Điện Biên Phủ (ĐBP) trong tôi ngoài những bài học lịch sử, là hai bộ phim rất nổi tiếng, một của Pháp, một của Việt Nam sản xuất. Đó là phim “Dien Bien Phu” sản xuất năm1992 được viết kịch bản và đạo diễn bởi cựu chiến binh Pháp Pierre Schendoerffer. Ông là phóng viên chiến trường, quay phim ở chiến trường ĐBP cho đến ngày kết thúc chiến trận. Sau khi được trao trả tù binh, Pierre Schendoerffer về Pháp và trở thành học giả chiến tranh Đông Dương nổi tiếng, bộ phim còn lại có tựa là “ Hoa ban đỏ” của nữ đạo diễn Bạch Diệp, ra mắt lần đầu vào năm1994, nhân kỷ niệm 40 chiến thắng ĐBP.
Mãi đến năm 2004, tròn 50 năm chiến thắng ĐBP, tôi có dịp lần đầu đến với “xứ hoa ban” Điện Biên. Theo dấu chân chiến trận của cha anh, chúng tôi đi từ Sở chỉ huy Chiến dịch ĐBP ẩn mình trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn, thuộc xã Mường Phăng, huyện Điên Biên; rồi đứng trên hố bom sâu hoắm trên đỉnh đồi A1, đi qua cây cầu Mường Thanh bắc ngang dòng Nậm Rốm, tiến vào hầm De Castries... Chạm vào những dấu tích chiến tranh vẫn còn in sâu trên mảnh đất Điện Biên, tôi vẫn nhớ như in cảm giác trào dâng thật khó tả thành lời. Những bài học lịch sử, thước phim tài liệu hay điện ảnh có lẽ chỉ phản ánh được một phần sự khốc liệt những trận đánh anh dũng của bộ đội ta trong Chiến dịch ĐBP, của những gian lao, vất vả
“năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” để làm nên chiến thắng
“lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Không lâng lâng tự hào sao được, khi Tập đoàn cứ điểm ĐBP, được người Pháp tô vẽ cầu kỳ, đầu tư kỹ lưỡng, là canh bạc cuối cùng mà họ quyết định tất tay để bình định Đông Dương. Thời điểm đó, lòng chảo Điện Biên mau chóng trở thành một cái bẫy khổng lồ với 49 cứ điểm chia làm 3 phân khu trong mối liên hệ, ràng buộc lẫn nhau, có thể yểm trợ nhau cùng chiến đấu. Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương coi ĐBP là một “pháo đài không thể công phá”.
Tác giả (bên trái) trong chuyến thăm di tích lịch sử ĐBP. Nhiều quan chức Pháp, Mỹ khi đến thăm cứ điểm ca ngợi đây là một “Verdun ở châu Á” (Verdun là trận đánh diễn ra tại Đông Bắc nước Pháp năm 1916, khi quân Pháp chiến thắng quân Đức sau một trận chiến kéo dài nhất trong Chiến tranh thế giới thứ I. Trận Verdun có một giá trị biểu tượng to lớn đối với nước Pháp-PV); một hình thức phòng ngự rất mạnh ngay trong Chiến tranh thế giới thứ II cũng không sánh kịp. Người Pháp tự tin đến mức, De Cas tries - Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - còn cho quân rải truyền đơn, thách thức: “Gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
“Nghe tin ngài mang nhiều đại đoàn lên đây để giao chiến và đem quân vào ăn Tết trong ĐBP. Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp ngài...”. Nhưng chỉ 5 tháng sau, ngày 07/5/1954, hơn 16.200 binh lính đồn trú, bao gồm cả những đơn vị thiện chiến nhất, nhiều lần giành thắng lợi trong Chiến tranh thế giới lần thứ II lại không thể mang về cho nước Pháp một chiến thắng quan trọng vào thời điểm có tính chất quyết định ấy. De Castries và Bộ chỉ huy của ông ta cùng 16.000 quân lính và Bộ chỉ huy phải giơ tay đầu hàng. Cách đó nửa vòng trái đất, tin thất trận lan đến nước Pháp như một trận cuồng phong. Thủ tướng Lanien đăng đàn trước Quốc hội trong bộ đồ đen, với bộ mặt ảm đạm, nghẹn ngào nói:
“Chính phủ vừa được tin khu trung tâm ĐBP đã thất thủ sau 20 giờ kịch chiến liên tục”. Thất bại ê chề tại ĐBP người Pháp trắng tay khi ngồi vào bàn thương lượng tại Hội nghị Geneve về vấn đề Đông Dương, chấm dứt sự hiện diện của một trong những đội quân viễn chinh mạnh nhất thế giới tại Đông Dương sau 96 năm.
Chiến thắng ĐBP đã mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam và hai nước Lào, Campuchia; đồng thời mang tầm vóc thời đại khi tác động sâu sắc theo chiều hướng tích cực vào sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên thế giới. Chiến thắng ĐBP khẳng định Việt Nam đã chứng tỏ được sức mạnh trong cuộc chiến tranh chính nghĩa chống lại các thế lực xâm lược. Nhân dân các nước bị xâm lược ở khắp năm châu đã đón nhận sự kiện ĐBP như là thắng lợi của chính nước mình, là bài học kinh nghiệm quý báu, động lực mạnh mẽ đối với vuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho chính họ. Từ niềm tin ĐBP, chỉ tính riêng năm 1960, 17 nước Châu Phi đã giành được độc lập khỏi Pháp, Anh, Bỉ. Thế giới gọi đây là “năm Châu Phi”. Còn với các nước Mỹ Latinh, ĐBP được ví như “ánh đèn pha chiếu rọi”.
Thời gian trôi qua, Việt Nam và Pháp đã gác lại những trang sử bi thương để cùng nhau hướng về tương lai. Từ năm 1993, Francois Mitterrand trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên và cũng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một nước phương Tây sang thăm Việt Nam sau năm 1975. Trong chuyến thăm, Tổng thống Francois Mitterrand đã đến ĐBP. Sau đúng 39 năm mới có một chiếc máy bay mang cờ tam tài của nước Pháp hạ cánh, nhưng lần này nó không chở theo những binh lính được trang bị tận răng mà là vị Tổng thống của đất nước hình lục lăng. Dù có những tiếng phản đối, nhất là từ những cựu binh Pháp ở ĐBP, song chuyến thăm của Tổng thống Francois Mitterrand mang giá trị biểu tượng rất lớn; một hành động được xem là khép lại trang sử bi thương, mở ra chương mới trong quan hệ hai nước Việt Nam – Pháp. Năm 2018, Thủ tướng Pháp Edouard Philip trong chuyến thăm VIệt Nam cũng đã đến thăm ĐBP.
Năm 2024, tròn 70 năm kể từ Chiến thắng ĐBP, cũng đúng 51 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973-2024), 11 năm ngày hai nước nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược (2013-2024). Trên chặng đường 51 năm, vượt qua mọi biến thiên lịch sử, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp Việt Nam - Pháp ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu, hợp tác toàn diện, phong phú, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Chúng ta gác lại quá khứ để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, nhưng không có nghĩa là xóa nhòa lịch sử và chân lý. Trong những năm qua, trên mạng xã hội xuất hiện một số bài viết có nội dung phán xét, phủ nhận tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn của Nhân dân Việt Nam đối với Chiến thắng ĐBP. Thông tin sai lệch, xuyên tạc bản chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta; xuyên tạc, hạ bệ vai trò của nhiều anh hùng liệt sĩ, các vị tướng giỏi, những tấm gương chiến đấu quả cảm và hy dinh anh dũng của quân và dân ta. Đây là những luận điệu, hành động không mới về thủ đoạn nhung hết sức thâm độc, qua đó gieo rắc sự nghi ngờ, mục đích làm phân tâm niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là giới trẻ hiện nay.
70 năm đã trôi qua, chiến thắng ĐBP mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam vì ý nghĩa to lớn và tầm vóc thời đại của nó. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Chiến thắng ĐBP
“lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” có ý nghĩa lịch sử to lớn, mang tầm vóc thời đại sâu sắc, là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, thể hiện sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Do đó, việc tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về Chiến thắng ĐBP là điều cần thiết, khẳng định và nhấn mạnh cuộc đọ sức trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến và trong Chiến dịch ĐBP là cuộc đọ sức giữa nhân dân của một dân tộc anh hùng có lòng yêu nước thiết tha, đầy khát vọng giải phóng, quyết tâm giành cho được độc lập dân tộc, “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Kỷ niệm 70 Chiến thắng ĐBP (7/5/1954 - 7/5/2024) là dịp để các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ thêm hiểu, ghi tạc truyền thống yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc của cha ông; trân quý hơn giá trị của độc lập hôm nay, để từ đó càng thôi thúc trách nhiệm trong việc góp công, góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quổc.
Huyền Linh (Ban TGTU)