Thứ bảy 14/12/2024

NỘI DUNG CHÍNH

TỪ LONG AN TỚI BẠC LIÊU


         Ký văn học – Nguyên Phấn Đấu       
 
                                    
         Một lần về dự đám giỗ nhạc sĩ Cao Văn Lầu do Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Châu Thành (tỉnh Long An) tổ chức tại Trung tâm Văn hóa xã Thuận Mỹ (huyện Châu Thành), tôi thấy tấm hình người nhạc sĩ ôm cây đờn kìm treo trang trọng trong Trung tâm. Sau đó tôi đã đến thành phố Bạc Liêu nhân dịp “Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất năm 2014” và viếng Khu lưu niệm Cao Văn Lầu, cũng thấy hình ông ôm cây đờn kìm. Tôi chợt nảy ra ý định làm cuộc hành trình theo “dấu chân” Cao Văn Lầu cùng cây đờn kìm từ nơi ông sinh ra Thuận Mỹ cho tới nơi ông sáng tác ra bản “Dạ cổ hoài lang” lừng danh, thành phố Bạc Liêu.
        Và tôi đã tìm đến ấp Cái Cui, xã Thuận Mỹ, bên bờ sông Vàm Cỏ, để khởi đầu cuộc hành trình. Tại đây (lúc đó là xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ) vào tháng 12 năm 1892 một đứa bé đã cất tiếng khóc chào đời, người mà sau này đã viết bài "Dạ cổ hoài lang" bất hủ, một bài ca độc đáo và nổi tiếng trong đờn ca tài tử, giúp làm thăng hoa nghệ thuật cải lương. Ở bên kia sông Vàm Cỏ, trên vùng lúa Nàng thơm Chợ Đào thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước (tỉnh Long An), trước khi nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra đời, có một nhạc quan triều đình Huế đã bỏ kinh thành phiêu bạt vào Nam, đến vùng đất này mở lò dạy nhạc. Đó là nhạc quan Nguyễn Quang Đại, người Cần Đước quen gọi thân mật là ông Ba Đợi. Sau khi kinh đô Huế thất thủ, Vua Hàm Nghi xuất bôn, nhạc sư Nguyễn Quang Đại đã bỏ kinh thành tìm đường vào Nam sinh sống bằng con đường truyền dạy âm nhạc. Dấu chân Nguyễn Quang Đại đã in khắp vùng Chợ Lớn, Cần Đước, Cần Giuộc… Ông Ba Đợi và các học trò của mình đã làm sôi động không khí ca hát ở vùng Chợ Đào nói riêng, Cần Đước, Cần Giuộc nói chung. Chắc hẳn không gian đờn ca tài tử bên kia sông Vàm Cỏ đã có ảnh hưởng đến một người cũng mê đờn ca ở bên này sông, đó là ông Chín Giỏi (Cao Văn Giỏi, cha của Cao Văn Lầu) và đứa con thứ sáu của ông (Sáu Lầu) sau này.
       Theo các cụ cao niên ở Thuận Mỹ, vùng đất này được khai khẩn bởi những di dân từ vùng “ngũ Quảng” vào khai phá khoảng cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Đó cũng là lúc cây đàn nguyệt xuất hiện và nhanh chóng thịnh hành ở miền Trung và miền Bắc nước Đại Việt. Rời quê hương miền Trung lên chiếc ghe bầu đi lập nghiệp phương Nam, nhiều người mang theo bên mình cây đàn nguyệt đơn giản nhưng âm thanh sâu lắng. Những đêm nhớ nhà, bên đống lửa bập bùng, ven khu rừng nhiều thú dữ, các lưu dân ngồi lại bên nhau, khảy lên tiếng đàn nguyệt mà thấy lòng ấm lại. Dây đàn vốn làm bằng tơ, trên vùng đất phương Nam mới khẩn hoang, dây tơ cũng hiếm, nên được thay bằng dây nylon vốn dùng để câu cá, không ngờ tiếng đàn lại sâu lắng, réo rắc hơn. Tên đàn cũng được đổi thành “đờn kìm”. Với cây đờn kìm, trải qua hàng trăm năm trên vùng đất mới khai phá, các thế hệ người nông dân yêu thích đàn hát đã tạo nên một dòng nhạc dân gian Nam Bộ buồn man mác, vừa phóng khoáng như chính vùng đất mới này.
          Có lẻ cha ông của ông Cao Văn Giỏi khi phiêu bạt vào Nam lập nghiệp ở vùng đất Thuận Mỹ cũng mang theo bên mình cây đàn nguyệt, đời trước truyền cho đời sau, để đến đời mình, ông Chín Giỏi cũng biết chơi thành thạo đờn kìm. Ngoài nghề chính là làm ruộng “tá điền”, thời gian rảnh ông Chín Giỏi cũng tham gia các ban nhạc lễ ở địa phương, đàn phục vụ đám tiệc, đi xuồng qua bên kia sông Vàm Cỏ để giao lưu học hỏi với các nhạc sinh bên Chợ Đào, Cần Đước. Đứa bé Cao Văn Lầu lúc mới sinh hay khóc đêm, dỗ cách gì cũng không nín, làm bà Chín Giỏi rất khổ sở. Một đêm nọ, cậu bé Sáu Lầu lại làm cả nhà mất ngủ vì tiếng khóc khàn đục nấc lên từng hồi. Không ngủ được, ông Chín Giỏi xách cây đờn kìm ra sân đờn giải sầu. Tiếng đờn nỉ non vọng vào buồng, chợt cậu bé Sáu Lầu thôi khóc, khuôn mặt háo hức như thể lắng nghe tiếng đờn ở ngoài sân. Kể từ đó, mỗi lần đứa bé Sáu Lầu khóc đêm là ông Chín Giỏi xách cây đờn kìm ra sân, đến gần cửa sổ buồng ngủ của vợ khảy đờn, y như rằng tiếng khóc bên trong buồng chấm dứt. Tiếng đờn kìm vốn đã buồn, tiếng đờn kìm của ông Chín Giỏi càng buồn da diết, do gói ghém cả nỗi nhớ cố hương xa xôi và thân phận của kẻ tá điền nghèo khổ nơi đất khách. Người nghệ sĩ nghiệp dư làm tá điền cho địa chủ với một hecta ruộng không kiếm đủ cơm để nuôi gia đình với sáu đứa con nhỏ. “Tiếng lành đồn xa” về một vùng đất mới “cò bay thẳng cánh” mang tên Bạc Liêu đã đến tai ông Chín Giỏi, làm ông thao thức nhiều đêm. Để rồi một đêm nọ, ông quyết định đưa cả nhà xuống chiếc xuồng ba lá cùng với những vật dụng cần thiết nhưng gọn nhẹ, bỏ lại căn nhà xiêu vẹo với bao kỷ niệm, để xuôi về miền Tây tìm đến vùng đất hứa.
        Tôi đã đứng thẫn thờ trên bờ sông Vàm Cỏ để hình dung nơi nào những bàn chân nhỏ xíu của cậu bé Sáu Lầu mới bốn tuổi đã bước xuống bến sông, rời nơi chôn nhau cắt rốn để cùng gia đình xuôi về phương Nam. Tôi đã đi nhờ theo một xà lan chở cát của người bạn xuôi theo sông Vàm Cỏ, rồi rẽ vào kinh Chợ Gạo, đêm nghỉ ở vàm Kỳ Hôn, sáng dậy đi tiếp qua sông Tiền, vào dòng Chợ Lách để ra sông Cổ Chiên, xong vào sông Măng Thít, đổ ra sông Hậu…, để hình dung cái cách mà ông Chín Giỏi đã chèo xuồng đưa cả gia đình làm cuộc hành trình trên sông hơn một trăm năm trước để tìm đến miền đất hứa Bạc Liêu. Ngày ấy, sau khi lưu luyến ngoái nhìn căn nhà xập xệ ghi dấu bao kỷ niệm lần cuối cùng, ông Chín Giỏi tháo dây, đẩy xuồng ra khỏi bờ một cách dứt khoát. Ông cùng hai người con lớn mới hơn mười tuổi thay nhau chèo xuồng, còn bà Chín và mấy đứa con nhỏ nằm ngủ vật vựa trên xuồng. Cậu bé Sáu Lầu lần đầu tiên đi xuồng nên không ngủ được, cứ nhõm dậy nhìn cảnh lạ hai bên bờ sông. Kênh Chợ Gạo mới được đào thẳng tắp nối sông Vàm Cỏ với sông Tiền, giúp đi lại giữa Gia Định và miền Tây thuận lợi hơn. Vầng trăng khuya như rắc vàng xuống mặt kênh. Trên bờ kênh Chợ Gạo nơi cha con Sáu Lầu chèo xuồng qua đêm ấy, đúng mười năm sau có một đứa bé cất tiếng khóc chào đời, người mà sau này đã làm rạng danh sân khấu cải lương với những tuyệt tác để đời như Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp, đó là soạn giả Trần Hữu Trang. Cũng chính ông đã có công lớn xây dựng nên nền nghệ thuật cải lương cách mạng và đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khi trên mình vẫn còn mang cây đờn kìm.
        Chiếc xuồng nhỏ đưa cả gia đình ông Chín Giỏi đi hết kinh Chợ Gạo ra đến vàm Kỳ Hôn khi tiếng chuông chùa mới điểm canh tư. Xuồng tiếp tục đi ngược sông Tiền để qua sông Cổ Chiên xuôi về phương Nam. Khi xuồng đi ngang làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), trên bờ gà đua nhau gáy sáng. Trên bờ sông ấy, khoảng mười năm sau đã chào đời hai đứa trẻ, một nam một nữ, mà khi lớn lên đã hợp sức đưa nghệ thuật cải lương lên tầm cao mới, đó là nghệ sĩ nhân dân Năm Châu và nghệ sĩ nhân dân Phùng Há. Cũng chính đôi nghệ sĩ tài hoa này đã có công phổ biến bài Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu từ nhịp đôi lên nhịp tư, rồi nhịp tám, nhịp mười sáu, nhịp ba mươi hai…, thành bài vọng cổ lừng danh. Ông Chín Giỏi vững tay chèo đưa xuồng vượt sông Cổ Chiên, rẽ vào sông Măng Thít qua vùng Trà Ôn để ra sông Hậu. Xuồng dừng lại bến sông chợ Trà Ôn để nghỉ qua đêm và cho cả nhà ăn cơm tối. Đêm đầu tiên rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, dù đã qua một ngày chèo xuồng mệt nhọc, nhưng người nghệ sĩ nghiệp dư vẫn không ngủ được, nên mang cây đờn kìm ra đờn giải sầu. Tiếng đờn đêm ấy hẳn còn vương vấn trên cành cây ngọn cỏ ở bến nước Trà Ôn nên vùng đất cây xanh trái ngọt này về sau đã ban tặng cho đời một con người làm rạng rỡ quê hương Trà Ôn và sân khâu cải lương, đó là nghệ sĩ nhân dân Út Trà Ôn, người được mệnh danh là “Hoàng đế vọng cổ”.
         Sáng sớm hôm sau ông Chín Giỏi tiếp tục chèo xuồng đưa cả nhà vượt sông Hậu, rồi vào kênh Cái Côn, tiến vào vùng đất Hậu Giang cò bay thẳng cánh. Tôi đã có một buổi tối dừng chân trên vàm kinh Phụng Hiệp thuộc thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang nơi cha con ông Chín Giỏi từng dừng chân qua đêm trên đường về Bạc Liêu hơn trăm năm trước. Người xưa kể lại rằng, ông Chín Giỏi sau khi chèo xuồng băng qua sông Hậu, rồi đi hết kinh Cái Côn, đến chiều tối gia đình ông dừng chân nghỉ đêm trên vàm kinh Phụng Hiệp. Nửa đêm, ông mang cây đờn kìm ra mũi xuồng đờn giải sầu. Cậu bé Sáu Lầu vừa nhớ chốn cũ vừa không quen sông nước nên trằn trọc không ngủ được, nửa đêm nghe tiếng đờn của cha, đã trở dậy ra mũi xuồng ngồi khóc thút thít. Ông Chín Giỏi đã an ủi, vỗ về đứa con nhỏ, đại ý là cả nhà rồi sẽ đi đến vùng đất mới đầy hứa hẹn, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, mặc cho cậu bé mới chút tuổi đầu không hiểu gì những lời cha nói. Như tiện tay, ông Chín Giỏi đưa cho cậu con nhỏ cây đờn kìm như cách để an ủi con. Bất giác, cậu bé Sáu Lầu mới bốn tuổi đầu chạm những ngón tay nhỏ xíu vào hai sợi dây đờn, làm vang lên những âm thanh ngộ nghĩnh. Có lẽ đó là những tiếng đờn kìm đầu tiên phát ra từ đôi tay của Cao Văn Lầu một cách không ý thức vì lúc đó ông còn quá nhỏ, để rồi cả cuộc đời ông đã gắn chặt với cây đờn kìm. Hai mươi năm sau, cũng trên nền âm nhạc của cây đờn kìm, Cao Văn Lầu đã viết nên bài nhạc bất hủ “Dạ cổ hoài lang”, sau đó phát triển thành bài “Vọng cổ” lừng danh. Như là tiền định, cũng chính bên vàm kinh Phụng Hiệp ở Ngã Bảy nơi bảy dòng kinh tụ hội về, sau đó hơn nửa thế kỷ soạn giả Viễn Châu đã viết bài vọng cổ để đời “Tình anh bán chiếu” gắn liền với cái tên “Hoàng đế vọng cổ” Út Trà Ôn: “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy. Sao cô gái năm xưa chẳng thầy ra…chào. Cửa vườn em đã đóng kín tự hôm nào. Tôi vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm rẫy, chiếc áo nhuộm bùn lấm tấm giọt mồ hôi. Nhà của cô sau trước vắng tanh, trong gió lạnh chiều đông bỗng trổi lên khúc nguyệt cầm, như gieo vào lòng tôi nỗi buồn thê thảm!”. Tiếng “nguyệt cầm” tưởng tượng trong sáng tác của soạn giả Viễn Châu hay sau này nhạc sĩ tân nhạc Thanh Sơn viết “Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu, như sống lại hồn Cao Văn Lầu” nói lên một thực tế là từ khi Sáu Lầu theo cha cùng cây đờn kìm vượt sông Hậu về miệt Hậu Giang, phong trào đờn ca tài tử và sau đó là nghệ thuật cải lương vùng đất phía Nam sông Hậu ngày càng thăng hoa. Để rồi cùng với Cao Văn Lầu, nhiều nhạc sĩ lừng danh của Bạc Liêu đã lần lượt xuất hiện như Mộng Vân, Bảy Cao, Lưu Minh Đức, Yên Lang, Trong Nguyễn,…những người đã làm rạng danh sân khấu cải lương và Đờn ca tài tử Nam bộ.  
         Tháng 12 năm 2013 Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Tháng 2 năm 2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ đón nhận Bằng vinh danh này tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 4 năm 2014, tỉnh Bạc Liêu, một trong những cái nôi lớn của loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, được Thủ tướng Chính phủ cho phép đăng cai tổ chức sự kiện "Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất – Bạc Liêu 2014" với chủ đề "Đờn ca tài tử, Tình người – Tình đất Phương Nam". Lần đầu tiên tỉnh Bạc Liêu được đăng cai tổ chức một sự kiện văn hóa lớn, mang tầm Quốc gia và có tính chất quốc tế, nên chính quyền và nhân dân nơi đây chuẩn bị rất chu đáo. Tỉnh Bạc Liêu đã làm tất cả những gì có thể để vinh danh bộ môn nghệ thuật độc đáo của tiền nhân. Trong ngày khai mạc lễ, hàng ngàn du khách tập trung quanh Nhà hát Ba Nón Lá và tượng đài Cây Đờn Kìm được xây dựng rất đẹp, rất hoành tráng trên quảng trường Hùng Vương. Còn tôi, tôi tìm đến khu Gia Hội bên bờ sông Bạc Liêu để hình dung cảnh gia đình ông Chín Giỏi những ngày đầu chân ướt chân ráo mới đến vùng đất này, phải tá túc trên đất của một người bà con để đi làm mướn kiếm sống. Bờ sông Bạc Liêu đang được xây dựng bờ kè khang trang, sạch đẹp, nhưng đó đây vẫn còn những rặng bần nhắc về một thời nghèo khó, giúp tôi liên tưởng đến cuộc sống vất vả của gia đình ông Sáu Lầu thuở ấy.
       Cũng trong những ngày ở Bạc Liêu dự “Festival Đờn ca tài tử”, tôi đã đến thăm chùa Vĩnh Phước An để tìm dấu chân của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Tại đây, tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cảnh hàng chục trẻ nhỏ bị bỏ rơi, trong đó có nhiều trẻ mắc bệnh hiểm nghèo, đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Nhà nuôi dạy trẻ mồ côi của chùa. Hơn một trăm năm trước, chính ngôi chùa này cũng đã từng cưu mang một đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh tên Sáu Lầu, là tiền đề giúp Cao Văn Lầu phát triển tài năng về sau. Thuở ấy, thấy gia đình ông Chín Giỏi quá nghèo nên Hòa thượng Minh Bảo trụ trì chùa Vĩnh Phước An đã đến gặp ông Chín Giỏi xin cho đứa con trai tám tuổi Sáu Lầu vào chùa ở để nhà chùa nuôi dạy, chia sẻ gánh nặng với gia đình. Kể từ đó, “chú tiểu” Sáu Lầu ngày kinh kệ, tối được nhà sư dạy chữ Nho. Ngôi chùa tôn nghiêm ngày nay vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ kính của hơn trăm năm trước, vì vậy mà tôi tin rằng trong chánh điện ngôi chùa vẫn còn in dấu chân của cậu bé Sáu Lầu hàng ngày quỳ trước Phật đài đọc kinh. Còn phía sau hậu liêu, những băng ghế đã mòn nhẵn vì thời gian hẳn từng được cậu bé Sáu Lầu mài đũng quần mỗi đêm để học chữ Nho. Nhờ vốn liếng chữ nghĩa được học ở chùa Vĩnh Phước An, Sáu Lầu tiếp tục theo học chữ Quốc ngữ đến tương đương với lớp bốn ngày nay, nền móng học vấn vừa đủ để ông tập tành sáng tác khi theo học thầy đờn nổi tiếng ở Bạc Liêu là Nhạc Khị.
        Nhân dịp “Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất năm 2014”, tỉnh Bạc Liêu đã làm một việc rất đáng làm, đó là xây dựng khang trang Khu lưu niệm Cao Văn Lầu và Đờn ca tài tử Nam Bộ tại nơi ông Sáu Lầu trưởng thành, cũng là nơi vợ chồng ông yên nghỉ sau cùng. Trong khu lưu niệm có trưng bày mô hình ban nhạc đờn ca tài tử đang biểu diễn, mà người cầm cây đờn kìm là thầy Nhạc Khị. Cũng trong Khu lưu niệm, ở cuối khuôn viên, có bốn ngôi mộ đá màu xanh, bia mộ màu hồng, hai trong số đó là của vợ chồng ông Chín Giỏi, hai ngôi còn lại là của vợ chồng Cao Văn Lầu – Trần Thị Tần. Đối với những người trong giới đờn ca tài tử, tên bà Trần Thị Tần gợi lên nhiều cảm xúc, dù bà không biết đờn hát. Năm hai mốt tuổi, Cao Văn Lầu vâng lệnh cha mẹ đi cưới vợ là cô Trần Thị Tần. Khi ngón đờn của Sáu Lầu đã có chiều sâu, ông bắt đầu tập tành sáng tác, thì một câu chuyện bi thương đã đến với ông. Cuộc sống vợ chồng Sáu Lầu rất mặn nồng, hạnh phúc, nhưng khốn nỗi vợ chồng ông sống với nhau đã ba năm mà bà vẫn chưa có dấu hiệu thai nghén. “Tam niên vô tử bất thành thê!”. Theo tục xưa, vợ chồng ông Chín Giỏi buộc con trai là Sáu Lầu phải trả vợ về nhà cha mẹ ruột và bắt ông đi cưới vợ khác sinh con nối dòng. Không thể trái lời cha mẹ, Sáu Lầu đành trả bà Tần về cho gia đình bên vợ, nhưng không chịu cưới vợ khác. Hễ có dịp đi chơi đờn ở đâu đó là ông lén gia đình ghé thăm vợ. Về nhà, đêm đêm ông Sáu Lầu ngồi ôm đờn thẫn thờ nhớ về người vợ bất hạnh.
        Nghĩ cũng lạ, suốt ba năm trời vợ chồng Sáu Lầu đêm đêm gần gũi bên nhau mà bà không có thai, vậy mà chỉ đôi lần hai người lén lút gặp nhau một cách vội vã đã làm bà Tần thụ thai, nhờ đó mà gia đình cho hai người được sum hợp trở lại. Sau đó bà Tần sinh liền cho Sáu Lầu một mạch sáu đứa con. Người đời sau phải cảm ơn sự cắc cớ nói trên của số phận, vì nhờ một năm xa nhau của vợ chồng Sáu Lầu, nhờ tình yêu thương vô bờ với người vợ bị xua đuổi, mà Sáu Lầu đã viết nên bài “Dạ cổ hoài lang” bất hủ để lại cho đời. Đó là năm 1917, trong tâm trạng nhớ thương vợ, ông Sáu Lầu viết bài nhạc hai mươi câu nhịp đôi mà chưa kịp đặt tên: “Từ là từ phu tướng - Báo kiếm sắc phán lên đàng - Vào ra luống trông tin nhạn - Năm canh mơ màng - Em luống trông tin chàng - Ôi gan vàng thêm đau - Đường dầu sai ong bướm - Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang…”. Tết Trung thu năm đó, Sáu Lầu cùng các bạn đến thăm thầy, luôn tiện trình bày bản nhạc chưa có tên nói trên, được thầy Nhạc Khị khen hay. Đêm đó có nhà sư Nguyệt Chiếu cùng tham dự, thầy Nhạc Khị liền nhờ nhà sư đặt tên cho bản nhạc. Nhà sư suy ngẫm một hồi và đặt tên cho bài hát là "Dạ cổ hoài lang", cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong làng âm nhạc nước nhà suốt một thế kỷ sau đó. Bài “Dạ cổ hoài lang” hai mươi câu nhịp đôi ban đầu của Sáu Lầu đã được giới nhạc sĩ ở Bạc Liêu nâng lên nhịp tư, nhịp tám, nhịp mười sáu, rồi nhịp ba mươi hai… với một cái tên mới “Vọng cổ”, bản nhạc có tác dụng kích thích thích mạnh mẽ sân khấu cải lương phát triển trên cả nước.
     Theo những người trong giới đờn ca tài tử, vào thời ấy trên đất Nam Bộ có nhiều danh cầm đờn kìm, nhưng không ai qua được tiếng đờn kìm của Nhạc Khị ở Bạc Liêu. Khi đến Bạc Liêu, tiếng đờn kìm giản đơn mà phóng khoáng như càng phù hợp với đất và người nơi đây. Vùng Bạc Liêu xưa đất rộng, người thưa nên cũng hình thành phong cách “ăn to nói lớn”, nói năng thật rõ, thật to để cho người nghe hiểu thông ý mình. Trong nói năng, họ không đôi co dài dòng, không rào trước đón sau, mà chủ yếu là tinh thông nghĩa lý, đi thẳng vào câu chuyện. Giữa “Quân tử cầm” (cây đờn kìm) và vùng đất, con người Bạc Liêu như có sự giao thoa, hòa quyện vào nhau ở sự phóng khoáng mà giản đơn. Tính cách phóng khoáng, “chịu chơi” của những người chơi đờn ở Bạc Liêu càng làm tiếng đờn kìm thêm thăng hoa. Ở chiều ngược lại, tiếng đờn kìm bay bổng càng làm cho người Bạc Liêu thêm phóng khoáng, bộc trực, thẳng thắn, nhiệt tình, hiếu khách… Một sự giao thoa, tác động qua lại giữa một nhạc cụ và con người - một hiện tượng văn hóa độc đáo ra đời trên vùng đất Nam bộ. Thật dễ hiểu khi ngày nay trên đất Bạc Liêu hình ảnh nhạc sĩ Cao Văn Lầu ôm cây đờn kìm xuất hiện khắp mọi nơi.
       Tại Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại thành phố Bạc Liêu, khách có thể hình dung được cảnh người xưa chơi đờn ca tài tử và vị thế của cây đờn kìm trên chiếu nhạc năm xưa. Bạc Liêu chọn cây đờn kìm làm biểu tượng văn hóa của tỉnh đã thể hiện được tất cả tính cách của con người nơi đây. Theo ông Võ Văn Dũng – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, khi xây dựng quảng trường Hùng Vương để chuẩn bị cho Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất năm 2014, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu bàn chọn xây dựng biểu tượng văn hóa của tỉnh với phương châm phải thể hiện được tất cả tính cách của con người nơi đây. Ở Bạc Liêu, có thể việc này việc nọ còn có ý kiến trái chiều, phải bàn đi tính lại, nhưng việc chọn cây “Đờn Kìm” làm biểu tượng văn hóa của tỉnh, đặt trang trọng tại trung tâm quảng trường Hùng Vương, đã nhanh chóng đạt được sự đồng thuận cao trong lãnh đạo, cơ quan chuyên môn và nhân dân. Để rồi, mô hình cây đờn kìm cách điệu đặt tại quảng trường Hùng Vương giờ đây được xem là điểm nhấn độc đáo về biểu tượng của tỉnh Bạc Liêu. Biểu tượng “Đờn Kìm” trên quảng trường Hùng Vương đã lột tả đầy đủ sự trân trọng của nhân dân tỉnh Bạc Liêu với những giá trị truyền thống, đồng thời thể hiện cái nôi của Đờn ca tài tử Nam Bộ, làm tăng sức hút đối du khách gần xa khi đến với quê hương của Hắc Công tử Trần Trinh Huy (Công tử Bạc Liêu).
     Theo nghệ nhân Võ Trường Kỳ, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Long An, người có nhiều năm nghiên cứu về Đờn ca tài tử Nam bộ, Bạc Liêu được chọn tổ chức Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất là hoàn toàn xứng đáng so với những gì mà vùng đất này đã làm với tư cách một trong những cái nôi của bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Cùng với Bạc Liêu, tỉnh Long An cũng đã góp công rất lớn vào sự hồi sinh kỳ diệu của bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Rồi Long An cùng với Bạc Liêu và nhiều tỉnh, thành khác, đã dày công làm hồ sơ, thủ tục để trình ra thế giới, làm cho nhân loại biết đến và tôn vinh loại hình âm nhạc này. Những người may mắn trong Đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp lần thứ tám của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức ở Baku, thủ đô nước Công hòa Azerbaijan, tháng 12 năm 2013 để xem xét vinh danh Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam, không thể quên cảm giác xúc động khi nghe tiếng búa gõ xuống quyết định công nhận Đờn ca tài tử Nam Bộ của việt Nam là “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, tất cả đại biểu trong đoàn Việt Nam đã vui mừng không kìm được nước mắt, tay ai cũng run run giương cao lá cờ Tổ quốc... Việc Đờn ca tài tử Nam Bộ được vinh danh cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình âm nhạc này của Việt Nam, đồng thời chứng tỏ sức sống của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hoá thế giới. Đờn ca tài tử Nam Bộ chính thức bước lên một tầm cao mới, trở thành một di sản vô giá không chỉ của Việt Nam mà còn là của nhân loại. Trong đoàn đại biểu Việt Nam dự phiên họp ở Baku ngày hôm đó, có vài người mang theo bên mình chân dung nhạc sĩ Cao Văn Lầu và đã giương cao trong lễ vinh danh, như thể người nhạc sĩ còn sống và có mặt nơi xứ người.
        Ra đi từ làng Thuận Mỹ bên sông Vàm Cỏ cùng với người cha và cây đờn kìm để về vùng đất hứa Bạc Liêu, Cao Văn Lầu đã in đậm dấu chân trên suốt cuộc hành trình đưa Đờn ca tài tử Nam Bộ trở nên phổ quát trên cả nước và chinh phục trái tim yêu thích âm nhạc của nhân loại.
 
 
 
Từ khóa: văn học
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 10

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 9


Hôm nayHôm nay : 2470

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 74732

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10819955