Theo
Đại Việt sử ký toàn thư, đêm xuân năm ấy vua Anh Tông muốn đi phường Gia Ngư trong kinh thành Thăng Long để nghe các đào nương hát ca trù, gặp lúc nước sông Tô Lịch dâng cao không thể đi được, phải quay sang phường Thanh Hà. Chợt vua kêu dừng lại…
Lúc quay về hoàng cung, vua và thái giám Trần Được dạo vườn thượng uyển, tới“Ngũ bách lan viên” bên đồi Long Đỗ (nay là vườn Bách thảo, Hà Nội) vua chợt nói với thái giám Trần Được:“Khi nãy trẫm bảo xa giá dừng lại trên đường vì trẫm nghe trong gió có mùi lan thơm rất quyến rũ. Từ mấy năm nay, trẫm nghe nói ở phía bắc Thăng Long có một vườn lan quý của họ Lữ- một cự phú Bắc phương- là anh ruột của Lữ Cảnh Phú, Tổng đốc Lưỡng Quảng (Trung Hoa). Trẫm có sai lan quan tìm đến hỏi thăm mấy lần, nhưng họ Lữ từ chối không tiếp. Vừa rồi, bất chợt nghe mùi lan quý thoảng từ vườn lan ấy, trẫm muốn thưởng thức. Vậy ngày mai thái giám tìm cách nào đó để trẫm được vào vườn lan họ Lữ xem cho thỏa lòng mong ước”.
Lan Hồ điệp như bầy bướm trắng. Hôm sau, thái giám Trần Được sắp xếp cho vua Anh Tông đóng vai thứ huynh của Tể tướng Trương Hán Siêu đến thăm. Họ Lữ rất vị nể Tể tướng họ Trương nên chịu tiếp “ông anh Tể tướng”. Thế là vua Anh Tông được tắm mình trong ngàn hương hoa lan, thấy hầu hết lan ở đây đều giống Ngũ bách lan viên của mình, duy có sắc và hương là nổi trội hơn hết. Vậy thì Lữ gia trang có bí quyết chi đây? Họ Lữ thấy vị khách có phong thái thanh thoát, ngôn phong lịch sự, khiêm cung, bèn đem lòng quý trọng, mời vào trà đàm. Khách ngợi khen vườn lan của Lữ gia trang. Họ Lữ thõa lòng tự hào, bèn kể cho khách nghe câu chuyện đời Đường, ở Trung Hoa có Vương Hy Chi là bạn thân của Đỗ Phủ. Vương có 12 giò lan Túy dạ hồng rất quý hiếm, đem tặng Đỗ Phủ 6 giò. Mấy lúc sau, gặp kỳ thi hoa lan, Vương cùng Đỗ mỗi người mang 2 giò Túy dạ hồng đến dự thi. Ban giám khảo chấm lan Túy dạ hồng của Đỗ Phủ nhỏ hơn nhưng hương- sắc toàn bích, nên cho điểm cao nhất, còn Túy dạ hồng của Vương Hy Chi tuy lớn hơn, nhưng hương- sắc kém hơn, nên xếp hạng nhì. Họ Vương ấm ức lắm, cho rằng Đỗ Phủ có bí quyết mà giấu bạn. Họ Đỗ phân bua mình chẳng có bí quyết gì, việc chăm sóc lan đều do ái thiếp của mình cả. Vương về nhà sai cháu gái tìm cách vào làm thị tì cho nhà họ Đỗ, để xem vợ Đỗ Phủ chăm sóc lan thế nào. Cháu gái họ Vương vào Đỗ gia trang, tiếp cận vợ Đỗ Phủ và các nữ nhân chăm sóc lan ở đây. Cô thấy mỗi khi gội đầu, rửa mặt, các nữ tì đều đem nước ấy tưới lan, bèn lén bắn tin cho Vương Hy Chi. Thế là có bí quyết rồi! Vương áp dụng ngay. Tới kỳ thi hoa lan năm sau, đôi bạn Vương-Đỗ cùng dự thi và cùng chiếm giải Khôi nguyên. Sau đó, nhà Đỗ Phủ có đám giỗ, mời họ Vương tới dự. Tiệc tàn, Vương Hy Chi mới kể rõ việc mình đã khám phá bí quyết trồng lan...Đỗ Phủ bèn gọi vợ đến giải tỏa nỗi lòng cho ông bạn họ Vương. Nàng tình thật trình bày: bí quyết là của dòng họ Thân của thiếp từ thời nhà Tùy truyền lại. Thiếp đã chỉ vẽ cho các tì nữ làm theo. (Tư liệu không nói rõ các nữ tì rửa mặt, gội đầu bằng chất gì, chứ đơn thuần nước giếng hay nước mưa đem tưới lan thì tạo hương- sắc đặc biệt quyến rũ sao cho được?).
Vẻ đẹp bình dị của lan Dendro Lời bình.- Vua Trần Anh Tông là con trai trưởng của vua Trần Nhân Tông- vị vua anh hùng ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông- nhưng coi ngai vàng như chiếc giày rách, vứt đi không tiếc, đã nhường ngôi cho con trai, rồi lên núi Yên Tử lập am tu tập, trở thành Phật hoàng- Tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài vẫn giữ vai trò thái thượng hoàng giám sát vua con và việc triều chính, nếu có gì sai trái, Ngài chấn chỉnh ngay. Có lần Anh Tông uống rượu với các quan trong triều rồi ngủ li bì. Thái thượng hoàng về cung biết chuyện, Ngài giận bỏ về núi Yên Tử. Khi Anh Tông tỉnh dậy, hay việc liền gọi người tâm phúc thảo tờ sớ tạ tội, rồi cùng vua lên Yên Tử. Quan thảo sớ, đội tờ sớ quỳ trước thảo am của Thái thượng hoàng bất chấp mưa, nắng cả ngày, Thái thượng hoàng mới chịu nhận tờ sớ tạ tội của con trai. Ngài nghiêm khắc phê phán. Vua cúi đầu nhận tội và hứa không bao giờ tái phạm. Vua Anh Tông rất hay vi hành nơi dân dã. Một lần bị bọn côn đồ ném đá trúng đầu phun máu, vua từ bi hỉ xả, không cho quân đuổi theo bắt tội bọn xấu kia. Năm Hưng Long thứ 22 (1312), vua cầm quân đi chinh phạt vua Chiêm Thành- Chế Chí phản trắc. Thắng trận trở về, thuyền rồng bị mưa to gió lớn bất ngờ làm đắm, vua níu được mũi thuyền, đu người lên mui thuyền rồi đưa một chân xuống cho đám cung tần theo hầu vua bám níu, leo lên để khỏi chết chìm. Với uy quyền của đấng“thiên tử”, vua chỉ lệnh cho nhạc quan lập đội ca trù ở nội cung, tuyển ca nương trong dân gian vào phục vụ vua, hà tất phải đi ra ngoài chi cho vất vả. Cũng vậy,“thiên tử”mà không dùng uy quyền, để phải “lụy”một tay cự phú như họ Lữ mới được vào xem lan. Đọc
Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ viết về chúa Trịnh Sâm mê chơi sinh vật cảnh, sắm một đội quân đi rảo khắp dân gian, hễ nơi nào có thú cưng, cây quý, đá quý thì lấy hết đưa về phủ chúa. Nhà nào có gốc cổ thụ quá to, quân lính sẽ đập phá cổng và hàng rào để khiêng đi mà dân không dám nói. Xem như thế để thấy đức khiêm tốn của vua Trần Anh Tông, anh ruột công chúa Huyền Trân, đáng quý làm sao…
Giờ đây khi về hưu, Nhà báo Quang Hảo vẫn không từ bỏ được thói quen đọc sách, báo và viết mỗi ngày.