Thứ ba 19/03/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Lễ đáo tuế - mừng thọ

          Là người Việt Nam, không phân biệt giai tầng xã hội, tôn giáo, nghề nghiệp, vùng miền… trong lòng mỗi người hầu như đã có sẵn đạo lý uống nước nhớ nguồn, trọng tình trọng nghĩa. Đạo lý đó được biểu hiện rõ nét qua những câu ca dao đã có từ lâu đời:
Cây có gốc mới nẩy cành xanh lá,
Nước có nguồn mới biển cả sông sâu.
Chúng ta nguồn gốc từ đâu ?
Có tổ tiên trước về sau có mình.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

            Ở phạm vi gia đình, đạo lý đó chính là đạo hiếu thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ. Trong mọi cung cách báo hiếu thì việc tổ chức lễ Đáo tuế – Mừng thọ cho cha mẹ được coi là một nét văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc.
            Vậy, lễ Đáo tuế – Mừng thọ là lễ gì? Tổ chức vào tuổi nào? Cách tổ chức ra sao?…Chúng tôi xin ghi lại những gì người xưa đã làm mà cho đến nay vẫn còn một số địa phương duy trì lệ cũ, tuy cách tổ chức có nhiều thay đổi.
          Đáo tuếđến tuổi hay đến năm. Một người sinh năm Canh Dần 1950 đến năm Canh Dần 2010 tròn 60 năm là một chu kỳ của âm lịch, người đó được 60 tuổi, tính theo tuổi ta là 61, nghĩa là trở lại năm sinh tuổi Canh Dần của mình, nên gọi Đáo tuế.(Xin xem bảng đối chiếu âm lịch và dương lịch).
          Mừng thọ là mừng được sống lâu. Cách tính tuổi thọ tuỳ theo nơi nên không đồng nhất. Có nơi tinh mỗi cấp thọ phải đủ một con giáp (12 năm): 61 là Hạ thọ, 73 là Trung thọ, 85 là Thượng thọ, 97 là Đại thọ…Lại có cách tính khác: 65 đến 75 là Hạ thọ, 80 đến 85 là Trung thọ, 85 đến 100 là Thượng thọ. Theo cách tính thứ ba dưới đây, chúng tôi căn cứ vào Đại Nam Quốc Am Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh và một số ý kiến của các vị am hiểu lệ tục, lập thành một bản theo số chẵn và có ghi danh hiệu tuần tuổi cho mỗi cấp thọ:
          - Lục tuần: 60 tuổi trở lên là Hạ thọ (Đáo tuế, tròn 60 năm tính theo tuổi ta là 61).
          - Thất tuần: 70 tuổi trở lên   là Trung thọ,
          - Bát tuần:  80 tuổi trở lên    là Thượng thọ,
          - Cửu tuần: 90 tuổi trở lên    là Đại thọ.
          - Đúng 100 tuổi làm lễ Đại thọ bách tuế còn gọi là lễ Bách niên giai lão; nếu người hưởng thọ trên 100 tuổi thì gọi là Đại thọ ngoại bách tuế.
          Theo cách tính thứ ba thì vừa hợp sách vở, vừa dễ nhớ lại có phần rộng rãi cho những người không biết ngày tháng sinh theo âm lịch của mình, có thể tổ chức lễ Đáo tuế hay Mừng thọ vào một ngày thuận tiện, hay trễ một vài năm cũng được. Tuy nhiên, dù theo cách tính nào, tổ chức được đúng vào ngày sinh của mình vẫn có ý nghĩa hơn.
          Không phải bây giờ mới có câu “Sáu mươi năm cuộc đời” mà ngày xưa cũng hiểu như vậy: “Người sống bảy mươi xưa nay hiếm” (Nhân sinh thất thập cổ lai hi). Thế nên lễ Đáo tuế Hạ thọ (61 tuổi) được nhiều người quan tâm và coi nó quan trọng hơn các lễ mừng thọ sau đó. Chúng tôi may mắn được dự  một số lễ Đáo tuế và Mừng thọ ở những địa phương khác nhau, về ý nghĩa thì giống nhau mà về nghi tiết thì mỗi nơi mỗi khác, chưa có một quy chuẩn thống nhất. Chúng tôi ghi lại một lễ Đáo tuế tiêu biểu để cùng tham khảo rồi tuỳ khả năng, hoàn cảnh của mỗi gia đình mà châm chước cho phù hợp.
           Phần vụ của gia đình:
          Trước lễ vài hôm, gia đình lo mời khách hai bên nội ngoại, thân hữu. Các con cháu  phải phụ cha mẹ lo mọi việc trong ngoài, quét dọn, lau chùi bàn thờ gia tiên cho sạch sẽ. Giữa nhà, trước bàn thờ gia tiên lót một tấm phản (bộ ván nhỏ), trải lên một chiếc chiếu nhỏ gọi là  Thọ tịch (chiếu thọ) dành cho người Đáo tuế hay Mừng thọ. Trên thọ tịch để sẵn vài vật tượng trưng như gối, mền. Có nơi người ta dùng hai ghế đai có trải thảm, để trên bụt cho hơi cao thay cho bộ phản. Bàn thờ gia tiên và thọ tịch gọi chung là Nội nghi. Còn đủ vợ chồng mà người chồng đáo tuế thì người vợ cũng ngồi chung trên thọ tịch và ngược lại, người vợ đáo tuế thì người chồng cũng ngồi chung, ngó mặt ra phía trước, mặc quốc phục (khăn đóng áo dài đỏ). Người đáo tuế hay hưởng thọ gọi là Thọ nhân. Đối diện với thọ tịch, cự ly khoảng 5, 6 mét  là một Bàn nghi, gọi la Ngoại nghi  quay mặt  vô (khoảng cách giữa Nội và Ngoại nghi  để trò lễ hoạt động). Trên bàn nghi có hương đăng hoa quả và các lễ phẩm (có nơi thêm cặp lọng che tại bàn nghi để tăng phần long trọng). Hai bên là hai ghế trường kỷ dành cho người lớn tuổi bên nội và bên ngoại, các vị nầy gọi là Bồi tịch. Phía sau trường kỷ là hai bộ ván ngựa hoặc hai hàng ghế dành cho bà con nội ngoại người nhỏ tuổi. Từ hiên nhà ra sân có che rạp là những bàn tròn dành cho thân hữu và khách mời (xin xem sơ đồ). Chọn hai người đứng tuổi trong số bà con,  một nam, một nữ, khăn  áo chỉnh tề làm Chấp sự viên bên cạnh hai vị hưởng thọ để tiếp cơm, rượu, trà…từ  con cháu dâng lên cha mẹ tức hai vị Thọ nhân. Chọn thêm hai vị Tòng sự viên đứng hai bên bàn nghi kế Trò lễ xướng để nhận lễ phẩm (thức ăn, rượu, trà) từ  bàn nghi để lên đài của Trò lễ dâng.
          Ngoài những vật cúng thông thường như  nhang, đèn, hoa, trái, trà, rượu còn có thêm gà, vịt hoặc heo, bò (nếu nhà khá giả). Chủ nhà rước một ban Nhạc lễ và một ban Trò lễ để phục vụ cho lễ cúng và nhờ ông Thầy lễ hướng dẫn các thủ tục cần thiết. Gia đình Phật tử thì có rước thêm một  Nhà sư chủ trì cho cuộc lễ đồng thời tụng vài thời kinh theo ý nghĩa cầu nguyện, báo hiếu. Thường  thì tổ chức vào buổi chiều cho mát mẻ và mọi người rảnh việc. Trước khi vào lễ, các  Chấp sự  viên kiểm tra lại các vật cúng cho đầy đủ, ban nhạc lễ chuẩn bị sẵn sàng, ban trò lễ áo mão  chỉnh tề.
          Phần vụ của ban Nhạc lễ và Trò lễ:
          Ván ngồi của ban nhạc lễ đặt phía phải từ trong nhìn ra. Ban nhạc lễ gồm 5 người, 1 nhạc trưởng và 4 nhạc công, Mở đầu ông thầy lễ thay mặt gia đình nói lời chào mọi người, tóm tắt ý nghĩa cuộc lễ. Tiếp đến, ban nhạc lễ  đánh bài Dựng giá, ý nghĩa là thỉnh Cửu Huyền Thất Tổ về chứng giám đồng thời thông báo cho mọi người chung quanh biết là bắt đầu vào lễ. Ban Trò lễ có 7 người:1 Thầy lễ, 2 Lễ xướng và 4 Lễ dâng tập trung tại vị trí  bên trái từ trong nhìn ra. Hai Lễ xướng đứng hai bên bàn nghi bắt đầu xướng và những người có phận sự  thực hiện theo:
- TĨNH TÚC THỊ LẬP: Mọi người có mặt đầy đủ, đứng yên chỗ của mình.
- CHẤP SỰ GIẢ CÁC TƯ KỲ SỰ: Các viên Chấp sự  ai lo việc nấy.
- NHẠC SANH KHỞI NHẠC: Ban nhạc đánh bài bát cấu.
          - CUNG THỈNH THỌ ĐẠI NHÂN TỰU VỊ: Người hưởng thọ đến trước bàn nghi đốt 2 cây nến đỏ và 3 cây nhang nhỏ,  xá 3 xá rồi đến trước bàn thờ gia tiên. (Chỉ có người đáo tuế bước vào, vợ hay chồng vẫn đứng bên ngoài).
- GIAI QUỊ: Người hưởng thọ quì xuống.
          - CHẤP SỰ GIẢ PHẦN ĐĂNG, PHẦN HƯƠNG: Hai viên chấp sự đốt đèn, đốt nhang
          - CẨN NIỆM CHƠN HƯƠNG: Người hưởng thọ tiếp ba cây nhang lớn do chấp sự viên đốt sẵn trao cho, ông đưa lên trán khẩn nguyện: (Lúc cầu nguyện, ban nhạc ngưng tấu)
                        Hôm nay, ngày….tháng….năm….âm lịch là ngày Đáo tuế Hạ thọ của hậu bối       NGUYỄN VĂN X…cư sở làng….huyện….tỉnh…..,thành tâm cẩn dĩ hương đăng hoa quả, thứ phẩm chi nghi, cầu nguyện Cửu Huyền Thất Tổ chứng giám, hộ độ toàn gia tộc, từ nam tới nữ, từ già tới trẻ được người an vật thạnh, vạn sự hanh thông. Cẫn cáo. Người hưởng thọ lạy 4 lạy, nếu già yếu không lạy nổi thì người con trưởng lạy thay, theo lời xướng của trò lễ:
          - CÚC CUNG BÁI: Người hưởng thọ lạy 1 lạy (Ban nhạc đánh trống lạy)
          - HƯNG: Đứng lên.
- BÁI: Lạy.
          - HƯNG: Đứng lên.
- BÁI: Lạy.
          - HƯNG: Đứng lên
                - BÁI: Lạy.
- HƯNG BÌNH THÂN:Người hưởng thọ đứng lên hẳn.
- THIỂU THỐI: Người hưởng thọ lui ra.
- CUNG THỈNH CHƯ VỊ TRƯỞNG LÃO, ĐĂNG BỒI TỊCH: Mời các vị trưởng lão nội
ngoại đến ngồi hai bên trường kỷ. (Ban nhạc đánh bát cấu).
          - CUNG THỈNH THỌ ĐẠI NHÂN, ĐĂNG THỌ TỊCH: Người hưởng thọ (và vợ) đến ngồi trên thọ tịch với sự hỗ trợ (dìu) của hai chấp sự viên.  (Ban nhạc vẫn đánh bát cấu).
          - TỬ TÔN TỰ LẬP: Con cháu của hai thọ nhân bước ra hầu hai bên cha mẹ.
- TỬ TÔN GIAI QUỊ: Con cháu đồng quì xuống.
          - TỬ TÔN CHÚC THỌ CÚC CUNG: Anh trai trưởng (hoặc chị lớn) thay mặt các em nói lên công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ đối với các con… cầu chúc cha mẹ sống lâu trăm tuổi. Các con dâng quà mừng thọ cho cha mẹ (bằng hiện vật hay hiện kim để trong phong bì đỏ. Ngày nay người ta còn thêm vòng hoa Nguyệt quế quàng cổ).
          - THỌ ĐẠI NHÂN BAN LỘC: Người hưởng thọ ban cho con cháu mỗi người một phong bì đỏ, trong đựng một ít tiền tượng trưng lộc .
                - TỬ TÔN CÚC CUNG BÁI: Con cháu đồng lạy 2 lạy.
          - CUNG TẤN PHẠN NGHI (hoặc SẠN): Các Tòng sự viên sửa soạn cơm (phạn) và thức ăn (sạn).
- TẤN PHẠN: Các Tòng sự  viên để cơm và thức ăn lên đài Trò lễ dâng.
          - HIẾN PHẠN: Bốn Trò lễ dâng thức ăn, đi theo kiểu cách trò lễ, thường là kiểu chữ “nhân”, từ bàn nghi đến thọ tịch theo điệu nhạc Nam Đảo của nhạc lễ. Con cháu tiếp hai chén cơm để lên trán dâng lên cha mẹ. Thọ nhân chỉ ăn tượng trưng. Bốn Trò lễ trở lại bàn nghi trong khi ban nhạc đánh thúc lên bài Đảo bụa ( nhịp một nhanh).
          - TỬ TÔN CÚC CUNG BÁI: Con cháu đồng lạy 2 lạy.
                      - CUNG TẤN TỬU NGHI: Các Tòng sự viên sửa soạn rượu.
          - CHƯỚC TỬU: Tòng sự viên rót rượu  vào chung.
          - TỬ TÔN GIAI QUỊ: Con cháu đồng quì. 
          - HIẾN TỬU: Nghi Dâng rượu. Các Trò lễ đi như  trước, ban nhạc hoà tấu bài Ngũ Đối Hạ, con cháu thực hiện y như nghi Hiến Phạn  Khi trò lễ trở lại, ban nhạc thúc lên Bài Hạ nhanh (nhip một).
          - CUNG TẤN TRÀ NGHI: Tòng sự viên sửa soạn nước trà.
          - ĐIỂM TRÀ: Tòng sự  viên rót nước trà vào chén .
          - TỬ TÔN GIAI QUỊ: Con cháu đồng quì.
          - HIẾN TRÀ: Nghi dâng trà.Trò lễ và con cháu thực hiện như trước. Ban nhạc hoà tấu bài Ngũ Điểm.
          - PHÂN HIẾN TỬU BỒI TỊCH: Các Chấp sự viên và Tòng sự viên mời rượu các vị Bồi tịch (trưởng lão nội ngoại).
          - TỬ TÔN HƯNG BÌNH THÂN: Con cháu đứng lên hầu hai bên cha mẹ.
          - TÂN KHÁCH KHÁNH CHÚC: Đại diện khách mời đọc lời chúc thọ cho vị thọ nhân, lời chúc vắn tắt, nội dung cầu sống lâu trăm tuổi, nhiều hạnh phúc…(Nếu khách mời có sẵn hoành phi, liễn đối, thơ văn chúc thọ hoặc các vật mang ý nghĩa tượng trưng như cây trường sinh, hoa vạn thọ… cũng gởi tặng trong lúc nầy).
          - TỬ TÔN CÚC CUNG BÁI: Con cháu lạy 2 lạy (ý nghĩa đáp lễ khách chúc thọ cho cha mẹ mình).
          - TỬ TÔN GIAI QUỊ: Con cháu đồng quì.
                -  THỌ ĐẠI NHÂN ĐÁP TỪ: Người hưởng thọ nói lời cảm ơn thân hữu, khách mời.
          - THỌ ĐẠI NHÂN CHÚC HUẤN TỪ: Người hưởng thọ đọc lời Khuyến ngôn với con cháu. Đại ý lời Khuyến ngôn:
          Nầy các con! Cha tên thật là Nguyễn Văn X…(nếu có bút danh, bút hiệu thêm vào cũng được), sanh năm Canh Dần 1950 tại làng…huyện…tỉnh… Năm…cha đã kết hôn cùng mẹ của các con là bà Lê Thị Y…, sanh năm…tại làng…huyện…tỉnh…và đã hạ sanh được…đứa con, gồm ….trai và….gái:
          l- Nguyễn Văn…
         2- Nguyễn Thị…  v.v…hôm nay đều có mặt đầy đủ. Cha  muốn để lời Khuyến ngôn trong lễ Đáo tuế nầy: Trong chúng ta ai cũng biết chuyện xưa “Bẻ gãy bó đũa”. Một bó đũa để nguyên thì không ai có thể bẻ gãy, nhưng lấy rời ra từng chiếc một thì bẻ gãy dễ dàng, nội dung câu chuyện nói lên tình đoàn kết gây nên sức mạnh. Muốn có đoàn kết trước hết phải có tình thương yêu ruột thịt, hoà thuận nhau, ý thức quyền lợi chung của tập thể. Các con làm được vậy, chẳng những tạo nên hạnh phúc, phát đạt, vui lòng cha mẹ, mà còn gây nên tiếng thơm cho gia tộc và sự nể trọng của mọi người. Hôm nay là ngày Đáo tuế mừng thọ của cha, cha mẹ muốn các con ghi nhớ và thực hiện cho kỳ được một điều, đó là chuyện “Bó đũa” nói trên thì cha mẹ mãn nguyện lắm vậy.
          - TỬ TÔN CÚC CUNG BÁI: Con cháu lạy 2 lạy.        
          - CUNG THỈNH THỌ ĐẠI NHÂN HỒI CỰU SỞ: Hai vị thọ nhân rời thọ tịch.
          - LỄ THÀNH VIÊN MÃN: Cuộc lễ chấm dứt, thành công tốt đẹp.
          Trống bát cấu của ban nhạc lễ trổi lên đưa hai vị thọ nhân và mọi người trở lại sinh hoạt bình thường. Chủ nhà mời khách vào tiệc, con cháu lo phục vụ khách. Ban nhạc hoà tấu văn nghệ  giúp vui cho buổi tiệc.
           Trên đây là lễ Đáo tuế Hạ thọ. Còn các lễ Trung thọ, Thượng thọ, Đại thọ tuỳ theo lễ mà sửa đổi các chi tiết cần thiết cho phù hợp. Tất cả đều nhằm ý nghĩa giáo dục chữ hiếu và tôn vinh người lớn tuổi, để các cụ được sống vui, sống khoẻ, sống có ích cho xã hội.
                                                                  ooo
           Vì nhận thấy Đáo tuế – Mừng thọ là một mỹ tục mang tính giáo dục cao, nên qua những cuộc điền dã thực tế, chúng tôi tìm học được ở các vị cao niên, am tường nghi lễ những điều tối thiểu ghi trên. Tuy nhiên, tất cả đều mang tính tham khảo. Chúng tôi mong nhận  được sự chỉ giáo của những bậc cao minh, để lễ Đáo tuế – Mừng thọ khả dĩ trở thành  một quy chuẩn nhất định, góp phần nhỏ trong việc bảo lưu nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./-
 
 
 
 
 
 

Đỗ Văn Đồng

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 61

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 59


Hôm nayHôm nay : 9617

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 175105

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8321515