Thứ hai 14/10/2024

NỘI DUNG CHÍNH

CHUYỆN VỀ HAI ANH EM PHÓNG VIÊN HÃNG AP QUÊ LONG AN

Tác giả Trung Dũng

Tác giả Trung Dũng

TRUNG DŨNG

“Em bé Napalm” là một trong những tấm ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh do Huỳnh Công Út (Nick Út) phóng viên hãng AP chụp, tấm ảnh đã đưa một phần sự thật tàn nhẫn của cuộc chiến tại Việt Nam, góp phần thổi bùng phong trào chống chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam trên toàn thế giới... Nổi tiếng với tấm ảnh “Em bé Napalm” nhưng ít ai biết rằng Nick Út còn có một người anh ruột tên là Huỳnh Thành Mỹ cũng là phóng viên hãng AP cũng khá nổi tiếng với những tấm ảnh đã thay thế cho hơn bất kỳ lời lẽ hùng hồn nào khua động, kêu gọi làn sóng phản chiến trên khắp thế giới.

Bức ảnh “Em bé Napalm” của Nick Út.

Một phóng viên tài hoa bạc mệnh
Quê quán ở ấp Kỳ Châu, xã Bình Qưới, huyện Châu Thành (Long An), Huỳnh Thành Mỹ (anh ruột Nick Út) là phóng viên chiến trường làm việc cho hãng tin Associated Press (AP) đầu tiên thiệt mạng khi đang tường thuật cuộc chiến tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam vào ngày 10/10/1965.
Gia đình anh em Huỳnh Thành Mỹ, Huỳnh Công Út (Nick Út) vốn là nông dân gốc gác ở Long An trôi dạt về Sài Gòn trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Theo ký ức của bạn bè, người thân, Huỳnh Thành Mỹ là một anh chàng bảnh trai từng tốt nghiệp cử nhân văn chương, từng là diễn viên điện ảnh (trong phim “Thúy đã đi rồi”, “Nước mắt đêm xuân”), đã từng xuất hiện nhiều trên trang bìa báo điện ảnh Sài Gòn thời kỳ đó.
Trong ký ức của Nick Út, anh Mỹ là một người đa tài, cũng là người thầy đầu tiên dạy cho Nick Út cầm máy. Một lần anh Mỹ tâm sự với Nick Út: “Cuộc chiến kéo dài biết đến bao giờ kết thúc. Anh muốn dạy em trở thành một phóng viên chiến trường để sau này có thể giúp thế giới biết được chiến tranh là tàn bạo, may ra bằng cách nào đó làm cho nó kết thúc sớm hơn!”
Từng hai lần bị thương tại Phụng HiệpCần Thơ nhưng Huỳnh Thanh Mỹ vẫn xông pha trên chiến trường chụp được nhiều tấm anh phơi bày sự thật tàn khốc, phi nghĩa trong chiến tranh Việt Nam (trong đó có tấm ảnh “Việt Cộng” có giá trị tố cáo cao khi 2 người lính VNCH gí dao găm vào cổ một cô gái trẻ bị trói quặt tay phía sau).
Ngày 10/10/1965, giữa làn lửa đạn của hai bên chiến tuyến, Huỳnh Thanh Mỹ bị thương khi đang tác nghiệp trên chiến trường và qua đời ở tuổi 27. Người phóng viên chiến trường với câu nói nổi tiếng “Mong rằng một ngày nào đó có thể chụp được một tấm hình thay đổi được chiến tranh và không có chiến tranh nữa” đã ra đi bỏ lại người vợ trẻ và đứa con thơ mới 3 tháng tuổi. 
Người em kế nghiệp - tác giả “Em bé Napalm” 
Nick Út (hiện định cư ở Mỹ) thỉnh thoảng vẫn về thăm quê và kết giao thân tình với nhà báo Giản Thanh Sơn, Trần Hoài Phong, nhiếp ảnh gia Hữu Lý, kiến trúc sư Lê Văn Sấm và nhiều anh em nhà báo, văn nghệ sĩ khác. Cựu phóng viên hãng AP - Huỳnh Văn Út (Nick Út) vẫn nặng lòng, nặng nợ với mảnh đất “chôn rau, cắt rốn” Long An.
Nick Út kể về những ngày đầu xin làm phóng viên hãng AP: Quản lý Hãng tin AP tại Sài Gòn lắc đầu từ chối nói với Nick Út “Anh cậu đã chết rồi, dù rất muốn chúng tôi cũng không muốn thêm một người trong gia đình này chết nữa!”. Nhưng cuối cùng với sự cương quyết của anh, họ phải chấp nhận để anh trở thành phóng viên chiến trường của hãng AP.
Và Nick Út đã đi qua cuộc chiến, qua bao con đường súng đạn mà cái chết và sự sống chỉ trong gang tấc. “Chiến tranh khủng khiếp và chết chóc. Hằng ngày chúng tôi đi trên đường, người chết như rơm rạ. Có lần gặp cảnh một nồi cơm sôi ùng ục, bên cạnh là xác của hai mẹ con còn ấm nóng. Phóng viên cũng chết như cơm bữa, bạn bè tôi mới tối qua thôi bốn đứa còn ngồi ăn trên phố Huế, ngày hôm sau hai ký giả của ABC chết trên quốc lộ gần Đông Hà, Quảng Trị. Tới chừng vô lấy xác được thì đã rữa thối ra, chỉ có chiếc máy ảnh là còn nguyên vẹn...Nghề phóng viên chiến trường hiểm nguy là thế nhưng nếu chùn bước thì sự thật chiến tranh không được phơi bày”, Nick Út chia sẻ.
Bức ảnh “Em bé Napalm” do Nick Út chụp năm 1972 có lẽ là một trong những hình ảnh ám ảnh nhất về chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh đã gây một tiếng vang lớn, phơi bày sự thật tàn khốc: Cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây đau thương, chết chóc cho bao người dân vô tội. Ngay sau đó, tác giả Nick Út được trao giải báo chí danh giá Pulitzer và bức ảnh được chọn là Ảnh Báo chí Thế giới năm 1972, khi ấy ông mới chỉ 21 tuổi. Đến năm 2010, Tạp chí New Statesman của Anh bình chọn đây là ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại.
Những tấm ảnh làm thức tỉnh
Trở lại với bức ảnh “Em bé Napalm”. Trận ném bom Napalm ở Trảng Bàng năm 1972 hiển nhiên không phải cuộc tấn công khốc liệt nhất và bức ảnh cũng không trực tiếp thể hiện hành vi giết chóc tang thương, mà thay vào đó ghi lại khoảnh khắc một đám trẻ đang tháo chạy khỏi cái chết vừa vụt qua. Ở trung tâm bức ảnh là một cô bé mới 9 tuổi, với cơ thể trơ xương lõa lồ đang gào khóc khi từng mảng da đang bong ra vì lửa Napalm, phía sau là lửa đang bùng lên trên một xóm nhỏ. Tấm ảnh gây sốc đã làm thức tỉnh công chúng Mỹ khi sự thật về cuộc chiến được phơi bày.
Tấm ảnh đã đẩy phong trào phản chiến tại Mỹ lên đỉnh điểm khi xuất hiện trên trang nhất tờ báo New York Times, nhanh chóng trở thành biểu tượng minh chứng cho sự tàn khốc của cuộc chiến được cộng đồng yêu hoà bình giơ cao trong các cuộc biểu tình. Giá trị lịch sử của tấm hình đã khiến Nick Út không ngừng được ca tụng ngay cả khi cuộc chiến đã kết thúc.
Trước đó bức ảnh “Xử bắn trên đường phố Sài Gòn 1968” của Eddie Adams (phóng viên hãng AP) đã trở thành biểu tượng của sự hung tàn của một cuộc chiến tranh khi tác giả chụp được khoảng khắc chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan (Sáu Lèo) - Tổng Giám đốc Tổng nha Cảnh sát Quốc gia VNCH - cầm súng bắn thẳng vào đầu một một chiến sĩ biệt động Sài Gòn xuân Mậu Thân 1968. Sự tàn bạo của chiến tranh thể hiện trên tấm ảnh đã thổi bùng phong trào chống chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam trên toàn thế giới. Cuộc xử bắn dã man này cũng được phát hình trên sóng của đài NBC và thật sự làm biến động mạnh đến chính trường nước Mỹ năm đó. Làn sóng phản đối chiến tranh dâng cao và sau đó hai tháng, Tổng thống Lyndon B. Johnson (D) tuyên bố rút lui khỏi cuộc tranh cử nhiệm kỳ sau.
Cùng với tấm ảnh cô bé trần truồng bị cháy xém bởi bom Napalm chạy trên đường của Nick Út vào năm 1972, bức ảnh của Adams cũng là một trong những bức ảnh biết nói về cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã góp phần tạo nên dấu ấn đậm nét trong lịch sử của ngành nhiếp ảnh thế giới.
                 

Trung Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 32


Hôm nayHôm nay : 2209

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 70533

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10541579