Thứ bảy 27/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

SỨC XUÂN TRONG THƠ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Đoàn đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc tháng 11/1965.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Đoàn đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc tháng 11/1965.

Võ Thanh Nghị - Thanh Tâm
       
      
        Có thể nói mùa xuân là mùa đầy sức sống nhất trong bốn mùa. Mùa xuân cũng là nguồn cảm hứng thi ca bất tận. Đặc biệt trong thơ của Bác Hồ, nhìn chung, chúng ta thấy nội dung thơ của Bác luôn hướng về sự sống, vế ánh sáng và tương lai. Riêng về phong cách nghệ thuật ở mỗi tác phẩm, trong mỗi thể loại của thơ Bác Hồ, ta lại thấy, trên cái nền chung của những yếu tố phong cách lớn của Người, những màu sắc mới mẻ độc đáo của nhiều bút pháp khác nhau.
        Một năm là cả bốn mùa xuân
        Trong suốt cả cuộc đời “Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng”, từ lúc Bác Hồ kính yêu đã ra đi tìm đường cứu nước khi tuổi đang xuân và trong quá trình hoạt động cách mạng, nhiều lúc thi hứng đến với Người và Bác đã viết nhiều bài thơ lấy cảm hứng từ “xuân” để nói về sự chuyển dịch thời gian và phát triển xã hội. Tâm hồn thi nhân của Bác hòa trong thiên nhiên đất Việt thật trẻ trung với cách nhìn biện chứng luôn tin tưởng hướng về tương lai tươi đẹp. Mặc dù trong hoàn cảnh bóng tối “Thân thể ở trong lao/ tinh thần ở ngoài lao” (Nhật ký trong tù) nhưng Bác luôn hướng ra ánh sáng, từ đau đớn đổi sang niềm vui, từ thất bại chuyển thành chiến thắng: “Ví không có cảnh đông tàn/Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân. Và trong cuộc sống, Bác luôn hy vọng, tin tưởng: “Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán/ So với ông Bành vẫn thiếu niên...” Đặc biệt trong giai đoạn kháng chiến chống ngoại xâm, Bác luôn luôn làm chủ được mình, không bị những khó khăn áp đảo, hoặc bị hoàn cảnh lôi cuốn, Bác từng mơ ước:Kháng chiến thành công ta trở lại/Trăng xưa hạt cũ với xuân này…”(Cảnh rừng Việt Bắc - 1947”). Năm 1948, trong bài thơ Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng), Bác viết:Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Cảnh đêm rằm trong thơ tuyệt đẹp, nhất là con thuyền cách mạng chở đầy ánh trăng xuân trẻ trung và tươi sáng biết bao! Ngoài ra , Bác còn viết nhiều bài thơ chúc Tết mỗi độ xuân về, như bài thơ Mừng năm mới năm 1960: “Mừng nhà nước ta mười lăm xuân xanh” nghĩa là 15 tuổi nhưng với hình ảnh xuân xanh đã tạo ra sự phơi phới tràn đầy sức sống của tương lai. Và trong những bài thơ mừng xuân sau này trong giai đoạn kháng chiến chống giặc ngoại xâm bừng lên sắc xuân chiến thắng:Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn/ Một năm là cả bốn mùa xuân”. Và trong cuộc kháng chiến đầy gian lao nhưng rất anh dũng của cả dân tộc ta, Bác luôn tin tưởng, hy vọng:Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”….
          Bên cạnh đó, “Xuân” trong thơ Bác từ “xuân” còn hàm chứa nhiều ý nghĩa phong phú là Bác viết về Tết trồng cây:Mùa xuân là tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Trong đó ta thấy cả sức trẻ dạt dào bao hứa hẹn bởi như lời Bác dạy:Vì lợi ích mười năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người”.
       Bài thơ chúc Tết Giáp Thìn 1964
       Sáu mươi năm trước, vào dịp Tết năm Giáp Thìn 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài thơ xuân chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước:
       “Bắc Nam như cội với cành
         Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng
         Rồi đây thống nhất thành công
         Bắc Nam ta lại vui chung một nhà
         Mấy lời thân ái nôm na
         Vừa là  kêu gọi, vừa là  mừng Xuân” 
                     Xuân Giáp Thìn 1964                                                             
                           Hồ Chí Minh
        Bước vào năm Giáp Thìn 1964, đồng bào cả nước vừa tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa anh dũng đấu tranh chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Đón xuân mới, trong lòng Bác Hồ nhớ thương da diết đồng bào miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Bác nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ cả nước hãy đoàn kết một lòng để thực hiện thành công cuộc kháng chiến cứu nước, thống nhất nước nhà, khát vọng lớn lao của Bác mà cho tới ngày đi vào cõi vĩnh hằng Người vẫn chưa được toại nguyện.         
       Bác Hồ luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào miền Nam đau thương mà anh dũng. Trước bài thơ Xuân năm Giáp Thìn 1964 và sau đó, Bác nhiều lần nói rằng: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Năm 1962, Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ra thǎm miền Bắc, đã đến thăm và báo công với Bác. Bác đã đặt bàn tay lên ngực trái và nói: “Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này: Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”.
       Năm 1963, khi được tin Quốc hội tặng thưởng huân chương cao quý nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã cảm ơn Quốc hội và trình bày nguyện vọng: Chờ đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội cho phép đồng bào miền Nam trao tặng cho Bác Huân chương cao quý ấy. Nǎm 1965, đoàn anh hùng dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc đã đến thăm Bác. Khi cả đoàn vây quanh Bác, khóc vì sung sướng và cảm động, Người xúc động nói: “Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm”.
      Trong Bản Di chúc thiêng liêng để lại cho đồng bào cả nước trước lúc đi xa, Bác cũng dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào miền Nam, Bác tin tưởng vào ngày toàn thắng, thống nhất đất nước: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hi sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thǎm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.
      Trong những ngày đầu tháng 9 năm 1969, những ngày “Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa”, xúc động trước tình cảm bao la Bác Hồ dành cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam, cũng như tình cảm đồng bào, chiến sĩ miền Nam dành cho Người, nhà thơ Tố Hữu đã viết:
       “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
        Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”
        (Bác ơi! – Tố Hữu)
        Một mùa xuân mới đã đến – Xuân Giáp Thìn - 2024! Cả nước đang tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Chúng ta đặt niềm tin và hy vọng lên như một cành lộc, như một cành đào, cành mai rực rỡ và vui, hát mừng xuân mới:
Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới
Bạn đời ơi! Vui lắm cả trời hồng. (Tố Hữu)
Từ khóa: thanh nghị
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 30


Hôm nayHôm nay : 6807

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 271121

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8729222