Theo PGS.TS PhanThị Yến Tuyết, cúng Việc lề (còn gọi là cúng Vật lề, cúng Lề…) là “nghi thức cúng truyền thống theo việc đã thành lề thói, thành lệ, được hình thành trong quá trình khai phá, khẩn hoang vùng đất Nam bộ của người Việt.Tín ngưỡng này không có ở miền Bắc và không rõ ràng ở miền Trung” (Tạp chí Dân tộc học số 1-1999, Tín ngưỡngcúng Việc lề - một tâm thức về cội nguồn của cư dân Việt khẩn hoang tại Nam bộ). Long An có lịch sử khẩn hoang sớm, vì vậy tục này khá phổ biến; một thống kê chưa đầy đủ cho biết hiện có trên 500 gia đình duy trì rất nghiêm túc, trong đó nhiều dòng họ còn giữ được nghi thức đặc thù thể hiện tinh thần của tín ngưỡng này.
Về nguồn gốc, tục cúng Việc lề xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nhưng do hoàn cảnh trong những ngày đầu khẩn khoang gian khó ở Nam bộ nên trong nghi thức cúng có nét đặc thù là phản ánh dấu ấn thời khai hoang, qua đó ghi nhớ công ơn tổ tiên và nhận diện dòng họ. Cúng Việc lề đan xen nhiều nội dung rất phức tạp, nhưng tựu trung gồm: trước là cúng Việc lề, sau đó là cúng cầu an, cúng đất và cúng thí thực. Trong đó, riêng mâm cúng Việc lề không bày trên bàn mà thường bày dưới đất. Đây chính là yếu tố khác biệt của cúng Việc lề với một đám giỗ kỵ thông thường. Đặc điểm cơ bản nhất của tín ngưỡng này là tính chất riêng tư của từng dòng họ được thể hiện qua ngày cúng và vật cúng mà chỉ có người trong họ mới biết.
Vật cúng cốm chuồi rải trên mâm ô rô cóc kèn trong đám cúng Việc lề họ Lê,
xã Đức Tân, huyện Tân Trụ.
Ngày cúng tuỳ theo lệ của dòng họ. Đó có thể là ngày giỗ hội, ngày mất của vị thủy tổ, ngày cúng đất, ngày cúng cầu an dòng họ(1)... Cá biệt có dòng họ chọn ngày cúng theo nghề hoặc đặc điểm lịch sử dòng họ mình(2). Thời điểm, thường là cận đến sau tết Nguyên Đán vào các dịp Tảo mộ ( ngày 25-12 nên gọi là giỗ chạp)(3), rước ông bà (30-12)(4), kiếu ông bà (mồng 3, 4, 5 tháng Giêng), Hạ nêu (mồng 7 tháng Giêng), Thanh Minh (tháng 3 Âm lịch)(5)… Vùng Đồng Tháp Mười lại thường chọn thời điểm nước nổi, là lúc sản vật dồi dào(6). Nhìn chung, đó là lúc nông nhàn, với người làm nghề nông, cũng là lúc có điều kiện về kinh tế để tổ chức.
Trong nghi thức cúng, người ta cố tái hiện lại cuộc sống nhọc nhằn, cơ cực của tổ tiên thời xưa đi khẩn hoang, như bày thức cúng trên đệm bàng hoặc chiếu trải dưới đất ngoài sân, dùng đĩa thô, chén sành, hoặc hái lá sen, lá môn làm dĩa, lấy gáo dừa, bẹ chuối làm chén, bẻ cọng tre làm đũa...Thức cúng đều là những món ăn mộc mạc, đơn sơ, phản ánh hoàn cảnh sống thiếu thốn lúc bấy giờ, như cá lóc nướng trui, cháo ám, cá chỉ cạo nhớt, để nguyên vảy, không chặt bỏ kỳ, vi, đuôi (vì không có dao); rau mọc dại ven sông như rau ráng, ô rô, cóc kèn..., mắm sống, cốm nổ rang ...v.v.
Cháo ám đựng muỗng vùa, tiên tổ khai đường hậu thế
Rơm đồng thui cá lóc, cháu con cảm đức tiền nhân.
(Câu đối treo trong ngày cúng Việc lề của họ Đỗ ở xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành)
Ở Long An, ngoài cá lóc nướng trui và cháo ám là hai món không thể thiếu, nhiều họ có món đặc thù của riêng mình. Họ Trần ở xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ bắt buộc phải có 100 cái bánh tét, 100 cái bánh ít, mỗi cái nhỏ bằng ngón chân cái, một chén nổ (nếp để nguyên vỏ đốt cho nổ bung ra thành cốm). Họ Lê ở phường Khánh Hậu, thành phố Tân An cúng miếng đường tán, bánh tráng. Họ Phạm ở thành phố Tân An cúng đĩa gỏi cuốn, 5 mũi tên, một đĩa tam sên (trứng, tép, cua). Họ Võ ở thị trấn Mộc Hóa, huyện Mộc Hóa bắt buộc phải có gỏi da tượng (nay thế bằng da heo), một miếng da heo được cắt hình voi để nguyên trên mâm, tương truyền xưa trước khi về Đồng Tháp Mười chuyên săn bắn.Trước đây, trong mâm cúng của họ Võ còn có miếng thuốc phiện để nhắc nhở và răn dạy con cháu tránh xa tệ nạn này bởi trong họ có một người bị nghiện. Họ Lê ở xã Thanh Phú, huyện Bến Lức ngoài rau luộc, thủ vĩ lợn, tam sên… còn có đĩa thịt sống (để cúng chúa sơn lâm, do trước đây trong họ có người bị hổ vồ) và hình nộm bằng rơm với 5 tàu lá dừa, 5 mũi tên hình thành thế trận Ngũ Hành để diệt trừ yêu tà quấy phá dòng họ. Họ Nguyễn ở xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa cúng gạo, muối, 10 hột vịt, tam sên và con rắn nướng. Họ Huỳnh ở xã Bình Tâm, thành phố Tân An ngoài gạo, muối... còn có tô nước lạnh (hàm ý để ông bà rửa mặt) và tấm gương có phủ vải đỏ (hàm ý “nhiễu điều phủ lấy giá gương”). Họ Đỗ ở xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, ngoài cháo cá ám nấu còn nguyên hạt gạo lức, xôi, bánh ít, trầu, cau, thuốc... bắt buộc phải có 1 con cá lóc, 3 con tôm nướng để trên đĩa ô rô, cóc kèn và lá môn. Họ Lê ở Đức Tân, huyện Tân Trụ cúng một mâm cốm chuồi (gạo nếp rang ngào đường) rải lên trên ô rô, cóc kèn, dao phay, thớt, gáo múc nước.
Buổi ăn cộng cảm trong đám cúng Việc lề họ Nguyễn
ở xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa
Một đặc điểm nữa là cúng Việc lề chỉ giới hạn trong nội bộ dòng họ, không có người ngoài. Ngày nay do điều kiện giao lưu, ít nhiều có thay đổi nhưng tinh thần ấy vẫn giữ. Đến ngày ấy, con cháu tự nhớ mà tề tựu về, không mời, ai có gì mang nấy. Sau khi chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết, chủ tế với khăn đóng áo dài tề chỉnh, rót rượu, nước, đốt nhang khấn vái, đại ý là nhớ công đức của tổ tiên đã chịu nhiều gian khổ, hiểm nguy đến vùng đất mới sinh cơ lập nghiệp cho con cháu muôn đời, rồi theo thứ bậc trong gia tộc, mỗi người lạy bốn lạy... Khi nhang tàn, chủ tế đốt giấy tiền vàng bạc, rải gạo muối và kết thúc bằng nghi thức thả bè chuối, tức xếp lên chiếc thuyền được làm bằng bẹ chuối các lễ vật đã cúng tổ tiên và chúa Ngu Man Nương (chủ đất) mỗi thứ một ít (tượng trưng cho lương thực) để tiễn đưa tổ tiên về cõi âm. Thuyền được đưa ra ngả ba sông rạch để “hạ thủy”. Nghi thức này mang ý nghĩa Nam tiến và Bắc hồi, gợi nhớ cảnh vượt biển vào Nam lập nghiệp và quay thuyền về thăm quê hương bản quán ở miền ngoài. Nhiều nơi, lúc thả bè người ta không quên kèm theo một câu chúc “Ông bà đi mạnh giỏi”. Sau cùng là bữa ăn cộng cảm của dòng họ với những câu chuyện buồn vui được truyền lại từ thời cha ông mình đi khai phá. Nhiều dòng họ vẫn còn giữ những tập quán đẹp như họ Nguyễn ở Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, vật cúng không thể thiếu là rắn nướng được đem ra chia sẻ cho người một ít. Họ Đỗ ở Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, trước khi vào tiệc, món cháo cá ám và cá nướng trui được kiến cho người lớn tuổi, sau đó đến những người khác trong họ.
Về ý nghĩa, cúng Việc lề thể hiện những tình cảm thiêng liêng về nơi chôn nhau cắt rốn, về họ hàng của người Việt khẩn hoang trên bước đường khai mở vùng đất mới. Do đặc điểm lịch sử, người Việt khẩn hoang ở Nam bộ vì nhiều lý do khác nhau, đa phần không ghi gia phả như tổ tiên ở miền Bắc, miền Trung vì sợ tiết lộ thân phận. Kết quả khảo sát, nghiên cứu cho thấy đa phần lưu dân đến khẩn hoang ở Long An là từ miền Ngũ Quảng vốn rất chặt chẽ, kỹ lưỡng về gia phả dòng tộc, nhưng khi vô Nam lại không mấy ai ghi gia phả. Các gia đình ở Long An và Nam Bộ nói chung hiếm có lệ ghi gia phả. Chỉ những gia đình khá giả, quyền thế sau này lập tông chi chủ yếu để phân chia ruộng đất, ghi sơ sài ngày cúng giỗ ông bà, chỉ bắt đầu từ thế hệ những người vô
Hai trăm năm trước tổ tiên dày công khai phá
Cả vạn đời sau cháu con gắng sức vun bồi.
*****
Tụ nghĩa chiêu binh, Bình Trị địa linh bia đá tạc
Vong thân vị quốc, Đỗ gia nhân kiệt sử vàng ghi.
.......
(Câu đối treo trong ngày cúng Việc lề của họ Đỗ ở xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành)
Ngoài thể hiện lòng biết ơn đối với tiền nhân khai phá mở cõi, tính giáo dục về lòng yêu nước, tự hào dòng họ, dân tộc trong tục cúng Việc lề ở Long An thể hiện rất rõ qua văn tế, câu đối... trong nghi thức cúng, nhất là những dòng họ có nhiều đóng góp vào sự nghiệp chống giặc cứu nước như họ Nguyễn ở xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, họ Đỗ, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành...(7). Xét ở mọi góc độ: văn hóa, lịch sử và nhân sinh, cúng Việc lề có vị trí xứng đáng trong việc bảo tồn để góp phần giáo dục truyền thống. Nó giáo dục trực tiếp ngay trong từng con người, gia đình, dòng họ, trực quan và rất cụ thể.
Tuy nhiên, điều kiện xã hội thay đổi hiện nay ít nhiều đã kéo theo những lệch lạc. Nhiều nơi, người ta bày ra những nghi thức khác lạ, cầu kỳ mà quên rằng tinh thần cơ bản nhất của tín ngưỡng này là những nghi thức đơn giản nhưng riêng biệt của mỗi họ gợi nhớ thời khẩn hoang gian khó của cha ông. Thậm chí, do nhận thức và tác động của cuộc sống vật chất, một số nơi còn bị biến tướng, gây phản cảm. Như một đám cúng ở xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, năm 2009, để khoe khoang sự giàu có của mình, con cháu gia chủ đã thay thế cổ tục của ông bà bằng những màn ăn uống, hát xướng linh đình suốt nhiều ngày, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng.
Chính vì vậy, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá vị trí của tục cúng Việc lề trong đời sống xã hội, từ đó tuyên truyền trong nhân dân về ý thức bảo vệ di sản mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này; đồng thời mạnh dạn loại bỏ cái tiêu cực, phát huy cái tích cực, để phù hợp với đời sống văn hóa mới đương đại./.
Nguyễn Tấn Quốc
(Bảo tàng Long An)
_____________
(1) Họ Võ ở thị trấn Mộc Hóa, huyện Mộc Hóa lấy ngày cúng là ngày mất của người vợ vị thủy tổ trong họ, ông Võ Tự Phụng, ngày 25 tháng Giêng. Họ Lê ở xã Thanh Phú, huyện Bến Lức lấy ngày giỗ của một vị thủy tổ trong họ từng là Tổng đốc Thủy đạo Trường Sa, quê ở Quảng Nam. Họ Lê ở xã Đức Tân, huyện Tân Trụ lấy ngày cúng đất, 18-3. Họ Nguyễn ở xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa lấy ngày cúng Cầu an ở miếu bà Chúa Xứ của dòng họ, 16-2.
(2) Họ Nguyễn ở xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức làm nghề chài lưới, nên lấy ngày cúng Cầu ngư, 10-3 làm ngày cúng Việc lề. Tuy nhiên ngày nay thế hệ con cháu còn hiểu đó là ngày cụ Nguyễn Trung Trực từ biệt gia đình xuất quân chống Pháp .
(3) Họ Hồ, họ Nguyễn, xã Long Sơn, huyện Cần Đước; họ Phạm, họ Nguyễn, xã Phước Lại, họ Biện Hữu, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc; họ Nguyễn, họ Đặng, xã Lợi Bình Nhơn, thành phố Tân An; họ Đoàn, xã Mỹ Thạnh, họ Lê, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa …
(4) Họ Nguyễn ở khóm 4, thị trấn Thạnh Hóa.
(5) Họ Phạm, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức; họ Huỳnh, xã Phước Vân, huyện Cần Đước; họ Nguyễn, họ Lê, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc…
(6) Họ Nguyễn ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Hưng cúng Việc lề vào giữa năm, 5-7.
(7) Trong đoạn văn tế trong đám cúng Việc lề dòng họ Đỗ xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành có đoạn: “... Hơn thế nữa, nhìn đất nước bị ngoại bang dày xéo, lòng chẳng đặng an khí tiết anh hùng trỗi dậy mới lập đàn bái tướng , chiêu tập anh hùng, gom góp sản vật, bán bớt ruộng đất đứng lên theo Thủ Khoa Huân chống Pháp. Hai ông Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự lấy vùng Bình Cách và hành lang Long Trì-Bình Dương (Mỹ Tho) làm cứ địa kháng chiến. Than ôi! Giáo mác thô sơ không địch nổi với súng Tây hùng mạnh, nên hai ông bị bắt và bị xử tử. Thảm thay! Thảm thay! Vậy bổn phận con cháu phải hết lòng tưởng niệm công đức tổ tiên chúng ta ví như trời cao biển rộng . Than ôi, nghĩ tới ngậm ngùi chua xót...”.
Từ đường của dòng họ Nguyễn ở xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức còn ghi bài thơ, tương truyền của Nguyễn Trung Trực thể hiện khí tiết của ông trước lúc hy sinh:
Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên
Yêu gian đảm khí hữu long tuyền
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa
Bảo hận thâm cừu bất đới thiên.
(Thi sĩ Đông Hồ dịch).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 33
Hôm nay : 2207
Tháng hiện tại : 70531
Tổng lượt truy cập : 10541577