Thứ bảy 27/07/2024

NỘI DUNG CHÍNH

XÓM RẠP HÁT CỦA TÔI

XÓM RẠP HÁT CỦA TÔI

XÓM RẠP HÁT CỦA TÔI


      Đỗ Minh Tiến

Xóm tôi là một xóm nhỏ thuộc khu phố Thủ Khoa Thừa 2, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa. Xóm nằm trọn trên con đường đá đỏ Nguyễn Văn Thời dài tầm 300 mét. Xóm tôi “đâu lưng” với xóm Lò Heo, một phần giáp xóm Giếng Nước và nằm ngoài rìa khu vực chính của chợ huyện Thủ Thừa.
Nhiều người dân Thủ Thừa gọi xóm tôi là Xóm Rạp Hát. Hồi nhỏ, thắc mắc, tôi hỏi má: “Vì sao người ta gọi xóm mình là xóm Rạp Hát, hả má?”. Má cười và nói: “Sở dĩ có tên là xóm Rạp Hát vì ngay trung tâm xóm có một rạp chiếu bóng!”. Rồi má chậm rãi giải thích: “Rạp chiếu bóng đã có từ những năm 40 của thế kỷ trước. Ban đầu rạp mang tên rạp Nguyễn Văn Hợi - tục gọi ông Ba Chà, vốn người xóm Nhà Thờ chủ xây dựng rạp”.
Theo bác tôi kể lại, trước năm 1975, rạp vừa chiếu bóng vừa là nơi trình diễn của nhiều đoàn cải lương lúc bấy giờ nên người sở tại thường gọi là rạp hát. Các nghệ sĩ Lệ Thủy, Hùng Minh, Thanh Sang, Phương Quang… đã từng nhiều lần về đây biểu diễn. Thời đó, dân xóm tôi coi việc gặp được nghệ sĩ nổi tiếng là một việc rất bình thường. Sau này, tôi bất ngờ khi đọc tác phẩm “Tấm ván phóng dao” của nghệ sĩ Mạc Can, có một đoạn mô tả về rạp hát xóm mình:
“…Chúng tôi xuống miệt Thủ Thừa, Mộc Hoá, bên kia sông Thủ Thừa là Đồng Tháp Mười… Rạp Thủ Thừa khá lớn, nó nằm hơi xa chợ, đêm diễn đầu tiên không bao nhiêu khán giả, không khí trong huyện nhỏ có cái gì khá căng thẳng. Bên kia sông, máy bay chúi xuống cánh đồng, có tiếng bom nổ rền và những đụn khói, đêm thứ hai lên màn cũng không hào hứng,…”
Sau năm 1975, rạp hát quay lại công việc chiếu bóng của ngày cũ, chủ yếu chiếu các phim Ấn Độ và các phim mì ăn liền Việt Nam. Có phim gì mới, rạp sẽ thuê họa sĩ vẽ một bức tranh quảng cáo ngay trước cửa rạp. Tôi nhớ có thời gian rạp chiếu các bộ phim Hồng Hải Tặc và Kế hoạch 99, khách xem đông nghịt, cuối tuần rạp phải tăng thêm suất chiếu. Nhiều người trong xóm cũng mang cóc ổi, mía ghim bán cho khách xem phim. Má tôi bán khô mực, kiếm cũng được đồng ra đồng vào. Tụi con nít chúng tôi thì coi miễn phí, có khi đợi chú soát vé “xả giàn” hoặc phải tìm người lớn xin đi ké vào chung, chú soát vé biết rõ như làm lơ cho qua. Vào trong rạp, tụi tôi tìm góc khuất nào đó ít ai để ý mà ngồi thưởng thức. Có phim, tụi tôi coi 3-4 lần, thuộc từng tình tiết mà vẫn không biết chán.
Năm 1996, rạp hát được xây dựng lại. Có thêm cửa hàng cho thuê băng từ, chủ yếu là phim bộ Hồng Kông. Thường đến buổi chiều tối, băng mới mang từ Tân An về. Một vài nhà trong xóm tôi luôn được mướn trước, cả xóm tụ lại xem. Cũng từ đó, tụi con nít chúng tôi mê mẩn từ Thiên Long Bát Bộ, Thần Điêu Đại Hiệp đến Hồ sơ trinh sát, Tế Điên hòa thượng… Đầu những năm 2000, Ủy ban nhân dân thị trấn tổ chức những buổi “Hát với nhau” vào cuối tuần tại rạp hát, lúc đầu thanh niên tham dự rất đông, hào hứng nhưng lần hồi thưa dần.
Xóm tôi có trên dưới bốn mươi gia đình, người Việt và Hoa sinh sống đan xen nhau. Phần đông làm nghề buôn bán tại chợ Thủ Thừa hoặc làm nghề giáo viên. Mỗi lần má nhờ tôi ra chợ mua một vài thứ gì đó thì y như tôi đi dạo trong xóm, vì nhìn đâu cũng thấy mấy bà, cô chú hàng xóm. Theo nghiệp dạy học ngoài ba má tôi còn có thím Chín Năng, vợ chồng bác Hai Sơn, cô Phụng và cô Mầu… Bác Hai Sơn và thím Chín là giáo viên chủ nhiệm lớp 4 và lớp 5 của tôi. Đó là học chính thức, còn học thêm hè thì má tôi dạy tại nhà, tụi con Ngọc, con Thảo, bé Ba, thằng Tiết, thằng Lâm… được ba má tụi nó gửi học chung. Thành ra trong xóm tôi, đứa nào cũng ít nhất một lần làm học trò của má tôi.
Những ngày hè, ngoài giờ học ở lớp má tôi dạy, toàn thời gian là những trò nghịch ngợm của tụi con nít chúng tôi. Chỉ riêng trong phạm vi xóm nhỏ mà tụi tôi có biết bao nhiêu là trò chơi. Trước rạp hát có một khoảng sân rộng bằng xi măng, chỗ này cũng là sân chơi của tụi con nít chúng tôi, nào là “năm-mười”, tạt lon, nhảy dây, bắn đạn, đánh cầu lông… đủ hết. Tạt lon là trò tôi giỏi nhất.
Nhiều nhà trong xóm tôi lúc đó đều có hàng rào cây bông bụp nên cái trò làm bong bóng bằng lá bông bụp cũng là một trò rất quen thuộc. Tụi tôi hái lá, vò nhuyễn, thêm ít nước và xà bông, lược lại là thành một dung dịch sền sệt để chơi; đồ thổi thì tụi tôi dùng nhưng cây chân nhang trên mấy bàn thờ thiên của mấy ngôi nhà trong xóm, bẻ thành hình tam giác có que dài, cứ vậy mà thổi. Thi xem ai thổi nhiều bong bóng hoặc ai thổi bóng to nhứt, lâu bể nhất.
Nhiều gia đình trong xóm là bà con, họ hàng gần gũi với nhau; các anh em ra riêng và ở cùng chung một xóm. Như gia đình tôi có quan hệ họ hàng với năm gia đình khác trong xóm, mức độ xa gần có khác nhưng ở chung xóm thành ra mối quan hệ cũng rất thân thiết, không cần phải “bán bà con xa, mua láng giềng gần”.
Vào các dịp đám cưới, tang ma, giỗ quảy; không cần bảo nhau, mỗi gia đình đều sắp xếp thời gian đến “phụ giúp một tay”. Nhà cho mượn cây che trại, nhà cho mượn bàn ghế, vài chục chén dĩa; những vật này đều có ký hiệu riêng của từng nhà, nên sau khi sử dụng gia chủ chỉ cần xem và trả lại đúng chủ. Nhà tôi là một trong số ít nhà trong xóm có bộ bàn ghế dài gia tiên nên hầu như gia đình nào có đám cưới cũng đến hỏi ba má tôi mượn trước vài ngày. “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” là vậy.
Những ngày giáp Tết, ngay xóm tôi, chính quyền địa phương thường tổ chức văn nghệ “Mừng Đảng - Mừng Xuân” cho bà con trong cả thị trấn xem giải trí. Sân khấu được dựng bên hông rạp hát, trước nhà tôi là cánh gà sân khấu nên tôi chỉ việc ngồi trong nhà mà thưởng thức, không chen lấn như những người khác. Buổi diễn là một buổi tạp kỹ đúng nghĩa, đội lân Long Thạnh Đường của chùa Long Thạnh ở xóm Giếng Nước mở đầu với các màn múa Mai Hoa Thung, lân leo cột… và các tiết mục xiếc, tấu hài, tân cổ giao duyên của các nghệ sĩ từ thành phố Hồ Chí Minh về. Tôi nhớ, trong đoàn nghệ sĩ đó luôn có mặt diễn viên Lê Quang nổi tiếng với vai diễn Võ Tòng trong phim Đất Phương Nam vang danh một thời, bài tủ của chú là “Bài Ca Đất Phương Nam”, năm nào khán giả cũng yêu cầu chú hát bài đấy.
Ngày Tết, đa phần các gia đình bận rộn buôn bán tại chợ huyện nên ít nhà tự tay gói bánh tét, bánh ít. Thường mọi người đặt bánh bà Tám Bánh Tét - thương hiệu bánh tét ngon nổi tiếng khắp thị trấn vài chục năm. Mỗi nhà đều có vài đòn bánh cúng ông bà, đãi khách trong ba ngày Tết.
Giờ đây, Rạp Hát Thủ Thừa  là nhà văn hóa sinh hoạt chung của khu phố. Từ lâu lắm rồi, nó không còn chiếu một suất phim nào nữa. Con đường Nguyễn Văn Thời đã trải nhựa khang trang, lề đường thẳng tắp nhưng những cây cỏ, những hàng rào bông bụp tươi tắn của ngày cũ... cũng không còn! Tụi con nít ngày xưa, năm nào giờ cũng đã là người trung niên, bề bộn cơm áo có gia đình. Vì cuộc mưu sinh đã phiêu bạt bốn phương, tản mác nhiều nơi, họp mặt nhau chỉ đôi ba ngày Tết. Chạnh lòng, tôi bâng khuâng nuối tiếc!
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 110

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 109


Hôm nayHôm nay : 5346

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 367008

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 9846553