Thứ sáu 19/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Uống bia giữa Sài Gòn ngày giải phóng

Nhà văn Hào Vũ

Nhà văn Hào Vũ

Vào lúc đại quân ta bị chặn lại ở Xuân Lộc, chúng tôi vẫn lặng lẽ tiến về Sài Gòn. Địch sử dụng bom CBU ở Xuân Lộc, một thứ bom có sức huỷ diệt chỉ thua bom nguyên tử. Đài ta lên tiếng tố cáo sự điên cuồng man rợ của kẻ sắp thua trận.Tôi thầm nghĩ, chắc chắn cuộc chiến đấu sắp tới của chúng tôi tiến vào Sài Gòn sẽ vô cùng ác liệt. Không phải chỉ là ý nghĩ của riêng tôi, anh em trong đơn vị ai cũng thấy vậy, nhưng khí thế tiến vào Sài Gòn của các chiến sĩ không hề giảm , mà càng lúc càng nóng lên cùng với nhịp độ các trận đánh của lực lượng ta đang diễn ra trên khắp chiến trường Miền Nam.

Nhưng rồi mọi chuyện diễn ra không như dự tính của đám lính chúng tôi.
Chúng tôi giăng đội hình chiến đấu tại một xã của huyện Cần Giuộc ( Long An), bên cạnh con lộ nhựa dẫn thẳng vào Trung Tâm cảnh sát đô thành Sài Gòn ( chế độ cũ) , thuộc quận Tám. Đó cũng là mục tiêu cuối cùng của chúng tôi trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Buổi sáng, tất cả đã sẵn sàng trong công sự. Trận mưa đêm qua làm đất công sự ẩm ướt. Rồi bất ngờ có tiếng ai reo vang lên:
- Tụi nó đầu hàng rồi. Mở Ra-dô lẹ lên.
Chúng tôi nhảy lên khỏi công sự. Nắng sớm vàng rực đẹp như chưa bao giờ đẹp như thế. Rồi chúng tôi có lệnh hành quân vô Sài Gòn, tới thẳng địa điểm đã quy định : Tổng nha cảnh sát Sài Gòn . Chúng tôi không phải nổ một phát súng nào.
Dọc đường tiến vào Sài gòn, trên con đường nhựa phẳng lì, súng ống, quần áo lính chế độ cũ quăng bừa bãi. Những người lính thua trận cởi trần, mặc quần  đùi,  cúi đầu đi ngược lại hướng tiến quân của chúng tôi.
Nhóm lính chúng tôi được một chiếc xe Jeep dừng đón lên xe, chạy thẳng vô
thành phố. Bao nhiêu năm ngủ bờ ngủ bụi, chân đất đầu trần, lần đầu tiên  được ngồi trên xe chạy trên con đường nhựa phẳng lì, cảm giác như đang được bay lên vậy. Đêm đó tôi ngủ trên nắp tủ đựng hồ sơ của địch. Chiếc quạt trần quy vù vù trên đầu chỉ giơ tay là đụng. Mỗi lần từ nắp tủ  xuống đất tôi phải thận trọng ngả người sao cho khỏi bị cánh quạt chém vào.
Hôm sau tôi được phân công đi với khẩu đội 12,8 ly phối hợp với một tiểu đoàn bộ binh của ta. Khẩu đội chốt trên một căn gác nhỏ, khẩu 12,8 ly đặt ở ngoài ban công.
Từ vị trí này cây súng có thể bắn máy bay trực thăng trên cao, hoặc hạ nòng bắn bộ binh địch di chuyển dọc tuyến đường nếu chúng tổ chức  phản công. Hẳn nhiên chỉ là dự phòng, anh em ai cũng nghĩ, sẽ chẳng còn đợt phản công nào nữa mặc dù tiếng súng cho đến mấy hôm sau vẫn nổ đì đẹt đâu đó sau những ngôi nhà
cao tầng.

Buổi tối hôm sau , một người bạn đồng hương của tôi đến tìm tôi. Dương cũng thuộc quân số tiểu đoàn này, nhưng là lính thông tin. Dương rủ tôi đi uống bia, một quán bia gần đó. Lúc ấy khoảng tám giờ tối giờ Hà Nội. Vào thờ điểm đó, phía ta theo giờ Hà Nội trong khi người dân trong vùng địch kiểm soát vẫn theo giờ Sài Gòn.  Giờ Sài Gòn hơn giờ Hà Nội một tiếng, tức là chúng tôi đi uống bia vào lúc chín giờ tối giờ Sài Gòn.  Vào giờ ấy  một số hàng quán vẫn mở đón khách. Đường vắng, hai
chúng tôi đi chầm chậm trên đường phố thưởng thức sự êm ái của con đường, thưởng thức hương vị thành phố đã từ lâu xa cách. Đèn đường chỗ sáng chỗ tối. Thỉnh thoảng một toán lính ta, quân phục chỉnh tề, băng đỏ đeo nơi cánh tay, súng AK  trên vai, đi dọc theo tuyến phố. Có lẽ là bên kiểm soát quân sự.  Tôi hỏi Dương:
- Tiền đâu mà rủ đi uống bia?
- Tiền sinh hoạt phí hàng tháng. Hôm rày  có xài gì đâu.
Chúng tôi được phát tiền sinh hoạt phí bằng tiền của chế độ cũ.
Hai thằng vào quán bia. Quán chừng mươi bộ bàn ghế, trên tường gắn điểm xuyết vài ba bóng đèn có hình dáng một loại hoa nào đó. Ánh sáng từ đấy toả khắp gian phòng, không quá sáng, thứ ánh sáng làm người ngồi uống bia trở nên nói năng nhẹ nhàng hơn để tránh kinh động đến người bên cạnh. Quán vắng khách. Có lẽ chủ quán hy vọng vào đám khách mới, anh em bộ đội giải phóng. Giải phóng mới được hai ngày.
Dương nói:
- Tao chỉ có đủ tiền mua một chai bia 33 và một con khô mực, ( chai bia loại nhỏ, giống như chai bia Sài Gòn đỏ bây giờ nhưng in bên ngoài ba con số 3 như lon bia Sài Gòn hiện nay. Tại vùng giải phóng của ta, vào thời điểm ấy, loại bia này bày bán khá nhiều).
Tôi nói:
- Ăn thua gì, được ngồi trong quán như thế này là khoái rồi..
Cô chủ quán bận chiếc áo thun bó lấy thân thể tròn căng, thận trọng nhìn hai người bước vô, đợi cho ngồi xuống ghế mới rụt rè bước lại hỏi:
- Hai chú dùng chi?
- Cho chai “ba ba” nghe cô.
Tôi nói vừa nhìn cô gái, cái nhìn cũng giống như cô gái nhìn tôi, thận trọng, thăm dò. Dương nói tiếp:
- Cô cho ba ly đá, với con khô mực.
- Có hai người sao chú lại kêu tới ba cái “tẩy”?
- Thì cứ đem ra đi, tôi trả tiền.
- Không phải trả tiền nước đá chú ơi. Tại “cháu” thấy lạ nên hỏi vậy thôi. Chú kêu khô mực phải không ạ, quán cháu có cả khô cá đường.
 Chúng tôi thấy hơi lạ vì cách xưng hô của  cô gái. Sau này mới hay các cô gái Sài Gòn lúc ấy đều gọi đám lính chúng tôi là chú và xưng cháu như vậy cả.
Tôi nghe nói khô cá đường thì nói:
- Cái nào mắc hơn.
- Khô mực.
- Vậy cho khô cá đường đi. Khô cá đường ngon hơn.
- Ừ, thì khô cá đường. Chiều mày.- Dương nói
Kiểu quán như thế này, cùng với cách phục vụ, rất khác với những cửa hàng mậu dịch phục vụ ăn uống cả hai từng rất quen thuộc lúc còn ở ngoài Bắc.
Cô gái đem bia và ba cái ly đầy nước đá cục tới, rồi đĩa khô cá đường đã nướng thơm lựng. Khúc cá khô sau khi nướng, chủ quán còn dùng một cái chày gỗ đập khiến nó bung ra những thớ cá nhỏ như cộng tăm, nhìn khúc cá giờ giống như một nắm bông gòn. Dương rót bia ra ba cái ly làm tôi  ngạc nhiên. Dương nói:
- Khoan hãy uống, giờ tao thông báo cho mày một tin quan trọng. Ban nãy tao
chưa nói, bây giờ mới nói.
- Gì vậy?
- Thằng Đính  hy sinh rồi.
- Hả?
- Nó hy sinh cùng với ông Hai Võ.
- Mày có nghe lầm không?
- Chính xác. Nó hy sinh trước khi mình đánh vào Sài Gòn. Bộ đội địa phương tổ chức chống càn, tụi địch đem khu trục tới thả bom. Mẹ nó.
- Mày nghe thông tin từ đâu?

- Tao ghé chỗ mấy thằng thông tin Trung đoàn, thấy chúng nó đang làm việc với huyện đội chỗ thằng Đính, tao nhờ tụi nó hỏi thăm sức khoẻ thằng Đính, ai ngờ… Một chiếc máy bay khu trục ( loại máy bay thường được sử dụng của quân đội Sài Gòn cũ sau khi Mỹ rút) thả bom. Nó và Hai Vũ ăn trọn trái bom.
Hai thằng ngồi lặng đi một lúc
- Không tìm thấy xác hai anh em nó, chỉ thấy hai sợi dây chuyền bằng inốc để tên hai người. Dây chuyền của thằng Đính lại khắc tên là Sáu Đính. Nếu đem về gia đình nó tao với mày phải nói cho cặn kẽ chuyện thay tên đổi họ của nó.
Tôi vẫn lặng yên,  không thể nói được một câu gì vào lúc này. Dương nói:
- Thôi, giờ uống đi. Ly kia giành cho thằng Đính, coi như nó cùng mình ngồi uống bia. Nào, chạm ly với nó.
Cả hai thằng cùng chạm vào cái ly không chủ để trên bàn. Tiếng lanh canh của thuỷ tinh va chạm nhau. Tự nhiên tôi cảm thấy khó thở, có vẻ như cái quán này chật chội quá. Dương nói:
- Uống, mày. Này, chạm ly với thằng Đến cái nữa.
Lại tiếng lanh canh của thuỷ tinh va chạm nhau.
Im lặng thật lâu.
Một lát, cô gái chủ quán tới bên, cô không ngồi xuống, đứng trước chúng tôi hỏi:
- Hai chú cho cháu hỏi thăm chút xíu có được không?
- Cô em hỏi gì?
- Hai chú cho cháu hỏi, người ta nói mấy ông giải phóng vô Sài Gòn bắt gái điếm xử bắn hết, phải không chú?
- Nói bậy. - Tôi trả lời, tự nhiên  thấy muốn nói – Không có chuyện đó đâu. Người ta làm gái điếm là do nghèo đói, do lầm lỡ cùng đường làm ăn. Chứ ai muốn làm cái nghề đó, phải không cô.
- Dạ.
- Họ xuất thân từ thành phần dân lao động. Chính quyền mới là chính quyền của dân lao động chúng ta mà.
Cô gái lui vào gian nhà trong. Dương nói:
- Mày nói giống như mấy ông chính trị viên.
- Nhưng mày có thấy đúng như vậy không?
- Tao đã nhìn thấy gái điếm bao giờ đâu mà nói. Mà mày cũng thế.
- Tao đọc trong sách của mấy ông nhà văn. Họ viết về mấy người gái điếm thấy tội lắm.
- Tao sợ mấy ông chính trị viên, cả mấy ông nhà văn cách mạng nữa, cũng chưa bao giờ nhìn thấy gái điếm, họ chỉ nghe kể lại.
Cả hai cùng cười. Đường phố Sài Gòn về đêm yên tĩnh. Thỉnh thoảng một  đội kiểm soát quân sự đi tuần tra dọc tuyến phố, tiếng giày nện nhè nhẹ lên mặt đường. Cái ly đá  có một chút bia  dành cho người đồng đội hy sinh lặng im trên bàn.

Hào Vũ

Theo Tạp chí Văn nghệ Long An 04/2015

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 31


Hôm nayHôm nay : 1364

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 185574

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8643675