Thứ năm 19/09/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu, càng nhìn càng sáng

VÕ THANH NGHỊ
          
         Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hoá lớn của dân tộc. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tuy bị mù loà, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, ông đã dùng thơ ca để tham gia kháng chiến, động viên nhân dân vùng Nam Bộ đứng lên đánh giặc.
         Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho hậu thế khối lượng thơ văn khá lớn và giá trị với nhiều tác phẩm văn chương bất hủ, chủ yếu bằng chữ Nôm, như: Chạy giặc (1859), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861), Văn tế Trương Định (1864), Mười hai bài thơ điếu Phan Tòng (1867), Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, đặc biệt là  kiệt tác Lục Vân Tiên là một truyện thơ Nôm với 2.082 câu thơ lục bát được sáng tác khoảng đầu những năm 50 của thế kỷ 19. Kiệt tác Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần tinh hoa văn hoá của nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế.
        Nguyễn Đình Chiểu lớn lên và đi vào đời rất lận đận và đầy đau thương: Mất mẹ, Nguyễn Đình Chiểu bỏ trường thi, quay về thọ tang mẹ, khóc thương mẹ mà mù hai mắt. Sau đó ông ngồi dạy học, rồi làm nghề bốc thuốc làm điều nghĩa. Đặc biệt trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu luôn dành cho những lực lượng kháng chiến, nhất là quần chúng nhân dân, luôn lo nghĩ đến “vận nước”, “vận dân” một cách khẩn thiết. Đây cũng là thời kỳ Nguyễn Đình Chiểu cùng lo toan, cùng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm trong cuộc chiến đấu một mất một còn của dân tộc với kẻ thù thực dân xâm lược Pháp. Ông đem toàn bộ cuộc đời mình gắn bó thiết tha với vận mệnh Tổ quốc. Lẽ sống của ông rất trung thực, ngay thẳng, cứng cỏi, đầy trách nhiệm và giàu lòng yêu nước, thương dân. Ông thẳng thắn lên án, chê trách những kẻ đang tâm làm tay sai cho giặc: “Sống làm chi theo quân tà đạo, quăng vùa hương xô bàn độc thấy lại thêm buồn/ Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạc, gặm bánh mì nghe càng thêm hổ/ Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh/ Hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di cũng khổ. Cụ Đồ Chiểu thể hiện sự dứt khoát bất hợp tác với kẻ thù ngoại xâm: “Dù đui mà giữ đạo nhà. Còn hơn có mắt ông cha không thờ”; “Dù đui mà khỏi tanh nhơ. Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình…” “… Sự đời thà khuất đôi tròng thịt/ Lòng đạo xin tròn một tấm gương”.
Ở giai đoạn này vai trò nhân dân trở thành lực lượng quyết định của phong trào kháng chiến chống Pháp và đã tác động sâu sắc đến Nguyễn Đình Chiểu. Tính từ nửa thế kỷ 19 trở về trước, chưa có nhà thơ nào dùng nhiều tên gọi về dân như thế: “dân đen”, “dân gầy”, “vọng dân”, “trạch dân”, “lê dân”, “muôn dân”, “dân ấp”, “dân lân”. Nhất là trong văn thơ của ông, hình tượng nghĩa sĩ Nam Kỳ Lục tỉnh đã đạt tới mẫu mực. Đọc lên thấy con người, dân tộc, thời cuộc, biểu hiện một cách điển hình, làm thành một thứ ánh sáng tuyệt vời: “Ngoài cật một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu bầu ngòi/ Trong tay cầm một ngọn tầm vong chi nài sắm dao tu nón gõ/ Hoả mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ/ Chi nhọc quan quản giống trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không/ Nào sợ thằng Tây, bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có”. Hình ảnh người nông dân Nghĩa sĩ Cần Giuộc quên mình giết giặc không phải vì một sự bắt buộc của nhiệm vụ được giao mà xuất phát từ tình yêu nước, lòng căm thù quân xâm lược, hiện lên trong văn thơ ông như một tượng đài nghệ thuật sừng sững, rực rỡ tới mức có thể như là “vô tiền khoáng hậu”: Bữa thấy bòng bông che trắng lớp, muốn tới ăn gan/ Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ…Nào đợi ai đòi ai bắt, phen nầy xin ra sức đoạn kình/ Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến nầy  dốc ra tay bộ hổ”. Và Cụ Đồ Chiểu có câu thơ bất hủ:Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, chúng ta vẫn hiểu là nói về sứ mệnh con thuyền nghệ thuật chở đạo lý, người nghệ sĩ là chiến sĩ ngòi bút làm vũ khí chống lại kẻ xấu, kẻ gian.
        Bên cạnh những hình ảnh, những sự kiện quan trọng, những chiến công của quân dân ta thì trong thơ văn  Nguyễn Đình Chiểu còn phản ánh những nỗi buồn đau, ai oán, xót xa của nhà thơ trước những mất mát, đau thương của con người trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược:Bến Nghé của tiền tan bọt nước/Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”(Chạy giặc),Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng/Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng luỵ nhỏ”; “Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm/…Đau đớn bấy! mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều. Não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ… Đồn Lang Sa một khắc đặng trả thù, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ”(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)…
           Từ những thực tế nêu trên, chúng ta thấy văn thơ Nguyễn Đình Chiểu đặc biệt phù hợp với người dân Nam Bộ. Trong các bài thơ, Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng được hệ thống nhân vật giàu tính nhân nghĩa, trung thực, dũng cảm, kết tinh đầy đủ tâm hồn và khí phách người dân phương Nam phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài (tiền). Bằng việc sử dụng ngôn từ chân chất, giàu tính khẩu ngữ, gắn với lời ăn tiếng nói thường ngày, cho nên đã tạo được sự dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với đời sống văn hoá, lối nghĩ bình dị của người dân Nam Bộ.
         Tuy nhiên, suy ngẫm lại những lời Cụ Đồ Chiểu để lại trong văn thơ, chúng ta không khỏi chạnh lòng khi liên hệ với cuộc sống hiện đại hôm nay vì sao vẫn còn không ít người, kể cả những người có chức có quyền, học hàm, học vị được “muôn dân biết mặt, cả nước biết tên”, nhưng do không hết lòng vì nước, vì dân nên “tự diễn biến’, “tự chuyển hoá” thành những kẻ “đui mù” trước những cám dỗ vật chất, dẫn tới vi phạm pháp luật và vướng vào vòng lao lý, thân bại danh liệt! Âu cũng là hậu quả của sự tự mình cắt đứt cội nguồn văn hoá, rời xa gốc rễ văn chương thấm đượm nghĩa tình non nước của ông cha để lại.
         Kỷ niệm 201 năm (1/7/1822 – 1/7/2023) Ngày sinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta đọc lại một số thơ văn của ông để thấy rõ đây chính là cuộc đời và nhân cách của Cụ Đồ Chiểu, người luôn giữ trọn tấm lòng trung với nước, yêu thương nhân dân. Ngôn ngữ Nan Bộ, phẩm chất con người Nam Bộ đã in sâu trong những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu mà UNESCO đã tôn vinh là Danh nhân văn hoá và khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hoá, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”. Thật đúng như vậy, cho nên chúng ta cố gắng tìm hiểu thêm trong nội dung văn thơ của Cụ Đồ Chiểu có thể còn nhiều vấn đề sâu xa mà chúng ta chưa nắm bắt hết, như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết:Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn mới thấy, và càng nhìn càng thấy sáng. Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”.                                                                                                                                                              
                                                      

Võ Thanh Nghị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 43

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 42


Hôm nayHôm nay : 2898

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 179351

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10403437