Thứ hai 14/10/2024

NỘI DUNG CHÍNH

XEM HÁT BÓNG RỖI Ở MIẾU BÀ NGŨ HÀNH LONG THƯỢNG (CẦN GIUỘC)

Hàng năm cứ đến ngày 18 đến 21 tháng Giêng (AL) tại Miếu Bà Ngũ Hành ở xã Long Thượng Cần Giuộc diễn ra lễ hội Vía Bà Ngũ Hành Nương Nương. Trong những ngày này có đến hàng chục ngàn lượt khách thập phương đến với lễ hội để chiêm bái, cầu an, vui chơi giải trí, giao lưu cộng cảm…và được xem hát bóng rỗi - một lọai hình nghệ thuật diễn xướng tổng hợp với các trò diễn dân gian độc đáo được nhiều người chờ đợi nhất.

Ra đời trong công cuộc khai hoang lập làng của cộng đồng cư dân địa phương, miếu Bà Ngũ Hành ở xã Long Thượng là nơi thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, Quan Thánh Đế Quân, Tiền Hiền, Hậu Hiền… và 5 vị phúc thần mà dân gian tin rằng có quyền năng trong các lĩnh vực liên quan đến vàng, bạc (kim), gỗ, cây (mộc), sông nước (thủy), củi lửa (hỏa) và đất đai (thổ) - những vị thần bảo hộ cộng đồng cư dân nông nghiệp trong buổi đầu khai phá vùng đất Nam Bộ đầy khắc nghiệt. Sự tôn thờ này là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian đa dạng nhưng trong ý thức tâm linh ấy, vẫn giữ được cái cội nguồn sâu xa của nó từ tín ngưỡng thờ mẫu vốn hằn sâu trong tâm thức của người Việt Nam.

Với lịch sử hơn 100 năm và trở thành nét văn hóa truyền thống của đất và người nơi đây, lễ hội diễn ra khá long trọng với các nghi thức của một lễ Kỳ Yên. Và đặc biệt, do tính chất thờ nữ thần nên tại lễ không thiếu chương trình hát bóng rỗi - một hình thức diễn xướng nghi lễ tổng hợp, gồm ca, nhạc, múa và biểu diễn sân khấu, với các tiết mục: khai tràng, thỉnh tổ - chầu mời, dâng bông, dâng mâm, nghinh bà… và các trò diễn tạp kỹ khác.

Cũng như bao người đi lễ, tôi thường đến bàn thờ Bà đốt hương, cầu nguyện và sau đó chờ được xem hát bóng rỗi. Tiết mục mở đầu là hát chầu mời Ngũ Hành Nương Nương, chư tiên, chư thánh,… về dự lễ. Người hát bóng rỗi đa phần là các bóng (ái nam, ái nữ) mặc trang phục đặc trưng với đầy đủ áo, mũ, khăn, váy, ngạch quan, và trang điểm rất cầu kỳ. Sau hát chầu mời là điệu múa dâng mâm vàng: bóng dùng tay cầm, đỡ, lật lên, lật xuống và tung xoáy chiếc mâm lên khoảng không, có khi ngửa mặt, dựng vành mâm vào nhân trung, rồi chu môi, giang rộng hai tay, vừa giữ thăng bằng trong khoảng 2 đến 3 phút, làm người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Và rồi không khí trang nghiêm của nghi lễ được chuyển sang không khí sôi động của sinh hoạt cộng đồng khi các bóng bắt đầu trổ tài trình diễn các tiết mục múa hết sức đặc sắc mang tính chất “xiếc” theo sở trường riêng. Bóng nhấc tộ bông có cắm hoa (vạn thọ, trang, cúc) đặt lên bàn tay trái, xoay người 3 lần rồi đặt tộ bông lên đầu để múa một cách ngẫu hứng theo điệu đàn, nhịp trống của dàn nhạc. Các bóng thực hiện điệu múa hết sức uyển chuyển, mềm mại, khi nhanh, khi chậm sao cho lễ vật đội trên đầu không rơi xuống đất và vừa múa rồi di chuyển đến bàn thờ Bà để dâng bông cho chủ lễ. Những chuỗi động tác nhanh, gọn, dứt khoát từ thân hình mảnh mai, thướt tha của bóng giống như một vũ công hòa quyện một cách mông lung, hư ảo vào những cụm khói nhang lan tỏa. Quả là một không gian linh thiêng đầy huyền ảo.

Sau tiết mục múa dâng bông là múa dâng lộc. Bóng nâng mâm trầu cau có phủ vải đỏ đưa lên đầu, vừa múa, vừa di chuyển về bàn thờ Bà, người chủ lễ đón lấy mâm lộc rồi dâng lên bàn thờ, sau đó phát cho những người đi lễ muốn xin lộc.

Và tiếp theo là màn múa đầy điêu luyện của bóng với 3 nhánh bông huệ dài được xếp theo hình tam giác sao cho thăng bằng rồi bóng đặt lên nhân trung, đầu, trán để di chuyển và thực hiện những điệu múa mà bông không rơi xuống đất, người tham dự lễ giắt tiền lên bông huệ để tặng và tán thưởng tài nghệ cho bóng trong quá trình biểu diễn.

Múa ghế là tiết mục gây nhiều hứng thú vì mang nặng tính chất xiếc. Bóng sử dụng chín chiếc ghế nhựa, trong đó bốn ghế chồng lên nhau, bốn ghế còn lại được mắc xung quanh chiếc ghế thứ ba, rồi bóng đặt chín chiếc ghế lên nhân trung, trong tư thế ngửa mặt lên trời, vừa múa, vừa di chuyển, vừa giữ thăng bằng sao cho ghế không ngã đổ. Người xem nhiệt liệt tán dương bằng những tràng pháo tay kéo dài và tặng tiền thưởng cho bóng.

Riêng múa trống là tiết mục múa được trình diễn phải tốn nhiều sức lực, bóng dùng tay nâng chiếc trống chầu, quay nhiều lần sau đó khiêng và đặt một phần miệng trống lên trán rồi buông tay, múa theo điệu nhạc.

Cảm giác càng hồi hộp có khi muốn nín thở khi bóng dùng miệng cắn cán dao, đưa mũi ra ngoài và trên dao này còn có một con dao nằm ngang cùng năm con dao xếp thẳng đứng ở trên, trong tư thế ấy bóng bắt đầu di chuyển, thực hiện nhiều động tác múa mà những con dao kể trên vẫn ở trong tư thế cân bằng, không bị rơi xuống đất.  

Riêng trò múa rót rượu được các bóng thực hiện một cách khéo léo và độ chính xác khá cao, dùng một cái chai thủy tinh có chứa rượu bên trong, bóng đặt lên giữa đỉnh đầu, cổ chai hướng ra phía trước rồi lắc lư cơ thể, di chuyển qua lại, thực hiện nhiều động tác nhảy múa điệu nghệ và sau đó quỳ xuống, cúi đầu để rượu trong chai từ từ chảy ra những cái ly nhỏ đặt trên khay trước bàn thờ mà rượu không rớt hoặc tràn ra ngoài miệng ly giọt nào.

Cuối cùng là tiết mục hát chặp Địa Nàng. Đây là trò diễn mang tính hài hước của ông Địa và Hằng Nga, tái diễn lại cốt truyện tiên nữ Hằng Nga vâng lệnh Vương Mẫu Nương Nương giáng trần để hái lộc cầu an cho dân làng. Vì Hằng Nga không biết đường nên phải nhờ cậy Thổ Địa đưa đường chỉ lối. Vì quen nếp sống ở trần gian được mọi người cung phụng cúng kiếng, Thổ Địa giở đủ trò bắt chẹt Hằng Nga đòi ăn chè, ăn chuối, giả té, giả đau đẻ… Sau khi vòi vĩnh, làm khó, chọc ghẹo, cuối cùng ông Địa cũng đưa Hằng Nga đến Huê Viên để “Khai mạch giếng nước tưới cây Huê” (biểu thị cho khát vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt).

Là một vùng quê yên bình, nhưng vào mùa lễ hội, Long thượng bỗng chốc nhộn nhịp, đông đúc. Những dòng người từ các tỉnh, thành khắp nơi đổ về đi lễ, họ chờ đợi và nhường lối cho nhau, cùng đốt nén hương, cầu mong sự bình an và hạnh phúc. Cho nên dù có bận trăm công nghìn việc, hàng năm, người ta vẫn đến đây để cầu Bà và xem hát bóng rỗi. Các nghi thức cúng Bà và các trò chơi trong lễ hội góp phần thỏa mãn nhu cầu tâm linh, nhu cầu sinh họat văn hóa cộng động mà ở đó con người có thể tìm thấy sự thanh thản, những cảm xúc chân thực, sự đồng cảm về một cuộc sống bình yên và lương thiện./.

 

ĐỖ THỊ LAN

Theo TCVNLA 04/2014

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 19


Hôm nayHôm nay : 1995

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 70319

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10541365