Thứ sáu 29/03/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Cuốn sách của một nhà báo tài năng trọn đời vì cách mạng

Cuốn sách của một nhà báo tài năng trọn đời vì cách mạng

Cuốn sách của một nhà báo tài năng trọn đời vì cách mạng

Sinh ra, lớn lên trong một gia đình Nho học truyền thống, với tư chất thông minh và sự kiên trì rèn luyện, học tập, nhà báo Quang Ðạm (1913 - 1999, tên thật là Tạ Quang Ðệ) đã tự trang bị cho mình vốn hiểu biết sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị đến văn hóa, xã hội, pháp luật.

Ông đến với công việc báo chí qua sự dìu dắt của đồng chí Trường Chinh, từ đó ông từng bước trưởng thành, được ghi nhận không chỉ là một nhà báo tài năng, mà còn là học giả có uy tín.

Cuốn sách Một nghề đáng quý (NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011), tập hợp hơn 50 bài viết của nhà báo Quang Ðạm qua các giai đoạn cách mạng và một số bài viết, cảm tưởng của bạn bè, đồng nghiệp về cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức, nhân cách của ông. Theo lời kể, thì ông đến với nghề báo rất ngẫu nhiên: "Anh Trường Chinh bảo: "Hôm nay là ngày thành lập Ðảng (3-2-1947) mỗi đồng chí viết một bài cho báo liếp". Mọi người rất phấn khởi, hào hứng viết. Tôi cũng viết một bài. Ðiều này có ý nghĩa như một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Khi dán lên, anh Trường Chinh đi xem hết lượt, từng bài một, kỹ lắm. Ðến bài của tôi, anh đứng xem một chốc rồi bảo: "Bài này được. Thôi, anh phụ trách tờ báo liếp này"..." (tr.164). Sau đó, tại buổi họp Ban Thường vụ Trung ương Ðảng (có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Ðức Thọ), đồng chí Trường Chinh quyết định đưa Quang Ðạm vào Ban Biên tập Báo Sự Thật, dù lúc đó ông chưa là đảng viên. Ông kể tiếp: "Từ đó, tôi trở thành người làm báo chính thức. Tôi nhớ khi đã làm Báo Sự Thật rồi, một hôm Bác Hồ gọi vào cho ý kiến để viết bài. Bác hỏi: "Chú làm gì? Trước chú có viết báo không?". Tôi trả lời: "Thưa Bác, cháu chưa viết báo. Trước cháu làm hướng đạo, thời kỳ ở Cục Thông tin - Bộ Tổng Tham mưu, cháu chuyên làm mật mã". Bác nói: "Trước chú làm mật mã tức là chú viết một cái gì mà ai không nắm được luật thì không hiểu được, không đọc được, không sử dụng được. Bây giờ làm Báo Sự Thật thì chú phải làm ngược lại. Chú phải viết thế nào cho ai cũng hiểu được"..." (tr.165). Ðây là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời làm báo của nhà báo Quang Ðạm. Từ một người ngoại đạo, được sự dìu dắt, giúp đỡ, tin cậy của đồng chí Trường Chinh, được sự chỉ bảo của Bác Hồ, nhà báo Quang Ðạm đã trưởng thành cùng với lịch sử phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Ông nhớ mãi lời Bác Hồ dặn: "Chú phải viết thế nào cho ai cũng hiểu được", và với ông "câu đầu tiên ấy Bác nói với tôi khi tôi bước chân vào nghề báo, tôi nhớ mãi và thường suy nghĩ để làm cho đúng như thế" (tr.165).

Ảnh minh họa

Những bài viết của nhà báo Quang Ðạm không đơn điệu, ông thường đi sâu phân tích, khái quát thành những vấn đề cụ thể. Những bài ở phần đầu cuốn sách như Báo chí Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám và Hai mươi năm phấn đấu vẻ vang và những bài học kinh nghiệm quý báu là sự khẳng định sự nghiệp phát triển báo chí Việt Nam và chặng đường phấn đấu của Báo Nhân Dân. Tiếp đó là những dòng tâm sự xúc động, chân tình của ông qua các bài Một cuộc đời làm báo, Con đường báo chí theo Trường Chinh. Ðặc biệt, bài Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đối với những người viết báo Việt Nam có thể xem là kinh nghiệm quý báu mà nhà báo Quang Ðạm đã rút đúc từ nghề làm báo. Trong bài này, nhà báo Quang Ðạm đi sâu phân tích, chứng minh những vấn đề có liên quan đến nghề báo, thậm chí đó là sự thành bại của người cầm bút nếu không biết giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Phân tích các mối quan hệ cần nắm vững của người viết, ông nêu lên một số việc cần phải lưu ý là quan hệ giữa cái quen dùng và cái hợp lý; quan hệ giữa quy luật chung của ngôn ngữ loài người và đặc điểm của tiếng Việt; quan hệ giữa nhận xét lô-gích, khoa học và cảm xúc thẩm mỹ...

Trong Một nghề đáng quý, chúng ta còn được tiếp xúc một loạt bài viết của nhà báo Quang Ðạm về tư tưởng, triết học, về văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử Việt Nam. Một số bài về tư tưởng - triết học ông đã đi sâu nghiên cứu, phân tích và giới thiệu sự ra đời và phát triển, ảnh hưởng của Nho giáo đến xã hội và lịch sử Việt Nam, đồng thời nêu lên một vấn đề quan trọng là tính Ðảng và tính khoa học trong vấn đề biên soạn lịch sử tư tưởng Việt Nam. Ðó là những bài thể hiện tính khoa học cao như: Từ Chiếu dời đô đến Tuyên ngôn độc lập; Nội dung tư tưởng và hình thức văn học của Ðại cáo bình Ngô; Tư tưởng Nguyễn Trãi và tinh hoa Việt Nam; Chủ nghĩa xã hội không tưởng của "Thánh hiền" Nho giáo và chủ nghĩa xã hội khoa học của người cộng sản Hồ Chí Minh; Bàn về hệ thống phạm trù đạo đức học; Tính đảng và tính khoa học trong vấn đề biên soạn lịch sử tư tưởng Việt Nam... Nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử Việt Nam, ông đã viết một số bài chuyên luận sâu sắc, thấm thía như Về văn trong văn hóa; Lịch sử, sử học, sử ký; Một số suy nghĩ về cuốn Từ điển tiếng Việt; Một vài suy nghĩ sau khi đọc cuốn Chuẩn mực hóa và công thức hóa cấu trúc câu văn... Qua những trang viết hấp dẫn và phong phú, Một nghề đáng quý có thể khẳng định đây là bản tổng kết của cuộc đời một nhà báo uyên bác, trung thực, với cái tâm trong sáng, tất cả đều bắt nguồn từ tấm lòng yêu nước, yêu quê hương và yêu nghề sâu sắc. Như nhà báo Quang Ðạm trăn trở: "Muốn làm tròn nhiệm vụ cách mạng vẻ vang của mình, trước hết anh chị em làm báo chúng ta phải cố gắng xác định lập trường cách mạng, thấu suốt đường lối cách mạng, nâng cao giác ngộ cách mạng và trau dồi lề lối làm việc cách mạng". Những suy nghĩ chân tình này sẽ giúp cho những người làm báo có một lập trường chính trị vững vàng, sống và viết vì sự nghiệp đổi mới cách mạng của đất nước.

Phần cuối cuốn sách là bài viết của các đồng nghiệp, những người bạn nhiều năm đã cùng nhà báo Quang Ðạm chiến đấu trên mặt trận báo chí. Các tác giả viết về ông bằng những lời trân trọng, quý mến, như cố nhà báo Hoàng Tùng khẳng định: "Ðọc Quang Ðạm, ai cũng thấy phong cách một người viết nghiêm túc từ chiều sâu nội dung, kết cấu, ngôn ngữ, chính tả, chấm câu, xuống dòng... Phải là một người có trình độ học vấn cao, ý thức trách nhiệm đầy đủ trước người đọc mới có thể làm được như vậy. Ngày nay mặt bằng trí thức của xã hội ta đã khác ngày xưa rất nhiều, song phong cách, ý thức trách nhiệm của người viết báo vẫn phải như Quang Ðạm" (tr.809)./.

Theo www.dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 56

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 55


Hôm nayHôm nay : 6958

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 283142

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8429552