Thứ năm 12/09/2024

NỘI DUNG CHÍNH

KÝ ỨC VỀ MẸ


 
       XUÂN KIM BẢO

 
          Mẹ tôi là một nhân tố khiêm tốn trong gần 140 ngàn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của cả nước. Nhưng trong tâm trí tôi mẹ luôn luôn là một hình mẫu thiêng liêng, cao cả.
         Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, thế hệ hôm nay không còn thấy cảnh bom rơi, đạn nổ, không còn nghe mùi thuốc súng mỗi lúc bình minh,
         Không còn nơm nớp lo âu khi màn đêm buông xuống.
         Sống trong cảnh thanh bình khi đất nước vươn mình đổi mới, hầu như mọi người đang hối hả, tất bật với cuộc sống, với những bộn bề lo toan, nhưng trong tâm trí tôi không thể quên đi những tháng năm lầm than, cơ cực…
         Nhìn sự phát triển của xã hội hiện đại tôi càng nhớ về mẹ tôi da diết. Hồi đó chiến tranh loạn lạc đúng như câu “Nước mất nhà tan” gia đình tôi phải tha phương cầu thực, sống lây lất trong các bờ đìa, dưới các tán cây với nhà tranh, cột gỗ thấp lè tè khi vào người lớn phải khom lưng vì không dám làm nhà cao, mục đích là một phần chống lại các cơn mưa bão, một phần cũng ngụy trang dưới con mắt dọ thám của máy bay “Quân đội quốc gia”. Chiều xuống tầm 16h thì cơ man nào là muỗi, có hôm phải ăn cơm trong mùng, buổi tối thì chỉ đốt một cái đèn dầu lửa leo lét tầm hơn một giờ đồng hồ phải tắt để tiết kiệm dầu và đối phó với mạng lưới dọ thám từ máy bay hay biệt kích. Rồi mùa lũ năm 1966 nước ngập trắng đồng, lúc này quân đội Việt Nam Cộng hòa kết hợp với phi thuyền của quân đội Mỹ càn quét, bắn phá khắp nơi buộc cư dân ở vùng Trấp Tre, kênh 61 (thuộc xã Bình Thạnh, Mộc Hóa và xã Tân Hiệp, Thạnh Hóa ngày nay) phải chạy qua Campuchia lánh nạn.
        Từ chuyến “xuất ngoại” bất đắc dĩ naỳ anh Hai tôi đã “bén duyên” với quân đội Giải phóng và xin phép mẹ tòng quân cứu nước. Lúc ấy mẹ tôi như pho tượng, mẹ không khóc nhưng tôi thấy đôi mắt mẹ như có những giọt sương long lanh qua ánh đèn dầu… Tôi ngủ thiếp đi, sáng hôm sau thức dậy, tôi không thấy anh. Tôi hỏi mẹ, mẹ tôi trầm ngâm: “Nó tòng quân rồi “. Và từ đó tôi không gặp anh nữa.
         Mùa xuân Mậu Thân 1968, lúc đó tôi nghe Đài Phát thanh Giải phóng phát dồn dập tin chiến sự nhưng mẹ tôi tỏ ra bồn chồn, ít ăn, ít ngủ và có biểu hiện trầm cảm, thỉnh thoảng mẹ lại khóc.  Độ một tháng sau mẹ nghẹn nào ôm tôi và nói: “Anh Hai con không về nữa…”, rồi mẹ lại khóc…!!!
        Chiến tranh cứ thế kéo dài, rồi một hôm anh thứ ba của tôi vắng nhà bí ẩn mà hầu như mấy người lớn trong nhà không ai quan tâm, sự tò mò của tôi lên đỉnh điểm khi tôi ráng năn nỉ thì mẹ tôi trầm ngâm đáp: “Nó theo Bộ đội rồi”.
        Thời gian cứ thầm lặng trôi, ở trong Ba Thu, đất Campuchia, thời điểm này rất vắng vẻ, hàng ngày tôi đi cắm câu, bắt cá, tối hôm nào có mấy chú Bộ đội đóng quân gần thì mười mấy người ở xóm được các chú dạy đánh vần chữ nghĩa I, Tờ… nếu không thì vô mùng, vô nóp lăn ra ngủ.
        Năm 1970 đối phương mở cuộc hành quân với quy mô cực lớn tràn sang lãnh thổ Campuchia nhằm tiêu diệt Quân giải phóng, lúc này dưới mặt đất xe tăng lúc nhúc, trên trời máy bay dày đặc, bắn phá bất kỳ địa điểm nào mà họ nghi có quân Giải phóng, xác chết của thường dân và trâu bò nằm rải rác cả một vùng rộng lớn. Thấy số dân còn sống sót, từ trên trực thăng họ phát loa kêu gọi mọi người kéo cờ trắng, rời vị trí ẩn nấp và tập trung lên một gò cao rồi dùng xe tăng quây vòng tròn lại, họ thẩm vấn và bắt đi một số người nghi vấn, độ ba ngày sau họ kêu một chiếc máy bay “Sâu rọm” chở khoảng hơn trăm người về Tây Ninh. Tại đây họ giăng sẵn khẩu hiệu “Ai ơi của ít lòng nhiều; dang tay đón rước Việt kiều hồi hương” và gia đình tôi đã trở thành Việt kiều hồi hương từ đó.
        Bắt đầu cuộc sống mới chưa lâu ở Tây Ninh thì mẹ tôi lại khóc. Một điều rất lạ là khi đang khóc mà có khách tới là mẹ tôi tươi tỉnh như chẳng có chuyện gì, thấy thái độ của mẹ, tôi tò mò hỏi thì mẹ nói: “Con nít đừng có nhiều chuyện”.
       Ngày 30/4/1975, Quân Giải phóng tràn về, cờ hoa rực rỡ… Nhà nhà vui như hội. Lúc này mẹ mới nói với tôi: “Anh ba con đã hy sinh hồi năm 1970, vì sợ mật thám nên mẹ giấu các con…”…và nước mắt mẹ lại rơi.
       Sau hòa bình không lâu thì biên giới Tây Nam lại bị quân Pol Pot quấy nhiễu, dù kinh tế rất khó khăn, sức khỏe của Tía tôi bị ảnh hưởng do tù đày nhưng mẹ vẫn tiếp tục cho bốn người con thoát ly theo con đường cách mạng.
       Khi làm hồ sơ phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, làng xóm, chính quyền đến chúc mừng, mẹ tôi nghẹn lời: “Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau người mẹ mất con, nhưng tôi cũng tự hào vì các con tôi sớm biết theo con đường chính nghĩa, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước”. 
       Mẹ tôi giờ không còn nữa nhưng ký ức về mẹ vẫn hằn sâu trong tâm não.
       Mẹ tôi như cội mai già
       Mỗi mùa xuân đến dâng hoa cho đời
       Mẹ tôi vời vợi trên cao
       Như mây, như gió, như sao trên trời./.
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 34


Hôm nayHôm nay : 2705

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 108846

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10332932