Ý hướng tự do trong thơ ông đôi chỗ cố vùng vẫy.Thấp thoáng qua một vài câu thơ mà đặc biệt qua hình ảnh con ngựa trong các bài: "Mơ thấy mình thành con ngựa", "Chiều sông Ô", "Ký họa tự vẽ", "Đêm Tiền Giang" …và cả nhan đề tập thơ: "Ngựa hồng".
“Tám năm biệt xứ Giang Đông/ Chiều nay vỗ ngựa vung gươm trở về” (Chiều sông Ô ).
“Bức danh họa con ngựa kéo xe thổ mộ/ Hai miếng da che mắt tự bao giờ” (Ký họa tự vẽ).
“Chợt bốn vó ngựa hồng khép nép/ Sợ băm thành nhiều khúc đêm nay” (Đêm Tiền Giang).
Ông cố vẫy vùng để xua đi sự cô độc, nỗi buồn. Nhưng dường như trong tập thơ đôi lúc vừa phảng phất hé lộ thì nỗi buồn càng dày hơn, sự cô độc càng sâu hơn…
Sự ảnh hưởng một số nội dung từ Thơ mới 1930-1945, có thể do đặc điểm của thế hệ, thời đại (ông sinh năm 1939) nên trong thơ ông có sự ảnh hưởng khá đậm nét từ nội dung đến hình thức nghệ thuật của phong trào Thơ mới những năm 1930-1945. Việc ảnh hưởng là tất nhiên nhưng trong thơ ông sự ảnh hưởng này lại quá đậm. Một trong những nguồn tạo cảm hứng cho sáng tác của các thi sỹ Thơ mới là tình yêu và nỗi buồn. Cảm hứng về nỗi buồn trong tập thơ "Ngựa hồng" của Cao Thoại Châu dày đặc, tràn ngập gần như có mặt khắp tập thơ. Tình cờ và ngẫu nhiên lần giở các bài thơ của ông theo thứ tự từ bài đầu tiên rồi đến bài thứ 10, 20… 80, 90 đến bài cuối cùng (và cả hai bài thơ đoạt giải nhất cuộc thi thơ Đồng bằng năm 2006) sẽ bắt gặp một chuỗi sầu buồn miên viễn, chồng chất từ bài thơ đầu đến bài kết thúc.
Bài thơ đầu tập “Chuồn chuồn châu chấu vẫn bay”: “Mặt trời lấp lánh kim cương/ Mà đi để lá sầu riêng một mình/ Chẳng hề có sự buồn đau/ Quá vui ông đổi ra sầu cho cân”.
Bài thứ 10 “Đợi biển” : “Em nghe buồn trên ngọn sầu đông/ Hiu hắt bốn mùa tuyết trắng”.
Bài thứ 20 “Đêm Tiền Giang”: “Con sông quanh năm chỉ thấy nước đầy/ Chở ra biển nỗi buồn đại lục”.
Bài thứ 90 “Ta vẫn tìm lửa đốt đời ta lên”: “Buồn lòng nhớ bạn ta xưa/ Nghìn trùng xa cách bây giờ ở đâu”… “Bạn từ bỏ cuộc ra đi/ Lửa tàn thuốc hết, tình si cũng buồn”… “Để ta đứng đó chơi vơi/ Buồn như có thể mỉm cười cho xong”.
Bài cuối tập thơ “Chờ nghe lời xưng tội hoang đàng”: “Chiếc lá có thể bay theo gió/ Còn nỗi buồn dẫu mỏng thì không”.
Và thậm chí cả hai bài đoạt giải nhất thơ ĐBSCL năm 2006 cũng mở đầu chữ buồn:
“Cũng đành bứt sợi dây câu
Ra đi để lại một châu thổ buồn” (Lỡ có xa đồng bằng);
Và kết thúc cũng có chữ buồn nốt:
“Trăm cơn sầu đang đổi cơn say
Tôi đốt quán, em đừng buồn tôi nhé
Mở dùm tôi chai nào cay đắng nữa
Ly vỡ rồi cứ đổ xuống thân tôi” (Quán của người tên V).
Nỗi buồn quả thật đã chiếm tỷ lệ “đáng nể” trải hầu hết cả tập thơ. Trong cuộc sống, tâm trạng con người có lúc vui, buồn là lẽ đương nhiên. Thể hiện các trạng thái, cung bậc của nỗi buồn tự cổ chí kim trong văn học nghệ thuật nói chung, trong thơ ca nói riêng cũng là chuyện thường tình. Nỗi buồn từ đời sống tràn vào thi ca đã tạo ra những tác phẩm bất hủ, trác tuyệt. Tuy nhiên, bất cứ trạng thái nào cũng vậy khi nó được lập đi lập lại với một tần suất đều đặn, gần như là sự tuần hoàn hình sin thì lại dễ rơi vào một cảm giác khác. Đọc đôi ba bài đầu trong thơ ông thấy đôi chút hấp dẫn bởi một nội cảm buồn của tâm sự, của thực hòa trong mộng. Nỗi buồn của một lữ thứ đượm chút gì đó giang hồ mà sang trọng. Nhưng lẽo đẽo theo nỗi buồn của thi sỹ tự dưng cảm xúc dần chai sạn và hết buồn!.Tự hỏi tại năng lực tiếp nhận vô cảm hay vì lẽ gì? Chỉ biết bản thân đang đứng trước một bãi hoặc một kho chất chứa cơ man không biết bao nhiêu là nỗi buồn. Hay nói cách khác, trong tập thơ này bạn đọc có thể thưởng lãm một thi viện buồn. Có bạn thơ nói vui nếu cấm nhà thơ nọ dùng ba chữ : Ta, Em và Trăng thì chắc chắn nhà thơ ấy sẽ không viết được bài thơ nào. Trong tập Ngựa hồng nếu được phép loại bài nào có chữ buồn ra thì chắc hẳn tập thơ sẽ mỏng, mỏng lắm. Buồn thật!
Hình thức nghệ thuật nằm trong mực thước khuôn khổ thơ mới 1930-1945. Tập thơ có trên 100 bài nhưng hầu như bài nào cũng không thoát khỏi vỏ hình thức thơ mới. Tính “ước lệ” theo kiểu 1930-1945 (không phải ước lệ của văn học trung đại) được sử dụng nhiều trong các bài thơ qua các hình ảnh như: “ đôi tình nhân”, “áo vũ cơ hàn”, đời phù du”, “gió reo đại ngàn”, “một chuyến sang ngang”… Các cấu trúc câu chủ yếu là ngũ ngôn, thất ngôn, lục ngôn hoặc lục bát; vần điệu, hình ảnh hao hao như các nhà thơ mới. Một số bài có phần nghiêng về phong cách của các nhà thơ chân quê. Chẳng hạn như kiểu Nguyễn Bính: “Xa nhau thì đã xa rồi/ Hình như cũng có hai người nợ nhau” (Cách một mùa đông). “Buồn lòng nhớ bạn ta xưa/ Nghìn trùng xa cách bây giờ ở đâu/ Bạn ta giống một vì sao/ Lâu lâu có bận soi vào lòng ta” (Ta vẫn tìm lửa đốt đời ta lên).
Hay âm hưởng Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ: “Trên con đường buổi sáng tôi qua/ Dăm chiếc quán café mới hé/ Củi tí tách văng ra từng ánh lửa/ Khói nước bay trên nắp ấm la đà” (Rạng đông một ngày vô định).
Một vài bài mang dáng dấp thơ Huy Cận, Xuân Diệu: “Hỡi đóa hồng một sáng nào nở muộn/ của con đường rợp bóng cây xanh…/ “Hồn tôi bay những tiếng thơ vàng/ đã lướt thướt trên triền dốc mộng” (Trả lời một đôi mắt).
Đây đó vẫn thấp thoáng đôi bài có tính chất của Chế Lan Viên: “Lòng thì buồn ngựa nhớ tri âm/ Thân chiến mã đi kéo xe thổ mộ/ Đường thiên lý không bao giờ tới nữa/ Rơi vãi trong chiều những tiếng leng keng” (Mơ thấy mình thành con ngựa).
Thơ ông là một hồn thơ buồn, với bút pháp “mới” của đầu thế kỷ XX đang hòa nhịp trong dòng thi ca đương đại. Thoáng đọc qua, chúng ta thấy lạ mà quen, để rồi chợt nhận ra đó là “người năm cũ”. Quả cũng thi vị! Tất nhiên bây giờ và cả sau này đòi hỏi việc thay đổi, sự phá cách nào đó trong thơ Cao Thoại Châu là rất khó (mà có quyền gì đòi hỏi); bởi “tạng” thơ ông là vậy. Thiển ý riêng chỉ xin từ dăm ba câu, đôi ba bài tình cờ đọc được từ tập thơ "Ngựa hồng" trao đổi vài ý thô lậu để ông suy nghĩ, khả dĩ tạo nên những sáng tạo mới mẻ, phong phú hơn; “cởi trói” vỏ ốc của chính mình để “phiêu bạt” thêm giữa suối ngàn thơ ca.
Ở góc độ công chúng tiếp nhận đương đại chợt nghĩ thơ ông là thơ của thế hệ mùa thu cũ chớ “Mùa thu nay đã khác rồi” (ý thơ Nguyễn Đình Thi). Xin mượn và chuyển một phần ý từ nhan đề tác phẩm nổi tiếng của nữ văn sĩ Pháp Françoise Sagan cho lời kết: “Buồn ơi, giã biệt mi…” (Adieu…).
Nguyên Tương
Những tin mới hơn
Đang truy cập : 69
•Máy chủ tìm kiếm : 22
•Khách viếng thăm : 47
Hôm nay : 3190
Tháng hiện tại : 109331
Tổng lượt truy cập : 10333417