Thứ hai - 04/06/2012 09:05
Một quyển sách về văn hóa dân gian
Ảnh minh họa
Sau khi xem qua mười hai chuyện kể dân gian và mười một bài sưu tầm nghiên cứu, trao đồi với tác giả Đỗ Văn Đồng, tôi cảm thấy dường như hầu hết những câu chuyện kể, những câu thơ, bài phú hay những bài vè đều rất quen thuộc với tôi. Bởi lẽ tôi sống trong một gia đình có truyền thống “nông nho kể chuyện”. Từ ông nội, rồi đến tía tôi (giờ đã qua đời) và chú ruột tôi_ ông Tư Bền, nay đã ngòai chín mươi tuổi ở làng Mỹ Lệ, Cần Đước, đều là những “nông nho kể chuyện”.
Tôi nhỏ tuổi hơn tác giả Đỗ Văn Đồng chừng một con giáp. Quê tôi và quê anh cách nhau chưa đầy mười cây số bên bờ Vàm Cỏ Đông.
Thuở nhỏ ở quê nhà, tôi cùng các bạn trẻ thường quay quần bên các buổi “trà dư tửu hậu” của các cụ để trộm nghe bình phẩm chuyện nhân tình thế thái qua những triết lí mà các cụ rút ra từ sách “Minh Tâm Bửu Giám”.
Các “nông nho” trong làng tôi đều thuộc gia cấp nông dân nghèo, qua nhiều thế hệ, với kiếp sống tá điền, chịu nhiều áp bức bất công, bóc lột thậm tệ của gia cấp thống trị thực dân, phong kiến. Nhưng họ luôn cố gắng học hỏi để nâng cao trình độ văn hóa và tích lũy được nhất định số vốn chữ nghĩa “thánh hiền”. Cho nên nội dung luận đàm của họ thường xoay quanh các nội dung thiện-ác, đúng-sai, nhân nghĩa phải trái ở đời gắn với những nội dung được phản ánh trong “thơ, tuồng, truyền, tích”. Một trong những truyện gây ấn tượng mạnh mẽ, có tác dụng giáo dục, răn đe thường xuyên đối với bản thân tôi và gia đình là chuyện “ Ngựa có sừng”, đi đôi với triết lí “thiện ác đối đầu chung hữu báo, cao phi viễn tẩu dã nan tàng” hoặc “thiên vọng khôi khôi thiên minh bất lậu”.
Ngòai những chuyện kể dân gian, tác giả còn sưu tầm, nghiên cứu, phân tích sâu sắc những trò diễn dân gian như “đánh phá quàn” trong lễ tang, “trò lễ- nhạc lễ” trong lễ cúng Kỳ Yên hay những cuộc giỗ tổ ngành nghề…hoặc nói chung trong những cuộc “ quan, hôn, tang, lễ”, tập tục “ cúng mâm đất đai” trong lễ giỗ, “cúng gà mồng ba” Tết Nguyên đán, “lễ phản bái” sau ngày cưới, tục thờ “Cửu huyền thất tổ”, “Thờ Bà Ngũ Hành”, “Thờ Thần Nông”, “Tết Đoan Ngọ”, “ Đảo Võ” (cầu mưa)…
Những phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc và địa phương được tác gải sưu tầm, nghiên cứu đều có giá trị văn hóa. Tuy nhiên, chúng hiện tồn tại trong đời sống văn hóa với tình trạng bị mai một rất nhiều. Do đó, thế hệ hôm nay, hiếm có người (kể cả những người làm công tác quản lí văn hóa) am hiểu và giải thích rõ nội dung lễ nghĩa của chúng. Thậm chí có người còn cho chúng là biểu hiện của mê tín dị đoan cần xóa bỏ!
Về chữ nghĩa, ông bà ta thường nói “lễ nghi”, tức là lễ không có nghi thì thành bất lễ. “Lễ nghĩa”- lễ mà nghĩa sai lệch hoặc không đủ yếu tố tối thiểu để lột tả ý nghĩa của lễ thì hóa ra vô lễ.
Có thể nói nội dung chính của quyển sách gồm những chuyện kể dân gian, những phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc mà tác giả sưu tầm, nghiên cứu. Ngòai những yếu tố hấp dẫn về hình thức thể hiện đối với người nghe, người xem, chúng còn thể hiện ước mơ lý tưởng về cuộc sống tốt đẹp của cá nhân và cộng đồng dân tộc Việt từ xưa đến nay.
May thay, tác gải Đỗ Văn Đồng_Hội viên Văn nghệ dân gian tỉnh Long An đã để tâm sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến sách “Nông nho kể chuyện”. Hy vọng sẽ có tác dụng hướng đến thế hệ trẻ biết kế thừa, chấn hưng nghi lễ và phát huy giá trị thuần phong mỹ tục của dân tộc; vừa thỏa mãn nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh vừa giáo dục đạo đức xã hội, góp phần vào việc thực hiện chủ trương mang tính chiến lược của Đảng và nhà nước “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”.
Võ Trường Kỳ