Chủ nhật 28/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

CÂU ĐỐI TẾT

Tác giả Nguyễn Tấn Quốc

Tác giả Nguyễn Tấn Quốc

NGUYỄN TẤN QUÔC
Câu đối là một phần thưởng Xuân, đón Tết. Tết đến, dù sắm sửa, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thế nào đi chăng nữa mà thiếu câu đối đỏ thì cảm thấy hình như vẫn còn thiếu một cái gì đó quan trọng. Câu đối không những để trang trí mà còn thể hiện     trình độ thưởng ngoạn nghệ thuật chữ nghĩa của gia chủ và khát vọng về những điều tốt đẹp trong năm mới.
Khi chữ Nho còn thịnh hành và chữ Nôm còn hiện diện trong văn chương nước nhà, cứ mỗi độ xuân về, người ta thấy hình ảnh ông cụ Đồ bày bút mực giấy đỏ ngoài phố chợ, cắm cúi viết câu đối bán cho khách qua đường thuộc giới bình dân:
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”
          (Vũ Đình Liên, “Ông Đồ”, Xuân Canh Dần 1950)
Xưa, câu đối được viết trên giấy hồng điều, chữ mực Tàu màu đen nhánh hoặc chữ kim nhũ vàng óng ánh, cũng có khi được viết trên giấy đỏ có dát vàng lóm đóm… Câu đối có nhiều loại, tùy theo cách phân chia nhưng theo nội dung thì có các loại: dùng chung cho tất cả mọi nhà, ai treo cũng được, gia đình sang hèn, nghèo giàu đều treo được, để ở các đình làng hay công sở, ở đền chùa miếu mạo, trong các nhà quyền quý, trong các gia đình nghèo khó … Các bậc danh sĩ, khoa bảng, người giỏi chữ nghĩa thời xưa tự tay viết câu đối cho mình, theo lối tự trào, để cho vui, ai thưởng thức cũng được, không phải treo ở đâu cả, mà để gắn vào tâm tưởng, khơi gợi suy nghĩ của mọi người, để cùng vui với mọi người. Nhiều câu đối chữ Nôm đã đi vào lòng nhân gian nhưng vẫn đậm phong cách riêng của tác giả:
Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa.
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.
(Nguyễn Công Trứ)
hay của bà chúa thơ Nôm, Hồ Xuân Hương:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỉ tới
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toác ra cho thiếu nữ rước xuân vào.
Dù không “đậm” như miền Bắc, miền Nam vẫn có thú chơi tao nhã này nhưng câu đối thường là của dân gian, không có tác giả, là những câu đối được dùng chung cho tất cả mọi người, mọi giới, không của riêng ai. Tôi vẫn còn nguyên ký ức mài mực Tàu cho ông tôi viết câu đối Tết để dán trên hai cây cột giữa ngôi nhà thờ. Ngày ấy, tôi ngây thơ hỏi ông sao không viết trên giấy trắng mà bắt cháu đi mua giấy đỏ. Ông cười hiền lành: “Là màu của sự sum vầy, hạnh phúc đó con à!”. Tôi thắc mắc: “ Mà viết chi vậy ông?”. Ông giải thích là để chúc phúc, chúc thọ, cầu tài, cầu lộc nhân Tết đến. Tôi tò mò: “Nhưng ông viết chữ gì trong đó?”. Ông đọc một câu mà lúc ấy tôi có hiểu gì đâu:
Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường
(Tạm dịch: Trời thêm năm tháng, người thêm tuổi
                   Xuân khắp trời đất, phúc khắp nhà)
Câu đối tết còn được treo dán ở bàn thờ để nhắc nhở công đức tổ tiên:
Tổ tông công đức thiên niên thịnh
Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương
(Tạm dịch: Công đức tổ tông nghìn năm thịnh
                   Hiếu hiền con cháu vạn đời ngay),
hay chường ra trụ cổng, mặt tiền để tỏ lòng hiếu khách, không hẳn vì khách sẽ mang tài lộc đến mà vì quan niệm nhà có khách đến trong tết thì thêm rộn ràng, vui vẻ, đó là biểu hiện không khí thịnh vượng cho cả năm:
Môn đa khách đáo thiên tài đáo
Gia hữu nhân lai vạn vật lai
(Tạm dịch: Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến
                   Nhà có nhiều người vào lắm vật vào),
 thậm chí ở bàn thờ Táo quân, Thổ công cũng có câu đối tán tụng:
Thổ đức vô cương tự Táo phủ
Công tâm hữu độ thấu Thiên đình
(tạm dịch: Thổ đức sâu rộng vô cùng, ngài coi giữ Táo phủ
                  Công tâm có độ lượng, lên tâu trên Thiên đình)
Nay, cuộc sống thay đổi, chữ nghĩa thay đổi, hình ảnh ông Đồ ngồi viết câu đối trên vỉa hè không còn thấy trong dịp Tết nữa. Tuy nhiên không vì vậy mà thú chơi này mất đi, mà nó được biểu hiện dưới hình thức khác. Trong những năm gần đây, hình ảnh ông Đồ được tái hiện bởi những người viết thư pháp chữ Việt chuyên nghiệp lẫn không chuyên nghiệp. Ngoài viết, còn in ấn, hình thức trang trí hết sức phong phú, đa dạng, kết hợp theo cách truyền thống và hiện đại, thể hiện trên những tấm hoành, cuốn thư có chất liệu bằng vải, giấy, mành trúc …, cẩn, đắp nổi, khảm, khắc trên gỗ và nhiều chất liệu khác …, đăng tải trên báo Xuân và các phương tiện truyền thông khác. Nội dung sáng tác dễ hiểu, ngoài tính qui phạm để giáo huấn, thờ phụng, dùng trong gia đình, còn mang tính thi ứng, hiện đại, gắn mừng Xuân, mừng Đảng với công cuộc xây dựng đất nước, thường treo ở nơi công cộng, cơ quan nhà nước. Nhiều câu đối không còn của riêng Xuân nào:
          Nước mạnh dân giàu, con cháu ngẩng đầu ra bốn biển,
Lòng thơm dạ thảo, cha anh đổ máu nhớ ngàn năm.
(Bảo Định Giang, Xuân 1991).
Dù ít nhiều thay đổi, nhưng không đến nỗi phải như Vũ Đình Liên ngậm ngùi:
“Những người muôn năm cũ,
hồn ở đâu bây giờ ?”,
câu đối Tết không hề mai một, vẫn là nét văn hóa đặc trưng của ngày Tết dân tộc./.
 
Tại Lễ hội “câu đối, hoa và rượu Tết” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào năm 2007, 2008 và 2009, câu đối tết dự thi của Cố nghệ nhân Đỗ Văn Đồng (Long An) đạt giải cao 3 năm liền, đến nay còn đọng lại trong tâm trí giới thưởng ngoạn thú chơi tao nhã này ở Long An:
Hồi trống Giao Thừa, hoài niệm cội nguồn gìn quốc tục
Nén hương Nguyên Đán, bảo lưu văn hóa giữ gia phong
(Giải II, 2007)
Xoài Mút Giáp Thìn, Xiêm vỡ mật
Đống Đa Kỷ Dậu, Mãn quay đầu
(Giải I, 2008)
Thăng Long hưng địa, mang Chiếu thiên đô, Lý Công Uẩn thiên niên tại sử
Hà Nội thủ đô, Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh vạn đại lưu danh.
(Giải III, 2009)    
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 36


Hôm nayHôm nay : 3108

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 278106

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8736207