Thứ sáu 13/06/2025

NỘI DUNG CHÍNH

Ký sự: Chuyện một nhà sư học tập và làm theo Bác Hồ

       Một lần, khi đi dự Hội nghị tuyên dương các điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp tỉnh, tôi hơi bất ngờ khi thấy trong số những tấm gương xuất sắc nhất có một nhà sư. Đến khi nghe giới thiệu vị sư ấy (Đại đức Thích Quảng Tâm, thường gọi là Thầy Út) trụ trì một ngôi chùa ở Thủ Thừa quê tôi, tôi quyết định tìm đến ngôi chùa đặc biệt ấy.

         
         Ngôi chùa có tên Long Thạnh nằm trong hẻm sâu ở thị trấn Thủ Thừa. Chùa không có sân rộng như bao chùa khác mà tôi từng đến, vừa qua cổng chùa là đụng ngay cửa vào chánh điện. Tượng Phật Thích Ca lớn hơn kích thước người thật một chút cùng các tượng phật khác nhỏ hơn ngự trị uy nghiêm trên đài cao, sau lưng là bức tường đắp nổi cảnh cánh rừng bồ đề nơi Phật thành đạo. Chánh điện vắng tanh, từ trước ra sau không một bóng 2người. Trở ra cổng, đi thêm mươi bước, vào ngôi nhà đối diện chùa định hỏi thăm về sư trụ trì ngôi chùa, tôi bất ngờ thấy Thầy Út đang tiếp khách trước hiên nhà. Thì ra ngôi nhà này cũng thuộc nhà chùa, có gắn bảng “Mái ấm Kim Chi”, là nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập của gần 100 học sinh từ lớp một đến lớp 12. Khách là một nữ doanh nhân thành đạt đến từ TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu Hương, ủy viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Kềm Nghĩa. Tôi chào thầy Út và xin phép được ngồi nghe chuyện cùng thầy và khách.
      Cũng giống như tôi, bà Hương tìm đến đây sau khi tình cờ nghe kể về một ngôi chùa và một vị sư không chỉ “đẹp đạo” mà còn làm bao chuyện “tốt đời”. Bà Hương là thành viên Ban Bảo trợ Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, bà thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện trên khắp cả nước. Qua bạn bè trong Hội Thiện nguyện, bà biết được trong một ngôi chùa ở Thủ Thừa có lớp học vi tính miễn phí và lớp học tình thương dành cho trẻ cơ nhở từ khắp mọi miền đất nước. Vậy là bà tìm đến tận nơi để nhìn tận mắt chuyện “cửa Phật thời @” và cũng giống như tôi, bà đã thật sự bất ngờ về những chuyện tai nghe mắt thấy. Bà và tôi đều không thể hình dung, chỉ hai vị sư (thầy Út và đệ tử), ngoài chuyện hành đạo và phụng sự nơi cửa Phật, họ còn có thể quán xuyến toàn bộ chuyện ăn ở, sinh hoạt, học tập của ngần ấy học sinh, công việc mà ở ngoài đời phải cần đến ba bốn người chuyên chăm lo. Động lòng trước việc thiện, người nữ doanh nhân đến từ Sài Gòn đã đề nghị thầy Út tìm thuê hẳn hai người thường trực chuyên lo chuyện ăn ở cho các học sinh, tiền lương do bà chi trả từng năm. Trước khi ra về, người nữ doanh nhân giàu lòng nhân ái đã đến xem chuyện học tập và xoa đầu từng em nhỏ - những cảnh đời bất hạnh ngoài xã hội, đang được chăm sóc chu đáo trong ngôi chùa nơi hẻm sâu. Thầy Út lại có khách, họ gồm bốn phụ nữ đứng tuổi đến từ thành phố Tân An. Cũng như bà Hương và tôi, họ đến đây lần đầu tiên sau khi nghe chuyện về một vi sư được tuyên dương thành tích hưởng ứng Đợt vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với việc tổ chức một lớp học đặc biệt trong ngôi chùa nhỏ. Tranh thủ lúc thầy Út tiếp khách, tôi xin phép đi thăm nơi ăn chốn ở và chỗ học tập của các học sinh.
      Trong cả ngôi chùa, nơi ăn ở của các học sinh được xây dựng khang trang nhất. Đang là cuối giờ chiều, học sinh ngồi ôn bài trên các giường tầng, một số đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Nhìn các em, tôi nhớ đến cảnh ký túc xá sinh viên của tôi ngày trước, nhưng các em ở đây ngăn nắp, trật tự hơn nhiều. Khi thấy khách đến, em nào cũng chấp tay trước ngực lễ phép “chào cô”. Các em ở nhà tường, nền lát gạch men sạch đẹp, tuy không được rộng rải, nếu như không nói là khá chật. Sau đó khi trò chuyện với Thầy Út tôi mới biết, khu nhà này thiết kế cho chỉ hơn 30 học sinh ở nội trú, nhưng học sinh đến quá đông, nên phải kê giường sát lại, các em chịu chật một chút, nhưng nhờ đó mà có thêm nhiều cảnh đời bất hạnh được cưu mang. Các em ngồi ôn bài tại giường, nơi đó sách vở, dụng cụ học tập, đồ dùng sinh hoạt được sắp xếp ngăn nắp như trong doanh trại quân đội. Nhìn cảnh các em tự giác ngồi học trong trật tự, tôi không hình dung nổi trước đó không lâu các em còn sống trong môi trường vô tổ chức kỷ luật bên lề xã hội hoặc trong những gia đình nghèo thất học.
       Kế bên nhà ở là nhà bếp với các kệ bếp được lát gạch men màu trắng, bên trên có những chiếc chảo lá sen thật to được nấu bằng củi khô. Nhìn những đống cũi “tạp nham”, không phải là loại mua từ vựa, tôi hiểu rằng nhà chùa không sử dụng bếp ga theo trào lưu chung, một phần để tiết kiệm chi phí, phần khác để các em sau giờ học tham gia đi kiếm cũi như là cách “rèn người” giống các chú tiểu trong truyện xưa. Bữa cơm chiều đã được nấu xong. Nhìn hai chảo lá sen cơm trắng nghi ngút khói đủ cho gần 60 người ăn, tôi hiểu rằng người nấu phải thật có “nghề” cơm mới không bị hoặc sống, hoặc nhão, khét... Vì vậy mà tôi không khỏi bất ngờ khi em Trần Văn Hải, học lớp tám, gia đình ở TP.HCM, cho biết chính em cùng bốn năm bạn cùng trang lứa đã nấu bữa cơm chiều này. Thức ăn cũng được nấu bằng những chiếc chảo lá sen, gồm đậu hủ kho với bí đao, món canh rau, cùng với tương, chao. Đối diện với khu nhà ở và nhà bếp, nằm kề bên chánh điện là phòng học được xây cao ráo, rộng rãi, gạch men sáng loáng. Đây là nơi các học sinh học vi tính, tiếng Anh, thư pháp... Bàn học là loại theo quy cách mới nhất của ngành giáo dục, có thể điều chỉnh độ cao. Mười tám bộ máy vi tính thế hệ mới có kết nối internet được đặt quanh phòng. Chưa tới giờ học vi tính của lớp học tình thương nhà chùa, nhưng trong phòng máy cũng có mấy em học sinh nhỏ, các em từ bên ngoài vào nhờ máy vi tính nhà chùa thực tập miễn phí. Rời khỏi phòng vi tính, trong khi chờ Thầy Út, tôi tiếp tục lang thang trong khuôn viên nhà chùa và tôi lại tiếp tục bị bất ngờ. Trong khi chỗ ở, nhà bếp, lớp học dành cho học sinh nơi nào cũng được xây dựng khang trang, sạch đẹp, thì chỗ ở của thầy trò sư trụ trì chỉ là căn nhà lụp xụp nằm ở góc khuất trong khuôn viên chùa. Ban đầu tôi cứ ngỡ đó là kho chứa đồ đạc nhà chùa. Đến khi Thầy Út chính thức tiếp và làm việc với tôi trong “nhà kho” ấy, tôi mới biết đó là nơi ở của hai thầy trò sư trụ trì. Họ dành tất cả những gì tốt đẹp nhất để phụng sự Đức Phật và để chăm sóc, dạy dỗ học sinh, còn mình sống giản dị, khiêm tốn, nếu như không nói là khắc khổ.
       Dù rất hiếu khách, nhưng Đại đức Thích Quảng Tâm cũng chỉ có thể dành cho tôi một giờ để trò chuyện. Thầy cho biết, thời gian từ chiều tới tối mỗi ngày nhà chùa luôn rất bận rộn với các việc: cơm chiều cho học sinh; cúng chiều ở chánh điện; dạy võ cho học sinh; dạy vi tính, tiếng Anh… Chiều nay thầy càng bận, vì sư đệ tử đang đi bốc thuốc cho dân quanh vùng, một mình Thầy Út quán xuyến toàn bộ công việc. Về cơ duyên ra đời lớp học tình thương trong chùa, Thầy Út kể: Thầy sinh ra (năm 1961) tại vùng quê nghèo thuộc một xã vùng sâu huyện Thủ Thừa, nơi chuyện học rất khó khăn, nhiều trẻ thất học. Lớn lên đi tu, Thầy Út cứ canh cánh bên lòng nỗi xót xa những cảnh đời thất học, sống vất vưởng chung quanh. Những năm đầu thập niên 1980, huyện Thủ Thừa liên tục bị lũ lụt nặng, học sinh đi học càng khó khăn, nhiều em phải bỏ học. Xót xa trước cảnh các em học dở dang, thầy đã giúp đỡ bằng cách cho các em vào chùa ở để tiện việc đi học. Nhà chùa chật hẹp, lúc đầu chỉ nuôi được bốn, năm em. Tiếng lành đồn xa, các em được gia đình gửi tới ở ngày một nhiều, trong đó có cả trẻ mồ côi, trẻ sống lang thang. Dù cố gắng lắm, nhà chùa cũng chỉ có thể cưu mang chừng 10 học sinh, cho đến một ngày có một chuyện cảm động diễn ra dưới mái chùa. Có một nữ phật tử từ TP.HCM đến viếng chùa, thấy nhà chùa cưu mang học sinh nghèo trong điều kiện chật hẹp, thiếu thốn, bà đã động lòng trắc ẩn, giúp đỡ các em rất nhiều. Chẳng may người phụ nữ tốt bụng ấy mắc bệnh nan y. Trước khi qua đời, bà đã cùng người thân đến chùa làm di chúc, theo đó sau khi bà qua đời, người thân lấy tài sản của bà để lại giúp nhà chùa mua đất, cất nhà để nuôi dạy các học sinh tốt hơn. Số tiền khá lớn của bà để lại đã giúp nhà chùa mở rộng khuôn viên, xây chỗ ăn ở, học tập rộng rãi, khang trang như hiện nay. Để tưởng nhớ công ơn người nữ phật tử nhân hậu ấy, Thầy Út đã lấy tên bà đặt cho khu học xá: Mái ấm Kim Chi.
      Chuyện Thầy Út đến với thế giới vi tính cũng tự nhiên và hết lòng giống như đến với cửa Phật. Đến cuối thập niên 1990 phong trào học vi tính mới lan đến huyện Thủ Thừa. Lúc ấy, trong một lần đi công việc ở TP.HCM, Thầy Út được một nhà sư là bạn tặng chiếc máy vi tính hệ điều hành Window 95. Với lòng yêu thích khoa học, Thầy Út đã mua sách mày mò tự học, rồi mỗi tối đi về hàng chục cây số theo học lớp vi tính ban đêm ở thị xã Tân An, thầy trở thành một trong những người đầu tiên giỏi vi tính ở huyện Thủ Thừa. Thầy đem kiến thức vi tính của mình truyền dạy cho học trò nghèo đang nương tựa trong chùa. Lúc đó, cả thị trấn Thủ Thừa chỉ có hai điểm dạy tin học, một của tư nhân với học phí rất đắt, một của Nhà nước chỉ mở ban ngày. Nhiều học sinh nghèo muốn đi học vi tính cũng không được, phần vì học phí quá cao, phần vì không có lớp đêm. Không chỉ dạy học trò nghèo trong chùa, lớp xóa mù tin học của Thầy Út còn thu nạp cả những đứa trẻ trong thị trấn. Đến khi một số trường THCS tại một số địa phương trong huyện được trang bị máy vi tính, nhưng giáo viên tin học thì chưa có sẵn, Thầy Út đã đi vận động các trường cử người đến chùa học miễn phí, đồng thời vận động các phật tử biết tin học ở trên tỉnh về cùng mình đứng lớp. Tiếng lành đồn xa, cán bộ các cơ quan trong huyện, học sinh nghèo các nơi cũng đến chùa học vi tính. Trung tâm tin học chùa Long Thạnh với chỉ một máy tính đã luôn nhộn nhịp vào mỗi tối. Cũng nhờ vào tấm lòng của các phật tử, năm 2002 chùa tăng lên được bốn máy vi tính, rồi tăng lên 18 máy vi tính thế hệ mới... Hàng trăm người thành thạo vi tính ở huyện Thủ Thừa, nhiều người trong họ tiếp tục học lên cao để trở thành chuyên viên vi tính giỏi, đã từng đến với thế giới @ dưới mái chùa Long Thạnh, thầy dạy trong trang phục áo nâu sòng.
      Câu chuyện “gieo chữ nơi cửa Phật” càng lúc càng thú vị, dù tôi còn muốn tìm hiểu nhiều điều, nhưng cũng đành tạm dừng cuộc trò chuyện để Thầy Út giải quyết những việc mà “không có thầy không xong”. Theo chân thầy, tôi đến bãi sân rộng láng xi măng sạch sẽ ở hậu liêu (đây cũng là phần đất người phật tử quá cố Kim Chi mua tặng nhà chùa), ở đó hơn 50 học sinh sống trong chùa đang hàng ngũ chỉnh tề chuẩn bị cho giờ học võ. Thầy Út cho biết, ngoài học văn hóa, học sinh trong chùa bắt buộc phải học giáo lý nhà Phật, học võ, học vi tính. Ngoài ra các học sinh cũng được học tùy thích các môn: Anh văn, viết thư pháp, múa lân, âm nhạc… Thầy Út trực tiếp đứng lớp dạy thư pháp, giáo lý nhà Phật, còn các chương trình học khác thầy vận động phật tử các nơi về cộng tác đứng lớp. Hôm nay người đứng lớp dạy võ bận việc không đến được, Thầy Út phải dạy thay. Bản thân võ thuật đã là đạo – võ đạo, người học võ để phòng thân và để làm điều thiện. Học võ dưới mái chùa càng phải nhắm đến cái đích thiện mỹ. Nhìn Thầy Út hướng dẫn từng động tác cơ  bản nhập môn cho các em nhỏ, tôi liên tưởng đến các bộ phim quay cảnh luyện võ và “trừ gian diệt bạo” của các nhà sư ở Thiếu Lâm Tự. Thầy Út tâm sự: “Học hết lớp 12 các em sẽ rời khỏi chùa để tự lập, cùng với kiến thức văn hóa, những kỹ năng sống được tích lũy ở đây sẽ giúp các em tự tin hơn khi bước vào đời”.
           Dưới mái chùa Long Thạnh có nhiều cảnh đời bất hạnh đến từ nhiều vùng miền trên cả nước. Cháu Lương Thế Dượt quê tận tỉnh Thái Bình có cuộc hành trình đến chùa khá truân chuyên. Mẹ cháu gửi con vào một ngôi chùa nhỏ ở huyện nhà lúc mới sanh. Ngôi chùa này không đủ điều kiện nuôi dạy, đã gửi cháu đến chùa khác trên tỉnh. Cứ thế, cháu được gửi đến chùa Long Thạnh. Dựa vào giấy khai sanh, Thầy Út đã tìm đến tận huyện Kiến Xương – tỉnh Thái Bình và gặp được người cha của bé Dượt bị bệnh tâm thần đang sống một mình, còn mẹ cháu dắt những đứa con khác đi bán vé số đâu ngoài Hà Nội. Cuối cùng Thầy Út cũng tìm được số điện thoại của mẹ cháu Dượt, thỉnh thoảng mẹ con cháu Dượt được gặp nhau qua điện thoại của nhà chùa... Cũng ở tận miền Bắc xa xôi, em N.T.C (huyện Lộc Hà – tỉnh Hà Tỉnh) được gia đình gửi vào chùa Long Thạnh để mong cháu tiếp tục được học, vì ở quê gia đình quá nghèo, cháu lại còn hai em nhỏ. Cũng có một vài trường hợp gia đình không thật sự khó khăn, nhưng cha mẹ cũng xin gửi con vào học trong chùa, vì họ tin môi trường sống và học tập ở đây sẽ giúp con họ “nên người”, hoặc chí ít cũng xa lánh được môi trường phức tạp ở nơi họ sống đang làm cho nhiều đứa trẻ hư hỏng.
      Dù đến từ nhiều nơi, mỗi cháu một hoàn cảnh, nhưng tất cả học sinh được nhận vào chùa theo một quy trình rất chặt chẽ. Đích thân Thầy Út tìm đến tận gia đình các cháu để yêu cầu cha mẹ (hoặc người thân) làm đơn xin vào học trong chùa, kèm theo giấy xác nhận của chính quyền địa phương gia đình quá khó khăn không có điều kiện cho con đi học. Rồi thầy đăng ký cho các em vào học các trường phổ thông trong thị trấn. Nhà chùa lo toàn bộ chi phí học tập (học phí, bảo hiểm, sách vở, bút mực…) cho các em. Ngoài thời gian ở trường, khi về chùa các học sinh được sinh hoạt, học tập “giờ nào việc nấy” giống như trong môi trường quân đội, như: 5g30 thức dậy; 6g30 ăn sáng; 6g45 đến trường;…; 17g ăn cơm chiều; 17g30 học võ (hoặc học vi tính, Anh văn, xen kẻ trong tuần); 22g tắt đèn ngủ. Long Thạnh là ngôi chùa nghèo, cùng lúc phải cưu mang năm sáu chục học sinh, khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Chuyện thiếu trước hụt sau, chạy ăn từng bữa thường xuyên xảy ra. Dù vậy, lứa học sinh này vừa rời khỏi chùa, lứa học sinh sau lại đến, cửa nhà chùa luôn rộng mở cho những cảnh đời bất hạnh! Tấm lòng lo cho việc học của một nhà sư đã qui tụ nhiều tấm lòng vàng khác, giúp nhà chùa “trồng người” luôn ra hoa đẹp, cho ra trái tốt. Người dân và các thầy cô giáo ở Thủ Thừa đã quen với hình ảnh nhà sư mặc áo nâu sồng, cổ đeo tràng hạt, vai mang túi vải đi họp cha mẹ học sinh, đi đóng học phí, đi làm thủ tục thi đại học cho những đứa con của nhà chùa. Nhà chùa chỉ nuôi tới hết lớp 12, sau đó các em phải tự bước vào đời. Những trường hợp quá khó khăn, cần tiếp tục giúp đỡ để học lên cao, nhà chùa tiếp tục giúp bằng cách nhờ các tổ chức từ thiện, các chùa ở TP.HCM nhận nuôi hoặc cấp học bổng suốt bốn năm đại học cho các em.
      Dưới bóng cây bồ đề, bên những quyển kinh nhà Phật và những cuốn sách giáo khoa của ngành giáo dục, trong tình thương của sư thầy, các cháu đã lớn lên, xa dần tuổi thơ bất hạnh, đi về tương lai tươi sáng. Với quy trình “gieo chữ” và “trồng người” ấy, dù “đầu vào” của lớp học chùa Long Thạnh là những cảnh đời dưới đáy xã hội, nhưng “đầu ra” lại là những học sinh chững chạc, nếu không vào được đại học, cao đẳng, các em cũng dễ dàng lập thân bằng hành trang kiến thức và nhân cách đầy đặn tích lũy từ nhà chùa. Đã có nhiều đứa trẻ từng nương nhờ cửa Phật tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, nhiều em thành đạt (Thầy Út đề nghị không nêu tên các em, vì không biết các em có đồng ý hay không). Hàng chục cháu khác học các trường nghề, trở thành công nhân, người bán hàng, tài xế…, tất cả đều hòa nhập tốt vào xã hội. Dù bay cao, bay xa, nhưng ngôi chùa trong hẻm nhỏ luôn là chỗ đi về thăm viếng của các cháu. Mới đây, một trẻ mồ côi sau khi rời khỏi chùa đã học xong Đại học Bách khoa TP.HCM, tốt nghiệp loại giỏi, có việc làm ổn định, thu nhập tốt, trở về chùa Long Thạnh nhờ thầy Thích Quảng Tâm đứng ra chủ trì cưới vợ cho mình. Hầu hết các cháu khi rời khỏi chùa, có việc làm ổn định đều đứng ra vận động quyên góp cho nhà chùa tiếp tục duy trì và mở rộng lớp học, để ngày càng có nhiều những đứa trẻ bất hạnh khác tìm thấy tương lai, hạnh phúc nhờ ánh sáng của lòng từ bi.
     Trong quan niệm của người Việt Nam, nhà trường là bến đò, thầy giáo là con đò cần mẫn đưa hết lượt này đến lượt khác học trò qua sông để đi tới tương lai. Chùa Long Thạnh và thầy Thích Quảng Tâm cũng là bến đò, con đò đặc biệt, đưa những tuổi thơ bất hạnh qua dòng nghèo khó đến tương lai tươi sáng. Tôi rời khỏi chùa Long Thạnh khi đã hơn 7 giờ tối, bên ngoài trời đang mưa rỉ rả. Nhìn cảnh các cháu ngồi học dưới mái chùa, tôi thấy trong lòng ấm áp. Sẽ hạnh phúc hơn nếu giờ này các cháu được ngồi học bài trong mái ấm gia đình, bên ông bà, cha mẹ, anh em... Hạnh phúc trên đời vốn không được chia đều cho mọi người, nên có những mái đầu hãy còn xanh mà phải gánh chịu nhiều mất mát, cơ cực. Trước mỗi mất mát, cách hành xử đúng đắn là làm sao để thiệt hại ở mức thấp nhất. Tấm lòng của một nhà sư, sự yên tỉnh của một ngôi chùa trong hẻm sâu đã và đang giúp cho bao cảnh đời bất hạnh khi lớn lên ít bị thương tổn nhất.
 

Bảo Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 17


Hôm nayHôm nay : 664

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 64659

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 12485303