Thứ năm 12/09/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Chuyện một ngôi miếu thờ liệt sĩ

Năm 2011, chúng tôi theo chân các cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 207 ngược dòng nước chảy, ngược dòng thời gian trở về một địa danh thảm khốc - nơi 291 chiến sĩ Trung đoàn 207 (E207) đã hi sinh anh dũng tại ấp  Đá Biên - Thạnh Hóa -  Long An. Họ là những trí thức trẻ, chủ yếu là sinh viên Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội, cùng nhập ngũ một ngày và cùng hi sinh trong một ngày - ngày  3/10/1973.Năm 2011, chúng tôi theo chân các cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 207 ngược dòng nước chảy, ngược dòng thời gian trở về một địa danh thảm khốc - nơi 291 chiến sĩ Trung đoàn 207 (E207) đã hi sinh anh dũng tại ấp  Đá Biên - Thạnh Hóa -  Long An. Họ là những trí thức trẻ, chủ yếu là sinh viên Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội, cùng nhập ngũ một ngày và cùng hi sinh trong một ngày - ngày  3/10/1973.


Ký ức bi hùng
Trên chiếc tắc ráng ngược dòng Vàm Cỏ Tây, câu chuyện những CCB E207 kể lại giống như những thước phim quay chậm. Cựu chiến binh Phan Xuân Thi - nguyên cán bộ trinh sát E207 (Quân khu 8 cũ) nay là Trưởng ban liên lạc E207, kể: Tháng 10/1973, E207 nhận nhiệm vụ bí mật luồn sâu xuống Đồng Tháp Mười thuộc vùng 8 Kiến Tường cũ để chi viện cho chiến trường Trung Nam bộ. Đêm ngày 3/10, Trung đoàn triển khai đội hình hành quân từ Mỏ Vẹt bí mật vượt sông Vàm Cỏ Tây đến ấp Đá Biên xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa. Để rồi nơi đây trở thành nơi an nghỉ của gần 300 chiến sĩ E207.
          Ông Nguyễn Văn Kiệp, cán bộ địa phương nay đã nghỉ hưu, người đã trực tiếp chúng kiến sự kiện thảm khốc này, kể lại: Giống như hình ảnh trong phim “Cánh đồng hoang” - Đang mùa nước nổi, nước ngập mênh mông, bộ đội hành quân về đến Vàm Đá Biên thì trời vừa sáng, nên phải ém quân vào một rừng tràm để nghỉ. Do hành quân bộ suốt đêm giữa đồng nước, bộ đội mệt mỏi rã rời, rừng tràm nhỏ, thưa thớt không đủ che giấu đoàn quân. Chiến sĩ phần lớn là tân binh mới bổ sung về đơn vị trước đó 2 ngày, chưa quen địa hình đồng nước, chưa có kinh nghiệm chiến trường nên nấu cơm lộ khói, giăng võng, phơi quần áo lên cây tràm… bị máy bay trinh sát của địch phát hiện.
 Phút chốc bầu trời ấp Đá Biên tối sầm lại bởi 12 chiếc máy bay trực thăng vũ trang bâu tới. Ngoài đồng tiến vào một lũ xe bọc thép lội nước M113 gắn hỏa lực cực mạnh vây kín địa bàn. Trước tình thế hiểm nguy, đơn vị đã nhanh chóng triển khai chiến đấu với tinh thần cảm tử, bắn cháy 1 máy bay trực thăng, mở đường máu đưa được sở chỉ huy Trung đoàn thoát khỏi vòng vây của địch. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 1 đã chiến đấu với tinh thần cảm tử đến viên đạn cuối cùng, nhưng vì địa hình ngập nước, không công sự chiến đấu, trước hỏa lực của phi pháo đối phương, bộ đội đã anh dũng hi sinh 291 chiến sĩ… Những ngày sau đó đối phương tiếp tục đưa trực thăng tới quần đảo tại khu vực này nhằm tiêu diệt bất cứ mầm sống nào còn sót lại trên cánh đồng mênh mông nước. 12 ngày sau đại đội trinh sát cùng với lực lượng địa phương mới tổ chức được lực lượng đưa quân vào tìm đồng đội. Chỉ duy nhất 1 cán bộ bị thương nặng, được bà con cứu chữa, giấu ngoài đồng, hàng đêm đưa cơm ra nuôi, sau này đưa về đơn vị chiến đấu. Đau thương nhất là vào thời điểm đó Đồng Tháp Mười đang mùa nước nổi, xác các chiến sĩ nổi lên không có chỗ chôn, đồng đội và người dân địa phương phải dùng lưới mùng bó lại treo lên, hoặc cột chặt vào cây tràm ngâm trong nước lũ. Đơn vị lại tiếp tục hành quân vào trận chiến mới, xác các chiến sĩ bị ngâm trong mùa nước nổi rồi trôi dạt khắp trên cánh đồng, thất lạc, vô danh... Rồi chiến dịch Hồ Chí Minh, rồi chiến tranh biên giới Tây Nam. Theo yêu cầu nhiệm vụ mới E207 giải thể, Khu 8 sát nhập Khu 9, tỉnh Kiến Tường sát nhập vào tỉnh Long An, Long An sát nhập vào Quân Khu 7 …
Lòng người dân ấp Đá Biên
Ghé thăm Miếu Bắc Bỏ - nơi người dân ấp Đá Biên lập ra để thờ những liệt sĩ E207, chúng tôi nghẹn ngào nhìn ngôi miếu thờ bé nhỏ giữa mênh mông nước lũ. Ngôi miếu thực ra chỉ là cái lán lợp tôn, bốn bề trống hoác. Bao quanh lán lưa thưa vài gốc cây tràm làm bóng mát cho hương hồn gần 300 liệt sĩ. Bệ thờ là vỉa tường vài hàng gạch, trên láng xi măng, đặt bát nhang lớn và đồ tế lễ. Phía sau bệ thờ dựng một tấm tôn, treo lá quốc kỳ, dưới bày 3 khung ảnh của các liệt sĩ sinh viên Trường Đại học Xây dựng. Đó là kỷ vật của 3 gia đình liệt sĩ đã tìm về miếu Bắc Bỏ thắp nhang bái vọng người thân, rồi gửi ảnh nhờ ông Tư Tờ cúng giỗ vào ngày 8/9 âm lịch hàng năm.
Ông Tư Tờ - chủ nhân ngôi miếu nhớ lại, hồi còn nhỏ, ông rất mê đi tìm mũ cối, có lần lượm được mũ thì rụng rời phát hoảng vì bên trong mũ còn nguyên hộp sọ của liệt sĩ. Sau năm 1975, khi dân khẩn hoang hay đào đất làm nền nhà, thường gặp hài cốt liệt sĩ. Ông Tư Tờ có 4 người con (3 gái, 1 trai), con gái đầu tên Nguyệt, sinh năm 1981. Năm 1990, ông làm ruộng phát hiện 3 bộ hài cốt không còn nguyên vẹn, đem chôn cất tử tế. Cháu Nguyệt năm 9 tuổi bị bệnh nặng, chữa chạy khắp các bệnh viện không khỏi. Ông Tư Tờ về nhà lập một miếu thờ các liệt sĩ, một thời gian sau bé Nguyệt lành bệnh. Từ đó ông và dân làng đặt tên cho miếu thờ là miếu “Bắc Bỏ” (bộ đội người Bắc chết bỏ xác nơi đây). Lúc đầu miếu thờ còn nhỏ, lợp lá dừa, cột và khung mái làm bằng mấy cây gỗ tràm khẳng khiu, dựng trên mô đất rộng chừng 20m2. Sau này, mỗi năm gia đình Tư Tờ cùng bà con trong ấp múc đất đắp bồi nên đến nay khuôn viên đã rộng gần 200m2, vừa là nơi thờ liệt sĩ vừa làm chỗ cho dân đi làm ruộng có chỗ nghỉ chân hay trú mưa, tránh nắng. “Hằng năm cứ ngày các ảnh hi sinh (mồng 8 tháng 9 âm lịch) là nhân dân cả vùng ghé về. Có gì cúng nấy. Ai có cá, gà, vịt,  rượu thì tự mang tới. Trước là cúng các ảnh sau là xin các ảnh phù hộ cho làm ăn may mắn, không có bệnh tật. Rồi ở lại tự “hưởng lộc”, đờn ca cho các ảnh nghe thâu đêm...”, ông Tờ kể.

                                                                                  Ngôi miếu thờ liệt sĩ Trung đoàn 207 trước đây.

Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207 hiện nay.
Rời miếu Bắc Bỏ chúng tôi cùng các CCB E207 canh cánh trong lòng một nỗi đau về nơi khói hương của 291 cán bộ chiến sĩ, đắng lòng nhìn mùa nước nổi,  nhìn ngôi miếu nhỏ chìm dần trong nước lũ mênh mông, lòng đau đớn như thuở nào giã biệt đồng đội tiếp tục chiến dịch về giải phóng đồng bào, gửi đồng đội lại với nước! Ước gì có phép thần cho ngôi miếu cao dần theo nước lũ để đồng đội được dừng bước hành quân, được sưởi ấm giữa gió mưa lạnh lẽo!
Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207
Nguyện vọng đó của những CCB và nhân dân ấp Đá Biên đã được ngân hàng VietinBank quan tâm. Năm 2011, VietinBank đã đứng ra vận động thực hiện tài trợ cho công trình tưởng niệm này, với số tiền là 5 tỉ đồng từ nguồn đóng góp của cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống. Khi biết quyết định này, những người lính trong Ban Liên lạc E207 xúc động đến rớm nước mắt. Thế là ước mong bấy lâu của bà con nhân dân ấp Đá Biên, thân nhân các liệt sĩ và tập thể CCB E207 về một Khu tưởng niệm liệt sĩ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn miếu Bắc Bỏ năm xưa đã thành hiện thực.
Một kiến trúc sư ở TP.HCM đã hiến tặng bản thiết kế rất công phu, chi tiết và tình nguyện cùng Ban Liên lạc E207 thường xuyên về kiểm tra chất lượng từng hạng mục, đôn đốc công việc, tháo gỡ mọi khó khăn về vốn và vật tư, kỹ thuật. Nhân dân ấp Đá Biên và người dân trong vùng sẵn lòng hiến tặng ngày công lao động, cây cảnh… Miễu Bắc Bỏ đã trở thành một khu di tích lịch sử được bà con nhân dân trên cả nước biết đến và tới để được dâng nén hương thơm trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, trước lòng hi sinh anh dũng đã đi vào huyền thoại!
Công trình được xây dựng trên nền đất rộng khoảng 5.000m2, có nhà thờ, nhà bia, bốn phía được kè chắc chắn và có 4 lối lên xuống. Công trình được khánh thành vào năm 2012. Dịp này UBND tỉnh Long An đã trao Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh cho Khu tưởng niệm. Đài tưởng niệm được thiết kế có hình dáng của ngọn đuốc, cháy sáng bằng niềm tin chiến thắng, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Dù trên mình còn vết thương của chiến tranh nhưng ngọn đuốc vẫn “cháy” bởi tinh thần dũng cảm và sự hi sinh cao cả của các anh đã trở thành “cốt thép” cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối ước mơ về sự phồn vinh của đất nước, ấm no và hạnh phúc của Nhân dân.
Từ nay, vong linh các chiến sĩ ngã xuống vùng Đá Biên đã có ngôi nhà khang trang cùng đài tưởng niệm uy nghi và ý nghĩa. Chắc hẳn các anh đã yên lòng trước tấm lòng của đồng đội, đồng môn và bà con trên mọi miền Tổ quốc. Đây cũng là một “địa chỉ đỏ” của người dân trong vùng, đặc biệt là với thanh, thiếu niên, học sinh. Mỗi dịp kỷ niệm như 26/3, 30/4, 2/9... nơi đây đón các đoàn học sinh, đoàn viên trong vùng đến thăm và ôn lại lịch sử hào hùng, sự hi sinh anh dũng của các chiến sĩ Trung đoàn 207.

Trung Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 43

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 39


Hôm nayHôm nay : 2577

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 108718

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10332804