Thứ bảy 27/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Hội Văn nghệ là nhà mình

Bút ký – Võ Thúy Phượng
HỘI VĂN NGHỆ LÀ NHÀ MÌNH

Đã 40 năm rồi mà trong ký ức của tôi về từng hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An cứ tưởng như mới hôm qua.
Chúng tôi biết nhau từ năm 1983 và cùng yêu mến mái nhà của Hội. Đi công tác bất cứ đâu cũng về ghé Hội. Tuy cơm canh đạm bạc của Thu Vân hay của ai nấu đều thấy ngon, rất ngon. Ngon vì cái tình của bạn mình, rất thiệt tình, rất ngọt ngào.
Mỗi lần về họp ở Hội cứ như về nhà, trên gương mặt mỗi người đều tươi tắn, nụ cười luôn ở trên môi. Từng câu chuyện tếu táo của bạn bè cứ rôm rả nối nhau từng tiếng cười vô tư, vô tận. Với bạn tôi thế nào thì tôi không biết. Còn với tôi mỗi lần họp như thế, tôi thu thập rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống lại có được nhiều điều hay trong tác phẩm viết hay bài vọng cổ của mình… Rồi theo kỷ niệm từng gương mặt lão tướng và cây đa cây đề lại hiện về trong ký ức.
Chú Khương Minh Ngọc kỹ càng, cẩn thận đọc từng tác phẩm của hội viên, góp ý cho từng câu văn, từng chữ cần đặt chỗ nào trong bài viết để nâng tác phẩm lên.
Chú Lê Thanh Châu thương hội viên như con cháu mình. Sau khi đọc tác phẩm của hội viên xong chú ấy ân cần góp ý kỹ càng, chi tiết, nhẹ nhàng như một người cha dạy bảo con mình. Lời nói của chú dễ hiểu, dễ ghi nhớ và những điều ghi nhớ đó luôn được hội viên áp dụng, nâng tầm viết của mình…
Nhà văn Hào Vũ rất tế nhị, cẩn thận khi góp ý cho bạn đồng môn. Mặc dù anh chị em hội viên tôn gọi anh là cây đa, cây đề nhưng anh vẫn bình dị, gần gũi bạn bè như anh chị em…
Nhà thơ Võ Thanh Phong đến bây giờ vẫn tâm hồn trẻ nít, lí lắc với những vần thơ. Viết nhiều vậy, nhưng nhà thơ lại cười nhiều hơn nói khi tiếp xúc.
Cứ như thế Hội Văn học Nghệ thuật Long An phát triển, ngày càng có thêm nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh… ngày càng có nhiều hội viên mới gia nhập vào đại gia đình ấm áp này.
Hội viên của Hội, dù là chuyên ngành riêng nhưng đều là văn nghệ sĩ nên rất yêu thương chăm sóc giúp đỡ nhau mỗi khi có hội viên gặp khó khăn nhất thời trong cuộc sống. Nghe tin bạn đau bệnh, hoạn nạn, bạn bè khắp nơi lại gọi điện – xưa gọi điện thoại cũng khó khăn, thông qua Bưu điện hoặc cơ quan chứ không tiện như bây giờ. Nhiều ban lặn lội bắt xe đò xa xôi đến thăm nhau. Chan chứa ân tình…
Thuở năm 1983 - 1986, các chi hội đi thực tế bằng xe đò rồi đi bộ tới nơi tìm hiểu. Những buổi dang nắng, đội mưa đầy tiếng cười và dạt dào cảm xúc đó gắn anh em văn nghệ lại với nhau và thêm gắn bó với Hội.
Nhà của đôi vợ chồng nhà văn Nguyễn Xuân Đỉnh – Võ Thúy Phượng, khi ấy còn là chiếc nhà lá nhỏ xinh bên bờ sông Cần Đước. Còn cơm đúng thật là đồng quê. Cá phi dưới ao nhà vớt lên kho mặn, món thứ hai là da heo với tóp mỡ kho mặn. Rau diệu, rau muống mọc quanh nhà được anh em nhà văn hái và luộc… Những bữa cơm đạm bạc ấy là kỷ niệm nhớ đời của bao anh em văn nghệ sĩ về Cần Đước sáng tác. Sân nhà là sân đất. Tối đến bên leo lét ánh sáng yếu ớt của đèn dây tóc, anh em trải bạt ở sân ngồi tâm sự, chuyện trò đủ thứ, đờn ca nghêu ngao đẫm tình thương bạn bè nghệ sĩ… Đêm đến anh em văn nghệ trải nilon ngủ dưới nền đất quanh nhà, nghe tiếng côn trùng hát vang đêm. Nhạc sĩ Trịnh Hùng dí dỏm: “Ngủ ngoài sân ngắm sao gió mát”. Nhìn bạn bè cùng vui vẻ chia sẻ cảnh nghèo, lúc ấy tôi ước gì đó là sân xi măng hay sân gạch để bạn tôi nằm ngủ cho thẳng lưng, mát mắt. Thương thật nhiều những gương mặt ngủ nằm đất, đón sương. Hoàng Đỗ, Công Toại, Trịnh Hùng, Hào Vũ, Lê Phương, Lê Ngọc Ẩn, Bửu Thiết, Trương Quang Tuyến, Hoàng Tuyên… Chỉ có nhà thơ Đinh Thị Thu Vân được ngủ trong chiếc nhà lá nhỏ xinh…
Bỗng thấy vui, vì nghĩ đến lúc xưa mình còn gian khó ở rừng… Cũng bên nhau nằm đất cho sao trời ngắm mình vậy mà. Dù sao bây giờ không còn bom pháo nữa nên giấc ngủ được yên lành.
Tuy thời đó xe cộ khó khăn, nhưng những hội viên ở các huyện xa cũng đều có mặt đầy đủ trong các cuộc họp của Hội.
Từng lớp bạn kế tiếp phấn đấu như Nguyễn Lành, Hoàng Nguyên, Võ Mạnh Hảo, Tuyết Mai, Kiều Oanh cùng các bạn khác đều giỏi và rất nhiệt huyết với nghề viết, vẽ hay chụp ảnh của mình. Họa sĩ Hữu Phương luôn minh họa sống động tác phẩm của bạn mình, là chuyện thực tế, chuyện đời xưa hay chuyện khói lửa chiến tranh, Hữu Phương vẽ bằng cái tâm của mình, nên mới nhìn tranh vẽ đã thấy cái tình của người viết gửi gắm trong từng câu chuyện của tác phẩm.
Mỗi lần về Hội, người túc trực là Kha Tuấn, Mặc Tuyền cùng các bạn làm hành chính, có em tên Liên... Kha Tuấn tuy ít lời nhưng thâm trầm hiểu bạn bè, luôn giúp đỡ đồng môn bằng những lời thật lòng, chân chất như những bài vọng cổ của anh vậy. Mặc Tuyền là kho chuyện tiếu lâm, chuyện phiếm. Có những lúc anh nói chẳng đầu không đũa gì hết nhưng lại là chuyện thực tế ở đời, có trong cuộc sống hằng ngày, trong những bài thơ của anh.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy luôn theo sát từng hoạt động của Hội và phân công hẳn người cùng vui buồn với hội viên của Hội, chủ yếu là nhắc nhở văn nghệ sĩ phải luôn đi đúng đường hướng của Đảng, của Nhà nước ban hành ra. Tôi nhớ mãi cán bộ Ban Tuyên giáo Đỗ Thanh Bình – hòa đồng cùng anh chị em, để sau này anh đã trở thành hội viên của Hội Văn nghệ, chung nhà với hội viên chúng tôi.
Hội Văn nghệ Long An có những nhà thơ kỳ cựu, Đinh Thị Thu Vân, Cao Thoại Châu, Vũ Chí Thành… Còn Trần Ngọc Hưởng vẫn trẻ son mãi với bao dòng thơ tình yêu như mãi tuổi thanh xuân. Kế tiếp Võ Mạnh Hảo, Ngọc Lộc cùng nhiều nhà thơ trẻ khác, các bạn cũng luôn học hỏi, trau chuốt từng câu thơ theo bước những vị tiền bối.
Đã có lớp văn nghệ sĩ “già làng” – cách gọi của Nguyễn Phấn Đấu đối với các nghệ sĩ đi trước, nghệ sĩ có bề dày cống hiến, có tâm của tỉnh. Thì cũng đã có lớp hội viên trẻ tiếp nối. Có lẽ do tiếp nhận được năng lượng và kinh nghiệm từ lớp người đi trước mà mà Hồng Quế, Võ Mạnh Hảo vượt bao khó khăn mà vẫn trụ được với Hội. Dù nhiều lúc trực ở Hội chỉ có một mình nhưng Hồng Quế luôn có mặt giải quyết việc nhanh gọn khi có hội viên cần điều gì nơi Hội. Bạn tôi đó – các bạn rất trẻ và năng động – đã tiếp cho tôi năng lượng thật nhiều để còn giữ được tay viết đến hôm nay.
Ký ức cứ nối dài không sao kể hết, tình cảm của nhiều hội viên đã đi xa bên kia cuộc đời nhưng vẫn để lại dấu ấn thân thiết, yêu thương cho những người ở lại. Nên dù bao năm đi nữa thì Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An vẫn là ngôi nhà chung thật ấm cúng và yêu thương trong từng hội viên của Hội.
Với sự lèo lái trách nhiệm vuông tròn của tân Chủ tịch Hội Nguyễn Tấn Quốc, tôi tin rằng Hội sẽ giữ vững những hoạt động của nhiều chi hội và sự thân thiết yêu thương sẽ còn mãi mãi để hội viên mỗi khi về Hội sẽ như về nhà mình vậy.
Cần Đước, ngày 24/8/2023.
 

Võ Thúy Phượng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 28


Hôm nayHôm nay : 5428

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 269742

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8727843