach tại lễ cầu siêu, đứa con nhỏ mới được cứu sống chỉ biết mở to đôi mắt nhìn cảnh lạ, có thể cần nhiều năm nửa đứa bé mới hiểu hết ý nghĩa của hai chữ “hồi sinh”!
       Được thành lập từ tháng 6.2001, Đội K73 Long An đã trải qua bao mùa khô làm nhiệm vụ trên nước bạn. Chiến tranh quá khốc liệt, phần lớn liệt sĩ hi sinh trên chiến trường nước bạn đều phải chôn cất vội vàng, tạm bợ. Các anh ra đi không có “da ngựa bọc thây” hay “áo bào thay chiếu”, mà hầu hết đều được bọc trong tấm vải ni lon dù vừa làm võng vừa làm mùng mền theo các anh suốt cuộc trường chinh. Một số ít hài cốt liệt sĩ có chôn theo lọ Pénicilline kèm mẫu giấy nhỏ, nhờ đó mà có nhiều hài cốt liệt sĩ có tên tuổi, địa chỉ, như trường hợp liệt sĩ Nguyễn Văn Cửu. Trên đời này, có lẽ tình cảm của mẹ hiền dành cho con là thiêng liêng, sâu nặng, bền vững nhất. Tình cảm của một bà mẹ dành cho đứa con trai chưa lập gia đình, đã sớm ngã xuống để đáp đền nợ nước, mà lại nằm lạc loài ở phương xa, lại càng tha thiết, thiêng liêng! Suốt mấy chục năm khấn vái từng đêm để có ngày “con được về với mẹ”, khi đã đến tuổi “gần đất xa trời”, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Cửu (Bến Cầu - Tây Ninh) đã bất chấp tuổi cao sức yếu sang tận nước bạn tìm mộ con “một lần rồi về chết”, mà nếu không tìm được mộ thì cũng nhìn thấy vùng đất mà con mình đã chiến đấu và hi sinh. Bà đã đến nơi đội K73 Long An đang làm nhiệm vụ, cũng là nơi những đồng đội của con bà cho biết anh đã ngã xuống và được chôn cất. Sau nhiều ngày tìm kiếm không có kết quả, một buổi trưa bên một hố khai quật ven rừng, mẹ nghẹn ngào rưng rưng nói: “Cửu ơi! Theo mẹ về đi con ơi!..”. Tiếng kêu xé ruột của người mẹ già đã làm cho những người đi tìm mộ bỏ cả giờ nghỉ trưa để đào tìm. Không biết có phải tiếng kêu của mẹ đã động đến cõi vô hình nào đó hay không, mà sau đó những người đào tìm đã đưa lên từ huyệt mộ một lọ thuỷ tinh nhỏ bên trong có tên Nguyễn Văn Cửu... Có mặt tại lễ cầu siêu để chuẩn bị đón con về quê, đôi mắt mẹ rưng rưng, khuôn mặt mẹ như vừa đau khổ, vừa hạnh phúc. Mẹ nói: “Vậy là mẹ đã toại nguyện rồi, giờ mới có thể yên lòng nhắm mắt theo ba nó”. Một người mẹ khác ở tận huyện Tiên Lãng – Hải Phòng cũng có được niềm hạnh phúc lớn lao cuối đời ấy. Đó là mẹ của liệt sĩ Đặng Trung Dung. Anh hi sinh khi mới 19 tuổi, chỉ một năm sau khi rời ghế nhà trường. Theo khát vọng cuối đời của mẹ, hai người con là Đặng Đình Dũng và Đặng Đình Chu đã ba lần vào tận Long An để cùng đội K73 sang bên kia biên giới tìm mộ người anh. Lần này niềm kỳ vọng của mẹ và công vượt hàng ngàn cây số vào tận biên giới Tây Nam của các anh đã được đền đáp xứng đáng, mộ của liệt sĩ Đặng Trung Dung đã được tìm thấy. Sau buổi lễ cầu siêu và đón nhận hài cốt ở biên giới Long An, ngay tối 27.7 hai người em sẽ đưa hài cốt anh trai vượt hàng ngàn cây số trở về Hải Phòng, nơi có mẹ già đang mõi mòn trông đợi cùng lễ đón của cả dòng tộc.
Tôi không cho rằng đất trời cũng mủi lòng, mà chỉ là hiện tượng thời tiết bình thường trong tháng Bảy, khi sau lễ cầu siêu, trước khi các anh được đón về yên nghỉ trên đất mẹ, có một cơn mưa vắt ngang biên giới Việt Nam - Campuchia. Cơn mưa theo chiều gió Tây Nam từ hướng tỉnh SvâyRiêng rầm rập đổ vào địa phận tỉnh Long An. Trời mưa như làm cho dải đất vùng biên càng thêm chơi vơi. Tỉnh lộ 831 dẫn đến nghĩa trang Vĩnh Hưng – Tân Hưng nơi diễn ra lễ truy điệu - chạy men theo tuyến biên giới, có đoạn chỉ cách đường biên vài cây số. Vùng biên giới trống trải, đồng lúa chín vàng trải dài mút mắt từ Việt Nam qua Campuchia. Bất chấp trời mưa, người dân đang thu hoạch lúa hè thu. Để có cảnh thanh bình như ngày nay, người dân hai bên biên giới đã cùng nhau chiến đấu chống lại chiến tranh, chống lại cái ác suốt nhiều thập niên. Những liệt sĩ đã ngã xuống, dù nằm ở bên nào biên giới, đều được nhân dân hai nước ghi nhớ công ơn… Cuối cùng trời cũng tạnh hẳn khi đoàn xe đưa các anh về tới nghĩa trang Vĩnh Hưng – Tân Hưng.
Ở bên kia biên giới các anh được tiển đưa như những người ơn, còn ở bên này biên giới các anh được chào đón như những Anh hùng! Hài cốt các liệt sĩ được sắp xếp chỉnh tề trước lễ đài như thể các anh đang ngay ngắn trong đội hình chiến đấu năm nào. Nhạc lễ Nam bộ tràn ngập nghĩa trang như tha thiết ru các anh trở về an giấc trong lòng đất mẹ. Tiếng của người chủ trì buổi lễ như len vào giữa nỗi đau và niềm tự hào của mọi người: “Cho dù không biết họ tên, quê quán, nhưng chúng ta biết chắc rằng các anh là những người Anh hùng, chiến đấu kiên cường cho đất nước Việt Nam đứng vững muôn đời và góp phần đem lại tự do cho nước bạn Campuchia. Tên tuổi và chiến công của các anh đã hòa quyện vào hạnh phúc của nhân dân hai nước”. Buổi lễ truy điệu, an táng các liệt sĩ rồi cũng kết thúc, đoàn người và xe rồi cũng rời khỏi nơi hành lễ, để lại cảnh nghĩa trang buồn vắng như ngày thường. Tôi thẫn thờ đi giữa những dãy mộ trắng toát, hầu hết đều là mộ chưa rõ thông tin, trên mộ bia không có tên tuổi liệt sĩ mà chỉ có mã số của ngôi mộ. Người quản trang – anh Hồ Văn Thương – cho biết, có đến hai phần ba trong tổng số hơn ba ngàn liệt sĩ chôn cất ở đây là không rõ thông tin. Mắt tôi dừng lại trên một ngôi mộ có mã số B660 + B661 cùng với tên “Lâm Thị Ren + Quắn”. Người quản trang cho biết, đó là ngôi mộ chung của hai người đồng đội bị xe tăng cán bẹp nát trong “trận càn Đông Dương”, xương thịt hòa quyện vào nhau, không thể phân định ra. Đó chỉ là một trong rất nhiều ngôi mộ tập thể trong nghĩa trang này. Nằm giữa nghĩa trang là ngôi mộ tập thể lớn của 120 chiến sĩ Tiểu đòan 28 đã được tìm thấy trong một cánh rừng gần biên giới. Nghĩa trang nào cũng buồn hiu hắt, nghĩa trang vùng biên lại càng cô quạnh. Đây là nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện thuộc lọai lớn nhất nhì đồng bằng. Đã có một thời, khi cả huyện Vĩnh Hưng nghèo khó còn chìm trong nước lũ, chỉ có nghĩa trang liệt sĩ được tôn nền cao ráo. Các anh đã nằm xuống cho Tổ quốc đứng lên, không có lý do gì phải tiếp tục chịu lạnh lẽo! Bây giờ huyện Vĩnh Hưng đã khá lên, nơi yên nghỉ của các anh càng được chăm lo tươm tất. Sự quan tâm chu đáo ấy đã giải thích vì sao có rất ít trường hợp xin cải táng hài cốt liệt sĩ đem về quê hương dù Nhà nước cho phép. Chỉ có nằm đây, trên mảnh đất biên cương, hàng ngày nghe tiếng gió, nghe hạt mưa hai bên biên giới rơi trên ngọn thốt nốt, trên cánh đồng lúa, những liệt sĩ đã nằm xuống cho hòa bình, phồn thịnh của hai đất nước mới thật sự được ấm lòng!
       Đầu giờ chiều, khi tôi chuẩn bị rời nghĩa trang thì có mấy người khách mới đến. Qua câu chuyện giữa họ và anh Thương quản trang, tôi biết rằng họ đến từ tỉnh Hưng Yên xa xôi để tìm người thân từng chiến đấu trong Sư đoàn 5 và hi sinh tại vùng biên giới này mà chưa tìm được mộ. Sau khi ghé thăm nghĩa trang, họ vào khu vực Long Khốt nơi người thân của họ đã ngã xuống. Tôi xin đi theo đoàn khách ra biên giới. Vùng biên rộng mênh mông, trải dài mút mắt. Đây là địa bàn chiến lược vì vậy mà luôn là chiến trường ác liệt trong các cuộc chiến bảo vệ đất nước của quân và dân ta. Cạnh Đồn Biên phòng Long Khốt đang được xây dựng lên một ngôi đền để tưởng nhớ, tri ân hàng ngàn liệt sĩ đã ngã xuống cho Tổ quốc đứng lên.
      Quay trở lại thị trấn Vĩnh Hưng khi trời vừa sụp tối, tôi chưa vội tìm nhà trọ nghỉ, mà nán lại trò chuyện với anh Thương quản trang. Cạnh chỗ chúng tôi ngồi có cây khế kiểng cổ thụ có hình thế rất đẹp, phải có số tuổi bằng một đời người. Anh Thương cho biết, cây khế này trước đây ở bên ngoài, chủ nhân bỏ đi do cây bị  héo khô. Thấy tiếc, anh Thương xin chở về nghĩa trang chăm sóc cầu may. Không ngờ, cây khế sống lại, ngày càng đẹp hơn. Từ sau vụ cây khế quý hồi sinh ở nghĩa trang, hễ ai có cây kiểng bị chết, họ đều kêu anh Thương chở về. Không phải tất cả, nhưng không ít cây đã sống lại giống như cây khế. Nhiều người cho rằng cây sống lại nhờ “linh khí” trong nghĩa trang, nhưng anh Thương không nghĩ vậy, anh nói: “Vợ chồng tui thấy tiếc cây nên suốt ngày chăm sóc, bón thuốc tưới phân, nhờ đó nó sống”. Chuyện người cũng thú vị không kém gì chuyện cây. Vợ chồng anh Thương quê ở vùng biển Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Họ cưới nhau ngay sau ngày thống nhất đất nước, rồi đẻ một mạch bảy đứa con. Không đất sản xuất, lâm cảnh nghèo khó, năm 1989 anh chị dắt dìu nhau đến Đồng Tháp Mười khai hoang làm ruộng. Không vốn, ít kinh nghiệm (ở quê anh chị chỉ quen nghề trồng dừa), lại con nhỏ nheo nhóc, vợ chồng anh Thương trồng lúa không hiệu quả, càng nghèo đói hơn. Lúc đó Phòng Thương binh – Liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng cần người quản trang mà chưa có ai chịu nhận làm. Anh Thương xin vào làm để “kiếm gạo nuôi con”. Một năm sau nghĩa trang cần thêm một lao động, chị Mỹ vợ anh lại xin vào. Dù là lao động “nòi”, nhưng vợ chồng anh cũng đuối trước hàng đống công việc của khu nghĩa trang rộng sáu hecta, nhiều lúc các con phải phụ giúp anh chị. Cứ vậy, dưới bàn tay của vợ chồng, con cái anh Thương, khu nghĩa trang ngày càng tươm tất, khang trang, để đến nay là nghĩa trang cấp huyện đẹp nhất tỉnh Long An. Giờ nghĩ lại, anh Thương thấy “như có phép màu”: chẳng những thoát cảnh nghèo đói, các con anh đều học hành đàng hoàng, công việc ổn định. Vợ chồng anh luôn tâm nguyện là được chăm sóc các liệt sĩ cho tới cuối đời để “trả ơn”!
       Lúc trưa, nhìn thấy tập thơ của Lưu Trọng Lư trên bàn làm việc của anh Thương, tôi lấy làm lạ, nhưng chưa tiện hỏi, giờ mới biết nhà thơ đáng kính ấy đã từng đến đây và tặng người quản trang tập thơ. Yên lặng, anh Thương kêu tôi đứng dậy đi theo anh đến bên một ngôi mộ, trên mộ bia ghi: “LS Lưu Trọng Nông – SN 1954 – QQ Ba Đình Hà Nội – Hi sinh 30.1.1975”. Người quản trang kể rành rọt về người liệt sĩ: “Anh là con trai thứ năm của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Sinh năm 1955, nhưng để được tòng quân năm 1972, anh đã khai lớn hơn một tuổi. Anh hi sinh đúng ba tháng trước ngày miền Nam giải phóng trong trận đánh mở màn chiến dịch, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 2, Sư 5) của anh hi sinh gần hết…”. Kề bên mộ của liệt sĩ Lưu Trọng Nông là mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Lược, quê Tam Hiệp – Ninh Bình, hi sinh 30.4.1974. Kế đó là mộ một người trai Hà Nội khác: Liệt sĩ Nguyễn Quốc Toán – Gia Lâm Hà Nội. Rồi lại một ngôi mộ người trai Hà Nội: Liệt sĩ Đỗ Quang Huyên, SN 1954, HS 13.1.1975… Anh Thương bật lửa đốt bó nhang thật to rồi chia cho tôi một nửa. Giữa đêm khuya, hàng trăm cây nhang được chúng tôi cắm đều trên các ngôi mộ.
     Anh Thương cho biết, trong số hơn 1.000 ngôi mộ có tên trong nghĩa trang, các liệt sĩ hi sinh chủ yếu ở lứa tuổi 18 – 22, khi mới rời ghế nhà trường. Làm quản trang, anh Thương kiêm luôn cả việc tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ. Anh đã tham gia tìm được khoảng 100 hài cốt nằm dọc theo biên giới. Đối với anh Thương, hài cốt liệt sĩ là vô giá, phải tìm cho bằng được nếu có thể. Một lần, khi thi công công trình làm đường, đơn vị thi công phát hiện bộ hài cốt liệt sĩ, nhưng khi khai quật lên thì không có hộp sọ. Dò tìm, anh Thương biết phần đất ngôi mộ được máy xúc múc lên đem đắp nền đường. Đến công trình, đoạn đường mới làm đã phẳng mặt, đang vuốt ta luy. Anh đề nghị cho đào đường tìm hộp sọ, nếu không có sọ anh chịu hết chi phí. Kết quả đã không phụ anh, sọ của người liệt sĩ được tìm thấy dưới nền con đường mới đắp.
      Buổi tối nghĩa trang, các hàng cây xung quanh in bóng lờ mờ lên nền trời, bóng cây lay động như thể có gì đó thoát ẩn thoát hiện. Thỉnh thoảng có tiếng động vang lên xung quanh, có thể do chó mèo, chim đi ăn đêm va chạm vào đâu đó. Màu trắng mờ các ngôi mộ làm tôi liên tưởng tới những tà áo trắng trong truyện ma mà tôi từng được nghe bà kể hồi nhỏ… Anh Thương cho biết, trong suốt mấy chục năm ngủ trong nghĩa trang, anh chưa một lần “bị các anh nhát”. Nhưng không ít trường hợp những người thợ “yếu bóng vía” thi công công trình trong nghĩa trang đang đêm bỗng hốt hoảng xách gói đi kiếm nhà trọ vi thấy “ớn lạnh”.
      Gần đây, gặp Trưởng phòng Văn hóa huyện Vĩnh Hưng – anh Ngô Văn Thuận, anh cho biết, hơn 10 năm qua, vào đúng ngày 16 Âm lịch hàng tháng, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân huyện Vĩnh Hưng luôn tổ chức cúng liệt sĩ ngay tại nghĩa trang của huyện theo hình thức xã hội hóa. Của ít lòng nhiều, các doanh nghiệp mang đến nghĩa trang các vật phẩm như nhang thơm, hoa, thức ăn, trái cây, rượu... dâng lên các liệt sĩ thay cho tấm lòng biết ơn của người dân vùng đất biên cương đối với các anh hùng, liệt sĩ “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia!
    

Kỳ Quan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 19

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 18


Hôm nayHôm nay : 3851

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 67486

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10538532