Chủ nhật 10/11/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Ả ĐÀO - NSND QUÁCH THỊ HỒ

NSND Quách Thị Hồ (1913-2001) quê ở làng Ngọc Bộ, tỉnh Bắc Ninh.Sống và mất tại Hà Nội. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, bà đã được nuôi dưỡng bằng nghệ thuật Ả đào. Lên 6 tuổi, bà đã bắt đầu học đàn, học hát, học gõ phách, 9 tuổi học múa, 11 tuổi theo mẹ đi hát. Năm 1976, tiếng hát của bà được GS.TS. Trần Văn Khê ghi âm và giới thiệu ra thế giới. Năm 1978, bà chính thức được Hội đồng Âm nhạc quốc tế của Unesco và Viện nghiên cứu quốc tế về Âm nhạc trao bằng danh dự vì công lao đặc biệt trong việc bảo tồn một bộ môn âm nhạc truyền thống có giá trị văn hóa, nghệ thuật cao. Năm 1988, băng ghi âm tiếng hát của NSND Quách Thị Hồ đã được xếp hạng cao nhất tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên) với sự tham gia của 29 quốc gia.

Viện Âm nhạc xin trân trọng giới thiệu tới Quý khán giả đĩa nhạc Ả đào của nghệ sỹ nhân dân Quách Thị Hồ, là tư liệu quý ghi lại những tiết mục do chính người nghệ sỹ tài ba này thể hiện.

1. Bắc phản

Bắc phản là điệu hát có trong hai lối Hát chơi và Hát thi. Bắc phản được hát từ thấp rồi lên cao dần, tức là tự giọng Nam chuyển dần sang giọng Bắc, tiết tấu cũng từ khoan tới mau rồi lại trở về khoan nhưng nói chung âm điệu bằng phẳng. Bắc phản còn được gọi là Hát mở bởi đây là thể hát đầu tiên cho một chầu hát chơi, một canh ca quán.

2. Mưỡu

Mưỡu là điệu hát có trong hai lối Hát chơi và Hát thi. Mưỡu cũng là điệu hát mào đầu nhưng khác với Bắc phản ở chỗ Mưỡu thường gắn bó chặt chẽ với điệu Hát nói. Điệu Mưỡu tuy khoan thai nhưng réo rắt, giọng Nam, giọng Bắc rõ ràng chứ không bằng phẳng như điệu Bắc phản.

3. Tỳ bà hành (Trích đoạn)

Tỳ bà hành là bài hát chỉ có trong lối Hát chơi. Tỳ bà hành là tên một bài thơ của Bạch Cư Di (772-846) - nhà thơ hiện thực thế kỷ thứ 9, nhà lý luận văn học nổi tiếng của Trung Quốc thời Trung Đường. Hơn nghìn năm sau, Phan Huy Vịnh (1800-1970) - nhà thơ Việt Nam thế kỷ 19 đã dịch sang chữ Nôm thể song thất lục bát. Trong Tỳ bà hành, nhạc đề cao ý thơ nhưng không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào thanh điệu của lời thơ. Các khổ lúc được trình bày một cách khuôn phép, khi lại biến hóa một cách tinh tế, đàn phách vút theo tiếng hát làm rung động lòng người.

4. Cung bắc

Cung bắc là bài hát có trong hai lối Hát chơi và Hát thi. Đây cũng là bài hát cổ của Ả đào. Nội dung toàn bài toát lên nỗi nhớ mong người tình, tuy nhiên, lời thơ có phần rời rạc, không thật gắn bó mạch lạc, chỉ bày tỏ nỗi nhớ man mác. Bài hát có ba lần thay đổi cung điệu và tốc độ nên còn được gọi là bài Nhịp ba cung bắc.

5. Thét nhạc

Thét nhạc là bài hát có trong cả ba lối Hát thờ, Hát chơi và Hát thi. Dâng hương xong, đào và kép chia nhau đứng hai bên hương án hát bài Thét nhạc. Đây là bài hát mở đầu cho lối hát thờ cửa đình, cũng là điệu hát cổ còn truyền lại tới ngày nay. Thét theo tiếng Việt cổ có nghĩa là reo lên, tiếng vút cao lên, cũng có nghĩa là gọi hoặc sai khiến điều gì. Khúc hát cốt mượn lời ca để dẫn nhạc, nên mặc dù ý nghĩa lời ca khá rời rạc nhưng khi hát lên thì nghe âm hưởng rất hay.

Theo www.vnmusic.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 19

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 18


Hôm nayHôm nay : 1855

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 46688

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10659144