Thứ tư 06/11/2024

NỘI DUNG CHÍNH

MIỄU BÀ CỐ

Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam, nếu thờ Bà thì người ta thường lập miểu thờ Bà Ngũ Hành, Bà Thiên Hậu, Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, Bà Đen ở núi Tây Ninh. Nhưng cá biệt ở làng Bình Trị, nay là Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành (Long An) người dân nơi đây lập miểu thờ “Bà Cố”. Ngôi miểu nầy tọa lạc tại ấp Bình Trị, nếu ta đi từ thành phố Tân An xuống xã Bình Quới qua khỏi cống đập xã Phú Ngãi Trị chừng 200 mét quẹo phải, và từ đó đi vô khỏi cầu Biện Trẹt chừng 50 mét quẹo trái khoảng 200 mét thì tới miểu.

                  Vì sao gọi “Bà Cố”? Cách nay 70 năm, ông nội tôi chết lúc tôi còn nhỏ. Khi lớn lên tôi hỏi bà nội, vì bà cũng sanh quán nơi đây, nhưng bà cũng không giải thích được, chỉ nói miểu Bà Cố có từ lâu đời. Nghe ông bà xưa truyền miệng kể: Có một bà từ đâu tới thấy có miếng đất trống nên dựng chòi để ở. Lúc bây giờ bà vào khoảng 60 tuổi, không chồng con. Trong thời gian bà ở đây, các em giữ trâu thường lùa trâu tới. Sau khi thả cho ăn, các em vào chơi bên cạnh chòi.

 

                  Hôm đó, đang chơi đùa vui vẻ thì bỗng nhiên có một em đau bụng dữ dội nằm lăn lộn trên mặt đất. Hoảng hồn vì bạn bị đau, nhưng gần đây không có nhà, chỉ có căn chòi của cụ bà sát bên, vì vậy các em chạy vào cầu cứu. Bà cụ liền ra gần đây bức cây lá đâm dập vắt lấy nước cho uống. Sau khi uống xong một lát thì em nầy hết đau.

 

                  Về nhà các em kể lại cho cha mẹ nghe rồi người nầy chuyền miệng nói với người kia. Về sau trong ấp, trong làng và các vùng lân cận, mỗi khi ai đau bịnh cũng đều tới đây nhờ bà cho uống thuốc đều hết bịnh. Từ đó, tiếng tăm bà được người ta đồn xa. Chẳng những trị bịnh nội thương, người nào bị trặc chân sai khớp, bà nắn bóp cho thuốc thoa cũng hết, thậm chí xương bị gãy bà bó thuốc cũng mau lành. Ai bị tà ma quấy phá, bà vẽ bùa đem về đốt uống hoặc dán bùa trấn ếm đều được bình yên. Vì vậy, trong làng và các vùng lân cận đều tôn sùng bà như thần thánh.

 

          Cảm kích tấm lòng nhân hậu của bà, lúc đầu các em giữ trâu chỉ dùng cây chống chỏi chòi bớt xiêu vẹo, chèn vách kín đáo hơn. Thời gian sau, bà con trong ấp kẻ đốn cây, người đốn lá dựng lại thành căn nhà nhỏ đàng hoàng hơn – nóc không còn giọt mưa giọt nắng, vách phên không còn trống hoác như trước đây. Bà con trong làng kẻ góp gạo, người thực phẩm, áo quần. Từ đây bà không còn sống chật vật như xưa nữa. Hằng ngày người dân các nơi tới nhờ bà chữa bịnh rất đông. Sau khi bà qua đời, dân làng vô cùng thương tiếc cùng nhau dựng thành ngôi miểu. Bởi trước đây hỏi tên, bà chỉ cười không cho biết. Vì vậy mọi người gọi là miểu “Bà Cố” cho tới nay.

 

          Đặc biệt, địa danh “MIỂU BÀ CỐ” đã đi vào lịch sử của tinh Long An. Bởi nơi đây vào khoảng tháng hai âm lịch năm 1954, Việt Minh có chiến thắng vang dội. Trận chiến nầy khiến cho nhiều lính  tử trận và bị thương. Trận diễn ra cho tới khi kết thúc không lâu. Vì vậy, Bộ chỉ huy quân sự trên tỉnh không kịp thời tiếp viện hay không dám tiếp viện (?). Số binh lính bị bắt sống nhiều ít, có bắt làm tù binh không, chúng tôi không rõ. Nhưng sáng sớm hôm sau, số binh lính mang thương tích được băng bó đưa ra ngả tư chợ Kỳ Son kêu xe ngựa chở về Tân An.

 

                  Qua ngày hôm sau, khoảng 2 giờ chiều, xe cam nhông chở hàng của tư nhân được điều xuống đậu cách xa trận địa để chở thây. Lúc bây giờ từ đầu cầu sắt (nay làm cống đập) đi xuông tới ngả ba quẹo vô cầu Biện Trẹt, bên tay mặt gần đầu cầu chỉ có vài ba căn nhà, bên tay trái cũng vậy. Từ ngả ba vô tới cầu Biện Trẹt hai bên trống trải không có nhà dân. Vì vậy cho nên lính đi bắt dân khiêng thây không dám đi sâu vào trong xóm. Mặt khác, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cũng cần lấy thây sớm, không muốn kéo dài vì sợ thân nhân binh lính phản đối. Nhưng cũng không dám cho lính trực tiếp lấy thây, vì sợ Việt Minh phục kích lần nữa chăng? Vì vậy cho nên phải bắt nhiều người dân khiêng được lưỡng toàn và nhanh chóng. Bởi cần số người đông cho nên phải bắt dân bên chợ Kỳ Son, trong đó tác giả. Khi đi khiêng không có băng-ca hay võng mà chỉ khiêng bằng tay - một người có sức lực mạnh mẽ cầm hai chân đi tới trước, hai người cầm tay thi thể hai bên hoặc bốn người cầm tay chân khiêng khiêng chớ không có võng hay băng-ca. Bởi lúc bây giờ nếu tận dụng hết băng-ca ở nhà thương nhiều lắm chừng 3-4 cái, võng thì không thể, vì phải vô xóm mới có mà thì giờ không thể kéo dài. Vì trời quá nắng cho nên thi thể mau phình trướng, bốc mùi, vì vậy cho nên khi khiêng phái nín mũi, thở bằng miệng. Khi ra tới xe khiêng lên để trên sàng xe và phải rắc vôi bột để tránh ruồi nhặng.

 

                  Nhân kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng ở “Miểu Bà Cố”, chúng tôi viết bài nầy với mục đích trao đổi cùng độc giả về sự tích “Miểu Bà Cố” là chính, chớ không đi sâu vào chi tiết trận chiến. Những lời kể về miểu Bà Cố trên đây là do dân gian từ xưa truyền khẩu tới bây giờ không biết có chính xác không? Chúng tôi không dám khẳng định, vì chưa nghe ai đi sâu vào sưu tầm nghiên cứu./.            

 

SONG KỲ

Theo TCVNLA 04/2014

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 16

Máy chủ tìm kiếm : 7

Khách viếng thăm : 9


Hôm nayHôm nay : 3636

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 32065

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10644521