Chủ nhật 28/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

MỘT NGÀY TRÊN NGUYÊN QUÁN ANH HÙNG NGUYỄN TRUNG TRỰC

      Tôi gốc người Bình Định, nguyên quán của anh hùng Nguyễn Trung Trực, nhưng chưa rõ nơi ông bà đời trước của cụ Nguyễn - cách gọi của dân miền Tây Nam bộ tôn kính Nguyễn Trung Trực - vì sống lâu năm ở Long An, mỗi lần về quê tôi hay bị lạc đường do những đổi thay làm tôi lạ lẫm. Câu thơ “Điếu Nguyễn Trung Trực” của Đoàn Nguyên Phúc:“Vĩnh Lợi quê hương gốc bản làng/ Vào Nam Trung Trực sống Long An” dẫn dắt tôi tới làng chài Vĩnh Lợi ở bên kia cửa biển Đề Gi quê tôi, nơi vừa ra đời một cây cầu bê tông cốt sắt bắc qua cửa biển gác lên chân núi Lang.“Đề Gi có ngọn Lang Sơn/Có đầm Đạm Thủy sóng dờn dợn xanh/ Có thơ, có rượu, có tình/ Có trăng, có gió, có mình ở trong”(thơ nữ sĩ Mộng Tuyết). 
       Nhưng khi đặt chân lên làng chài Vĩnh Lợi, tôi không tìm được dấu tích tổ tiên cụ Nguyễn. Tôi đành đi ngược lại cầu Đề Gi rồi theo đường 632 bốn làn xe đi về phía núi Bà qua vùng Cát Hải (Phù Cát, Bình Định). Ngày xưa, ở vùng bán sơn địa này có câu hát:“Anh về em cũng muốn theo. Sợ truông cát nóng, sợ đèo đá dăm. Đá dăm anh lượm đã rồi/Truông kia cát nóng anh bồi bùn non”. Không có lối đi nào ngoài con truông, tức cái hóc sâu ngập cát, thêm cái nắng như nung làm bỏng chân người mà còn phải băng lên đường đèo đầy đá dăm bén nhọn. Chỉ có tình yêu mới đủ sức mạnh để chàng trai nhặt hết đá dăm và gánh bùn non phủ lên cát nóng rồi dắt người yêu về với quê mình. Sống ở nơi heo hút sơn khê như vậy, nên tổ tiên cụ Nguyễn đã đưa nhau xuống ghe bầu rời đi phương Nam tìm đất sống. Và họ đã tìm được “đất hứa” ở Long An để cắm dùi và tiếp nối nghề chài lưới trên các sông rạch, rồi sinh ra cho đất nước một anh hùng đã làm nên hai chiến công hiển hách đi vào lịch sử ngay từ ngày đầu chống Pháp, đó là “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa; Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần” (thơ Huỳnh Mẫn Đạt).
      

      Bây giờ không còn cái “truông cát nóng”, cái “đèo đá dăm” nữa, mà là đường nhựa thênh thang giữa một bên bờ biển, một bên chân núi luôn lộng gió với tiếng sóng biển Đông hòa nhịp cùng tiếng chim núi Bà hợp xướng bản trường ca bất tận của thiên nhiên. Từ xa tôi đã thấy một tảng đá khổng lồ in màu tím thẫm trên nền xanh sườn núi Bà, và cái cổng tam quan uy nghiêm với bảng tên “Đền thờ Nguyễn Trung Trực” nổi bật trên “tấm phông” tảng đá khổng lồ kia! Vậy là tôi đã đi đúng địa chỉ nguyên quán cụ Nguyễn rồi. Một tấm bia ghi tóm tắt tiểu sử cụ Nguyễn: “Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1838-1868) sinh tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An, nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Nguyên quán xóm Lưới, làng Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định” (ghi đúng nguyên văn).
      Tôi ngước mắt rảo qua toàn cảnh khu đền thờ vị anh hùng xuất thân từ “Người chài trụ đá khúc gian truân (thơ Huỳnh Mẫn Đạt khóc Nguyễn Trung Trực). Một khung cảnh uy linh, hùng vĩ với những ngôi đền cùng một phong cách kiến trúc mái cong ngói ống màu tím sậm trải lên triền núi Bà mà ở góc nhìn nào cũng thấy cái “ông đá” khổng lồ màu tím thẫm kia! Phải chi có cái thang cao, tôi sẽ leo lên đó mà ngắm nguyên quán cụ Nguyễn cho thỏa lòng ao ước lâu nay!
      Tôi bước vào ngôi đền chính đồ sộ, uy nghiêm trên triền núi. Nội thất sáng rực màu sơn son thếp vàng từ các bức chạm trổ mỹ thuật công phu. Có lẽ chỉ ở nơi núi rừng giàu có các loài danh mộc cổ thụ, mới tạo được cái giá trị nội thất sang trọng như thế này. Trên bàn thờ chính, bức tượng đồng bán thân của người anh hùng kháng Pháp đặt sau lư hương còn nguyên vẹn mâm lễ vật dâng cúng của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, thể hiện sự trân trọng tưởng nhớ danh nhân lịch sử của lãnh đạo địa phương tại kỳ giỗ Nguyễn Trung Trực lần thứ 154 diễn ra vào đầu xuân 2023.
      Tỉnh Bình Định đã khéo chọn điểm xây dựng khu đền thờ Nguyễn Trung Trực. Từ đây đi về cánh trái khu đền là các điểm du lịch sinh thái - lịch sử - văn hóa và tín ngưỡng tâm linh. Bắt đầu từ bãi tắm Trung Lương với những tảng đá de ra mé biển, thiên nhiên đã khéo tạo hình phong thủy tự nhiên. Có chỗ ngỡ như thắng cảnh Hòn Chồng (Nha Trang) với hàng đá tảng lớn, nhỏ chồng lên nhau và sóng biển miệt mài trau chuốt mỹ thuật. Màu nước trong xanh như thủy tinh soi rõ mọi vật thể dưới đáy cát trắng tinh. Bờ biển mải miết chạy theo chân núi. Leo dọc triền núi tới khu tâm linh Phật giáo với tượng Phật Thích ca Mâu ni tọa bàn thiền trên đài sen khổng lồ ở chót vót một đỉnh núi con của dãy núi Bà, được xem là tượng Phật ngồi cao lớn nhất Đông  Nam Á hiện nay. Đứng trên thành hồ sen trên triền núi nhìn lên, tôi không sao đếm hết có bao nhiêu bậc đá từ dưới lên trên chân tượng. So với độ cao của đền Yamadera Risshakuji của Phật giáo Nhật Bản ở đỉnh núi Hoju, tỉnh Yamagata, xây dựng từ năm 860, với 1.015 bậc đá, thì đường lên tượng Phật ngồi này có sánh nổi không?
      Và tôi đã phải đi xe ôm chạy vọt lên lưng chừng tượng đài Phật ngồi, để nhìn xuống chân núi là xóm Lưới làng Vĩnh Hội trải dọc rìa chân núi Bà như một tấm thảm thêu phong cảnh làng quê rất đỗi thanh bình. Nguyên quán của anh hùng Nguyễn Trung Trực chưa đô thị hóa như nhiều xóm/ làng chài khác trên cùng bờ biển Đông. Dù sao tôi cũng cảm nhận ra cái vẻ “địa linh” ở nơi nước non hùng vĩ này!
      Kế bên khu tượng Phật ngồi là quần thể Linh Phong Thiền tự, tục gọi chùa Ông Núi (do không rõ tục danh vị thiền sư sáng lập chùa, nên dân gian gọi Ông Núi, vì ông chỉ sống ở núi). Nhiều ngôi chùa xúm xít nhau ẩn trong rừng cổ thụ trên lưng chừng núi. Theo lời kể, ban đầu có một dị nhân mặc áo cà sa bằng vỏ cây, ăn lá và trái cây mà sống ở miết trên núi, chỉ khi dưới núi có dịch bệnh tràn lan sư mới xuống núi, mang đủ thuốc để chữa đến dứt bệnh cho dân rồi...biến ngay lên núi. Truyền thuyết về nhân vật bí ẩn này lắm điều hư hư thực thực. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) từng ban cho sư đạo hiệu Tịnh Giác Thiền Trì Đại Lão Thiền Sư. Về sau, chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) có ân tứ cho sư một bộ cà sa gắn vòng ngọc móc vàng, sư chỉ nhận rồi để đó chớ không bao giờ mặc, mà chỉ mặc độc bộ áo cà sa bằng vỏ cây do sư tự chằm lấy. Ông Núi tu trong cái hang đá cùng với cặp cọp mun khổng lồ mà thân thiện với con người. Tôi đã chui vào lòng hang tối om lạnh gáy ấy, chẳng thấy gì cả ngoài tượng Ông Núi bằng đá lạnh tanh! Quanh khu chùa dày đặc các dòng suối nhỏ từ trong ruột núi chảy róc rách ra, trong veo, mát lạnh. Tôi gặp nhiều tảng đá khắc thơ bằng chữ thư pháp mạ vàng. “...Nguồn đạo thơm thanh mạch suối đầy/ Suối chảy quanh chùa, chùa vịn núi/ Núi nằm ôm biển, biển sanh mây”; “Cây che, đá chất chập chồng/ Biển giăng dưới núi, chùa lồng trong mây”...(thơ Quách Tấn). Danh sĩ Đào Tấn - vua soạn tuồng hát bội miền Trung - từng ẩn tu ở đây và lưu lại nhiều bút tích thơ văn ngợi ca cảnh tiên chùa Ông Núi.
      Nguyên quán anh hùng Nguyễn Trung Trực ngày nay đã biến đổi rất nhiều. Tôi tiếc mình không đủ điều kiện để tìm hiểu cho hết gốc tích dòng họ và hậu duệ cụ Nguyễn ở đây. Hy vọng bà con Long An khi có dịp đi du lịch trên miền “đất võ trời văn” Bình Định sẽ “về nguồn” nguyên quán cụ Nguyễn và khu đền thờ cụ, đồng thời trải nghiệm với khung cảnh sinh thái văn hóa tâm linh trên đây.

Quang Hảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 37

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 36


Hôm nayHôm nay : 7223

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 282221

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8740322