Thứ ba 19/03/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Hội ngộ

.
1.Ông ngồi một mình, lặng lẽ rít từng hơi thuốc thật dài, rồi từ từ nhả khói một cách chậm rãi. Mới đó mà đã bảy năm ông phải xa bà, xa người vợ chịu thương chịu khó, suốt đời chỉ biết lo lắng cho chồng con. Bà là cô gái làng đảm đang, đẹp nết, đẹp người mà cha mẹ chọn cho ông. Ông bà đến với nhau không từ tình yêu nhưng sống với nhau cái tình, cái nghĩa quyện vào nhau bền chặt, sâu lắng. Lúc bà ra đi thằng Tuấn vừa tốt nghiệp đại học, con Hương mới học hết cấp 3.

Nay thằng Tuấn  đã có gia đình, cuộc sống ổn định, ông không phải bận tâm về nó nhưng lại lo lắng cho đứa con gái xa nhà. Từ nhỏ Hương đã tỏ ra bản lĩnh, mạnh dạn và thích phiêu lưu. Nó đòi vào thành phố Hồ Chí Minh thi đại học với mấy đứa bạn thân, ông không muốn nhưng cũng không cản được nó.
 Mấy năm đại học, chỉ thời gian đầu  là nó để ông “bao cấp”. Đến lúc rành rẽ, Hương vừa học vừa kiếm chỗ làm để có thêm tiền trang trải, đỡ đần cho cha. Tốt nghiệp đại học loại giỏi, nó được một Công ty liên doanh với nước ngoài ký hợp đồng với mức lương cao. Ông nghe thế, mừng nhưng cũng lo. Thời kinh tế thị trường này, đồng tiền dễ làm hư người ta!
 Vừa rồi, nó điện về bảo ông vô Nam một chuyến, nếu thấy thích ở lại với nó luôn. Hương  bảo, nó thích hợp với khí hậu ôn hòa của Miền Nam. Ở đó không có cái nóng đổ lửa của mùa hè, cũng không có cái rét đến thấu xương của mùa đông làm nó bao phen khốn khổ vì những cơn hen. Nó còn bảo khí hậu đó cũng rất tốt cho sức khỏe của ông, ông sẽ bớt đi những cơn đau nhức vì vết thương cũ hành hạ.
 Những gì nó nói đâu phải ông không biết. Ông từng chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, đã có một mối tình đầu đẹp đẽ, mấy chục năm nay vẫn nằm yên một góc trong trái tim ông. Hôm nay ngồi một mình, lời con gái trong ấy làm ký ức trong ông chợt ùa về...

2.
 Đầu năm 1970, ông cùng đơn vị vượt Trường Sơn hành quân vào Nam chiến đấu. Lúc đó tuy mới 22 tuổi nhưng ông đã được tham gia đánh những trận ác liệt, điển hình là ở Khe Sanh (Quảng Trị) với nhiều thành tích đáng nể. Anh sĩ quan trẻ ngày ấy được giao nhiệm vụ là đại đội trưởng một đại đội thuộc tiểu đoàn đặc công. Anh đã cùng đồng đội chiến đấu, lập nhiều chiến công ở chiến trường Nam Bộ, được trên biểu dương thành tích. Năm 1972 anh được phân công làm tiểu đoàn phó tiểu đoàn đặc công, có nhiệm vụ điều nghiên một chi khu quân sự của địch. Anh cùng đoàn cán bộ tiểu đoàn tập kết tại một khu rừng già phía đông chi khu quân sự. Khu rừng này bị địch dùng chất hóa học đốt cháy trơ trụi, mới mọc lên một lớp cây chồi cao chừng 2-3 m. Đường xe tăng cày xới ngang dọc giữa rừng chồi mới hồi sinh, nhưng vẫn còn nguyên những hầm bí mật của du kích quận chiếm giữ.
 Đoàn của anh được giao liên quận dẫn đến gặp bà Ba già và chị em du kích quận bám trụ ở đây, đó là những chị em bị lộ được đưa từ ấp chiến lược ra vùng giải phóng. Gọi là bà Ba già vì bà đã hơn 50 tuổi, lớn tuổi hơn cả các đồng chí cán bộ huyện ủy. Mà trông bà và chị em du kích cũng già hơn rất nhiều so với tuổi thật bởi cuộc sống khó khăn, khắc nghiệt. Tuy vất vả, thiếu thốn trăm bề nhưng họ vẫn tỏ ra rất lạc quan, không nề hà trước mọi khó khăn gian khổ.
 Hơn một tuần được chị em du kích quận dẫn đường, anh em đã điều nghiên vào chi khu, nắm vững mục tiêu các khu vực quân sự và khu vực hành chính của địch. Anh được phân công ở lại thêm một thời gian cùng tiểu đội trinh sát bám mục tiêu, theo dõi hàng ngày trong chi khu có gì thay đổi để bổ sung cho phương án chiến đấu.
 Những ngày này, anh và đồng đội cảm nhận được tình cảm đáng quý của chị em du kích dành cho mình. Những món quà nhỏ như vài gói thuốc lá, ít cà phê, măng chua, củ kiệu... được các cô đem từ ấp chiến lược về cho anh em bằng tình cảm thân thiết của người một nhà. Anh và các chiến sĩ của mình cũng chia sẻ với các cô tất cả những gì mình có như lương thực, thuốc men... Họ cùng chia sẻ với nhau cả những câu chuyện vui để động viên nhau vượt qua gian khó. Sự đoàn kết, gắn bó đó đã giúp họ tăng thêm sức mạnh chiến đấu, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ.
Bà Ba già nói vui với anh: “Thằng Tư ưng đứa nào tao gả cho, rồi ở lại đây công tác luôn”. Anh vốn nhút nhát, nghe bà nói vậy thì đỏ mặt, lúng ta lúng túng chẳng biết nói gì. Thực ra, trong số các cô du kích ở đây anh đã để ý thương thầm Trâm. Đó là một cô gái hồn nhiên, lanh lợi, xông xáo. Chỗ nào khó khăn vất vả là chỗ đó có cô. Cô rất có duyên với những câu chuyện hài hước, dí dỏm tạo ra những trận cười vang, làm mọi người quên đi những gian nan, thử thách đang phải đối mặt. Những chàng trai vượt Trường Sơn đi chiến đấu, có các cô sát cánh bên nhau cùng chia ngọt sẻ bùi, làm sao không có những cảm tình dành cho nhau? Các cô cũng thương các anh bộ đội Miền Bắc gan dạ, mưu trí nhưng rất đỗi bình dị, thân thương. Những ánh mắt, cảm tình đặc biệt đã trao nhau nhưng mọi người đều hiểu, chiến tranh còn đang ác liệt, biết sống chết thế nào, làm sao dám nói đến chuyện riêng tư?
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ điều nghiên, Trâm được phân công đưa mọi người về hậu cứ để xây dựng phương án chiến đấu. Lúc chia tay, cô vội vã dúi vào tay anh miếng giấy, anh vội nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của cô, siết chặt, không nói được lời nào. Nhưng nhìn vào đôi mắt ấm áp của anh, cô đọc được những lời yêu thương trong đó. Chỉ một thoáng dành cho nhau rồi chia tay nhưng trong lòng họ, tình cảm đã đầy ắp. Anh nhìn theo dáng cô khuất hẳn phía rừng chồi mới mở miếng giấy, đọc dòng chữ viết vội: “Mong gặp anh ngày chiến thắng...”.
Mảnh giấy đó đã theo anh suốt những chặng đường chiến đấu gian khổ sau này, tiếp cho anh sức mạnh cùng đồng đội làm nên bao chiến công. “Ngày chiến thắng...”! Phải, đó là ngày mà anh cũng như hàng triệu con người Việt Nam đang hướng tới, là ngày mà anh có thể yên tâm nghĩ đến niềm riêng. Trong niềm vui chung ấy sẽ có niểm vui, hạnh phúc của mỗi con người mà anh và Trâm cũng là một. Chính điều đó đã cho anh có thêm niềm tin quyết chiến trước mỗi trận đánh.
Đầu năm 1973, sau khi cùng đồng đội đánh thắng một số trận lớn, anh được điều ra Bắc học tập, đào tạo cán bộ lâu dài. Đến tận lúc đó anh vẫn chưa có dịp gặp lại Trâm, chỉ nghe cô còn tiếp tục hoạt động ở địa bàn cũ, thỉnh thoảng vẫn ra vô ấp chiến lược. Anh mong ngày trở lại được sát cánh chiến đấu cùng người con gái anh thương. Nhưng niềm mong mỏi đó của anh đã không thể thực hiện, chỉ vài tháng sau khi ra Bắc, anh đau đớn nghe tin Trâm hy sinh trong khi cùng chị em du kích bơi xuồng đưa anh em thương binh qua sông...

3.
 Ông bay vào Sài Gòn lúc 5h chiều, Hương ra đón cha. Nhìn cô năng động, tháo vát và trưởng thành hơn rất nhiều. Hương bảo hai cha con lên taxi về tỉnh, cách Sài Gòn gần 50 cây số, là nơi cô đang làm việc. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nơi Hương đang sống cũng chính là nơi ông từng chiến đấu năm xưa. Ông ngồi trên xe dõi mắt ngắm nhìn con đường đưa mình về chốn cũ, tất cả đều đã đổi thay, hiện ra cuộc sống mới tươi vui, đầy sức trẻ. Những con đường trải nhựa thênh thang, những khu nhà cao tầng sừng sững, hiện đại, những công trình, nhà máy đang vươn lên, những đồng lúa bát ngát, xanh mướt một màu xanh trù phú...  Ông chợt nghĩ đến Trâm và chị em du kích năm xưa đã cùng ông và đồng đội chia ngọt sẻ bùi trong gian khó. Những dáng hình con gái, những tiếng cười giòn tan, đầy lạc quan thuở nào như đang hiển hiện trong tâm trí ông.
- Con sẽ đưa cha đến thăm một người mà con chưa có dịp kể cho cha nghe...  Tiếng Hương cắt ngang dòng suy nghĩ, ông vội hỏi như sợ cô nhìn thấy những hồi ức trong ông:
- Ai vậy con?
- Là má nuôi của con. Con gặp bà hồi về đây thực tập. Cả nhóm sinh viên của con được bà giúp đỡ tận tình và cho ở trong nhà. Trong chiến tranh, bà từng hoạt động bí mật. Bà là thương binh cụt mất cánh tay bên trái, bà không có gia đình. Thấy con chỉ có một mình vô đây lập nghiệp bà nhận con làm con nuôi. Con với bà như có “duyên” với nhau vậy cha à!
- Được vậy là có phúc lắm con à. Con phải sống sao cho xứng đáng với lòng thương yêu của má nuôi con nhé.
 - Dạ. Cha yên tâm, con thực sự rất thương má nuôi. Con đã mất mẹ, nay có má thương, con như được bù đắp...
Hai cha con về đến Công ty trời đã nhá nhem tối. Hương được Công ty sắp xếp ở trong một căn phòng nhỏ nhưng khá khang trang và tiện nghi. Ông hỏi con gái: “Con làm gì ở đây mà được ưu ái thế?”.
- Dạ, con là phó giám đốc phụ trách kỹ thuật.
- Làm... “lớn” thế sao không thấy khoe cha?
- Cũng đâu có gì lớn, cha! Tụi con được học hành, đào tạo bài bản, cố gắng chút là làm được thôi mà. Các bạn con có đứa còn hơn vậy...
Ông nghe Hương nói thấy mừng và yên tâm hơn rất nhiều. Thật là phúc đức ông bà để lại! Ông đã từng lo lắng cho con, cứ lo nó còn nhỏ dại...

4. Sáng nay Hương bảo sẽ đưa ông đến thăm má nuôi trước, rồi sau đó sẽ đưa ông thăm lại đồng đội và một số nơi ông từng chiến đấu năm xưa. Đó cũng là mục đích chính của chuyến đi này. Ông muốn tìm đến nơi Trâm an nghỉ, thắp cho cô một nén hương. Mấy chục năm rồi còn gì, lời hẹn năm xưa ông vẫn chưa có dịp thực hiện, dù hình ảnh cô vẫn vẹn nguyên trong ông.
Đã mấy lần ông được Quân khu mời về thăm lại chiến trường xưa, nhưng chưa lần nào đi được. Năm nay kỷ niệm chiến thắng 30/4, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, Quân khu lại mời ông vào dự lễ kỷ niệm, bảo sẽ cho người ra đón ông. Còn cả tháng nữa mới tới, nhưng ông quyết định vô trước một mình. Ông muốn có thời gian tìm lại một thời ghi dấu trong ông.
Hai cha con đứng trước căn nhà nằm lặng lẽ trong một hẻm nhỏ. Hương nhanh nhẹn mở cổng bước vào, giọng cô như reo vui: “Má ơi... má...!”. “Hương hả con! Má ra liền...” Tiếng phụ nữ trầm ấm vọng ra.
Trước mắt ông là một phụ nữ trạc sáu mươi, mái tóc đã điểm sương bới cao với gương mặt rạng rỡ tạo cho bà một vẻ phúc hậu rất dễ gần. Bà vui vẻ đón khách: “Chào ông. Ông đi đường xa chắc cũng mệt?”. Ông gật đầu: “Chào chị. Tôi có nghe cháu Hương kể về chị...”.
Lời nói của ông bỗng ngưng lại bởi ánh mắt ông vừa kịp nhận ra nét gì đó rất thân quen, gần gũi. Trong lòng ông bỗng dâng tràn một cảm xúc khó tả. Hình như bà cũng vậy, bà cũng đang xúc động, ngập ngừng:
- Ông... anh... anh Tư phải không?
Ông đã nhận ra nét quen thuộc của ngày xưa, và giọng nói ấy, dù đã mấy chục năm rồi ông vẫn nhận ra âm sắc rất riêng. Ông như không dám tin vào sự thật:
- Có lẽ nào... ? Phải Trâm không? Trâm còn sống phải không?
- Đúng rồi... Trâm đây, Trâm còn sống mà anh Tư!
Tất cả như òa vỡ!  Mắt bà đã ngân ngấn nước, giọng bà bùi ngùi xúc động:
- Còn sống, còn gặp anh là một may mắn lớn anh Tư à. Trận đánh năm đó đội du kích của mình hy sinh gần hết, Trâm sống lại cũng là một kỳ tích...
Ông vội nắm lấy bàn tay còn lại của bà, lắc nhẹ trong niềm xúc động tột cùng. Cánh tay kia bà đã để lại trong chiến tranh. Chiến tranh tàn khốc đã lấy đi của bà một phần thân thể, cũng găm trong mình ông những vết thương nhức nhối. Nhưng giờ đây, ông thấy mình thật hạnh phúc. Ông nghe cay cay nơi sống mũi, lòng nghẹn ngào nhớ đến đồng đội đã hy sinh.
Hương đứng lặng nhìn ông bà. Khuông mặt cô nhòe đi vì những giọt nước mắt của hạnh phúc.

HOÀI THU

Theo TCVNALA 04/2015

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 53


Hôm nayHôm nay : 8411

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 173899

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8320309