Thứ tư - 25/09/2024 16:19
LONG KHỐT - SÂU NẶNG ÂN TÌNH
Trung Dũng
Du khách chụp ảnh lưu niệm sau khi viếng thăm, tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Đền thờ liệt sỹ Long Khốt.
Trong đoàn Cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 174 về thăm chiến trường xưa, Đại tá Bùi Đức Trần nguyên Chính trị viên Đại đội Trinh sát không khỏi rưng rưng cảm động khi trở lại mảnh đất Long Khốt (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) nơi mà máu xương đồng đội ông đã nhuộm đỏ trên cánh đồng “chó ngáp” và dòng Long Khốt năm nào.
Ông kể: Trung đoàn 174 (Sư đoàn 5 - Chủ lực miền) được giao nhiệm vụ “xóa sổ” Chi khu Long Khốt, khai thông hành lang chiến lược từ Miền Đông với Miền Tây Nam Bộ tạo bàn đạp tiến công giải phóng vùng Đồng Tháp Mười và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. “Khi nhận lệnh chúng tôi vô cùng háo hức, ai cũng muốn về Long An “san phẳng” Long Khốt, đâu lường trước được tính chất khốc liệt đang chờ chúng tôi nơi chiến địa này”.
Chi khu Long Khốt nằm sát bờ sông Long Khốt, là một tiền đồn án ngữ trên tuyến hành lang chiến lược từ Campuchia và miền Đông xuống miền Tây Nam Bộ, cách biên giới Campuchia về phía Tây Nam khoảng 500m. Tuy Chi khu có quy mô không lớn, nhưng do tính chất chiến lược - án ngữ cửa ngõ thọc sâu xuống Đồng bằng sông Cửu Long nên địch đã tập trung mọi khả năng có thể, biến nơi đây thành một pháo đài kiên cố; chúng bố trí ở Long Khốt 2 đại đội bảo an, 1 đại đội cảnh sát, 1 trung đội pháo 105mm; 1 trung đội biệt kích; 1 trung đội cơ động; 5 trung đội phòng vệ dân sự với đầy đủ trang bị hỏa lực mạnh gồm pháo 105 mm; cối 81mm; cối 60, đại liên; súng phóng lựu M79; tên lửa chống tăng M72… bố phòng trong một cấu trúc phòng ngự hết sức vững chắc gồm lô cốt, tường hào, công sự và có từ 9 đến 11 lớp rào đủ các loại, xen giữa là các bãi mìn chống xe tăng và bộ binh và được không quân, pháo binh, thiết giáp thường trực hỗ trợ.
CCB Bùi Đức Trần vẫn nhớ như in sự kiện đơn vị tham gia trận đầu Long Khốt: “Sau nhiều ngày hành quân bí mật, khoảng nửa đầu tháng 6/1972, chúng tôi đến vị trí tập kết. Chỉ huy trung đoàn tổ chức trinh sát thực địa và lên phương án chiến đấu ngay. Với một kế hoạch và quyết tâm chiến đấu được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, Trung đoàn 174 vào trận với Tiểu đoàn bộ binh 4, Tiểu đoàn bộ binh 5, Tiểu đoàn bộ binh 6 cùng với trang bị hỏa lực mạnh gồm ĐK82, cối 60, 82 mm, súng máy phòng không 12,7 mm và đặc biệt còn được trang bị hỏa tiễn A72 cấp trung đội cùng với sự chi viện của hỏa lực pháo binh của Sư đoàn nhưng do không thông thạo địa hình, chưa quen với tác chiến vùng đồng bằng sông nước, lại thêm tâm lý chủ quan, muốn đánh nhanh thắng nhanh nên Trung đoàn 174 đã không lường hết những khó khăn...
18 giờ 30 phút ngày 9/6/1972 các đơn vị của Trung đoàn hành quân vào chiếm lĩnh trận địa nhưng nhiều tình huống bất ngờ nằm ngoài dự đoán của đơn vị đã xảy ra. Tổ trinh sát nắm địch chuẩn bị cho đội hình Trung đoàn vào chiếm lĩnh bị địch phục kích, Tiểu đoàn 6 bị pháo địch bắn vào đội hình, Đại đội 11 bị lạc, đường dây thông tin không thể triển khai tới Tiểu đoàn 5. Đến 04 giờ ngày 10/6 toàn bộ đội hình chiến đấu của trung đoàn đã triển khai và bắt đầu nổ sung tấn công Chi khu Long Khốt.
Với hệ thống phòng ngự bằng dây thép gai nhiều tầng nhiều lớp, kết hợp giao thông hào, lô cốt, bãi mìn, kênh mương ngập nước liên hoàn, nên quân địch cố thủ trong Chi khu Long Khốt đã ngăn chặn hiệu quả làn sóng xung phong mãnh liệt của Trung đoàn; nhiều cán bộ chiến sĩ dũng cảm xung phong dưới làn đạn súng máy của quân địch trong chi khu, băng mình vượt qua bãi mìn nhưng đã bị quân địch chặn lại bên bờ kênh ngập nước và dũng cảm hi sinh mà không thể xuyên thủng được cửa mở của Chi khu Long Khốt và phải chịu những tổn thất lớn về lực lượng, nhưng không thể chiếm được Chi khu...
Thăm lại chiến trường xưa, CCB Trình Tự Kha - Chiến sĩ Trung đội hỏa lực thì vẫn chưa hết bồi hồi cảm xúc khi đứng nơi bến vượt của Trung đội trong trận công đồn năm ấy. Chính bến sông này, đã có hàng trăm đồng đội của anh nằm lại, ông kể: “ĐKZ thổi bay hàng rào cho bộ binh xung phong, tôi chứng kiến mũi thọc sâu vượt qua được 6 lớp hàng rào dây thép gai của địch, cứ tưởng sẽ nhanh chóng thọc sâu vào bên trong, thì ngay lập tức gặp phải bãi mìn và hào chống tăng. Hỏa lực địch trút như mưa. Đồng đội tôi hi sinh đến mấy trăm người, trong đó có đồng chí Phó trung đoàn trưởng và Tham mưu phó Trung đoàn…”.
Sau trận tấn công Chi khu Long Khốt không thành công và chịu nhiều tổn thất hi sinh, Trung đoàn 174 rút quân về Tây Ninh để củng cố lực lượng, quyết tâm đòi lại món nợ Long Khốt. CCB Trình Tự Kha nhớ lại: “Khi về Tây Ninh, chỉ huy đơn vị cho đắp một trận địa giả mô phỏng địa hình, địa vật ở Chi khu Long Khốt để thục luyện các phương án tấn công. Chúng tôi được huấn luyện nhuần nhuyễn các hình thức cơ động, đánh địch ở địa hình sông nước, sẵn sàng cho trận đánh lớn”.
Cuối tháng 4/1974, Trung đoàn 174 tổ chức trận quyết chiến với địch nhằm xóa sổ bằng được Chi khu Long Khốt rửa hận cho trận tấn công bất thành gần 2 năm trước. Trận này Trung đoàn không còn đơn thương độc mã mà còn được hỗ trợ của các đơn vị pháo binh, tăng - thiết giáp, đặc công, công binh... Đêm 27, rạng sáng 28/4/1974, toàn Trung đoàn nổ súng tấn công Chi khu Long Khốt cùng với pháo binh phối hợp khai hỏa, bắn dồn dập vào căn cứ địch. Sau màn “Tiền pháo, hậu xung” với sự yểm trợ của xe tăng, thiết giáp, các mũi, hướng tiến công của đặc công, bộ binh nhanh chóng mở cửa đánh chiếm đầu cầu. Sau hơn 1 ngày 1 đêm chiến đấu kiên cường, Chi khu Long Khốt của địch đã bị xóa sổ.
CCB Trình Tự Kha chỉ vào bờ đất cao phía sau doanh trại của Đồn Biên phòng Long Khốt, nói: “Ngày xưa ở đây có một bức tường, khi chúng tôi chiếm được được Long Khốt, một đồng chí đã viết: “Hôm nay, ngày 28/4/1974, quân giải phóng đã chiếm được Long Khốt”. Ngày hôm sau, địch kêu gọi lực lượng chi viện, tổ chức phản công dồn dập tái chiếm đồn nên chúng tôi phải rút lui. Trận Long Khốt lần 2 này, ta và địch giằng co suốt 3 ngày liền cho đến khi quân địch phải rút lui hoàn toàn. Quân ta làm chủ Long Khốt, mở toang cánh cửa, từng bước tiến công giải phóng đồng bằng Tây Nam Bộ…
Với tâm huyết có được công trình tôn vinh, tri ân xứng với sự hi sinh to lớn các thế hệ chiến sĩ và nhân dân, tưởng nhớ các liệt sĩ trong trận tấn công Chi khu Long Khốt lần thứ nhất (từ ngày 9/6 đến 16/6/1972), lần thứ hai (từ ngày 27 đến ngày 29/4/1974) và trận chiến đấu anh dũng 43 ngày đêm (từ ngày 14/1 đến 27/2/1978) bảo vệ đồn Long Khốt của lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh Long An trong chiến tranh biên giới Tây Nam; từ tình cảm sâu nặng với đồng đội, những CCB Trung đoàn 174 đã khởi xướng xây dựng Đền thờ Liệt sĩ Long Khốt. Sau nhiều lần được nâng cấp, Đền thờ Liệt sĩ Long Khốt từ Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia với những hạng mục như: Đền thờ; cổng tam quan; miếu thờ và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác.
Đã thành truyền thống nhân văn tốt đẹp, hàng năm, đúng vào dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương cùng các CCB, thân nhân các liệt sĩ hội tụ về đây tổ chức dâng hương cúng giỗ và các hoạt động tưởng niệm, tri ân tưởng nhớ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập, thống nhất nước nhà./.
Trung Dũng